Home / Chia Sẻ / GỢI Ý CHO NGƯỜI CÔNG GIÁO

GỢI Ý CHO NGƯỜI CÔNG GIÁO

Mới đây tôi có một trực giác khi tôi đang chuẩn bị xưng tội và nhận thấy rằng tôi sắp xưng nhiều tội như những lần trước, những tội mà tôi đã đấu tranh nhiều năm rồi. Tôi có tiến bộ trong vài lĩnh vực, nhưng vẫn cảm thấy mình đang lăn vào vết xe cũ ở vài lĩnh vực khác. Có lần bác học Einstein nói: “Xác định tình trạng mất trí là cứ làm đi làm lại một điều gì đó mà lại muốn có một kết quả khác”.

Hôm sau tôi nói với vài người Công giáo và họ nói cũng đã gặp vấn đề như vậy. Tất cả chúng ta cố gắng phá bỏ cách cư xử tội lỗi lặp đi lặp lại và tránh các chướng ngại tự tạo để đến gần Chúa Kitô hơn. Chúng ta cũng muốn có mối quan hệ thân mật hơn với Ngài, chúng ta muốn vào Nước Trời với gia đình mình và muốn sống đạo đức khi thực hành đức tin Công giáo. Vậy chúng ta vấp ngã ở chỗ nào? Tại sao chúng ta yếu đuối?

Đàn ông có một số thử thách riêng và duy nhất để đi đúng đường ngay nẻo chính. Tôi mạo muội đưa ra một số điều hữu ích, hy vọng có thể giúp đỡ chính tôi và những người Công giáo khác, để biết rõ hơn về các thách đố tự tạo này và áp dụng những bước cần thiết để chiến thắng chúng – và vượt qua chính mình. Hãy để tôi bắt đầu bằng cách lắng nghe một số điều quan sát chung về nam giới mà có thể quý vị không thoải mái để đọc và khả dĩ chấp nhận:

  • Chúng ta thường đấu tranh với sự khiêm nhường và để cả tính tự kiêu lẫn “cái tôi” của mình theo cách này.
  • Chúng ta thích kiểm soát.
  • Chúng ta có thể cứng đầu và không dễ thay đổi.
  • Bản chất của chúng ta thường bị bọc kín với công việc của chúng ta.
  • Chúng ta cố gắng nhờ người khác giúp đỡ (nhất là Chúa).
  • Chúng ta thường có khuynh hướng hành động khi suy nghĩ và nhận thức thích hợp hơn.
  • Chúng ta thường không thoải mái với cách bày tỏ cảm xúc công khai (của mình và người khác).
  • Chúng ta có thể quan tâm quá về ý kiến của người khác (Họ nghĩ gì?).

Tôi không có ý làm quý vị bị “sốc”, nhưng chỉ muốn minh họa một số chướng ngại giữa chúng ta và Chúa Kitô.

Qua nhiều năm, từ khi tôi trở lại Công giáo, càng ngày tôi càng nhận biết những thiếu sót của mình, và những điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hành đức tin của tôi. Nhận biết các thách đố của tôi chỉ là một nửa – tôi phải sẵn sàng nói ra (hãy nhớ rằng đàn ông có khuynh hướng hành động!). Trước khi chúng ta bắt đầu, hãy kiểm tra những gì chúng ta biết chắc chắn – chúng ta có một mục đích (Nước Trời), một bản đồ (Kinh thánh và Tông truyền), các gương lành để noi theo (các thánh), các vị lãnh đạo (Giáo hoàng, các Giám mục, Linh mục và Phó tế), quyền giáo huấn rõ ràng (Mẹ Giáo hội), sự hỗ trợ (các Bí tích) và chúng ta có sự hướng dẫn của Chúa (Chúa Thánh Thần). Hiển nhiên là chúng ta luôn có những khí cụ và các tài nguyên mà chúng ta cần.

Chúng ta hãy cân nhắc xem chúng ta có thể tiến bộ và đi đúng đường như thế nào. Đây là 8 điều thực hành mà tôi hy vọng hữu ích cho quý vị:

  1. TỪ BỎ

Chúng ta phải từ bỏ mình vì Chúa Kitô để thực hành Ý Ngài trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta không được giao trọng trách nhiều như chúng ta muốn! Thánh Inhaxiô Loyola nói: “Một số ít linh hồn hiểu những gì Thiên Chúa sẽ hoàn tất nơi họ nếu họ từ bỏ chính mình vì Ngài và nếu họ để Hồng ân Chúa uốn nắn khuôn họ”.

  1. CẦU NGUYỆN

Cố gắng tạo thói quen cầu nguyện hàng ngày, ít là mỗi ngày một giờ. Nghe chừng khó quá chăng? Thế quý vị xem ti-vi mỗi ngày mấy giờ? Chúng ta dành biết bao thời gian làm việc cho mình và cho gia đình, đó là chưa kể những lúc ngồi uống cà-phê, chén tạc chén thù với bạn bè… Còn phụ nữ dành bao nhiêu thời gian để trang điểm và “tám” chuyện mỗi ngày? Thật ra chúng ta vẫn có đủ thời gian cầu nguyện nếu chúng ta thực sự muốn. Hãy quyết tâm và cố gắng thực hành. Hãy cầu nguyện mỗi sáng 10 phút, lần chuỗi Mân Côi khi đi xe hoặc khi tập thể dục 20 phút, đọc sách đạo đức 15 phút, cầu nguyện mỗi bữa ăn 2 phút, cầu nguyện chung cả nhà mỗi tối 10 phút. Cộng lại là chúng ta có đủ 60 phút cầu nguyện mỗi ngày. Đừng tính toán quá chi li với Chúa!

  1. YÊU MẾN THÁNH THỂ

Quý vị muốn có kinh nghiệm về Chúa Kitô và thân mật với Ngài? Hãy tìm kiếm sự hiện hữu thật của Chúa Kitô qua bí tích Thánh Thể trong thánh lễ hàng ngày, nhất là lúc vừa rước lễ xong, lúc Chúa đang hòa tan với chúng ta, chúng ta biến tan trong Chúa và Chúa biến tan trong chúng ta. Khi có thể thì dành thời gian tĩnh lặng để tâm sự với Ngài trong giờ Chầu Thánh Thể hàng tuần. Có lần thánh Phanxicô Salê nói: “Khi bạn đón nhận Ngài, hãy mở lòng ra tôn thờ với Ngài; hãy nói với Ngài về đời sống tâm linh của bạn, hãy chiêm ngưỡng Ngài trong linh hồn bạn vì hạnh phúc của riêng bạn; hãy tiếp đón Ngài nồng nhiệt hết sức, và hãy thể hiện ra bên ngoài để minh chứng rằng Chúa đang hiện diện trong bạn”.

  1. XƯNG TỘI THƯỜNG XUYÊN

Chúng ta muốn cầu xin Chúa giúp đỡ với những gánh nặng của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn phạm tội hàng ngày. Hãy đi xưng tội để được Chúa thứ tha và để lãnh nhận tặng phẩm bình an. Hãy cố gắng xưng tội mỗi tháng một lần. Xét mình đầy đủ và xưng tội thành tâm sẽ nâng tâm hồn bạn lên và giúp bạn đi đúng đường ngay nẻo chính!

  1. CHẤP NHẬN VÀ TÌM HIỂU ĐỨC TIN

Chấp nhận giáo huấn của Giáo hội là cần thiết, nhưng muốn hiểu đầy đủ thì phải mất thời gian. Hãy tin rằng hai thiên niên kỷ của giáo huấn Giáo hội có thể đáng tin hơn nhiều so với những gì mà chúng ta có thể tạo ra cho mình. Hãy học các khóa Kinh thánh, hãy học cách xin lỗi, hãy đọc Kinh thánh và giáo lý, hãy đọc các tác giả lớn của Công giáo như Peter Kreeft, Don DeMarco, Scott Hahn, Francis Fernandez, G.K. Chesterton, LM Groeschel, LM Spitzer, ĐGH Bênêđictô XVI và chân phước GH Gioan Phaolô II.

  1. THỰC HÀNH ĐIỀU SUY XÉT

Hãy tự vấn xem mình có cần điều này hay điều kia không. Hãy loại bỏ những điều liên quan vật chất ra khỏi thời gian cầu nguyện, tham dự phụng vụ, làm việc bác ái, kết hiệp với Chúa. Giáo lý (số 2556) dạy: Từ bỏ mình là điều cần thiết để vào Nước Trời”.

  1. NHẬN THỨC ƠN GỌI ĐÍCH THỰC CỦA MÌNH

Đối với những đàn ông đã kết hôn và có con thì phải biết rằng ơn gọi đích thực là giúp gia đình vào Nước Trời, làm chồng và làm cha tốt. Người vợ và con cái cũng vậy. Được phục vụ thì quá dễ, vấn đề là sống phục vụ. Và đó chính là phục vụ Chúa. Chúa Giêsu đã xác định: “Tôi đến để phục vụ chứ không để được phục vụ” (Mt 20:28), nghĩa là không ai có quyền hưởng thụ.

  1. CAN ĐẢM

Các Kitô hữu được sinh ra để chịu đựng, chứ không để nhu nhược. Chúng ta luôn phải cố gắng trong mọi cảnh khó khăn. Người cha chống mũi chịu sào, người vợ và con phải hợp tác để vượt qua sóng gió, giữ vững và đưa con thuyền gia đình cặp bến bình an. Chúng ta có cơ hội để trở thành ngọn hải đăng và làm gương sáng về tình yêu cứu độ của Chúa Kitô. Chúng ta sẽ bị xét xử về kết quả của việc tông đồ, và hy vọng được nghe Chúa Giêsu nói: “Khá lắm, người đầy tớ tốt lành và trung thành”.

Danh sách này có vẻ khó thực hiện, nhưng những thử thách thực tế là hành động, không vì bắt buộc mà vì tự nguyện, cân bằng cuộc sống và đặt Chúa ở vị trí ưu tiên nhất. Là người Công giáo, chúng ta có trách nhiệm sống mạnh mẽ, nêu gương, phục vụ tốt và khiêm nhường theo Chúa. Hãy nhìn vào gương của Đức thánh Giuse, bổn mạng những người cha và Giáo hội hoàn vũ về đức vâng lời, khiêm nhường, quên mình, can đảm và yêu thương mà ngài đã làm cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Nếu chúng ta có thể “cạnh tranh” với Đức thánh Giuse mỗi ngày một ít, chúng ta sẽ càng ngày càng tiến gần tới chính con người mà chúng ta được gọi để trở thành.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IntegratedCatholicLife.org)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …