Phú Hộ Ung Dung Hưởng Lạc Trần Thế
Người Nghèo Khổ Sở Vui Phần Nước Trời
Số phận được tạo nên bởi tính cách, tính cách được tạo nên bởi thói quen, thói quen được tạo nên bởi hành động, hành động do suy nghĩ. Như vậy, chính cách suy nghĩ tạo nên số phận của mình. Số phận có thể tốt hay xấu.
Dụ ngôn “Ông Nhà Giàu và Anh Ladarô Nghèo Khó” được trình bày qua trình thuật Lc 16:19-31. Trong đó, một người giàu sang, mặc đồ hàng hiệu, đi xe xịn, ở biệt thự nguy nga, và ngày nào cũng tiệc tùng linh đình. Ngoài cổng biệt thự nhà ông có anh chàng Ladarô nghèo khó, mụn nhọt đầy mình, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông nhà giàu rớt xuống mà ăn cho no cũng không được. Vừa khổ vừa đói đã đành, đằng này lại có mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc trên thân thể của anh. Nghèo khổ đến nỗi cũng chẳng có cái mùng tơi mà rớt. Nghèo tới tận cùng bảng số!
Quy luật muôn thuở: Sinh ký, tử quy. Người nghèo chết. Người giàu cũng chết. Người nghèo được thiên thần đem vào lòng Tổ phụ Ápraham. Người giàu phải vào chốn khổ đau đời đời. Tội của ông không phải là giàu sang phú quý, mà là tội phung phí tiền bạc vào những lạc thú trần gian vô bổ, tội không biết xót thương người nghèo. Sướng trước rồi thì bây giờ phải nhường cái phúc cho người khác. Đó là hệ lụy công bình.
Hai con người, hai cuộc đời, hai số phận. Khi chịu cực hình dưới âm phủ, người giàu ngước mắt lên, thấy Tổ phụ Ápraham và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Người giàu xin tổ phụ thương xót mà sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi để làm mát ông, vì ông bị lửa thiêu đốt nóng nảy lắm. Khổ rồi mới biết sợ, nhưng hối hận quá muộn rồi!
Tổ phụ Ápraham phân tích: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.” Hai cuộc đời có hai cách sống khác nhau, thế nên hệ lụy cũng hoàn toàn khác nhau.
Thấy cầu cứu cho mình không được, người giàu chuyển sang cầu cứu cho thân nhân. Ông xin Tổ phụ Ápraham sai anh Ladarô đến nhà ông báo hung tin cho năm người anh em của ông để họ thay đổi, kẻo cũng sa vào chốn cực hình như ông. Nhưng tổ phụ đáp: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ thì chúng cứ nghe lời các vị đó.” Người giàu nói rằng họ sẽ không chịu nghe, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ thì họ sẽ ăn năn sám hối. Nhưng tổ phụ xác định: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.” Đúng vậy, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, thấy quan tài rồi thì không kịp đổ lệ nữa!
Xưa nay có biết bao lời cảnh báo, nhưng người ta chỉ sợ khi mới nghe, vài ngày rồi quên, đâu lại vào đấy, chó đen giữ mực. Dụ ngôn này cho thấy Thiên Chúa đề cao lòng trắc ẩn, đức ái hoặc đức mến – một trong ba nhân đức đối thần, nhưng đức mến cao trọng hơn cả, (1 Cr 13:13) vì đức mến tồn tại ở cả đời này và đời sau.
Đức mến quan trọng vì chúng ta “làm gì cho những người bé nhỏ là làm cho chính Thiên Chúa.” (Mt 25:40) Mẹ Thánh Teresa Calcutta đã thực hiện như vậy, và Mẹ chia sẻ bí quyết: “Quan trọng không phải chúng ta cho đi bao nhiêu, mà là chúng ta dành bao nhiêu sự yêu thương để cho đi. Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu vĩ đại.” Quả thật, “cách cho” quan trọng hơn “của cho” là vậy.
Có hai con người nhưng có ba điều ước: 1. Ladarô ước chút cơm thừa canh cặn mà không có; 2. Người giàu ước giọt nước để làm dịu cơn nóng bức mà không được; 3. Người giàu ước có người chết về báo cho thân nhân mà không được. Điều đáng lưu ý là hai điều ước của người giàu quá muộn màng, không thể làm gì được nữa!
Chắc chắn không ai không có mong muốn hoặc mơ ước, dù chỉ là điều ước bình thường. Vì không có, vì thiếu hoặc vì ưa thích cái gì đó nên chúng ta mơ ước. Mơ ước dẫn tới hành động, hành động nhiều hóa thành thói quen, thói quen trở thành tính cách, tính cách tạo nên số phận. Cẩn tắc vô ưu!
Nhà thần luận kiêm triết gia Voltaire (1694-1778, người Pháp) xác định: “Chúng ta không thể mong ước điều mình không biết.” Câu nói đơn giản mà chí lý. Thật vậy, không ai lại mơ ước cái mà mình không hề biết nó thế nào. Mơ ước phải lớn hơn nỗi sợ hãi. Có vậy chúng ta mới dám làm những gì cần thiết để đạt được mơ ước – dĩ nhiên ở đây chỉ đề cập mơ ước tốt lành mà thôi.
Số phận có thể chính là định mệnh. Sống sao chết vậy. Hệ lụy tất yếu. Sống xả láng, chơi bời trác táng, ăn uống thỏa cơn thèm, chắc chắn có ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Món ăn ngon và bổ dưỡng, nhưng không phải ai cũng ăn được. Tương tự, cần kiêng cái này và phải cữ cái nọ để duy trì sức khỏe tâm linh!
Cuộc sống luôn phải cố gắng vượt qua đủ thứ, khó nhất là chiến thắng chính mình. Thiên Chúa đã từng cảnh cáo qua ngôn sứ Amốt: “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Sion, và sống an nhiên tự tại trên núi Samari.” (Am 6:1a) Thiên Chúa chúc dữ cho những người nhàn hạ như vậy, còn người ta nói: “Nhàn cư vi bất thiện.” Rõ ràng đâu phải an nhàn là sướng, sướng nào có khỏe, khỏe chưa chắc thích. Bởi vì ăn ngon thì sinh bệnh, bị bệnh thì không khỏe, không khỏe thì bao nhiêu tiền cũng chẳng mua được sức khỏe. Thảo nào tiền nhân đã ví von chí lý: “Sức khỏe là vàng.” Loại vàng này còn quý hơn loại vàng ròng hoặc vàng “9999” nữa kìa!
Kinh Thánh mô tả “kiểu cách” của những người sống xả láng: “Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng đàn hát nghêu ngao; như Đavít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ! Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn!” (Am 6:4-7)
Cuối cùng, hệ lụy tất yếu đã xảy ra. Cuộc đời phàm nhân cũng tương tự, điều gì đến rồi cũng phải đến – đã đến, đang đến hoặc sẽ đến! Như một ca khúc Pháp nói: “Que sera sera!” (What will be will be!)
Trong đời sống xã hội, người ta thường chia thành ba giai cấp: thượng lưu, trung lưu, và hạ lưu. Tóm gọn và đơn giản hóa thì có thể chia làm hai giới: giàu và nghèo. Người ta chỉ thích người giàu, không ai thích người nghèo – vì sợ “hãm tài.” Nhưng Thiên Chúa lại trái ngược và đối lập với chúng ta, như Thánh Vịnh gia cho biết: “Thiên Chúa xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính. Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.” (Tv 146:7-9)
Con người đôi khi tự mâu thuẫn. Biết rõ điều gì đó tốt lành và đáng mơ ước nhưng lại không làm. Chẳng hạn, ai cũng biết việc vận động thể lý là điều cần thiết để sống khỏe nhưng có mấy ai kiên trì áp dụng? Đến lúc đuối sức rồi mới mơ ước. Muộn mất rồi! Tài năng thiên phú cũng cần được trau dồi, phải khổ luyện không ngừng, không thể tà tà mà được.
Cũng tương tự đối với đời sống tâm linh, tức là phải không ngừng vận động – tránh điều xấu, làm điều tốt. Với Timôthê, ông Phaolô khuyên: “Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy tránh xa những điều đó; hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa. Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời; chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng. Trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sức sống cho mọi loài, và trước mặt Đức Kitô Giêsu là Đấng đã làm chứng trước tòa tổng trấn Phongxiô Philatô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp.” (1 Tm 6:11-13) Và đó cũng là lời khuyên cho mỗi chúng ta thời nay.
Vừa giải thích, vừa xác định, vừa truyền lệnh, ông Phaolô nói với ông Timôthê: “Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xuất hiện. Đấng sẽ cho Đức Kitô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi, là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa. Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời.” (1 Tm 6:14-16)
Thiên Chúa có mọi thứ, chúng ta bất túc mọi thứ. Ngài giàu có nhất nhưng tự nguyện trở nên nghèo khó nhất để chúng ta được giàu có; Ngài dũng mãnh nhất nhưng tự nguyện trở nên yếu đuối nhất để chúng ta được vững mạnh. Ai khiêm nhường nhận biết mình yếu đuối thì Ngài sẽ ban sức mạnh, khiêm nhường nhận biết mình tội lỗi thì Ngài sẽ thứ tha, khiêm nhường nhận biết mình nghèo hèn thì Ngài sẽ làm cho giàu sang. Ngài là sự sống nhưng chịu chết để chúng ta được sống và sống dồi dào.
Giàu sang phú quý không phải là tội, nhưng có thể là mối nguy. Nghèo khó chưa hẳn là phúc nếu không trong sạch, và nghèo khó vẫn có thể là mối nguy nếu tham lam, trộm cướp, rồi viện cớ mình nghèo. Thái quá hóa bất cập. Tác giả sách Châm Ngôn đã khôn ngoan cầu nguyện: “Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài. Nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con.” (Cn 30:8-9)
Mỗi người đều có số phận riêng, muốn khác cũng không được. Thiên Chúa quan phòng và tiền định mọi sự: “Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do Đức Chúa.” (Hc 11:14) Chính “con người đau khổ” mang tên Gióp đã từng than thở: “Gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.” (G 7:3) Nhưng có điều quan trọng và ai cũng phải có, đó là điều mà Kinh Thánh đã minh định: “Kẻ giàu, người sang cũng như kẻ nghèo: niềm hãnh diện của tất cả là kính sợ Đức Chúa.” (Hc 10:22)
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con an tâm vui sống với những gì Ngài dành cho chúng con, dù số phận có thế nào thì vẫn một lòng phụng sự Chúa trong mọi người. Xin giúp chúng con biết đời và biết mình để có thể vượt qua mọi sự và chiến thắng chính mình. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU