“Lời Chúa là lời chân thật” (Tv 12:7) và “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119:105) Đó là điều tất nhiên, vì chúng ta vẫn tâm niệm: “Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ.” (Tv 119:11) Có khi Lời Chúa làm cho chúng ta thực sự phấn khởi và vui mừng, nhưng có khi Lời Chúa lại làm cho chúng ta đau điếng và phải… giật mình!
Trong trình thuật Lc 18:9-14 cho biết Đức Giêsu kể dụ ngôn về hai động thái trái ngược nhau: KIÊU NGẠO và KHIÊM NHƯỜNG. Giữa hai động thái này chỉ có một làn ranh mong manh! Trong cuộc sống thường nhật chúng ta vẫn thấy có những người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác, thậm chí chính chúng ta cũng đã từng hơn một lần nhìn người khác bằng “nửa con mắt” như vậy!
Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu ĐỨNG THẲNG, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” (Lc 18:11-12)
Người Pharisêu “đứng thẳng” và tự nhận mình “không như tên thu thuế kia.” Đó là hai động thái đầy vẻ kiêu ngạo và ảo tưởng. Không chỉ vậy, ông ta còn “khoe mẽ” là “ăn chay mỗi tuần hai lần” và “dâng cho Chúa một phần mười thu nhập.”
Đạo đức và thánh thiện quá! Thảo nào ông ta không “vênh vang” sao được, vì ông ta vừa tỏ ra đạo đức vừa tỏ ra hào phóng với Chúa bằng chính tiền bạc của ông ta. Chắc là ông ta cũng thường xuyên “đi làm từ thiện” lắm! Loại người này được người ta gọi là “ông kia, bà nọ,” được “chú ý,” được “tâng bốc,” được “đưa đón,” được “ăn trên, ngồi trước,”…
Còn người thu thuế thì ĐỨNG ĐẰNG XA, thậm chí CHẲNG DÁM NGƯỚC MẮT LÊN TRỜI, nhưng vừa ĐẤM NGỰC vừa thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18:13) Ngày xưa, người thu thuế “bị” coi là “phường tội lỗi” – vì thường “bóp chẹt” dân. Thế nên loại người này bị gọi là “thằng,” là “nó,” khá lắm cũng chỉ là “anh.”
Hẳn là người thu thuế biết “thân phận” mình nên khi anh ta vào nhà thờ chỉ “đứng ở góc cuối” và “không dám ngước mặt nhìn ai,” vừa đấm ngực vừa lâm râm cầu xin ơn tha thứ cho mình. Anh ta biết người ta luôn nhìn mình bằng ánh-mắt-mang-hình-viên-đạn, thế nên anh ta đành nín thinh và không dám nói nửa lời.
Chúa Giêsu bảo: “Tôi nói cho các ông biết: người này (người thu thuế), khi trở xuống mà về nhà thì đã ĐƯỢC NÊN CÔNG CHÍNH rồi; còn người kia (người Pharisêu) thì không.” (Lc 18:14a) Và Ngài xác định: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18:14b) Khiêm nhường là nền tảng mọi nhân đức. Kinh “Cải Tội Bảy Mối” đã đặt “khiêm nhường” vào “mối” thứ nhất: “Khiêm nhường chớ kiêu ngạo.” Nói đến đức-khiêm-nhường là có “đụng chạm” tới tính-kiêu-ngạo.
Sau giây phút cầu nguyện trước mặt Chúa, người-tự-nhận-tội-lỗi kia đã lãnh nhận được Lòng Chúa Thương Xót, còn người-tự-nhận-công-chính lại không nhận được Ơn Chúa. Chính Chúa Giêsu xác định: “Chẳng có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.” (Lc 18:19) Trước mặt Chúa, tất cả chúng ta (không trừ ai) đều là tội nhân khốn nạn. Đó là sự thật trăm phần trăm. Đừng ảo tưởng mà kiêu ngạo!
Ở Lc 19:1-10, chúng ta cũng biết được chuyện ông Da-kêu. Ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để chờ xem Đức Giêsu đi qua đó. Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, Ngài nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay Tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19:5) Chúa Giêsu tự nhận trách nhiệm “phải ở lại” nhà ông Da-kêu. Chắc hẳn Chúa vào nhà ông không phải vì ông là người-giàu-nứt-đố-đổ-vách hoặc lắm-của-nhiều-tiền, mà chỉ vì ông là người-tội-lỗi, Chúa muốn “giải thoát” ông-mập-lùn ấy.
Nghe Chúa Giêsu nói vậy, ông khoái chí nên vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Ngài. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” (Lc 19:7) Ở đây chúng ta cũng thấy rõ hai động thái: KIÊU NGẠO và KHIÊM NHƯỜNG.
[Việt ngữ có những chữ K “đối lập” thật là thú vị: Kiêu căng, Kiêu kỳ, Kiêu ngạo – Khiêm nhu, Khiêm nhường, Khiêm tốn].
Ông Dakêu không cần tính toán, liền thưa với Chúa: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” (Lc 19:8) Biết nghề của mình “không trong sạch” và “lóm lém” ít nhiều, ông sẵn sàng trả lại công lý cho những người đã bị đối xử bất công, và ông sẵn sàng “đền gấp bốn” cho người bị hại. Quá tuyệt vời! Thế nên Đức Giêsu mới nói về ông ta: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 19:9-10)
Ông Da-kêu mang tiếng là “phường tội lỗi” nhưng ông đã thật lòng sám hối, quyết từ bỏ “con người cũ” để trở nên “con người mới,” và ông đã được lãnh nhận Lòng Chúa Thương Xót ngay lập tức. Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh mà chúng ta lại thường không muốn nhớ: “Con Người ĐẾN để TÌM và CỨU những gì ĐÃ MẤT.”
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ tổng thống Hugo Chavéz bị ung thư. Ngày 5-4-2012 (Thứ Năm Tuần Thánh), Đài truyền hình quốc gia Venezuela (cơ quan thông tấn chính thức) đã đưa bản tin gây sửng sốt đối với dân chúng và các giám mục của Venezuela về tổng thống Hugo Chavéz. Chuyện lạ hơn nữa là ông ĐEO MỘT CHUỖI TRÀNG HẠT NHƯ MỘT NGƯỜI CÔNG GIÁO MỘ ĐẠO, và KHÓC ngay trước mặt mọi người trong Thánh lễ hôm đó. Báo “The Wall Street” tường thuật rằng, tổng thống Hugo Chavéz đứng trên bục giảng, quay mặt xuống anh chị em giáo dân, vừa khóc vừa nói: “Lạy Chúa, xin cho con cuộc sống, thậm chí là một cuộc sống bị thiêu đốt, hoặc đau đớn đi nữa cũng không quan trọng – miễn còn sống là được.”
Khi ĐGH Bênêđictô XVI sang thăm Cuba (từ 26 đến 28-3-2012), tổng thống Hugo Chavéz đã có mặt tại đó vào ngày 24-3-2012 để xạ trị và ông tỏ ý muốn được gặp ĐGH. Tuy nhiên, sau đó chuyện không thành. Thiết tưởng điều đó cũng không thành vấn đề, vấn đề là tổng thống Chavéz đã có ý ngay lành.
Vấn đề cần lưu ý ở đây là “lòng thành” của một vị tổng thống. Có thể chính căn bệnh ung thư của ông khiến ông đang phải đối diện với cái chết, và cũng nhờ đó mà ông biết cầu nguyện, biết khao khát, biết trông mong và biết tín thác vào Thiên Chúa. Thánh Ý Chúa quá mầu nhiệm!
Theo Thánh Phaolô, chúng ta “đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa,” (Ep 5:17) và “xin cho ý Chúa được thể hiện!” (Cv 21:14) Đó là điều tối cần thiết đối với chúng ta đang trên đường lữ hành tiến về Nước Trời.
Nhờ Ơn Chúa, chúng ta phải quyết tâm và tự nhủ: “Hãy tỉnh thức, hãy đứng vững trong đức tin, hãy làm mọi sự vì đức ái.” (1 Cr 16:13-14) Đó là bí quyết sống khiêm nhường và tránh kiêu ngạo, đồng thời là cách sống Mầu Nhiệm Phục Sinh và sống tinh thần của Lòng Chúa Thương Xót, không chỉ theo “mùa” mà phải sống hằng ngày.
TRẦM THIÊN THU