Home / Chia Sẻ / HÃY CÓ TÂM TÌNH TẠ ƠN

HÃY CÓ TÂM TÌNH TẠ ƠN

HaycotamtinhtaonVăn hóa biết ơn của Việt nam rất hay.  Từ thuở bé, tôi vẫn thường nghe dạy: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.”  “Uống nước nhớ nguồn.” “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại.”

Thật vậy, lời “cám ơn” rất đơn sơ bé nhỏ, nhưng đem lại cho người làm ơn một sự vui thỏa, ấm áp.  Đó là phép lịch sự, tế nhị tối thiểu, bình thường, và phải cư xử như vậy mới là người biết điều.  Việt Nam cũng có những câu nói diễn tả người vô ơn: “Ăn cháo đá bát.” “Vắt chanh bỏ vỏ.” “Có trăng phụ đèn.”  “Ăn mật trả gừng, ăn sung trả ngải.”  Kẻ muốn được ơn thì nhiều, kẻ biết ơn thì quá ít.  Câu chuyện Tin Mừng hôm nay có tỷ số là một phần mười mà thôi.

Cám ơn Thiên Chúa là dâng trả ân huệ về cho Ngài, là nhìn nhận Ngài là nguồn mạch tuôn trào ra ân huệ chúng ta đã lãnh nhận.  Cám ơn là đi vào mối tương giao tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa đến với chúng ta và trở lại với Ngài.  Người vô ơn là người chặn đứng luồng tương giao này lại, không cho nó trở về với nguồn mạch, và sẽ làm cạn khô tương giao đang có.  Công trình cứu độ của Đức Giêsu chỉ thực sự sinh hiệu quả nếu chính chúng ta cởi mở để cho mọi sự quay trở lại với Người.

“Cám ơn” là tỏ lòng biết ơn với người đã làm điều tốt cho mình.  Mỗi khi ta nhận được một ơn huệ gì, thì ta phải biết tạ ơn Chúa và cám ơn những người làm ơn cho ta.  “Cám ơn” ấy là hai từ mà ta vẫn nói hàng ngày.  “Cám ơn,” lời nói cửa miệng tưởng như có thể nói với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, nhưng nhiều khi ta không biết nói lời cám ơn.

Trang Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca nhắc cho ta nhớ lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành mười người phong hủi, tất cả đều được khỏi bệnh.  Nhưng chỉ có một người đến tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa.  Chúa Giêsu không khỏi buồn lòng trước sự vô ơn của con người, nên Ngài đã thốt lên: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu?  Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17, 17-18).

Bi đát thay trong mười người hưởng ơn chữa lành vô cùng lớn lao ấy, chỉ có một người biết dâng lời tạ ơn, mà người ấy lại là người ngoại đạo.  Còn những người vẫn tự hào là dân Thiên Chúa, dân riêng Chúa chọn lại sống vô ơn.  Sở dĩ Ngài xem trọng lòng biết ơn cũng vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi.  Người Samari trở lại tạ ơn Chúa vì đã nhận ơn phần xác, thì Ngài lại ban thêm cho ơn phần hồn là củng cố niềm tin và xác định tư cách tôn giáo của anh.  Ngài nói: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”  Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn.

Ta thấy Chúa Giêsu thường tìm đến nơi thanh vắng để cầu nguyện với Chúa Cha.  Nhưng khi biểu lộ tâm tình tạ ơn thì Ngài lại thực hiện công khai trước mặt mọi người.  Chúa muốn dạy mọi người bài học về lòng biết ơn đối với Thiên Chúa.

Trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi phân phát cho mọi người (Ga 6, 11).  Vào bữa Tiệc Ly, khi lập bí tích Thánh Thể, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ (Lc 22, 19).  Đứng trước nấm mồ Lazarô, trước khi làm cho anh ta sống lại, Chúa Giêsu đã dâng lời cảm tạ Thiên Chúa (Ga 11, 41).

Cả cuộc sống của Chúa Giêsu là một lễ tạ ơn liên lỉ.  Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống làm hy tế dâng lên Đức Chúa Cha.  Vì thế, ngày hôm nay, khi dâng lễ tạ ơn mỗi ngày, chúng ta cử hành mầu nhiệm cuộc đời Chúa, chúng ta sống lại tâm tình tạ ơn của Chúa, là tâm tình của Người Con dâng lên Chúa Cha.

Cuộc đời của Chúa là bài ca tạ ơn luôn vang lên những giai điệu vui tươi trong những giây phút hân hoan và trong cả những giờ khắc bi thảm.  Bài ca tạ ơn đó đã ngân lên từ môi miệng của Mẹ Maria (Magnificat), ông Zacaria (Benedictus) và vẫn tiếp tục ngân vang trong tâm hồn những người tín hữu hôm nay.

Trong các thư của Thánh Phaolô, thánh nhân cũng nhấn mạnh đến lời tạ ơn.  Hơn nữa, ngài luôn sống trong tâm tình tạ ơn.  Ngài nói: “Tôi luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa” (Plm 1, 4).  Ngài còn nhắc nhở mọi người “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.  Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn” (1 Tx 5, 18).

Thánh Phaolô luôn dâng lời tạ ơn lên Chúa: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Ngài đã ban cho anh em nơi Đức Kitô.”  Ngài cám ơn tất cả những ai giúp ngài trong công việc mục vụ: “Quà anh em tặng cho tôi đó, chúng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài chấp nhận.”  Như vậy, câu ngạn ngữ của người Anh nói rất chí lý: “Cho người có lòng biết ơn chính là cho vay.”

Nhìn vào xã hội ngày nay, con số những người biết ơn Chúa, tôn thờ Chúa, vẫn còn là một con số rất khiêm tốn.  Còn những kẻ vô ơn thì nhiều vô kể.  Chúa luôn ban ơn cho người lành cũng như kẻ dữ, cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương.  Thế mà con người ngày càng kiêu ngạo, vô ơn đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

Hỏi rằng trong chúng ta có mấy người biết cảm tạ Chúa và cám ơn anh em?  Biết bao nhiêu lần chúng ta than vãn, kêu la, trách móc hết việc này đến việc khác, hết người này đến người kia, Hơn thế nữa, nhiều người còn oán trách cả Thiên Chúa.  Vậy, Lời Chúa hôm nay dạy mỗi người chúng ta hãy biết nói lời cám ơn từ những chuyện nhỏ nhất, bởi vì chúng ta đã nhận được biết bao nhiêu hồng ân Chúa ban cho ta qua vũ trụ vạn vật, qua mọi người trên trái đất này và nhất là qua những người thân cận, những người xung quanh ta.

Lòng biết ơn biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi sự.  Biết ơn là một trong những đức tính tốt đẹp của con người đối với Đấng Tạo Hoá.  Vì Ngài đã ban muôn vàn phúc lộc cho chúng ta: từ không khí để ta hít thở, mặt trời để soi sáng ta, cho nước để ta uống, cho muôn loài muôn vật để ta sử dụng và làm thức ăn.  Ngài luôn quan phòng, giữ gìn ta trong mọi nơi, mọi lúc… Thiên Chúa còn ban cho ta biết bao điều cao cả qua cha mẹ, qua anh chị, qua thầy cô, qua bạn hữu, qua tất cả những người đã giúp đỡ và làm ơn cho ta…  Thể hiện lòng biết ơn là một nghĩa vụ hàng đầu trong cuộc sống con người.

Xin Chúa cho ta luôn biết sống có tình có nghĩa, luôn thể hiện lòng biết ơn, luôn quý trọng những hồng ân mà Chúa đã thương ban, và những gì anh chị em đã làm cho ta.  Xin Chúa cho ta luôn biết sống trong tâm tình tạ ơn Chúa như thánh Phaolô đã khuyên bảo giáo dân Côlôsê: “Anh em hãy luôn sống trong tâm tình tạ ơn Chúa và biết ơn Chúa.”  Đồng thời, ta cũng phải luôn biết cám ơn mọi người, vì có thể nói, tất cả những người có liên hệ xa gần với ta, đều là những ân nhân của ta.

Huệ Minh

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …