Home / Chia Sẻ / HÃY LÊN ĐƯỜNG

HÃY LÊN ĐƯỜNG

 

HÃY LÊN ĐƯỜNGHội đồng Giám mục Việt Nam, trong Hội nghị thường niên tổ chức tại Tàpao (Gp Phan Thiết) vào trung tuần tháng chín vừa qua, đã gửi đến Cộng đoàn Dân Chúa một thư Mục vụ với chủ đề: Cùng nhau loan báo Tin Mừng.  Các vị chủ chăn của Giáo hội Công giáo Việt Nam mời gọi các tín hữu hãy ý thức sứ vụ loan báo Tin Mừng, đồng thời tham gia tích cực vào sứ mạng thiêng liêng này.  Một cách cụ thể, các ngài đề nghị mỗi tín hữu trước hết hãy sống tinh thần truyền giáo từ gia đình, bằng việc cầu nguyện chung với nhau.  Các bậc cha mẹ phải hiểu biết giáo lý để có thể hướng dẫn con mình sống theo đức tin.  Một gia đình sống tinh thần truyền giáo sẽ tạo nên những tín hữu có khả năng sống chứng tá Tin Mừng trong mọi môi trường xã hội.

 

Chúa nhật thứ III tháng Mười dương lịch hằng năm là ngày “Cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo,” hay đơn giản là “Chúa nhật truyền giáo.”  Mục đích của ngày này là giúp người tín hữu ý thức sứ mạng loan báo Tin Mừng, đồng thời cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo sinh hoa kết trái trên toàn thế giới.

 

Trong lối suy nghĩ thông thường của nhiều người tín hữu, truyền giáo là việc của các linh mục và tu sĩ.  Thực ra, đây là sứ mạng của mọi người đã được lãnh nhận bí tích Thanh tẩy.  Đức Giê-su phục sinh trao sứ mạng này cho các môn đệ và cho tất cả những ai sẽ làm môn đệ của Người trong thời gian.

 

Có người đặt câu hỏi với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: “Đức Thánh Cha không ngừng nhắc đến một “Giáo hội lên đường.”  Nhiều người đã mượn cách diễn tả này và đôi khi xem ra nó trở thành một khẩu hiệu gây nhàm chán.”  Đức Thánh Cha đã trả lời: “Giáo hội lên đường không phải là cách nói mang tính thời thượng do tôi phát minh; đó là lệnh truyền của Chúa Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô.  Người kêu gọi những ai theo Người tiến vào giữa lòng thế giới và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.  Giáo hội hoặc là lên đường, hoặc không còn là Giáo hội; Giáo hội hoặc là truyền giáo hoặc không còn là Giáo hội.  Nếu không lên đường, Giáo hội sẽ mục ruỗng và trở thành một thứ gì đó.”  Những lời này của Đức Thánh Cha cho thấy: nếu không truyền giáo, sự hiện hữu của Giáo hội (và mỗi người tín hữu) sẽ trở nên vô nghĩa và vô dụng.

 

Hãy lên đường!  Đó là lệnh truyền của Chúa Phục sinh.  Tất cả chúng ta đều được mời gọi lên đường, trong khi chúng ta vẫn sống trong giáo xứ, trong gia đình, và vẫn giữ nhịp sống hằng ngày.  Vậy, lên đường ở đây trước hết là sự đi ra khỏi chính bản thân.  Đó là sự khiêm tốn chấp nhận những yếu kém và giới hạn của mình.  Đó cũng là những cố gắng để học hỏi Lời Chúa, học hỏi những người xung quanh để bản thân được gọt dũa, trở nên hoàn thiện.  Thiện chí đi ra khỏi chính mình cũng giúp chúng ta sống hài hòa với mọi người, mặc dù còn những khác biệt về tuổi tác, kinh tế, trình độ văn hoá hay tôn giáo.  Một khi chấp nhận đi ra chính bản thân để sống hài hòa với người khác, chúng ta sẽ diễn tả hình ảnh trung thực của Chúa Giê-su, Đấng đã mang lấy thân phận con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi.

 

Người tín hữu chỉ có thể trở thành người truyền giáo, khi chính bản thân mình phải trước hết được truyền giáo.  Quả vậy, nếu chúng ta không thấm nhuần tinh thần thừa sai và không thực sự cảm nhận hạnh phúc và niềm vui của người tin Chúa, thì làm sao chúng ta có nhiệt thành để giới thiệu Người cho người khác?  Để trở nên tác viên của công cuộc truyền giáo, tín hữu phải đón nhận Lời Chúa, được Lời Chúa tôi luyện để trở thành khí cụ sắc bén của việc loan báo Tin Mừng.

 

Mặc dù mọi tín hữu đều được trao sứ mạng truyền giáo, nhưng tác nhân chính của công cuộc truyền giáo là Chúa Thánh Thần.  Lịch sử Giáo hội đã chứng minh: kết quả truyền giáo không đến từ những ảnh hưởng như quyền lực, vật chất và những thế lực trần gian khác.  Chúa Thánh Thần luôn hoạt động nơi nhà truyền giáo và làm cho công việc truyền giáo sinh hoa kết trái.  Kết quả truyền giáo không đến từ con người, mà đến từ Thiên Chúa.  Con người chỉ là dụng cụ để qua đó Thiên Chúa thông truyền tình thương cứu độ của Ngài.  Chúng ta hãy nỗ lực loan báo Tin Mừng với thiện chí và khả năng, chính Chúa Thánh Thần sẽ làm cho những cố gắng ấy sinh hoa kết trái.

 

Chúng ta hãy nghe Đức Thánh Cha Phan-xi-cô định nghĩa về truyền giáo: “Truyền giáo có nghĩa là công bố chứng tá của mình về Chúa Ki-tô bằng những từ ngữ cụ thể và giản dị như các tông đồ đã làm, không cần phải tạo ra những huấn từ mang tính thuyết phục.”

 

Xin Đức Mẹ Mân Côi, Đấng chúng ta yêu mến tôn vinh trong tháng Mười này, hướng dẫn và giúp chúng ta lên đường để giới thiệu cho mọi người về Chúa Giê-su và Giáo Hội của Người.  Amen!

 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG