Home / Chia Sẻ / GỐC RỄ SỰ DỮ

GỐC RỄ SỰ DỮ

GocresuduTuần trước, Chúa Nhật XXV Thường Niên, Thánh Luca đã nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu có một số lời khó nghe về tiền bạc với những người Pharisêu đang tụ tập để nghe Ngài. Tuy nhiên, Thánh Luca cũng nói với chúng ta: “Người Pharisêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy thì cười nhạo Đức Giêsu.” (Lc 16:14) Có lẽ vì lòng cứng cỏi mà tuần này, Chúa Nhật XXVI Thường Niên, Chúa Giêsu kể cho họ nghe một câu chuyện khác qua trình thuật Lc 16:19-31. Ngài cho họ cơ hội khác để nghe sự thật.

Chúa Giêsu bắt đầu câu chuyện với câu: “Có một ông nhà giàu kia…” Không thể thiếu dụ ngôn này dành cho những người “ham tiền.” Họ nên mở tai lắng nghe. Ông nhà giàu có sống như một vị vua, với y phục đẹp đẽ và tiệc tùng xa hoa “mỗi ngày.” Chúng ta nên nhớ rằng vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái nghĩ rằng sự giàu có là dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa. Tương tự, nghèo đói và nghịch cảnh phải là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa không chấp nhận. Có một người nghèo bị bệnh là Ladarô, anh đang ở trước cửa nhà người giàu. Tại sao anh lại nằm ở đó? Có phải anh quá ốm yếu nên không thể làm bất cứ điều gì khác? Có phải anh hy vọng bằng cách đặt mình ở một vị trí rõ ràng ngay cửa ra vào thì anh sẽ có cơ hội được người giàu nhìn thấy và được giúp đỡ?

Điều đáng chú ý là con người tội nghiệp và ốm yếu này là Ladarô. Anh là người duy nhất trong bất kỳ dụ ngôn nào của Chúa Giêsu được nêu tên. Trong tiếng Do Thái, tên của anh ấy có nghĩa là “Chúa giúp đỡ tôi.” Cái tên có ý nghĩa tuyệt vời! Anh vừa nghèo khó vừa bệnh tật, nhưng anh có phẩm giá của cái tên. Anh là biểu tượng của tất cả những người nghèo trong lịch sử nhân loại, những người đã chọn đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Họ tin cậy Ngài sẽ cứu họ ngay cả trong mọi nghịch cảnh khủng khiếp của họ. Có lẽ đây là lý do tại sao Ladarô được mô tả là “người vui vẻ ăn những mảnh vụn rơi từ bàn ăn của ông nhà giàu.” Chúng ta không thấy anh cay đắng hằn học với ông nhà giàu. Không có nhu cầu phẫn nộ về công lý và phân phát của cải. Không, Ladarô biết rằng Thiên Chúa thực sự giúp đỡ mình trong cuộc sống, và anh tin cậy Ngài. Số phận của anh đã không phụ thuộc vào ông nhà giàu có vô tâm đó.

Khi người nghèo chết, anh được các thiên sứ đưa vào lòng Tổ phụ Ápraham. Niềm tin của anh vào Thiên Chúa, Đấng giúp đỡ anh, đã được đền đáp xứng đáng. Người đàn ông giàu có cũng chết, nhưng anh ta đã đi đến thế giới bên kia, một nơi đau khổ. Những người Pharisêu đang nghe Chúa Giêsu nói hẳn đã ngạc nhiên biết bao khi nghe câu chuyện ngược lại này. Khi thấy Ápraham và Ladarô ở bên cạnh, ông nhà giàu đã kêu xin lòng thương xót mà ông chưa bao giờ sẵn sàng bày tỏ cho người nghèo trước cửa nhà mình. Ápraham nhắc nhở rằng ông đã nhận “phần phúc” của đời mình, nhưng chưa bao giờ chia sẻ điều đó với tha nhân. Còn Ladarô đã nhận “những bất hạnh” mà chưa bao giờ đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Bây giờ, thế cờ đã đảo ngược. Dĩ nhiên kiểu đảo ngược này là một trong những lý lẽ rất cơ bản về sự tồn tại của con người mà Chúa Giêsu đã dạy cho đám đông theo Ngài ngay từ đầu sứ vụ của Ngài. Hãy nhớ lại Bài Giảng Trên Núi bắt đầu với các mối phúc. (x. Mt 5:1-12) Trong mỗi người, Chúa Giêsu nói rõ rằng thật ngu xuẩn khi chỉ sống cho những gì chúng ta có thể nhìn thấy và nắm bắt được trong cuộc đời này, thời gian của chúng ta ở đây thực sự là sự chuẩn bị cho sự vĩnh cửu: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” Người giàu tìm thấy chính mình trong Hỏa Ngục, không phải vì họ giàu mà vì họ đã đánh mất viễn cảnh này.

Tổ phụ Ápraham giải thích lý do không thể đáp ứng yêu cầu giúp đỡ của ông nhà giàu: “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.” Điều đó nghĩa là gì? Một ghi chú từ bài Nghiên Cứu Kinh Thánh Công Giáo của Thánh Y-nhã (tr. 138-139) sẽ giúp đỡ hữu ích:

Hỏa Ngục là Vương Quốc Kẻ Chết, đề cập nơi chờ đợi những linh hồn của kẻ ác được giữ lại cho đến ngày Phán Xét: “Biển trả lại những người chết nó đang giữ; Tử Thần và Âm Phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, và mỗi người chịu xét xử tuỳ theo các việc đã làm.” (Kh 20:13) Ở đây nó đối diện với sự hiện diện của Ápraham, nơi những linh hồn công chính của Cựu Ước đã kiên nhẫn chờ đợi Đức Kitô mở cửa Thiên Đàng. (x. Ep 4:8-10) Các tội nhân mòn mỏi trong sự kìm kẹp của cực hình. Nó được ngăn cách với nơi ở của những người công chính bằng một vực thẳm vĩnh viễn, không thể bắc cầu, không có phương tiện giao thông nào qua lại giữa họ. (x, GLCG 633)

Ông nhà giàu cầu xin anh Ladarô cảnh cáo anh em của ông kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình như ông. Ông nhà giàu ở nơi dành cho kẻ ác, chúng ta phải nhớ rằng yêu cầu này không đến từ lòng thương xót, bởi vì ông ta không có gì cả. Rất có thể đó là niềm tự hào về tên tuổi và danh tiếng của gia đình khiến ông ta muốn các anh em của ông tránh bị cực hình. Lưu ý rằng mối quan tâm của ông ta không phải là việc anh em của ông học cách yêu mến Thiên Chúa và sống bác ái với người lân cận, như Luật Môsê đã hướng dẫn. Chỉ có như vậy thì họ mới tránh được đau khổ.

Tổ phụ Ápraham trả lời một cách khôn ngoan: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.” Nếu người đàn ông giàu có chỉ đơn giản sống theo luật yêu mến Thiên Chúa và người lân cận, trọng tâm của giao ước mà Thiên Chúa đã lập với dân Ngài qua Môsê và được rao giảng bởi tất cả các ngôn sứ, những người được sai đến với họ khi họ không làm vậy, chắc hẳn ông ta cũng thấy mình ở trong lòng Tổ phụ Ápraham. Đáng buồn thay, ông ta đã bị điếc đối với luật đó. Tuy nhiên, giờ đây, ông tin chắc rằng nếu có ai từ cõi chết đến gặp họ thì họ sẽ ăn năn. Tổ phụ Ápraham nói rõ hơn: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.” Tất nhiên, ông ta tin rằng “nếu có người từ cõi chết đến với họ thì họ sẽ ăn năn sám hối.” Dĩ nhiên đó là lời tiên tri. Trong trường hợp đầu tiên, khi Chúa Giêsu làm cho một người khác cũng tên là Ladarô sống lại từ cõi chết, điều đó chỉ làm cho trái tim của những người khước từ Chúa Giêsu là Đấng Mêsia của Israel thêm chai cứng. Kết quả là giới chức sắc tôn giáo đã tìm cách đưa cả Chúa Giêsu và Ladarô vào chỗ chết. (x. Ga 11:45-53; 12:9-11) Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cho người Do Thái ở Giêrusalem, Giuđê và Samari. Một lần nữa, giới chức sắc tôn giáo lại bác bỏ điều đó. Ngay cả phép lạ phục sinh cũng không thể thay đổi trái tim đã hoàn toàn chai cứng, không chịu lắng nghe Thiên Chúa.

Thông điệp Chúa Giêsu dành cho những người ham tiền rất đơn giản: Đừng để tiền làm mình mù lòa trước những người cần tiền. Hãy dùng của cải để yêu mến Thiên Chúa và người lân cận như chính mình. Những gì chúng ta chọn trong cuộc sống này sẽ là những gì chúng ta nhận được trong cuộc sống tiếp theo. Nếu chọn chính mình, chúng ta chỉ nhận được chính mình. Nếu chọn tin Thiên Chúa giúp đỡ mình, chúng ta có Ngài!

GAYLE SOMERS – TRẦM THIÊN THU chuyển ngữ

Chúa Nhật XXVI TN, 25-09-2022

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …