Home / Tiêu Điểm / Hạt Tân Sơn Nhì-Giáo xứ Martino: giỗ 70 năm ngày mất của Cha Phanxico Trương Bửu Diệp (12/03/1946 -12/03/2016)

Hạt Tân Sơn Nhì-Giáo xứ Martino: giỗ 70 năm ngày mất của Cha Phanxico Trương Bửu Diệp (12/03/1946 -12/03/2016)

“Còn tình yêu nào cao quý hơn tình yêu người liều mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13)

Hơn 2000 năm trước, Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại đã từ trời xuống trần gian và đã hiến mình chịu nạn, chịu chết trên thánh giá; cách đây tròn 70 năm, cũng có một vị chủ chăn đến từ thế gian; nhưng cũng đã đi theo con đường của Chúa yêu thương đàn chiên và đã dấn thân và chết thay cho đàn chiên của mình, đó là Cha Phanxico Trương Bửu Diệp Chánh xứ Tắc Sậy, huyện Gia Rai, tỉnh Bạc Liêu. Tấm gương anh dũng đã đi vào lòng muôn ngàn người và hàng năm, ngày 12-03 là Lễ giỗ của Cha, được long trọng cử hành ở giáo xứ Tắc Sậy, cùng ngày này, nhiều nơi trên toàn quốc và cả hải ngoại cũng tổ chức Lễ Giỗ của Cha.

Để tưởng nhớ công ơn cao cả của Cha và cổ võ cho việc kính nhớ Cha  Phan xico TBD, hai nhạc sĩ Công giáo Vũ Đình Ân và Hàn Thư Sinh đã tổ chức một buổi lễ mà trong đó có chương trình thánh ca và thánh lễ tại gx Mạctin, Hạt Tân Sơn Nhì; vào lúc 16g ngày Thứ Bảy 12-03-2016; đã có hàng ngàn giáo dân trở về từ các nẻo đường và nhà thờ không đủ chỗ đứng nên nhiều người phải đứng tận ngoài sân nhưng vẫn sốt sắng tham dự trọn buổi lễ.

Buổi lễ gồm 2 phần:

Phần đầu: Hợp xướngTrường ca về Cha Phan xico Trương Bửu Diệp –do: Ca đoàn Thiên Thanh, GX  Ba Chuông phụ trách (Tiến sĩ-Nhạc sĩ Vũ Đình Ân và Ca đoàn đã từng được Linh mục Nhạc sĩ Kim Long rèn luyện và hướng dẫn trong một thời gian rất lâu dài). Điều khiển dàn nhạc là Tiến sĩ Nhạc sĩ Vũ Đình Ân cùng nhiều nhạc công Tranh, Sáo, Bầu, Saxophone, Piano và Organ cùng với sự hỗ trợ, lĩnh xướng do hai ca sĩ Hoàng Kim và Xuân Trường; Được biết, Hợp xướng trường ca do Nhạc sĩ Vũ Đình Ân (Ban Thánh nhạc TGP Sài Gòn) và nhạc sĩ hải ngoại Hàn Thư Sinh đồng sáng tác. Có  3 Chương: Ngôi Sao Tắc Sậy-Mùa Gặt Mới và Hồng Ân Thiên Chúa.

Trước khi khai mạc chương trình, Cha Giuse Chánh xứ MạcTin nói lời chào mừng Đức Cha Phêrô, Quý Cha Bề trên, Quý Cha đồng tế, Quý Sơ các Dòng Nô tì TT Chúa Giêsu, Dòng Mân Côi Chí Hòa, Dòng MTG Tân Việt và Dòng Phúc Âm Sự Sống (gx Mạc Tin), Quý Khách, Quý HĐMV, Quý Đoàn thể cùng Cộng đoàn Dân Chúa đã không ngại trưa nắng và đường xa đến để tham dự buổi lễ; kế tiếp Cha giới thiệu Nhạc sĩ Vũ Đình Ân với cộng đoàn; Chương trình hợp xướng, đã thu hút mọi người trong nhà thờ bằng những lời thánh ca êm dịu và đầy đủ ý nghĩa về Cha Phanxico TBD trong sự xúc động sâu lắng.

Phần hai: Thánh lễ. Đúng 16g30, Đức Cha Phê rô Trần Đình Tứ, Giám mục Giáo phận Phú Cường chủ sự thánh lễ cùng đoàn đồng tế trong lễ phục tím bước lên bàn thánh. Đồng tế thánh lễ có sự hiện diện của Cha G.B Nhạc sĩ Kim Long, Cha Giuse Trần Quốc Thanh, Hội Thừa Sai VN, Cha G.B Nguyễn Văn Thêm (Nguyên Giám tỉnh dòng Donbosco), Cha Giuse Phạm Hưng Thịnh (Chánh xứ Mai Khôi Q3), Cha G.B Trương Văn Điệp-Tòa Giám mục Phú Cường, Cha Giuse Phạm Hoàng Lương, Chánh xứ Mạc Tin và Cha Giuse Nguyễn Đức Dũng đến từ U.S.A.

Đức Cha Phêrô chia sẻ “Thưa Quý Cha, Quý Tu sĩ và Cộng đoàn.
Chúng ta vừa nghe Trường ca về Cha Phanxico TBD là dành để ca ngợi công đức của Ngài nhân lễ Giỗ 70 năm. Khi còn sinh thời, Cha TBD đã đi theo con đường của Chúa Giêsu kêu gọi, sẵn sàng dấn thân và hy sinh, chấp nhận khó khăn vì đàn chiên và cao cả nhất là Cha đã chết thay cho đàn chiên của mình chăn dắt, vì thế Chúa đã cho Cha có thể làm nhiều phép lạ để giúp những ai cầu khẩn Lòng Chúa Thương xót của Chúa được toại nguyện.

Chúng ta đang bước vào Tuần Thứ 5 Mùa Chay và chuẩn bị là Tuần Thánh, Chúa Giêsu sẽ chịu bắt bớ, chịu khổ hình, chịu tra tấn và chịu chết treo trên thập giá vì lòng thương xót đối với nhân loại và rồi Chúa lại phục sinh vinh hiển. Dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu cùng Cha Phanxico Trương Bửu Diệp để ngày sau chúng ta cùng được phục sinh và hưởng vinh quang với Chúa và Cha Phanxico ở trên trời.

Trong bài Tin mừng theo Thánh Gioan 10, 11-18

Cha Giuse Trần Quốc Thanh diễn giảng: Quang cảnh bài Tin mừng hôm nay là diễn từ mà Chúa Giêsu nói với dân Do Thái “Ta là mục tử nhân lành…”, là diễn từ của Chúa sau phép lạ cả thể hóa bánh ra nhiều cho 5000 người đàn ông không kể phụ nữ và trẻ em ăn, và trải dài khắp miền Bắc Galilê đến miền đồng bằng Caphacnaum. Khắp nơi Chúa Giêsu cũng làm nhiều phép lạ, để rồi khắp nơi dân chúng đã hớn hở reo hò vì họ nghĩ rằng Người là Đấng họ mong đợi, là Đấng Cứu chuộc nhân trần,”Một Ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta“ hay ”Hôm nay Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” nên trong tâm tư của họ đã mang đầu óc thực dụng với phép lạ mà họ vừa chứng kiến đã khiến họ quyết định tôn Người lên làm Vua.

Nhưng Chúa Giêsu đã từ chối, vì Người chỉ muốn trình bày cho dân chúng biết sứ mạng chương trình cứu độ mà Người phải thực hiện trên mảnh đất Do Thái, mảnh đất mà Cha ông họ đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Dân Riêng, mà họ đang thừa hưởng vinh phúc đó. Chúa Giêsu trình bày cho thấy Người là mục tử nhân lành, vị mục tử phải đến với trần gian, vị mục tử đến từ Thiên Chúa, là và chỉ có nơi Ngài mới có khả năng làm cho đàn chiên thỏa mãn những khát vọng từ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người và mọi người dưới gầm trời này mà khởi đi từ dân Do Thái.

”Tôi là mục tử nhân lành..” (Ga 10, 11) Chúa Giêsu từ từ khai mở cho họ thấy, bên cạnh việc săn sóc họ bữa ăn thực tế, bên cạnh đó, Người còn có những bữa ăn thiêng liêng mà trong cương vị mục tử của Người, mà Người phải thực thi và Người phải chu toàn.

Đọc lại lịch sử Dân Chúa thời Cựu ước, chúng ta thấy Môi Sê là vị mục tử đầu tiên mà Thiên Chúa dùng, đã nhờ quyền năng Thiên Chúa, để giải thoát tổ tiên dân Do Thái khỏi ách nô lệ của Pharaon và đưa dân Israel thoát khỏi vùng đất Ai Cập trở thành tự do. Còn mục tử Chúa Giêsu là một mục tử vĩ đại đến từ Thiên Chúa chứ không phải ở khía cạnh trần gian như Mai Sen; Người đưa con người đến một cuộc giải phóng tâm linh, đưa con người từ đời sống trầm luân của tội lỗi thoát khỏi sự dữ, khỏi sự ác, dẫn đưa con người tới bờ hạnh phúc bình an.

Mục tử Môi Sê đã giang tay để cầu xin Thiên Chúa ban bánh Manna trong 40 năm trường trong sa mạc cho Dân Do Thái, để làm lương thực cho họ. Còn mục tử Giêsu đã lấy chính Máu Thánh–và Thịt mình để dưỡng nuôi linh hồn con người không phải chỉ 40 năm mà mỗi ngày và mọi ngày cho đến tới tận cùng thời gian, mỗi khi Hội Thánh cử hành Bí tích Thánh Thể trên bàn thờ..

Mục tử Đavít Tổ phụ dân Do Thái đã đánh bại Sư Tử để giành được Con Chiên và vui mừng vác lên vai, thì mục tử Giêsu cũng đánh bại thế lực ác thần, thần chết để đưa con người về với sự sống của Thiên Chúa Cha; Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành là như thế đó, bởi vì Người là mục tử thật, là Thiên Chúa thật; khả dĩ Ngài có thể chu toàn và làm một cách viên mãn sứ mạng của một mục tử mà những hình bóng dưới của Cựu ước như Môi sê, Đavit là những hình bóng kiên trung để nói về Đức Giêsu thời Tân Ước.

Mục tử Giêsu đã hy sinh thân mình vì đàn chiên mà chúng ta ai cũng biết đã từng trải nghiệm khi ngước lên chiêm ngưỡng cây thập giá, Chúa Giêsu đã chết, đã hy sinh cho nhân loại để lại một vết thương bên cạnh sườn Người, biểu lộ lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa là Cha và chỉ có tình yêu đó mới có khả năng cứu độ, cứu chuộc và cứu vớt chúng ta mà thôi.

Và hôm nay, chúng ta cử hành thánh lễ Giỗ của Cha Phanxico Trương Bửu Diệp, một vị mục tử nhân lành; cách đây 70 năm, tại vùng sông nước Nam bộ chua mặn, cũng có một mục tử đã sống hết mình cho đàn chiên và chết thay cho họ, mà ai trong chúng ta không thể không biết Cha; đời sống của Cha và tất cả những việc Cha làm đã không chỉ đi vào tâm thức của người dân trên mảnh đất hình chữ S này mà còn đi vào tâm thức của nhiều người ở Châu Âu, Châu Mỹ và đến tận cùng trái đất, và Ngài không chỉ đi vào lòng giáo dân Công giáo mà còn là một hình bóng siêu phàm in sâu vào ký ức của nhiều lương dân. Cha Giuse nhắc lại Tiểu sử của Cha Phanxico Trương Bửu Diệp cùng tất cả những sự hy sinh, chịu đưng, chấp nhận mà Cha Phanxico TBD đã thực hiện khi còn sinh thời trong cương vị chủ chăn, nhất là vì thương yêu đến cùng đối với giáo dân mà Cha đã phải từ bỏ chính sự sống của mình.

Hai mươi bốn năm làm linh mục thời nhiễu nhương. Năm 1945-1946, khi thấy tình hình chiến sự ngày càng gay gắt, Cha bề trên đã gọi Ngài về để tránh đi những phiền phức và nguy hiểm nhưng Ngài đã trả lời rằng “Con sống giữa đàn chiên thì con phải hy sinh cho đàn chiên; không đi đâu hết nếu con có phải chết thì cũng là chết với Chúa Kitô“. Và ngày 12-03-1946, khi bị bắt cùng với 70 giáo dân, Ngài đã tìm cách che chở cho họ, Ngài đã tỏ bày với giới chức “Hãy để tôi hy sinh cho 70 người này”, lời thỉnh cầu của Ngài đã được chấp thuận. Giới chức đã thả 70 giáo dân về, còn Ngài bị đem đi cùng với Chúa Kitô.

Sau đó Ngài đã chết với 3 vết chém trên thân thể, đầu lìa khỏi cổ, nhưng khi vớt  xác Ngài lên, người ta vẫn nhìn thấy trên môi Ngài vẫn nở nụ cười và hai tay Ngài vẫn chắp trước ngực…”.

Cha kết thúc bài giảng “Mừng lễ Giỗ 70 năm Cha Phanxico TBD, chúng ta hãy bắt chước Ngài trong đời sống đạo, là hy sinh vì Chúa và anh em. Hãy sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với anh chị em mình khi họ gặp khó khăn và bế tắc trong cuộc sống.

Ước mong những lời cầu xin, những lời đề nghị của Giáo hội Công giáo Việt Nam được Tòa Thánh Rôma chuẩn nhận và tôn Ngài lên hàng Chân Phước. Amen.

Trong suốt thánh lễ, Ca đoàn Thiên Thanh và ca đoàn GX Mạc Tin đã cùng kết hợp hát những bài Thánh ca thánh thót và tha thiết: Thánh Vịnh 125, Dâng Lên Cha, Tình Yêu Chúa Bao La và kết lễ là Bài Tình Cha Trương Bửu Diệp… Cộng đoàn cùng hiệp thông và ra về trong niềm tin yêu và phó thác vào Chúa như con đường Chúa Giêsu và Cha Phanxico Trương Bửu Diệp đã đi qua..

Buổi lễ kết thúc lúc 18g cùng ngày

IMG_8353 - Copy_resize IMG_8357 - Copy_resize IMG_8361 (1)_resize IMG_8366_resize IMG_8368_resize IMG_8398 (1)_resize IMG_8400_resize IMG_8403_resize IMG_8408_resize IMG_8416 (1)_resize IMG_8428_resize IMG_8429_resize

Phương Nga

Truyền thông Hạt Tân Sơn Nhì

Tiểu sử Linh mục Trương Bửu Diệp (Tài liệu sưu tầm )
Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 01-01-1897, một tháng sau được Cha Giuse Sớm rửa tội ngày 02-02-1897 tại họ đạo Cồn Phước, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Cha ngài là Micae Trương Văn Đặng. Mẹ ngài là Lucia Lê Thị Thanh. Gia đình sinh sống tại họ đạo Cồn Phước tỉnh An Giang.

Năm 1904, lúc ngài 7 tuổi thì mẹ mất. Cha ngài dời gia đình lên Battambang bên Campuchia, sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, thân phụ ngài tục huyền với bà Maria Nguyễn thị Phước, sinh năm 1890, quê gốc tại Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang. Kế mẫu đã sinh cho ngài người em gái tên là Trương thị Thìn (1913), vừa qua đời tại Cà Mau.

Năm 1909, cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền gửi ngài vào Tiểu chủng viện Cù lao Giêng, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới tỉnh An Giang. Học xong Tiểu Chủng Viện, Ngài lên Đại Chủng Viện Nam Vang, Campuchia, (lúc đó các họ đạo An Giang, Châu Đốc, Hà Tiên trực thuộc giáo phận Pnom Penh, Campuchia).

Năm 1924, sau thời gian tu học, Ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang dưới thời Đức Cha Chabalier người Pháp. Lễ vinh quy và mở tay được tổ chức tại nhà người cô ruột là bà Sáu Nhiều, tại họ đạo Cồn Phước.

Từ năm 1924-1927, Ngài được bề trên bổ nhiệm làm Cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại tỉnh Kandal, Campuchia.

Từ năm 1927-1929, ngài về làm giáo sư tại Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng tỉnh An Giang.

Tháng 03 năm 1930, ngài về trông nom họ đạo Tắc Sậy, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ, giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo khác tại các vùng phụ cận như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn.

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương những năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, bà con nhân dân di tản, Cha Bề Trên địa phận Bạc Liêu là Phêrô Trần Minh Ký và cả các cha người Pháp cũng khuyên ngài lên Bạc Liêu lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì sẽ trở lại họ đạo Tắc Sậy, nhưng Ngài trả lời: “Tôi sống giữa đàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đàn chiên, không đi đâu cả”.

Ngày 12-03-1946, ngài bị bắt cùng với trên 70 chức sắc và giáo dân tại họ đạo Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt tại lẫm lúa nhà ông giáo Sự ở Cây Gừa. Người ta định giết tất cả nhưng ngài nói chính ngài là chủ chăn các con chiên đó, vậy xin chết thay cho các con chiên của ngài. Họ chấp nhận. Mọi người được thả còn ngài thì bị đem đi thủ tiêu. Những người trong họ đạo kể rằng đêm hôm ấy ngài về báo mộng cho các vị chức sắc trong họ đạo biết chỗ họ ném xác ngài, trong cái ao sau nhà người anh Ông Giáo Sự. Các vị đến nơi được báo mộng thì vớt được xác ngài đã bị chặt đầu với một vết chém ngang cổ chỗ gần mang tai, có ba vết chém khác trên mình. Thân xác ngài không hiểu sao bị lột hết quần áo, trần trụi như Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng hai tay vẫn chắp trước ngực như đang cầu nguyện và nét mặt ngài vẫn bình thản, không có vẻ gì sợ hãi.

Các vị chức sắc lén đưa xác ngài về chôn bí mật trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo (nhà ông giáo Sự thuộc họ đạo Khúc Tréo, làm thế kín đáo hơn đưa về Tắc Sậy). Như vậy ngài đã tử vì đạo vào ngày 12 tháng 03 năm 1946, nhằm ngày mồng 09 tháng 02 năm Bính Tuất.

Hăm ba năm sau, tức năm 1969, hài cốt ngài được cải táng, di dời về Nhà thờ Tắc Sậy, nơi ngài đã làm chủ chăn trong 16 năm và là cha Sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.

Lễ giỗ đầu đầu tiên do cha Antôn Vũ Xuân Vinh tổ chức năm 1979 với khoảng chừng 30 người tham dự đến từ những họ đạo chung quanh.

Mười năm sau nữa, tức năm 1989, ngôi mộ của ngài được trùng tu thành một ngôi nhà mộ nho nhỏ lợp tôn ở phía sau Nhà thờ Tắc Sậy và được khánh thành vào ngày 04-06-1989. Những ngày đầu tiên, số người tham dự cầu nguyện rất ít ỏi, nhưng dần dần số người nhận được ơn lành nhờ lời bầu cử của cha Diệp ngày càng nhiều và họ đồn thổi về sự hiển linh của ngài nên rất đông đảo người lương cũng như giáo trong nước và cả ngoài nước đều tuôn về Tắc Sậy để cầu khấn với ngài. Số khách hành hương trong ngày lễ giỗ ngày càng tăng, con số lên đến hàng chục ngàn người và không chỉ trong ngày lễ giỗ mà còn thường xuyên trong năm vẫn có những người đến hành hương. Vì thế kể từ 21-01-1997 Đức Giám mục Cần Thơ đã chính thức thành lập Trung tâm Truyền giáo Phanxicô tại Tắc Sậy. Từ nơi đây rất nhiều người đã nhận được những ơn lành phần xác cũng như phần hồn.

Đầu năm 2010, một ngôi nhà mộ cực kỳ khang trang và hiện đại đã xây dựng xong, hài cốt ngài được di chuyển vào đó với lễ cải táng rất long trọng do Đức Cha Stephano Tri Bửu Thiên (nay là Giám Mục địa phận Cần Thơ) chứng kiến. Hằng ngày đều có các tín hữu ở khắp mọi nơi trong nước cũng như ngoài nước, bên lương cũng như bên giáo, tới thăm viếng, khấn nguyện và tin tưởng vào sự linh ứng của Ngài. Các Lễ Giỗ được tổ chức hàng năm tại đây và mọi người từ khắp nơi đổ về tham dự ngày một đông đúc hơn. Năm 2012 Lễ Giỗ được tổ chức trong hai ngày 11 và 12 tháng 3 với bốn thánh lễ để đáp ứng cho số người tham dự lên đến trên hai mươi ngàn lượt người tham dự.

Ngày 31 tháng 3 năm 2012 văn phòng Cha Trương Bửu Diệp tại thành phố Garden Grove, California được thành lập do Hội Trương Bửu Diệp Foundation (TBDF), một tổ chức thiện nguyện vô vị lợi, với mục đích Vinh Danh Cha Diệp qua việc thu thập Thỉnh Nguyện Thư và ơn lành.

Bên cạnh văn phòng, Hội còn có nhà thăm viếng trưng bày các thánh tích của Cha Diệp như các tượng Cha Diệp, mảnh ván hòm, vụn hài cốt, chén lễ, bàn thở Tổ…Các Thánh Tích này được Hội TBDF mang vể từ nhà thờ Tắc Sậy, để đáp ứng nhu cầu của những người mến mộ Cha Diệp nhưng không có điều kiện về thăm mộ Ngài tại Việt Nam, có nơi để thăm viếng và khấn nguyện với cha Trương Bửu Diệp ngay tại Hoa Kỳ.

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN