Thánh tích của Thánh Philipphê được đem về Rôma, đặt chung với thánh tích của Thánh Giacôbê Nhỏ (Hậu), tại Nhà thờ Thập Nhị Tông Đồ. Nhiều thế kỷ qua, Giáo hội vẫn mừng kính chung hai thánh này vào một ngày – ngày 3 tháng 5. Sau đó, thánh tích của Thánh Philipphê được chuyển về Constantinople, đặt tại Nhà thờ Dodici Apostoli ở Rôma.
- THÁNH PHILIPPHÊ
Thánh Tông đồ Philipphê (Hy ngữ: Φίλιππος, Philippos) là vị tông đồ đã rao giảng Tin Mừng tại Hy Lạp, Syria và Phrygia.
Phúc Âm theo Thánh Gioan mô tả Thánh Philipphêđược Chúa Giêsu kêu gọi làm tông đồ: Đức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê. Người gặp ông Philípphê và nói: “Anh hãy theo tôi” (Ga 1:43). Thánh Philipphê được mô tả là tông đồ đến từ TP Bết-sai-đa, và liên quan Thánh Anrê và Thánh Phêrô, hai người cùng ở thành phố đó (Ga 1:44), đồng thời còn liên quan Nathanael (đôi khi xác định là Tông đồ Batôlômêô), người mà Thánh Philipphê giới thiệu với Chúa Giêsu (Ga 1:45-47). Các tác giả Phúc Âm nhất lãm đều mô tả Thánh Philipphê là môn đệ của Chúa Giêsu (Mt 10:3; Mc 3:18; Lc 6:14). Chính Chúa Giêsu đã trắc nghiệm Thánh Philipphê về việc cho 5.000 người ăn (Ga 6:4-7), được người Hy Lạp tiếp cận vì họ muốn gặp Chúa Giêsu (Ga 12:20-21).
Sau khi Chúa Giêsu về trời, Philipphê chứng kiến mọi người cầu nguyện ở phòng trên lầu với nhiều người khác (Cv 1:13-15). Thánh Philipphê là một trong bảy người lãnh trách nhiệm chăm sóc giáo đoàn, các phụ nữ góa bụa và những người nghèo (Cv 6:1-6). Ngài tới Samari để rao giảng và làm phép lạ (Cv 8:4-6). Theo Cv 21:9, cả bốn cô con gái của Thánh Philipphê đều ở độc thân và có ơn nói tiên tri.
Thánh Philipphê là trưởng nhóm thứ hai. Nhóm này gồm Philipphê, Batôlômêô, Matthêu, Tôma. Thánh Batôlômêô là bạn của Thánh Philipphê và cùng đi truyền giáo, Thánh Batôlômêô chứng kiến Thánh Philipphê chịu tử đạo. Hai tông đồ này thường bày tỏ ước muốn theo Đấng Mêsia.
Trong bốn Phúc Âm, Thánh Philipphê nổi bật nhất trong Tin Mừng theo Thánh Gioan. Điều nổi bật thứ hai là Thánh Philipphê có liên quan cộng đồng Hy Lạp(Ga 12:20-36). Thánh Philipphê chán cái tên Hy Lạp và chúng ta có thể suy luận từ bản văn cho thấy Thánh Philipphê nói tiếng Hy Lạp, giới thiệu các thành viên của cộng đồng này với Chúa Giêsu. Trong Bữa Tiệc Ly (Ga 14:8-11), Thánh Philipphê xin Chúa Giêsu tỏ cho thấy Chúa Cha, và tạo cơ hội cho Chúa Giêsu dạy các tông đồ về sự kết hiệp của Chúa Cha và Chúa Con.
Thánh Philipphê luôn là người thứ năm được nhắc tới trong danh sách các tông đồ (Mt 10:3; Mc 3:18; Lc 6:14; Cv 1:13). Các câu chuyện về cuộc đời và sứ vụ của Thánh Philipphê có thể thấy thường xuyên hơn trong các bản văn khác ngoài Tân ước.
Các huyền thoại vềThánh Philipphê có thể không đúng, nhưng nhiều nhà viết tiểu sử cho rằngThánh Philipphê Tông đồ cũng là Thánh Philipphê Thánh sử. Điều đáng lưu ý là Êusêbiô cho rằngcả hai Thánh Philipphê chỉ là một người. Đầu thập niên 1260, Jacobus de Voragine nói trong Golden Legend (Truyền Thuyết Vàng) rằng cuộc đời Thánh Philipphê doThánh Êusêbiôđưa ra là không đáng tin.
Câu chuyện về Thánh Philipphê được ghi lại trong Thư của Thánh Phêrô gởi Thánh Philipphê, một trong các bản văn có tại Thư viện Nag Hammadi, niên đại là cuối thế kỷ II và đầu thế kỷ III. Bản văn nay bắt đầu bằng Thư của Thánh Phêrô gởi Thánh Philipphê Tông đồ, mời gia nhập nhóm tông đồ ở Núi Cây Dầu (Ô-liu). Fred Lapham tin rằng lá thư này cho thấy truyền thống ban đầu “vào thời điểm giữa khoảng thời gian từ lúc Chúa Giêsu phục sinh và lúc Ngài hiện ra với các tông đồ, Thánh Philipphê đã nhận sứ vụ, và trở lại với các tông đồ vì lý do nào đó”. Sứ vụ này phù hợp với truyền thống sau đó nói rằng mỗi tông đồ nhận một sứ vụ riêng. Lapham giải thích rằng cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu phục sinh và các tông đồ được lồng vào sau đó.
Các câu chuyện khác về cuộc đời Thánh Philipphê có thể tìm thấy trong sách Công Vụ Philipphê, có thể do Êusêbiô viết. Cuốn sách này cho biết cuộc rao giảng và các phép lạ của Thánh Philipphê. Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Thánh Philipphê được sai đi với cô em gái là Mariamne và Batôlômêô cùng rao giảng tại Hy Lạp, Phrygia, và Syria.
Trong sách Công Vụ Philipphê có phần phụ lục về “Chuyến đi của Thánh Philipphê Tông đồ: Từ công vụ thứ 15 tới cuối cùng, và trong số họ có người chịu tử đạo”. Phụ lục này nói về cuộc tử đạo của Thánh Philipphê tại TP Hierapolis. Theo đó, qua các phép lạ chữa lành và việc rao giảng của Thánh Philipphê, bà vợ của thống đốc thành phố này đã trở lại đạo. Điều này đã khiến thống đốc nổi giận, ra lệnh bắt Philipphê, Batôlômêô và Mariamne rồi hành hạ. Thánh Philipphê và Batôlômêô bị đóng đinh ngược. Bị treo ngược mà Thánh Philipphê vẫn rao giảng về Đức Kitô. Nghe Thánh Philipphê rao giảng, đám đông thả Thánh Batôlômêô, nhưng Thánh Philipphê nói họ không được thả chính mình, thế làThánh Philipphê chết trên thập giá.
Truyền thuyết khác nói rằngThánh Philipphê bị chém đầu ở TP Hierapolis. Thánh Philipphê được gắn liền với cây thập giá Latin. Các biểu tượng khác cũng được coi là của Thánh Philipphê: Cây thập Giá với hai ổ bánh (vì Thánh Philipphê trao cho Chúa Giêsu hai ổ bánh– Ga 6:7), thúng bánh, cái giáo với thập giá, và cây thập giá với cây thước vuông thợ mộc.
Ngày 27-7-2011, Thông tấn xã Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết rằng các nhà khảo cổ đã khai quật một ngôi mộ được coi là mộ ThánhPhilipphê ở Hierapolis, gần TP Denizli (Thổ Nhĩ Kỳ). Giáo sư Francesco D’Andria (người Ý) nói rằng các khoa học gia nói rằng thiết kế của ngôi mộ và các chữ viết cho thấy chắc chắn là của một trong các tông đồ của Chúa Giêsu.
Thánh Philipphê ở làng chài Bếtsaiđa, thuộc phía Bắc Nam bờ biển Galilê. Chúa Giêsu đã chọn ba tông đồ từ ngôi làng chài nhỏ bé này. Thánh Philipphê lập gia đình và có ba cô con gái. Papias, giám mục GP Hierapolis khoảng năm 130, cũng nói tới ba cô con gái này vì có quen biết.
Câu nói củaThánh Philipphêđơn giản mà sâu sắc: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14:8). Chúa Cha là cùng đích của chúng ta, những người tin vào Đức Giêsu Kitô.
- THÁNH GIACÔBÊ
Thánh Giacôbê (Hy ngữ là Ἰάκωβος, Iakōbos) là con của ông Anphê: Chúng ta không biết gì về ngài ngoài tên gọi, và sự thật là Chúa Giêsu đã chọn ông làm 12 cột trụ của Israel mới, tức là Giáo hội. Ngài không là Giacôbê trong sách Công Vụ, con của Cơ-lê-ô-pát, anh em họ của Chúa Giêsu, sau đó là giám mục Giêrusalem và là tác giả của Thư Thánh Giacôbê. Thánh Giacôbê được gọi là Giacôbê Nhỏ (Hậu – Iacobos ho mikros, Ἰακώβος ο μικρος – Mc 15:40) để tránh lầm lẫn với Giacôbê là con của Dêbêđê, cũng là tông đồ và là Giacôbê Lớn (Tiền).
Thánh Giacôbê là một trong mười hai tông đồ của Chúa Giêsu, các Phúc Âm nhất lãm đề cập ba lần trong danh sách các môn đệ, được gọi là Giacôbê Nhỏ theo truyền thống Giáo hội.
Các học giả Kinh Thánh hiện đại cho rằng việc phân biệt đó là đúng. John Paul Maier cũng nhận thấy như vậy. Cuốn “the New Bible Dictionary” ủng hộ sự xác định truyền thống, còn Don Carson và Darrell Bock coi sự xác định là điều có thể, chứ không chắc chắn.
Thánh Giêrônimô cho rằng Giacôbê, con ông Anphê, được xác định là “ông Giacôbê, người anh em của Chúa” (Gl 1:19) và từ ngữ “người anh em” được hiểu là “anh em họ”. Quan điểm của Thánh Giêrônimô đã được chấp nhận rộng rãi trong Giáo hội Công giáo, trong khi Công giáo Đông phương, Chính thống giáo Đông phương và Tin Lành có xu hướng phân biệt hai người. Geike (1884) cho biết: Hausrath, Dalitzsch và Schenkel cho rằng Giacôbêlà con của Cơlôpát-Anphê.
Anphê cũng là tên cha của người thu thuế Lêvi được nhắc tới trong Mc 2:14. Người thu thuế đó chính là Mátthêu trong Mt 9:9, điều đó khiến một số học giả kết luận rằng Giacôbê và Mátthêu có thể là hai anh em. Giacôbê là con ông Anphê được nhắc tới 4 lần trong Kinh Thánh (danh sách các tông đồ), mối quan hệ gia đình duy nhất được nói tới là người cha tên Anphê. Trong hai danh sách các tông đồ, một Giacôbê khác và Gioan được nói là anh em và tên người cha là Dêbêđê.
TRẦM THIÊN THU