Home / Chia Sẻ / HÃY ĐÓN NHẬN CON TRAI TÔI

HÃY ĐÓN NHẬN CON TRAI TÔI

HayDonNhanConTraiToi“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban CON MỘT, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời.” (Ga 3,16).

Một nhà triệu phú và đứa con trai rất đam mê sưu tầm những họa phẩm hiếm nổi tiếng.  Họ đã thu thập được hết thảy những bức tranh tuyệt tác của các danh họa lừng danh trên thế giới, từ Picasso tới Raphael.  Hai cha con thường ngồi bên nhau để thưởng lãm và ca ngợi những nét vẽ thần tình và linh động tuyệt vời của các bức họa mà họ đã ra công sưu tầm được.

Khi chiến tranh bùng nổ, người con nhận được lệnh gọi phải nhập ngũ.  Sau một thời gian huấn luyện, anh theo đơn vị ra chiến trường.  Anh tỏ ra một chiến sĩ dũng cảm và rất yêu thường đồng đội, nhưng anh đã phải hy sinh nơi trận địa trong lúc cứu mạng sống của một đồng đội.  Khi nhận được hung tin, người cha vô cùng đau đớn về cái chết đột ngột của người con trai duy nhất của ông.

Khoảng một tháng sau, ngay trước Lễ Giáng Sinh, vào một buổi xế chiều người cha đang ngồi ngắm nghía những bức họa mà lúc sinh thời người con ưa thích; thình lình nghe tiếng gõ cửa ông đứng lên bước ra mở cửa.  Một thanh niên lạ mặt hai tay ôm một gói lớn, cất tiếng chào.

–    Kính chào Bác, chắc chắn Bác chưa từng biết cháu là ai, cháu xin phép được tự giới thiệu: cháu là người lính đã được con trai Bác cứu mạng trong một cuộc đụng độ.  Anh ấy đã cứu rất nhiều bạn đồng đội trong ngày hôm ấy và trong khi đang vực cháu vào chỗ nấp an toàn, anh đã bị một viên đạn của đối phương bắn trúng ngay tim và gục ngã tức thời.

Trong những ngày còn tại thế, chúng cháu sống bên nhau, anh ấy thường hay nhắc đến Bác rất nhiều với cháu, và kể cho cháu nghe về sự ưa chuộng và mê say những tác phẩm hội họa của Bác, cũng như Bác đã giảng giải cho anh về những nét vẽ tinh vi và khác biệt của từng họa sĩ.  Anh thanh niên đưa gói quà ra và trịnh trọng tiếp lời:

–    Cháu biết, bức tranh này chẳng đáng giá gì so với bộ sưu tập của Bác.  Cháu không phải là một họa sĩ nổi tiếng, nhưng cháu nghĩ rằng người con trai Bác, cũng là ân nhân cứu mạng cháu nên cháu ước ao xin Bác chấp nhận bức họa này.

Người Cha đưa tay đỡ lấy và từ từ mở gói quà ra.  Trước mặt là một bức chân dung của con trai ông đã được người thanh niên vẽ.  Ông thất thần trố mắt chăm chú nhìn bức chân dung mà người họa sĩ quân nhân đã lột trần được cái tinh anh của con trai ông qua nét vẽ thật tài tình.  Đôi mắt người cha đã tuôn trào đẫm lệ lôi cuốn bởi đôi mắt người con trên bức tranh.  Ông cám ơn người thanh niên và ngỏ ý muốn trả tiền cho bức tranh.  Người thanh niên vội đáp:

–    Thưa Bác không, đây là một món quà cháu kinh biếu bác, cháu không có gì xứng đáng để có thể đền đáp được ơn cứu sống của con trai bác đã hy sinh mạng sống của mình cho cháu.

Người cha liền treo bức hình đó trong phòng trưng bày những sưu tầm chính của ông.  Mỗi khi có khách viếng thăm, ông thường dẫn đến xem bức hình của con trai ông trước rồi mới dẫn đi xem những bức tranh sưu tầm nổi tiếng khác.

Sau một thời gian ngắn, người cha cũng ra đi về nơi vĩnh cửu.  Một cuộc đấu giá vĩ đại được tổ chức tiếp theo.  Rất nhiều người có uy thế chung quanh vùng quây quần đến, nôn nao muốn được xem những họa phẩm nổi danh của người quá cố và hy vọng có cơ hội mua được một trong những tác phẩm này để thêm vào cho bộ sưu tầm của họ.

Bức tranh người con trai được trưng bày ngay giữa bục đấu giá.  Người điều khiển cuộc bán đấu giá gõ búa lên tiếng tuyên bố:

–    Thưa quý quan khách, chúng tôi bắt đầu cuộc đấu giá hôm nay, khởi sự bằng bức tranh người con trai của cố chủ nhân.  Ai trong quý vị muốn đấu giá bức họa này?

Mọi người đều lặng thinh.

Rồi một giọng nói từ phía sau la lên:

–    Xin thông qua bức tranh này, chúng tôi muốn được xem những bức họa nổi tiếng khác.

Nhưng người điều khiển đấu gia không để ý đến lời nói vẫn tiếp tục:

–    Đây bức tranh người con trai, ai muốn đấu bức tranh người con trai?  Vị nào bắt đầu trả giá $100…, $200!…

Một tiếng khác la lên với giọng giận dữ:

–    Chúng tôi đến đây không phải để xem bức họa này.  Chúng tôi tới để xem những bức họa của các họa sĩ thiên tài nổi danh trên thế giới như Van Goghs, Rembrandts… thôi.  Hãy đi thẳng ngay vào những bức danh họa chính!

Nhưng người điều khiển đấu giá vẫ tiếp tục rao không thèm để ý đến lời đề nghị khách.

–    Bức tranh nguời con trai…, bức tranh người con trai…!  Vị nào muốn làm chủ nhân ông bức tranh người con trai này hãy mau mau trả giá?

Sau cùng, một giọng nói phát xuất từ mãi phía cuối phòng.  Đó là người làm vườn lâu năm của ông chủ nhà và người con trai.

–    Tôi xin trả bức họa đó $10.00.  Là một người nghèo nàn, đó là số tiền lớn nhất mà ông gom góp tiết kiệm bao nhiêu năm mới được.

–    Đã có vị trả giá $10, ai là người trả hơn… $20?… $20?

–    Thôi hãy trao bức tranh đó cho ông ta lấy $10 đi, đáng giá rồi!  Chúng tôi đang nóng lòng chờ đợi muốn xem những bức danh họa chính!

–    $10 bức họa người con trai, có vị nào trả thêm nữa không?

Đám đông người trở nên giận dữ.  Họ đâu muốn đầu tư vào bức tranh người con trai.  Họ muốn đầu tư vào những họa phẩm có giá trị hơn nữa cho bộ sưu tập của họ.

Người điều khiển cuộc bán đấu giá gõ mạnh búa xuống bàn và bắt đầu lên giọng đếm:

–    Một,… hai,… bức tranh người con trai được bán với giá $10.

Một người đàn ông ngồi ở hàng ghế thứ hai la lớn:

–    Bây giờ hãy mau khởi đấu những họa phẩm nổi tiếng đi!

Người điều khiển cuộc đấu giá đặt cây búa xuống bàn và tuyên bố:

–    Tôi trân trọng xin lỗi quý vị, buổi bán đấu giá đến đây đã hoàn tất.

–    Vậy còn những sưu tập nổi tiếng kia thời sao?

–    Tôi thành thật rất tiếc.  Khi được giao phó việc điều khiển cuộc đấu giá này, tôi đã được nhắc nhở một điều khoản bí mật trong chúc thư của chủ nhân.  Tôi không được phép tiết lộ điều ấy tới khi kết thúc cuộc đấu giá.  Đó là:

–    Chỉ có bức chân dung ngưới con trai được đưa ra đấu giá.  Bất cứ ai mua được bức chân dung ấy sẽ đương nhiên được thừa hưởng tất cả những tài sản bao gồm luôn những bức danh họa trong sưu tập của chủ nhân quá cố.

Do đó người đàn ông đấu giá được bức họa người con trai nhận được tất cả mọi sản nghiệp của người quá cố.

**************************

Trước đây hơn 2000 năm, Thiên Chúa Cha đã trao ban người Con Một của Ngài trên cây thập giá.  Giống như người điều khiển cuộc đấu giá bộ sưu tập danh họa ngày hôm nay là: Ngài đã gõ búa và cất tiếng hỏi: “Người Con Một của ta!… Người Con Một của ta!… Ai nhận Người Con Một… đó?

Như chúng ta đã thấy: ai nhận Người Con là nhận được tất cả.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).  Đó là tình yêu.

Hoài Việt Nguyễn Vĩnh Tường

(sưu tầm chuyển ngữ và phóng tác)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …