Home / Chia Sẻ / HAI NGƯỜI MẸ

HAI NGƯỜI MẸ

Thiết Tha Yêu Mến Hai Người Mẹ
Son Sắt Trọn Niềm Một Đức Tin

HAI NGƯỜI MẸNếu thực sự TIN thì PHÚC không đâu xa. Tuy nhiên, TIN mình được Chúa thương thì không là kiêu ngạo, nhưng TƯỞNG mình được Chúa thương thì lại là kiêu ngạo. Phúc và Họa chỉ cách nhau một lằn ranh mong manh!

Theo trình thuật của Thánh sử Luca, Đức Maria được sứ thần truyền tin và biết tin Chị Êlidabét cũng có tin vui kỳ lạ, sau đó liền vội vã lên đường đi thăm người chị họ. Nghe Đức Maria chào người mẹ, đứa con trong bụng nhảy lên. Người mẹ được đầy tràn Thánh Thần và nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật CÓ PHÚC vì đã TIN rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1:42-45)

Lúc đó, Đức Maria ứng khẩu “Bài Ca Ngợi Khen” (Magnificat, Lc 1:45-55) chúc tụng Thiên Chúa:

Hồn tôi ca ngợi Chúa Trời

Trí tôi hớn hở mừng vui vô cùng

Vì Thiên Chúa, Đấng muôn trùng

Đã thương nhìn tới phận thường nữ nhi

Mọi đời mãi mãi ngợi ca

Rằng tôi diễm phúc, người ta chẳng bằng

Bao điều cao cả vô song

Đều do chính Đấng Toàn Năng đã làm

Danh Người chí thánh chí tôn

Lòng thương xót Chúa trải muôn muôn đời

Tay Người sức mạnh tuyệt vời

Dẹp hết những người lòng trí kiêu căng

Người quyền thế hết đường ngông

Còn kẻ khiêm nhường được Chúa nâng cao

Những người nghèo Chúa thưởng nhiều

Còn những người giàu chịu trắng tay luôn

Chúa phù hộ Ít-ra-en

Những người tôi tớ vẫn luôn tín thành

Như lời Chúa hứa rành rành

Lòng thương xót Chúa vẫn dành tôi trung

Áp-ra-ham Tổ phụ chung

Muôn đời con cháu được cùng hưởng ơn

Và Thánh sử Luca cho biết rằng cuộc thăm viếng đặc biệt này kéo dài “độ ba tháng.” (Lc 1:56) Dì Maria đã ân cần chăm sóc Chị Êlidabét trong những ngày cuối thai kỳ. Người Việt nói: “Thương nhau như chị em gái.” Câu đó có ý nói tình chị em ruột, nhưng không hẳn chỉ như thế. Chị em nào cũng là chị em. Tình thương nào cũng cần thiết. Chị em gọi là tỷ muội, ruột thịt hay họ hàng cũng là chị em, chẳng nên phân biệt chi!

Khi đọc kinh Mân Côi với mầu nhiệm thứ hai trong Mùa Vui, chúng ta suy niệm: “Đức Mẹ thăm viếng Thánh Isave, xin cho con được lòng khiêm nhường.” Phải cầu xin như vậy vì đức khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức, rất quan trọng đối với cả đời sống tâm linh và đời thường.

Quả thật, để có thể thăm viếng nhau, người ta phải có lòng khiêm nhường. Cuộc sống ngày nay phức tạp hơn nhiều so với ngày xưa. Ngày xưa người ta thường thăm viếng nhau vì tình nghĩa, ngày nay hiếm có người thăm viếng nhau như vậy. Không muốn nhìn nhau, gặp nhau, làm gì có chuyện thăm nhau! Có thể có người cũng thực sự muốn đến thăm nhau, nhưng lại sợ người ta cho là “có vấn đề” hoặc “tính chuyện” gì đó nên ngần ngại. Và khoảng cách cứ xa dần. Người ta nói rằng xã hội ngày nay coi trọng vật chất, đó là cách nói tránh né, nói thẳng ra là ảnh hưởng chủ nghĩa duy vật, vô thần.

Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng có nguồn gốc từ Thời Trung Cổ, được Dòng Phanxicô duy trì trước năm 1263, và mau chóng lan truyền khắp Giáo Hội hoàn vũ. Trước đây, lễ này kính vào ngày 2 tháng Bảy, nay cử hành vào khoảng giữa hai lễ Truyền Tin và Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, phù hợp với trình thuật Phúc Âm, đồng thời nhắc nhở cầu xin Chúa THÁNH HÓA CÁC THAI PHỤ và THAI NHI, và phải BẢO VỆ SỰ SỐNG, vì Đức Mẹ đã mang trong cung lòng Con Thiên Chúa – Vua Trời Đất, Đấng Tạo Tác thế gian, và Mặt Trời Công Chính. Lễ này là lời nhắc nhở hai chữ T quan trọng: Thăm (viếng) và Thương (yêu). Quả thật, “tình yêu thương con người là tài sản quý giá nhất.” (tục ngữ Ả Rập)

Thăm viếng nhau là thể hiện đức khiêm nhường. Ma quỷ có thể khoác chiếc áo sáng láng và đạo đức để đánh lừa người ta, nhưng nó không bao giờ có thể khoác chiếc áo khiêm nhường. Chỉ có đức khiêm nhường mới có thể đè bẹp “cái tôi” xuống. Chúa Giêsu luôn muốn người ta sống nhân đức khiêm nhường kỳ diệu: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11:29)

Thăm viếng là cách giao tiếp phổ biến trong cuộc sống. Không ai lại không một lần thăm viếng người khác, có thể chỉ là hỏi thăm bình thường hoặc chuyện vãn khi nhàn rỗi, đặc biệt là những cuộc thăm viếng dành cho người già yếu, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo, tù nhân, bệnh nhân, nạn nhân, thai phụ,… Mức độ có thể khác nhau, nhưng điều cần thiết vẫn là vì đức ái: “Hãy làm mọi sự vì đức ái.” (1 Cr 16:16) Vì đức ái mà hành động thì chuyện nhỏ cũng trở nên giá trị trước mặt Thiên Chúa, không vì đức ái mà chỉ vì “lấy lòng” hoặc “che mắt thế gian” thì chuyện lớn cũng không có giá trị đối với Thiên Chúa. Nói chung, phải được bắt đầu từ đức ái.

Lạy Thiên Chúa, xin ban cho chúng con trái tim đầy máu yêu thương của Ngài, xin hoán cải tâm hồn chai cứng của chúng con để chúng con nhìn nhau bằng ánh mắt thiện cảm, chân thành gặp nhau và nâng đỡ nhau. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

▷ Mẹ Diễm Phúc – https://youtu.be/5etYwyHoPp0

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …