Home / Liên Giáo phận / Giáo tỉnh Sài Gòn / TGP Sài Gòn / GX Tân Phú: bài chia sẻ và bài giảng của cha Giuse ngày 28/10/2015

GX Tân Phú: bài chia sẻ và bài giảng của cha Giuse ngày 28/10/2015

 

                                                                              

“Suốt đêm, Người cầu nguyện, Người chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ(Lc 6,12-13)

h1Vào 16g00 thứ Tư 28-10-2015, cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót GX Tân Phú đã có buổi học hỏi lần 3 về LCTX theo tinh thần Tông chiếu của Đức Thánh Cha Phanxico.

Sau khi cộng đoàn lần chuỗi Thương Xót và nghe đọc Nhật ký thánh nữ Faustina, đến phần học hỏi.

Tìm hiểu về LCTX theo Tông Chiếu

Cha phụ tá Giuse Phạm Công Minh, linh hướng LCTX GX Tân Phú đã giới thiệu cha Giuse Nguyễn Phát Tài tiếp tục hướng dẫn mọi người học hỏi về lòng thương xót của Thiên Chúa.

Cha hướng dẫn đã mời cộng đoàn đứng để nghe Tin Mừng (Mc10, 46-52) nội dung trình thuật về việc Chúa Giêsu đã thương xót và chữa lành cho một người mù ngồi bên lề đường.

Cha nói: Ta cần làm ba điều là khám phá, kêu cầu và loan báo về Lòng Chúa Thương xót cho mọi người.

Bài Tin Mừng này vửa được đọc trong lễ Chúa Nhật, kể về người mù ngồi bên lề đường khi nghe tiếng Chúa đi qua đã kêu lên “Lạy Ông Giêsu, con vua Đavit xin rủ lòng thương xót tôi”. Vua Đavit là tước hiệu của Chúa Giêsu vì Ngài là dòng dõi hoàng tộc. Tại sao chúa lại xuất hiện ở dòng dõi Đavít, vì Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa “Từ dòng dõi ngươi sẽ sinh ra Đấng Cứu Thế” nên người mù đã tôn vinh Chúa bởi ý của anh ta là khoảng cách giữa Chúa và anh ta rất xa, nhưng anh ta luôn hy vọng và tin tưởng vào lòng nhân từ của Người.

Lòng Thương xót của Chúa là phẩm tính của Thiên Chúa và ngày càng được nghe nói nhiều, vì sao? Ngày 08-12-2015 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ long trọng khai mạc Năm Thánh LCTX và mở cửa Năm Thánh cho mọi tín hữu Ki-tô giáo trên toàn cầu. Bất cứ ngôi nhà thờ nào cũng có các cửa và luôn được mở rộng nhưng bên Tòa Thánh có một cánh cửa luôn được đóng kín, chỉ mở ra vào các dịp Đại lễ Năm Thánh để mọi người đi qua lối đó và tiến vào trong và hưởng các ân xá. Năm Thánh là năm chúng ta được lãnh ơn toàn xá, ngoài ra ngày 01-11-2015 tới đây những ai xưng tội, rước lễ cầu nguyện theo ý ĐGH và đọc 1 kinh Lạy Cha , 1 kinh Tin Kính sẽ được hưởng ơn Toàn Xá và chúng ta sẽ chuyển ơn này cho các linh hồn nơi Luyện tội. Toàn xá là tha tất cả các hình phạt tội mà đáng lẽ chúng ta phải đền sau khi đã đến Tòa Giải tội. Thí dụ một người mắc nợ một số tiền, nhưng đến giờ chết linh mục giải tội cho mà anh ta vẫn không trả nổi số nợ đó, anh ta xưng tội vị linh mục sẽ chỉ tha tội, còn vạ thì anh ta vẫn chịu, khi lãnh ơn toàn xá thì vạ được tha hết.

Nhưng tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không bao giờ được tha như tội chối bỏ Thiên Chúa, không đón nhận các ân huệ của Ngài.

Khi chúng ta phạm tội thì chúng ta phải làm việc đền tội cho xứng với những gì chúng ta đã gây ra. Thí dụ chúng ta vu oan giá họa cho một người thì khi đi xưng tội chúng ta được tha tội nhưng vạ là chúng ta phải đến xin lỗi người đó và đi thanh minh với từng người chúng ta đã nói xấu để lấy lại danh dự cho người ta, nhưng mấy ai đã làm được điều đó. Vậy khi chết đi chúng ta không sa vào Hỏa ngục, nhưng phải ở Luyện ngục để thanh luyện linh hồn cho thanh sạch rồi mới được chiêm ngưỡng dung nhan của Thiên Chúa.

Ở Luyện ngục, các linh hồn không còn làm được gì cho chính họ nữa, mà phải nhờ những người còn sống cầu thay nguyện giúp cho họ giống như ở trần gian các tù nhân không còn làm ra tiền phải nhờ viện trợ và sự lo lắng của gia đình người thân, khi chúng ta chuyển cầu cho họ đến khi họ được về Thiên đàng thì sẽ lại cầu bầu cho chúng ta, vì khi đó họ là Thánh rồi nên mới gọi là “mầu nhiệm các Thánh cùng thông công.” Ngày xưa lâu lắm mới có Năm Thánh, như năm 1933 kỷ niệm Chúa chết 1900 năm, hay năm 2000 kỷ niệm Con Chúa xuống thế làm người 2 thiên niên kỷ.

Riêng năm nay, Giáo hội đề cao Lòng Chúa Thương xót và Năm Thánh sẽ được mở ra cho Giáo hội toàn cầu ngày 08-12-2015. Để hiểu về ý nghĩa Năm Thánh LCTX chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa hai chữ Thương và Xót là gì? Khi ta thấy ai gặp nạn, gặp đau khổ mà ta xuýt xoa và tỏ lộ sự thương hại, thương cảm thì đó mới chỉ được một nửa là “Thương” mà chưa “Xót”. Còn khi ta thấy người khác gặp khó khăn ta thương họ và tìm cách giúp đỡ hoặc cứu vớt, giải quyết cho họ những bế tắc, đó mới là thương xót vì xót là ta phải hy sinh, phải dấn thân lo cho người khác chứ không nói suông bằng lời, tóm lại Lòng thương xót phải đi kèm với một hành động cụ thể.

Trở lại câu chuyện người mù ăn xin khi anh ta kêu lên “Lạy Ông Giêsu con Vua Đavít xin thương xót tôi”. Vì đám đông bao quanh Chúa Giêsu và họ đang lo cho họ nên chẳng ai quan tâm đến người mù khổ sở này nên anh ta phải kêu lớn tiếng “Lạy Ông Giêsu xin thương xót tôi.” Nghe vậy một số người đã quát anh ta và bắt anh ta im đi, nhưng anh ta cố nói to cho Chúa nghe thấy. Chúa Giêsu đã thương xót anh ta không chỉ vì anh ta mù hay vì anh ta ngồi bên lề đường mà là Chúa thương xót cho cuộc đời anh ta cả thể xác lẫn tâm hồn nên Chúa muốn chữa lành và thay đổi cả cuộc đời anh ta, từ đó Chúa mới hỏi anh ta. Khi người mù gặp Chúa, anh ta đã lao mình về Chúa với trọn niềm tin, lúc đó anh ta chưa sáng mắt nhưng lòng anh ta và đức tin đã bừng sáng lên khi Chúa Giêsu hỏi anh ta: “Anh muốn Tôi làm gì cho anh?”. Anh ta đã trả lời “Tôi muốn được sáng mắt”. Khi đó anh ta đã đặt trọn niềm tin nơi Chúa Giêsu. Khi được sáng mắt, anh ta rất đỗi vui mừng nhưng không phải vì sáng mắt để nhìn thấy một thế giới lạ lẫm, sáng chói, đẹp đẽ, mà anh ta muốn sáng mắt để được chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ rồi anh đã đi theo Người tức thì.

h2Lòng Thương xót của Chúa Giêsu cũng đã được mặc khải cho nữ Thánh Faustina và giờ Thương xót là đúng 3giờ chiều, đặc biệt là ngày Thứ Sáu. Vì vậy, nếu cứ 3g chiều chúng ta đắm mình vào Lòng Chúa Thương xót, chúng ta sẽ được nhận những ơn lành. Chúa phán “Vào lúc 3 giờ chiều, con hãy khẩn cầu Lòng Thương xót của Cha cho các tội nhân cách riêng vì giờ đó là giờ Ta bị bỏ rơi trên Thập giá và Ta sẽ không hề từ chối bất cứ ai kêu cầu Ta trong giờ đó”.

Từ việc Chúa mặc khải cho chị Thánh Faustina bức ảnh Chúa Thương Xót, chúng ta thấy Chúa mặc áo trắng tinh và từ nơi Ngài phát ra hai luồng sáng, màu Đỏ tượng trưng cho Máu của Chúa phải đổ ra, còn màu Trắng tượng trưng cho Nước, sự tinh tuyền hay sự tha thứ.

Trong Kinh Thánh có viết: “Nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra” (Gioan 19, 34). Sau khi Chúa chỉ cho Nữ Thánh Faustina về bức ảnh, thì Ngài lại chỉ cho chị về chuỗi Kinh Thương xót dựa trên chuỗi kinh Mân Côi và đấy đủ là 59 hạt. Mân Côi, Môi Khôi, Mai Khôi đều có nghĩa là Hoa Hồng, và tại sao lại là Hoa Hồng mà không là Hoa khác? -Vì Hoa Hồng tượng trưng cho tình yêu, nhất là đối với người Châu Âu, mỗi kinh Mân Côi là một Hoa Hồng dâng lên Chúa và Mẹ Maria. Khi chúng ta lần chuỗi Mân Côi là chúng ta được mời chiêm ngắm mầu nhiệm Kinh Mân Côi hay Môi Khôi cũng là một Bản Phúc Âm tóm lược…. 

Giảng lễ

 17g45 bắt đầu thánh lễ kính hai Thánh Simon và Giuda tông đồ, thánh lễ hôm nay cộng đoàn dân Chúa trong giáo xứ tham dự đông hơn ngày thường vì những pano giới thiệu buổi tập huấn đã được cha linh hướng LCTX GX đặt trang trọng chung quanh nhà thờ và thiệp mời đã gửi đến các hội viên trước một tuần.

Cha Giuse Nguyễn Phát Tài chia sẻ trong bài giảng về chủ đề cầu nguyện. Cha nói, vì Chúa đã cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện tha thiết trong từng sự việc của cuộc đời, Chúa đã tuyên xưng, nhìn nhận và chúc tụng Chúa Cha “vì đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn”. (Mt 11.25-27). Chúa Giêsu cầu nguyện 40 đêm ngày để khỏi sa chước cám dỗ (Mt 4,1-2), Chúa Giêsu cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu một cách da diết “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa Con, nhưng xin đừng theo ý Con một theo ý Cha mà thôi” (Lc 22, 42-44). Chúa Giêsu cầu nguyện trên Thánh giá “Lạy Cha! Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Đặc biệt Chúa Giê- su hay cầu nguyện trên núi vì ở trên đó cảm giác được gần Thiên Chúa hơn. Cầu nguyện là nói chuyện, là tâm sự rất đơn giản nên Chúa Giesu hay cầu nguyện. Vì Ngài là Con Chúa Cha và Ngài yêu Cha của mình nên thường nói chuyện với Cha. Vì ngài được Chúa Cha sai đi nên phải cầu nguyện để Chúa Cha hướng dẫn và biết rõ ý Chúa Cha chứ không làm theo ý riêng. Hôm nay chúng ta mừng lễ hai Thánh Simon và Giuda tông đồ, nếu chúng ta gọi hai Thánh Phêro và Phaolo tông đồ là cột trụ của Hội Thánh thì hai thánh hôm nay là trường hợp khác. Có một sự trùng hợp giữa tên các thánh Tông đồ như Thánh Simon tông đồ với Ông Simon tức Thánh Phê-rô đã được Chúa đổi tên.

Thánh Giuda tông đồ là một kiếm sĩ chuyên đi bênh vực những người yếu với Giuda Iscariot (kẻ phản bội đã bán Chúa 30 đồng bạc), Thánh Giacobe Tiền, con ông Gioan khác với Giacobe hậu. Chúa Giêsu chọn 12 tông đồ trong một hoàn cảnh rất đặc biệt và cũng rất khó khăn vì các ông từ các tầng lớp, thành phần xã hội và nghề nghiệp khác nhau, có những quan điểm sống và chính kiến khác nhau, như ông Giuda là một kiếm sĩ rất ghét đế quốc thì ông Matthêu lại là người thu thuế phục vụ cho đế quốc hay như ông Phêro rất nhẹ dạ chối Chúa ba lần thì ông Tôma lại rất cứng lòng tin phải sờ chạm vào Chúa mới tin v.v… Nhưng tất cả các ông đều có chung một niềm tin và sự trung thành đối với Thiên Chúa. Mười hai tông đồ không có ai xuất thân cao sang, quyền quý hay trí thức học giỏi, các ông không ai là kỹ sư, bác sĩ, luật sư, họa sĩ, ca sĩ… mà hầu hết làm nghề chài lưới đánh bắt cá thôi. Còn về tính cách, hai ông Giacobê và Gioan có lần thì thầm với Chúa “Thưa Thày, khi nào Thày lập vương quốc của Thày, xin cho chúng con ngồi bên hữu và bên tả Thầy” làm cho các tông đồ khác phải bực mình; như vậy Chúa chọn các tông đồ với nhiều tính cách, cá tính khác nhau và lắm lúc cũng va chạm nhau.

Trong giáo xứ cũng vậy, đoàn thể nào cũng có người chứng nọ tật kia và làm cho cộng đoàn khó chịu nhưng Chúa vẫn ủy thác cho mỗi người một trọng trách để rồi từ đó Chúa biến cải họ từ từ, ngay chính chúng ta cũng vậy! Chúa cũng chọn và cũng đang biến cải chúng ta.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy rõ một điều mặc dù chúng ta còn đầy khiếm khuyết, đam mê và thiếu sót nhưng Chúa vẫn chọn chúng ta vào hội viên LCTX để chúng ta đi loan báo về Lòng Chúa Thương Xót cho mọi người và Chúa sẽ ban cho chúng ta dư đầy ơn Thánh để chúng ta chu toàn sứ mạng mà Chúa đã trao ban cho chúng ta…

Thánh lễ kết thúc vào 19g00 trong niềm tín thác vô biên của mọi người vào Thiên Chúa nhờ sự bầu cử của Mẹ Maria.

(Phương Nga- Lê Tân)

 

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN