Home / Chia Sẻ / HÀNH TRÌNH ĐỜI SỐNG TÂM LINH THEO THÁNH BONAVENTURA

HÀNH TRÌNH ĐỜI SỐNG TÂM LINH THEO THÁNH BONAVENTURA

Nhân ngày lễ thánh Bonaventura (15/7), BBT xin giới thiệu suy tư của nhà linh đạo này về hành trình tâm linh của Kitô hữu.

hCon người vốn mỏng giòn và yếu đuối nên luôn phải đối diện với những bấp bênh trong cuộc sống thường ngày.  Sự nghiệt ngã của cuộc đời có thể nhấn chìm họ vào trong khổ đau, bất hạnh và vô vọng.  Thực tế phũ phàng đó, thúc đẩy con người luôn khao khát kiếm tìm ý nghĩa đích thực của cuộc đời là Hạnh Phúc Vĩnh Cửu.  Trong tác phẩm “Bonaventura, Hành trình của con người lên tới Thiên Chúa” bản dịch của Lm Nguyễn Đoàn Tân, Học viện Phanxicô 2007, thánh Bonaventura, tiến sĩ Chí ái phác họa cho chúng ta con đường và cách thức mà mỗi người có thể vượt qua để đạt tới Thiên Chúa là hạnh phúc vĩnh cửu của đời mình.

  1. Các Chặng Đường dẫn tới Thiên Chúa

a. Khao khát tìm kiếm Thiên Chúa

Con người khao khát, khắc khoải tìm kiếm Thiên Chúa, lòng khao khát này “vượt trên mọi hiểu biết”, thúc đẩy con người vượt ra khỏi chính mình để tìm kiếm Thiên Chúa.  Đây cũng là kinh nghiệm của thánh Bônaventura: “Được thúc đẩy bởi gương sáng của thánh Phanxicô, tôi đã hằng ao ước sự bình an này.”

Trong bước khởi đầu này việc cầu nguyện sẽ giúp con người hướng tâm hồn mình lên, để tìm kiếm Hạnh phúc vĩnh cửu: “Cầu nguyện là người mẹ và là nguồn mạch phát xuất động tác đi lên của tâm hồn hướng thượng.”  Ở bậc này, thụ tạo xung quanh trở thành tấm gương phản ánh những điều chúng ta tìm kiếm.

b.Vũ trụ là tấm gương

Với lòng khao khát, ước muốn Thiên Chúa thì vũ trụ, con người và vạn vật trở nên tấm gương.  Khi nhìn vào tấm gương này, chúng ta thấy chính mình, và nhìn qua tấm gương chúng ta thấy thế giới khác với chính mình: “Thật thế, trí năng phải cậy tới nhận thức khả giác để biết tất cả những gì xa lạ với nó, nghĩa là biết tất cả những gì không phải là nó.”

Kế tiếp, thánh Bonaventura sử dụng thuyết Lan tỏa để giải thích dấu tích của Thiên Chúa trong vũ trụ. Theo đó, thế giới thụ tạo như tấm gương phản ánh dấu tích của Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, chỉ đường cho chúng ta tìm kiếm Người.

c. Phương tiện nhìn thấy: giác quan

Để nhìn thấy các dấu tích của Thiên Chúa, chúng ta dùng đến giác quan của mình: “Hãy nhìn cho kỹ, bạn sẽ thấy Thiên Chúa gần bạn biết bao.”  Nhờ các giác quan thể lý, qua các hoạt động: phát sinh, khoái cảm và phán đoán, các dấu vết của Thiên Chúa trong vũ trụ đi vào trong ý thức của chúng ta.  Ngài nói: “Theo cách đó toàn bộ thế giới khả giác đi vào trong tâm linh con người.”

Thánh Bonaventura trở về với tri thức luận của Platon bằng cách vượt qua thế giới khả giác đưa chúng ta đến chân lý khả niệm: “Chúng ta nhờ tới một ánh sáng nội tâm, ánh sáng này tự biểu lộ ra trong các nguyên lý của các khoa học và của chân lý tự nhiên, vốn là bẩm sinh đối với con người.  Các thứ đó đều thuộc về một bậc nhận thức cao hơn, ở đó cảm năng không còn chỗ nữa.”  Tuy nhiên, cũng theo thánh Bonaventura thì do hậu quả của tội lỗi, tâm trí con người u mê và đầy dục dọng nên mắt của con người “mù lòa” và không nhìn thấy các thực tại, dấu vết của Thiên Chúa trong vũ trụ.  Vì thế, con người cần thiết phải trải qua việc thanh luyện.  Trong khi thanh luyện, nhờ ánh sáng vĩnh cửu soi sáng, các giác quan thể lý biến đổi thành các giác quan tinh thần và “chúng ta được đưa dẫn tới tấm gương của tâm hồn, trong đó các thực tại thần linh sáng ngời.”

d. Chiêm ngưỡng Thiên Chúa

Cùng với ân sủng của Thiên Chúa ban cho thân thể ta và bằng con mắt đã thanh tẩy qua các nhân đức Tin-Cậy-Mến, chúng ta chiêm niệm về Thiên Chúa.  Khi suy niệm bằng các giác quan của tinh thần: “Linh hồn ta có thể thấy, nghe, ngửi, nếm và ôm lấy Đức Lang quân.”  Và khi đó linh hồn được chuẩn bị để đạt tới những trạng thái xuất thần.

e. Phó thác hay an nghỉ trong Chúa

Đến đây lý trí của chúng ta phải nhường chỗ cho ý chí.  Chính nhờ lòng khao cháy bỏng, linh hồn được sắp xếp theo từng cấp bậc để tiến đến sự kết hợp với Thiên Chúa, nghĩa là được thanh tẩy, được soi sáng và trở nên hoàn thiện.  Trong giai đoạn này, con người có thể chiêm ngưỡng tính duy nhất thần linh qua Tên Gọi nguyên thủy là Hữu Thể và chiêm ngắm Ba Ngôi diễm phúc trong danh hiệu Thiện Hảo.

Thánh Bonaventura theo thuyết Lan tỏa đã quan niệm rằng: Sự Thiện thông truyền viên mãn làm phát sinh Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Trong các Ngôi vị, sự Thiện cao nhất đòi hỏi một tình yêu hiến thân vô biên; sự Thiện vô biên tạo nên sự đồng bản thể thuyệt đối dẫn đến có sự tương đồng sâu xa và sự bình đẳng giữa Ba Ngôi.  Vì vậy, khi linh hồn ta chiêm ngắm sự Thiện Hảo chính là Ngôi Con, nhờ Người chúng ta mới có thể đi vào sự kết hợp với Ba Ngôi trong xuất thần.

  1. Các nỗ lực của con người trong đời sống đạo đức

Sau khi vạch ra cho chúng ta con đường tri thức để tìm kiếm Chân lý vĩnh hằng là chính Thiên Chúa, thánh Bonaventura tiếp tục nêu ra những tiêu chuẩn giúp con người thực hành để đạt được Thiên Chúa là điều Thiện Hảo và Hạnh Phúc.  Theo ngài, có ba hành động: thanh tẩy đưa đến bình an, sáng soi đưa đến Chân lý, hoàn hảo đưa đến đức ái.  Ba hành động này đưa chúng ta đến Chúa Cha, nguồn mạch bình an; đến Chúa Con, nguồn mạch Chân lý, đến Chúa Thánh Thần, lửa bác ái yêu thương.

a. Sự thanh tẩy (Thanh đạo)

Sự thanh tẩy làm cho các khả năng của giác quan phục tùng lý trí, đến lượt lý trí qua hành động của mình làm cho các giác quan thể xác biến thành các giác quan tinh thần.  Theo thánh Bonaventura, sự thanh tẩy đòi hỏi con người phải trải qua một quá trình không thiếu phần khắc nghiệt: “Sự thanh luyện cũng đưa vào khuôn phép hoặc huấn luyện con người bên ngoài, con người cũ, gọi như thế là để đối lập với con người bên trong, con người mới.  Sự thanh luyện cấu tạo và sắp xếp các cảm giác bên ngoài, bên trong (ký ức, tưởng tượng, cảm giác) và các đam mê.  Sự thanh luyện làm cho các khả năng trên trở thành ngoan ngoãn phục tùng lý trí.  Lý trí hành động do Chúa Thánh Thần.  Như thế con người trở thành chủ nhân ông của bản thân, không còn lệ thuộc sự sợ hãi bên ngoài, không còn bị thiêu đốt bên trong bởi các thèm muốn, Con người được bằng yên.”

Theo thánh Bonaventura, chúng ta nhất thiết phải trải qua việc thanh tẩy vì: hậu quả của tội lỗi nên các hình ảnh của thế giới làm cho ta mù quáng, không thể trở vào nội tâm nhờ trí thông minh.  Tương tự con người không thể trở về với chính mình và khao khát sự ngọt ngào nội tâm và niềm hoan lạc thiêng liêng, vì bị dục vọng lôi kéo.  Hậu qua là họ không không nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong chính tâm hồn mình.

Trải qua con đường thanh luyện nhờ các nhân đức Tin, Cây, Mến, linh hồn con người sẽ được thanh tẩy, được soi sáng và nên hoàn hảo, nhờ thế: “Hình ảnh Thiên Chúa được tái tạo và linh hồn nên phù hợp với Giêrusalem thiên quốc.”

Con đường thanh luyện diễn ra như sau: Đức tin sẽ phục hồi thính giác và thị giác thiêng liêng, Đức cậy phục hồi thính giác thiêng liêng và Đức mến phục hồi vị giác và xúc giác thiêng liêng.  Các giác quan thể xác khi phục hồi sẽ trở thành các giác quan thiêng liêng, nhờ đó, con người có thể lắng nghe lời dạy của Chúa Kitô, chiêm ngắm ánh sáng huy hoàng của Ngài, và ôm trọn Ngôi Lời nhập thể và đến với Ngài trong tình yêu ngây ngất.

Đến đây, sự cảm nghiệm của con tim sẽ lấn át việc vận dụng lý trí.  Sau khi các giác quan thiêng liêng được phục hồi thì: “Linh hồn thấy, nghe, ngửi, nếm và ôm được những gì là đẹp đẽ, du dương và ngọt ngào nhất.”  Vai trò của lý trí phải nhường chỗ cho ý chí của con người.  Con người bỏ lại sự suy tư của lý trí, để “ôm trọn tâm tư ước muốn phải được đưa về Thiên Chúa và được biến đổi trong Người.”

b. Sự soi sáng của ân sủng (Minh đạo)

Sự soi sáng gồm việc đưa lý trí vào kỷ luật.  Linh hồn sáng lên nhờ suy tư và học hỏi.  Linh hồn học tập ăn ở phù hợp với bản chất, với các ưu đãi, với các cùng đích của mình, đồng thời chế ngự tính thất thường, phóng túng và các lôi cuốn của bản năng.

Thiên Chúa là nguồn ánh sáng lan tỏa “chiếu xuống trên tâm hồn chúng ta như những tia sáng,” giúp con người tự mình có thể tìm đường về với Thiên Chúa là nguồn ánh sáng thật, càng đến gần ánh sáng thì ánh sáng càng tỏa rạng làm thay đổi tâm hồn chúng ta: “Thấy được ánh sáng làm cho kẻ khôn ngoan phải ngây ngất ngưỡng mộ.”  Sự khao khát ước muốn, dẫn chúng ta đến những thay đổi và hành động theo tiếng lương tâm.  Hành động này giúp chúng ta hiểu biết Đức Kitô chịu đóng đinh và tiến tới việc: tin vào Đức Kitô, trông cậy vào Người, yêu mến Người và nên đồng hình đồng dạng với Người.  Nhờ đó, Đức Kitô vừa là ánh sáng soi chiếu cho chúng ta thấy các vẻ đẹp hài hòa của Thiên Chúa, vừa là phương tiện truyền thông các vẻ đẹp hoàn hảo ấy cho chúng ta.  Đồng thời Ngài cũng là tấm gương, trong đó chúng ta soi mình, biết mình để sửa đổi và trở nên giống Ngài.  Nhờ ánh sáng của Đức Kitô soi dẫn, chúng ta mới có thể đi vào trong sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa.

c. Sự hoàn thành toàn vẹn trong sự hoàn hảo (Hiệp đạo)

Đây là hành động hướng dẫn con người đến một sự hiểu biết thực nghiệm hoặc đến một ý thức đời sống thần linh đã có trong bản thân.  Thánh Bônaventura gọi đó là sự khôn ngoan và hành động của sự khôn ngoan là “sursum actio” (hành động nâng lên cao).

Con đường hiệp nhất tìm ra và cho linh hồn biết thực tại về đời sống con người, nghĩa là bác ái, nghĩa là tham dự vào đời sống thần linh trong Đức Kitô, hoặc như là sự hiệp thông của linh hồn vào sự hiệp thông ban sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh.

Trên ba con đường thanh tẩy, soi sáng, kết hợp của thánh Bonaventura đều có chiêm ngưỡng riêng, sinh ích lợi riêng cho tâm hồn, trước lúc bước vào hai thể thức chính thức chiêm ngưỡng, là chiêm ngưỡng bằng trí tuệ và chiêm ngưỡng theo ơn khôn ngoan.

  1. Kết luận

Sau khi chỉ cho con người “Hành trình lên tới Thiên Chúa”, thánh Bonaventura chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm thiêng liêng của ngài về việc gặp gỡ Thiên Chúa trong đời sống đức tin.  Điểm nhấn tư tưởng của ngài là hai con đường thiêng liêng, giúp con người nâng mình lên để gặp gỡ Thiên Chúa và hưởng trọn niềm hạnh phúc vô biên.

Trong niềm tin Kitô giáo, đời sống của chúng ta là một cuộc hành trình về với Thiên Chúa, nếu được thấm nhuần tư tưởng của thánh Bonaventura thì thế giới khả giác, sự rung nhịp của con tim và sự soi sáng của ân sủng là phương tiện dẫn ta đến cùng đích của đời người.

Quang Huyền

Nguồn: http://ofmvn.org/

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …