Home / Chia Sẻ / HÃY THỰC LÒNG TRỞ VỀ VỚI CHÚA

HÃY THỰC LÒNG TRỞ VỀ VỚI CHÚA

                                                 

    Vào mỗi dịp lễ trọng hoặc trước một mùa phụng vụ, giáo xứ Nhân Hòa có truyền thống treo trên cung thánh hai bên hai câu đối dễ thuộc, dễ nhớ, thường lấy cảm hứng từ Kinh Thánh. Mùa Chay năm nay giáo dân vào nhà thờ dự lễ hoặc nguyện ngắm đọc được hai câu:

HÃY THỰC LÒNG TRỞ VỀ VỚI CHÚA ­­

VÌ NGƯỜI NHÂN HẬU VÀ TỪ BI.

 

Hai câu này làm tôi liên tưởng đến bài dụ ngôn “Người cha nhân từ” (Phúc Âm theo thánh Luca, đoạn 15, câu 11-32).

Bài dụ ngôn kể về người con thứ phóng đãng, hoang đàng; người cha nhân hậu, bao dung cùng người con cả có tính ghanh tỵ, cố chấp. Chúng ta có thể cảm nghiệm lòng nhân từ của người cha khi sẵn sàng chia gia tài theo đòi hỏi của người con thứ. Người cha cho đứa con không một chút đắn đo, phiền trách. Cho và cho hết lòng, không có chút nghi ngại người con sẽ dùng phần gia tài được chia để làm gì? Người con thứ thu vén đi xa, sống cuộc đời ăn chơi, trụy lạc, hoang phí đến nỗi không còn một đồng xu dính túi, phải xin làm thuê, chăn heo ngoài đồng cho một người dân trong vùng. Có lúc đói, muốn xin thức ăn của heo, nhưng chẳng ai cho. Trong cơn khốn quẫn người con nhớ đến cha mình. “Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ… ‘Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha”  (Lc 15, 17-20).

Dụ ngôn kể tiếp người con tội nghiệp này đã tìm đường trở về nhà, thưa như vậy với người cha và được người hoan hỉ đón tiếp. Ở đây chúng ta cảm nghiệm nỗi lòng thành tâm hối cải và thái độ ăn năn muốn chuộc lỗi của người con. Anh thành tâm hối cải mới quyết chí đứng lên, đi về cùng cha mình. Anh có thái độ ăn năn muốn chuộc lỗi khi tự thú mình không còn đáng được gọi là con mà xin coi như một người làm công của cha mình. Trước tình cảnh của người con, người cha đối xử ra sao?

Dụ ngôn “Người cha nhân từ” kể: “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.” (Lc 15, 20).

Không gì cảm động hơn nếu ta hình ảnh hóa cảnh tượng này. Hình ảnh một người cha vui mừng khôn xiết khi nhìn thấy đứa con trở về, dù đó là đứa con hoang đàng chi địa, không môt lời tra gạn phủ đầu đứa con phá gia chi tử. Hình ảnh đó nói lên tất cả lòng bao dung vô bờ bến của người cha. Ông phớt lờ nhũng lời ăn năn thống hối của người con mà ra lệnh cho gia nhân trang phục đẹp cho cậu ấm đang tàn tạ vì bao năm bỏ nhà đi hoang. Ông dục gia nhân bắt con bê béo làm thịt đãi tiệc ăn mừng. Vì theo lời ông nói với họ: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15, 24).

Lòng nhân hậu của người cha vấp phải thái độ ghanh tỵ của người con cả. Làm việc vất vả ngoài đồng về, thấy trong nhà đàn ca nhảy múa, hỏi ra biết được cha mình đang ăn mừng đứa em hoang đàng trở về.

Người con cả nổi giận không thèm vào nhà mặc cho người cha năn nỉ. Anh lên tiếng ghanh tỵ: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho con lấy được một con dê để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15, 29-30).

Khách quan mà nói, đứa con cả ganh tức cũng có lý. Ai đời một người cha lại chiều chuộng một thằng con mất nết như thế! Lại còn hồ hởi đãi tiệc thằng con hoang đàng đến độ cùng đường phải trở về nhà. Tuy nhiên, lòng nhân hậu và từ bi vượt lên tất cả. Ở đâu có yêu thương, độ lượng, ở đó không có ghen ghét, hận thù. Một lần nữa chúng ta thấy thái độ nhân từ và công bằng của người cha khi ông nói với người con cả: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15, 31-32).

Bài dụ ngôn kết thúc, không nói gì thêm về thái độ của người con cả. Hẳn là anh ta đã cảm nhận lòng nhân từ của cha mình, thương cảm cho hoàn cảnh của người em và theo người cha đi vào nhà dự tiệc vui đoàn tụ với em mình.

Chúng ta biết người cha trong dụ ngôn Chúa Giêsu rao giảng này tượng trưng cho Thiên Chúa, người con thứ tượng trưng cho mỗi người chúng ta. Tôi cũng như bạn hẳn đã hơn một lần hoang đàng trong cuộc sống, không cách này cũng cách khác. Chúng ta hoang phí phần gia sản Ngài phân chia. Đó có thể là của cải vật chất. Thay vì dùng để làm bác ái, từ thiện, chúng ta tiêu xài vào những cuộc ăn chơi, chưng diện vô bổ, phù phiếm. Đó là những báu vật tinh thần Ngài ban tặng, như tri thức, trí tuệ. Thay vì tận dụng tạo ra những dự án công trình hữu ích cho xã hội, chúng ta tính toán âm mưu vị lợi cho bản thân mà bất kể hủy hoại đến tha nhân. Quý giá hơn, đó là các ân sủng Thiên Chúa trao ban. Chúng ta hờ hững đón nhận rồi nguội lạnh cất giữ. 

Mùa Chay, đi lễ, bước vào nhà thờ Nhân Hòa, nhìn lên cung thánh, tôi đọc hai câu đối:

HÃY THỰC LÒNG TRỞ VỀ VỚI CHÚA

VÌ NGƯỜI NHÂN HẬU VÀ TỪ BI.

    Sau thánh lễ, tôi nghe lời cha sở (*) mời gọi giáo dân: “Ai muốn xưng tội, xin mời xuống hiên nhà Xuân Bích”. Bí tích giải tội Chúa Giêsu thiết lập là một ân sủng vô giá. Ngài trao ban cho tôi, cho bạn, những đứa con hoang đàng, sao chúng ta nỡ vong ân từ chối! không biết đón nhận và thực thi. Lạy Chúa, xin đừng để con chết trong tội lỗi nhưng cho con sống lại trong Lòng Thương Xót của Ngài. Amen.

Long Vân

                                                      Giáo xứ Nhân Hòa

——————————      

*Cha sở xứ Nhân Hòa thuộc Tu hội Xuân Bích

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN