Home / Chia Sẻ / HẬU QUẢ TỘI LỖI

HẬU QUẢ TỘI LỖI

HauquatoiloiVới sự hiểu biết về tội lỗi, ĐGH Piô XII đã tuyên bố: “Tội lỗi của thế kỷ là đánh mất ý thức về tội lỗi.” Tuyên bố này có cách đây gần 75 năm, trong một xã hội nhìn chung đã chấp nhận các giá trị Do Thái và Kitô giáo. Đó là những ngày mà có lẽ gần 75% người Công giáo ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Mỹ Latinh đã thực hành đức tin, ít nhất là bằng cách tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật. Đối với sự hiểu biết về tội lỗi, ĐGH Piô XII đã tuyên bố: “Tội lỗi của thế kỷ là mất cảm thức tội lỗi.” Tuyên bố này diễn ra cách đây gần 75 năm, trong một xã hội nhìn chung đã chấp nhận các giá trị Do Thái và Kitô giáo. Đó là những ngày mà có lẽ gần 75% người Công giáo ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Mỹ Latinh đã thực hành đức tin, ít nhất là bằng cách tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật.

Ngày nay, nhiều người được gọi là tín hữu nhưng lương tâm yếu kém vì trình độ giáo lý ở mức từ tầm thường đến kém cỏi. Chúng ta trải qua tình huống sau đây thường xuyên lắm! Bạn có khách vào tối thứ bảy, nên vào khoảng 4 giờ 30, bạn xin phép rời khỏi công ty. Một trong những vị khách lịch sự hỏi bạn đang đi đâu, bạn trả lời: “Tới nhà thờ.” Họ hỏi: “Tại sao tới nhà thờ?” Bạn nói: “Tôi cần xưng tội.” Người kia buột miệng: “Tại sao, bạn đã làm gì vậy?” Tất nhiên bạn trả lời bằng cách nói rằng đó là chuyện riêng tư giữa bạn với người giải tội và Thiên Chúa. Với sự nhã nhặn và lịch sự, bạn mời họ đi xưng tội cùng bạn. Câu trả lời thường là thế này: “Tôi không có tội gì cả. Tôi không cướp ngân hàng hay giết ai!”

Kịch bản trên rất đáng nói! Điều nổi bật trong cuộc trò chuyện này là sự kiện nhiều người Công giáo, những người được nuôi dưỡng và lớn lên trong nửa thế kỷ qua hoặc lâu hơn, đã không được trau giồi giáo lý tốt. Điều này bao gồm một thực tế đáng buồn là lương tâm của họ đã được hình thành yếu kém, không đầy đủ, có lẽ bị biến dạng, hoặc thậm chí không được hình thành chút nào.

Nhận thức sâu sắc về thực tế đáng buồn này của xã hội mà trong đó tội lỗi của thế kỷ là mất cảm thức tội lỗi, Thánh GH Gioan Phaolô II được bầu làm giáo hoàng khoảng 20 năm sau khi Đấng đáng kính GH Piô XII qua đời. Một trong những Thượng Hội Đồng đầu tiên mà Thánh GH Gioan Phaolô II triệu tập là chủ đề tội lỗi, lương tâm, việc đánh mất ý thức về tội lỗi và lời mời gọi trở lại với Bí tích Hòa Giải – Bí tích Thương Xót của Thiên Chúa nhân từ.

Sau khi Thượng Hội Đồng chấm dứt các nghiên cứu, can thiệp và đối chiếu tất cả các đóng góp, một Tài Liệu Hậu Thượng Hội Đồng đã được xuất bản và ban hành. Vấn đề chính thức của Tài Liệu này là Tông Huấn “Reconciliatio Paenitentia” – Hòa Giải và Sám Hối (ngày 02-12-1984).

Là công cụ trí tuệ và thần học để nuôi dưỡng kiến thức về tội lỗi, lương tâm và sự ra hiệu trở lại lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, đây là một kiệt tác văn chương và tinh thần. Tuy nhiên, mục đích trong bài tiểu luận ngắn này là làm nổi bật và giải thích ngắn gọn không chỉ đơn giản là thực tế của tội lỗi và việc mất ý thức tội lỗi, mà còn nhấn mạnh các hậu quả nghiêm trọng mà tội lỗi gây ra nơi con người, trong Giáo Hội, trong xã hội, và trên thế giới này.

Trong một xã hội hoặc phủ nhận thực tại của tội lỗi, hoặc ít nhất là tầm thường hóa tội lỗi về cơ bản là không đáng kể, Thánh Gioan Phaolô II không cắt xén lời nói khi giải thích chi tiết về các hậu quả nguy hiểm của tội lỗi.

Vì vậy, bài tiểu luận này sẽ chỉ tập trung vào một trong những khía cạnh chính của tội lỗi – các hậu quả nghiêm trọng của nó; không phải như được thấy trong con mắt thế gian nhưng như được thấy bởi Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II thực sự liệt kê năm hậu quả của tội lỗi mà chúng tôi sẽ giải thích một cách ngắn gọn và theo bất kỳ trình tự nào. Mỗi tội đều có 5 hệ lụy cùng một lúc về: Thần Học, Xã Hội, Cá Nhân, Giáo Hội, và Vũ Trụ.

  1. HỆ LỤY THẦN HỌC – Từ ngữ này thực sự đề cập đến chính Thiên Chúa. Thần học là cuộc nghiên cứu về Thiên Chúa. Giờ đây, mỗi khi chúng ta quyết định phạm tội, dù là trong suy nghĩ, lời nói, hành động, hoặc thậm chí là chểnh mảng nhiệm vụ, thì tức khắc chúng ta xúc phạm Thiên Chúa. Cần phải nhấn mạnh rằng: trước hết, mọi tội phạm về cơ bản là xúc phạm Thiên Chúa. Chính Ngài là Đấng bị xúc phạm. Đó là ý tưởng thúc giục chúng ta trở về! Mỗi khi chúng ta ngước mắt lên và chiêm ngắm Chúa Giêsu bị treo trên Thập Giá, đổ ra từng giọt Máu Châu Báu của Ngài, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã thực sự chịu khổ nạn và chịu chết vì tội lỗi của chúng ta – của tôi và của bạn. Giáo lý Baltimore mô tả một cậu bé đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá với chữ TỘI viết ở mặt sau áo sơ mi của cậu ấy – rất sinh động và dễ hiểu!
  2. HỆ LỤY XÃ HỘI – Sau khi Cain giết em trai là Abel vì ghen tuông, đố kỵ, giận dữ và hận thù, Cain đã nói câu đầy thách thức: “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?”(St 4:9) Câu trả lời rõ ràng là CÓ. Đúng như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, chúng ta phải lo sợ và run sợ mới tìm được sự cứu rỗi của mình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu hết lần này đến lần khác dạy rằng chúng ta phải quan tâm đến anh chị em mình. Hãy nhớ đến người Samari nhân hậu! (Lc 10:25-37) Hãy nhớ đến những công việc bác ái về thể lý: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, giúp đỡ khách lạ, giúp người thiếu quần áo, chăm sóc người bệnh tật và tù đày. (Mt 25:31-45) Điều tốt chúng ta làm hoặc không làm cho tha nhân thì đó là cách chúng ta đối xử với chính Chúa Giêsu.
  3. HỆ LỤY CÁ NHÂN – Tội lỗi của chúng ta không chỉ làm tổn thương Thiên Chúa, làm tổn thương người lân cận, mà còn làm tổn thương chính mình. Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố rằng những tội trọng có thể được coi là sự tự sát về luân lý. Trên thực tế, mỗi khi cá nhân chúng ta quyết định phạm tội trọng, đó thực sự là một hình thức tự sát về mặt luân lý. Nói cách khác, các hệ lụy vừa độc hại vừa nghiêm trọng. Bằng cách phạm tội trọng, chất độc của tội lỗi làm ô nhiễm người đó trong bản chất cá nhân của họ. Hãy suy ngẫm về những hậu quả khác nhau: tạm thời mất Thiên Chúa và ơn thánh hóa, mất tình bạn hữu với Ngài, tâm trí trở nên đen tối và suy yếu ý chí. Còn có những tác động khác đối với người phạm tội trọng: nỗi buồn tràn ngập, mất bình an, không được rước lễ, và tội có thể trở thành một tật xấu – nghĩa là tội cứ lặp đi lặp lại. Tệ hơn nữa, nếu một người chết trong tình trạng tội trọng, họ sẽ mất linh hồn vĩnh viễn. Đối với chúng ta, thật quan trọng biết bao khi suy gẫm về những hậu quả của tội lỗi trong đời sống của mình. Do đó, để ăn năn tội trọng, hãy xưng tội càng sớm càng tốt, và do đó trở về với tình bạn hữu với Thiên Chúa.
  4. HỆ LỤY GIÁO HỘI – Thánh GH Gioan XXIII đã có Thông điệp về Giáo Hội với tựa đề là “Mater et Magistra” – Mẹ và Thầy (ngày 15-05-1961). Hai trong số các chức năng chính của Giáo Hội là làm Mẹ của chúng ta theo trật tự và nhiệm cục ân sủng, đồng thời là Thầy dạy Sự Thật. Đáng buồn thay, tội lỗi của chúng ta không chỉ làm tổn thương Thiên Chúa, người lân cận và chính chúng ta mà còn làm tổn thương cả Giáo Hội – Mẹ và Thầy của chúng ta. Có vô số ví dụ về cách các tín hữu của Giáo Hội đã gây ra thiệt hại không thể khắc phục được do tội lỗi của họ. Có hai ví dụ hiển nhiên và rõ ràng nhất về con người và hành động của vua Henry VIII và Martin Luther – linh mục dòng Augustinô. Do hành động và cuộc sống của hai con người này, những người sống gần cùng khoảng thời gian đó, đã gây thiệt hại cho Giáo Hội trên phạm vi toàn cầu không thể khắc phục được. Giáo Hội Công giáo Anh gần như chỉ trong một đêm đã chuyển từ Công giáo sang Anh giáo – Anh giáo do chính nhà vua cai trị. Sau đó, tại Đức có Công giáo mạnh mẽ, Luther là công cụ chia đôi nước này – phía Bắc trở thành Tin Lành, phần lớn phía Nam vẫn theo Công giáo. Đó là hệ lụy Giáo Hội về tội lỗi, về cách mà tội lỗi của chúng ta có thể gây thiệt hại cho Giáo Hội – Mẹ và Thầy của chúng ta.
  5. HỆ LỤY VŨ TRỤ – Hậu quả cuối cùng của tội lỗi, như Thánh Gioan Phaolô II giải thích, được gọi là Hệ Lụy Vũ Trụ của Tội Lỗi. Tội lỗi không chỉ làm hỏng mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, làm hỏng mối quan hệ của chúng ta với những người khác trong xã hội, làm hỏng chính bản thân chúng ta cũng như Giáo Hội, mà tội lỗi còn làm hỏng thế giới mà chúng ta đang sống. Đó là hệ lụy vũ trụ. Có lẽ cách tốt nhất để mô tả hệ lụy vũ trụ của tội lỗi là thông qua việc suy gẫm về tác động của chiến tranh và các cuộc chiến trên thế giới nói chung. Đức Mẹ Fatima nói rằng chiến tranh xảy ra do tội lỗi. Đức Mẹ đã cảnh báo thế giới, giữa Thế Chiến I, rằng nếu mọi người không ngừng phạm tội và bắt đầu cầu nguyện nhiều hơn, thì một Thế Chiến tồi tệ hơn sẽ bùng nổ. Thật vậy, nó đã xảy ra – Thế Chiến II. Hệ lụy vũ trụ của tội lỗi dẫn đến thiệt hại và tàn phá thiên nhiên. Do chiến tranh mà bao nhiêu thảm họa trong tự nhiên xảy ra: động vật bị tiêu diệt, sông ngòi và nguồn nước bị ô nhiễm, cây cối và rừng bị tàn phá. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng do hậu quả của bom nguyên tử và các nguyên tố hóa học hạt nhân, ngay cả nguồn gen của những người bị phơi nhiễm cũng bị tổn hại.

Tóm lại, do hậu quả của Nguyên Tội, tội lỗi của Ađam và Êva – tổ tiên của chúng ta, một cơn sóng thần luân lý hoặc tinh thần đã gây ra hệ lụy trên thế giới cho đến tận thế. Tất cả thời gian, con người và địa điểm đều bị ảnh hưởng sâu sắc bởi Nguyên Tội. Thật vậy, mọi tội lỗi đã phạm kể từ đó, ngay cả ở những vùng xa xôi nhất, đều để lại hậu quả nghiêm trọng. Thánh Gioan Phaolô II đã mô tả điều đó một cách tài tình trong Tông huấn Hòa Giải và Sám Hối. Mọi tội lỗi đều có ảnh hưởng về Thần Học, Xã Hội, Cá Nhân, Giáo Hội và Vũ Trụ.

Xin cho tất cả chúng ta cùng nỗ lực rèn luyện lương tâm dưới ánh sáng của Lời Chúa và Giáo Huấn của Huấn Quyền, và sống theo lương tâm của mình. Nguyện xin sự thánh thiện, ánh sáng và sự khôn ngoan của Thánh GH Gioan Phaolô II là ánh sáng trên đường dẫn chúng ta đến Ánh Sáng Hạnh Phúc Vĩnh Cửu trên Thiên Đàng!

ED BROOM, OMV

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Bát Nhật Phục Sinh – 2023

✠ Thánh Faustina Thăm Hỏa Ngục – https://youtu.be/35LTwF73-EE

  

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN