Home / Chia Sẻ / GIỮA BẦY SÓI

GIỮA BẦY SÓI

GIỮA BẦY SÓINgày xưa, khi Thiên Chúa kêu gọi ông Giêrêmia làm sứ giả, ông lo sợ vì tự thấy mình “còn quá trẻ và không biết ăn nói” (Gr 1:6). Nhưng Thiên Chúa bảo ông đừng có nói như thế và đừng sợ vì Ngài luôn ở với ông (Gr 1:7-8). Và Ngài nói thẳng: “Hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn” (Gr 1:17). Cái “nếu không” đó thực sự rất đáng quan ngại!

Theo Chúa là điều khó, càng khó hơn khi vâng lời Ngài đến bất cứ nơi nào, nhất là những nơi “không an toàn” – không an toàn về mọi phương diện: kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị,… Thật “căng”, bởi vì đôi khi gặp phải những con người mà cứ tưởng gặp bầy thú hoang. Không hề dễ dấn thân chút nào, vì dấn thân là từ bỏ mình, là dám hy sinh, chấp nhận thiệt thòi, bất chấp nguy hiểm, hành động vì lý tưởng Đức Kitô vàvì ích lợi của tha nhân chứ không vì tư lợi hoặc tư danh. Dấn thân nhân danh Đức Kitô để phục vụ người nghèo và bảo vệ dân tộc. Đó là dấn thân theo nghĩa tốt. Dấn thân cũng có nghĩa xấu: Dấn thân vào con đường tội lỗi. Chữ “dám” thật là thâm thúy theo nghĩa tích cực!

Dấn thân đòi hỏi phải có sức mạnh ý chí. Có nhiều con đường dấn thân, với cách thức và mức độ khác nhau. Tri thức nhằm phục vụ xã hội cũng là một cách dấn thân. Nhưng với các Kitô hữu, có một con đường dấn thân đặc biệt, một trong ba thiên chức (vương đế, tư tế, ngôn sứ) được Thiên Chúa trao ban từ khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, đồng thời cũng là trách nhiệm thực hiện lệnh truyền phổ quát của Đức Kitô: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).Được sai đi mà lại đòi điều kiện, theo ý muốn của mình, không chịu dấn thân, thế thì vô ích, và Chúa cũng “chịu thua” luôn!

Dấn thân ở dạng nào cũng khó nhọc, vất vả, dù tích cực hay tiêu cực, và thậm chí còn nguy hiểm, thế nên rất cần lòng can đảm và nỗ lực: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách” (Hc 2:1). Thiên Chúa không hứa ngon hứa ngọt như kiểu quảng cáo của người đời.

Trong những ngày hạ tuần tháng 6-2019, chúng ta được biết đến một tấm gương sáng về việc dấn thân truyền giáo – một chứng nhân sống động. Đó là Lm Phaolô Nguyễn Chí Thiện, thuộc GP Hà Tĩnh (tỉnh Quảng Bình). Lm Thiện sinh năm 1970, thụ phong linh mục ngày 19-6-2010, nhận được bài sai về quản xứ Sen Bàng, nhưng khi đi ngang qua làng quê Thánh Tôma Thiện bị bỏ mặc suốt nửa thế kỷ, nhìn cây Thánh Giá đã hiện diện trầm mặc rêu phong còn khắc ghi danh xưng vị anh hùng trùng tên với mình, tân linh mục đã cảm khái nhận ra thiên ý nhiệm mầu về nơi mình phải đến và ở lại. Sau đó, cha Thiện đã xin đổi bài sai về xứ Trung Quán để bắt đầu công việc truyền giáo và tái truyền giáo, sống nghèo khó cùng với bao trăn trở, lo toan,… Sau 9 năm tái truyền giáo, Lm Thiện đã vực dậy được đời sống đức tin tại 4 giáo xứ: Trung Quán, Hoành Phổ, Phúc Tín, và Bình Thôn. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Lm Thiện được Chúa truyền “bài sai tuyệt đối” vào ngày 20-6-2019: Về Quê Trời.

Thuở xưa, ngôn sứ Isaia đã vâng lời Thiên Chúa và lên tiếng động viên: “Hãy vui mừng với Giêrusalem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ, hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô! Hãy cùng Giêrusalem khấp khởi mừng, hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô, để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi, được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ” (Is 66:10-11). Tại sao như vậy? Bởi vì chính Đức Chúa đã tuyên phán: “Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66:12-13). Tình yêu thương được Thiên Chúa thể hiện bằng nhiều cách, rõ ràng và cụ thể. Thật tuyệt vời!

Giêrusalem là Thánh Đô,nơi có Đền Thờ Thiên Chúa, hình ảnh Nước Trời, vàThánh Vịnh gia đã thốt lên: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: ‘Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!’. Và giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân” (Tv 122:1-2). Và rồi ngôn sứ Isaia đã “bật mí” cho chúng ta biết: “Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc, thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh. Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết, và nổi cơn thịnh nộ với các kẻ thù” (Is 66:14). Vàng và thau rạch ròi, không thể lẫn lộn.

Duy nhất chỉ có một Thiên Chúa,Đấng cao cả muôn trùng, còn chúng ta chỉ là thụ tạo, bụi cát, hoàn toàn bất xứng, nhưng Ngài vẫn bảo vệ chúng ta như con người trong mắt Ngài (x. Đnl 32:10). Vì thế, chúng ta càng phải nghe lời kêu gọi của Thánh Vịnh gia: “Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa, đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời, nào dâng lời ca tụng tôn vinh! Hãy thưa cùng Thiên Chúa: Khủng khiếp thay, sự nghiệp của Ngài! Trước thần lực uy hùng, địch thù khúm núm” (Tv 66:1-3). Và đừng quên cầu xin Thiên Chúa: “Xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở” (Tv 17:8).

Luật trừ không được áp dụng cho bất cứ loài nào, mà “toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ, và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh” (Tv 66:4). Cứ nhìn xem công trình của Thiên Chúa là thiên nhiên thì không ai có thể bác bỏ ơn Ngài: “Hành động của Người đối với phàm nhân thật đáng kinh đáng sợ! Chúa làm cho biển khơi hoá đất liền, và dân Người đi bộ qua sông; việc Người làm đó khiến ta hoan hỷ” (Tv 66:5-6). Kinh Thánh phân tích: “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hoá Công. Thế mà, lửa với gió, hay làn khí thoảng qua, hay tinh tú bầu trời, hay nước chảy cuồn cuộn, hay đèn trời thắp sáng, chúng lại coi là thần, là những bậc quản cai hoàn vũ” (Kn 13:1-2). Đúng là ngu si thật!

Thật hạnh phúc khi chúng ta có thể nhận biết vàtôn thờ một Thiên Chúa mà thôi. Nhưng vì tài hèn, sức mọn, chúng ta chỉ còn biết cúi đầu tin kính, thờ lạy, tôn vinh và dâng lời cảm mến: “Xin chúc tụng Thiên Chúa đã chẳng bác lời thỉnh nguyện con dâng, lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình” (Tv 66:20).Và còn hơn thế nữa, như Thánh Vịnh gia xác định: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27:10). Ôi, hồng ân bao la, tình yêu vô biên và lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa!Chính Chúa Giêsu cũng đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).Có nhận biết được như vậy thì người ta mới khả dĩ vui vẻ dấn thân vì công ích một cách vô điều kiện. Nói theo Giáo huấn Xã hội Công giáo, cuộc sống luôn có tính bổ trợ và liên đới với nhau. Thật vậy, ngay cả tội lỗi cũng có tính liên đới.

Tiền nhân nói rằng “biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Kinh nghiệm của cổ nhân truyền lại hẳn là không sai. Y như rằng, Thánh Phaolô đã biết mình yếu đuối và khốn nạn, nên ngài đã đủ sức vượt qua chính mình và mọi trở lực, để rồi lại có mơ ước chẳng giống ai cả: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6:14). Tương tự, ĐGM Lambert de la Motte cũng dám “ngược đời” nên mới sáng lập Hội Dòng Mến Thánh Giá – chứ không ưa, không thích, không yêu, không mến thứ gì khác.

Để giải thích lý do, Thánh Phaolô cho biết: “Cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới” (Gl 6:15).Cắt bì là một dạng luật Cựu Ước. Tân Ước không còn. Tất nhiên ngày nay lại càng cảm thấy xa lạ hơn. Nhưng vấn đề là cách nói rất rõ ràng, rất thẳng thắn. Cái “hay” lànhư vậy. Chính điều đó là điều chúng ta phải hết sức lưu ý khi chấp nhận vì Chúa mà dấn thân (hoặc cứ cho là thế). Dấn thân đượcthể hiện đa dạng:Sống đức ái Kitô giáo, tham gia các hội đoàn, làm việc tông đồ, làm từ thiện,… Nhưng không khéo thì chúng ta dễ so đo theo cách trần tục – tức là chúng ta là “chính” mà Chúa là “phụ”, nghĩa là Chúa chỉ như bức bình phong “che chắn” chúng ta mà thôi. Ôi chao, thế thì nguy hiểm quá!

Thánh Phaolôchúc mọi người được hưởng bình an và lòng thương xót của Chúa, nhưng ngàinghiêm túc đề nghị: “Xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu” (Gl 6:17). Sự “gây phiền toái” rất đáng lưu ý, bởi vì có khi không là gì theo ý mình nhưng lại phiền phức đối với người khác. Đừng ảo tưởng hoặc độc đoán mà “suy bụng ta ra bụng người”.

Như chúng ta đã biết, ngoài Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu còn chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Ngài sẽ đến. Rồi Ngài căn dặn họ: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như CHIÊN CON đi vào giữa BẦY SÓI. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’. Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em” (Lc 10:2-8). Đi tới nơi “không thoải mái” mà lại không được mang thứ chi cả. Tất nhiên Ngài không “chơi ép” ai, mà Ngài chỉ muốn các đệ tử KHÔNG ĐƯỢC vương “mùi đời” hoặc dính líu vật chất.

Diễm phúc khi được Thiên Chúa sai đi, nhưng người-được-sai-đi PHẢI biết dứt khoát buông bỏ để dấn thân, nếu không thì “hư bột, hư đường hết trơn”. Từ bỏ và dấn thân không dễ chút nào, vì đó là “cuộc giankhổ” thật chứ không là lý thuyết: Như chiên con vào giữa bầy sói, KHÔNG mang tiền bạc, KHÔNG mang hành lý. Như “chiên con” chứ không như “chiên lớn”, và giữa “bầy sói” chứ không là bầy thú hiền lành. Thật là “căng” quá đi! Có lẽ vì “căng” vậy nên một số người áp dụng “phương pháp” này: “Cờ đến tay ai thì người đó phất”. Thay vì chúng ta “run rẩy” trong tay Chúa thì chính Chúa lại chịu “run rẩy” trong tay chúng ta. Run rẩy vì “lạnh”, vì “sợ”, và nhiều cái VÌ, BỞI, TẠI, NHƯNG, NẾU, GIÁ,… Rất đáng quan ngại!

Có nhiều hệ lụy trong cuộc sống – cả đạo và đời. Một trong các “nguy cơ” đó có liên quan vấn đề vật chất, nói thẳng ra là tiền bạc, nên Thánh Phaolô đã xác định rạch ròi: “CỘI RỄ sinh ra mọi điều ác là LÒNG HAM MUỐN TIỀN BẠC, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã LẠC XA đức tin và CHUỐC LẤY bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6:10).

Năm 2013, trong buổi lễ thuộc khuôn khổ Năm Đức Tin để tất cả các giám mục (gần 300 giám mục uy tín của 221 giáo phận) long trọng tuyên xưng đức tin tại lễ bế mạc Hội đồng Giám mục Ý khóa 65, ĐGH Phanxicô đã thẳng thắn tấn công trực tiếp vào SỰ LƯỜI BIẾNG, TINH THẦN NGHỀ NGHIỆP (quan liêu), THÓI ƯA THÍCH TIỀN BẠC và NGẠO MẠN của các giám mục Ý. ĐGH Phanxicô đã dành cho họ một bài diễn văn “nảy lửa” theo dạng “bom tấn” (bombard). Không hề rào trước đón sau, ĐGH Phanxicô yêu cầu các giám mục PHẢI TRẢ LỜI THẲNG THẮN câu hỏi mà Chúa Kitô đã đặt ra với Phêrô: “Con có yêu thầy không?”. Mọi chủ chăn phải tự đặt cho mình câu hỏi đó, bởi vì mục vụ xây dựng trên nền tảng “thân mật với Chúa, sống với Chúa là thước đo sự phục vụ Giáo Hội, diễn tả lòng sẵn sàng vâng phục, hạ mình và tận hiến”.Ai cảmthấy “nhột” hay “khó chịu”?

Hôm đó,ĐGH Phanxicô đã nhìn thẳng vào các giám mục và công tố nặng nề chưa từng có tạiĐề Thờ Thánh Phêrô, đặc biệt đề cập việc tự kiểm điểm Giáo Hội: “Chúng ta không phải là thể hiện của một cơ cấu hay một sự cần thiết được tổ chức, nhưng là dấu chỉ sự hiện diện hành động của Chúa Phục Sinh. Vì thế, phải có SỰ TỈNH TÁO THIÊNG LIÊNG, thiếu nó thì chủ chăn, trước hết là giám mục, sẽ nguội lạnh, vô tâm, quên lãng và trở thành vô cảm, bị lôi cuốn theo viễn tượng chức quyền, tiền bạc và thỏa hiệp với tinh thần thế tục. Những cái đó làm họ trở nên LƯỜI BIẾNG, thành một dạngCÔNG CHỨC, một NHA LẠI của nhà nước CHỈ BIẾT LO CHO BẢN THÂN, cho tổ chức và các cơ cấu, thay vì lo cho lợi ích đích thực của dân Chúa. Làm thế họ dễ bị rơi vào tình trạng nguy hiểm như Tông đồ Phêrô đã chối Chúa, mặc dù trên hình thức họ TỰ XƯNG và rao giảng nhân danh Thiên Chúa, nhưng họ đã LÀM TỔN THƯƠNG đến sự Thánh thiện của Mẹ Giáo hội bằng cách làm cho Giáo hội ít sinh hoa kết quả. Câu hỏi dai dẳng của Chúa có thể đem lại nỗi cay đắng, cụt hứng và có khi mất cả lòng tin. Nhưng đó không phải là những tâm tình mà câu hỏi của Chúa muốn gợi lên, trái lại, những tâm tình đó làm lợi cho kẻ thù, khiến qủy dữ phải co rúm lại trong sự chua cay, rên xiết và tuyệt vọng. Chúa Giêsu không nhục mạ ai, mà Người giúp lấy lại can đảm”.

Và rồi ĐGH Phanxicô nói thêm: “Như thế chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui của một Giáo Hội phục vụ, khiêm tốn và trong tình huynh đệ”. Và đó là điều mà chắc hẳn ai cũng đều mong ước và khao khát đêm ngày.Thấy người mà chạnh nghĩ đến Giáo Hội tại Việt Nam!

Khi sai Nhóm Bảy Mươi Haira đi, vào đời, dấn thân và chữa lành những người đau yếu trong thành, và nói với họ về Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần (Lc 10:9),Chúa Giêsu đã căn dặn rõ ràng:“Khi vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón thì anh em ra các quảng trường mà nói: Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại quý vị. Tuy nhiên quý vị phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10:10-11). Và Ngàicho biết điều rất quan trọng: “Trong ngày ấy, thành Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó” (Lc 10:12). Có sự khác nhau giữa hai tình trạng Biết và Không Biết, Tin và Không Tin.

Một thời gian sau, Nhóm Bảy Mươi Hai trở về và hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10:17).Nhưng Đức Giêsu cho biết: “Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em” (Lc 10:18-19).Đó cũng là lời cảnh báo, vàNgài còn cảnh báo về vấn đề liên quan tính kiêu ngạo: “Anh em CHỚ MỪNG vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng HÃY MỪNG vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10:20).Thật vậy, Thánh Abba Dorotheus cảnh báo: “Bản chất phàm nhân luôn phải cảnh giác cao độ, bởi vì Satan biết rõ nhược điểm (điểm yếu) đó nên nó tấn công mạnh lắm. Chúng ta hãy canh giữ lương tâm, đừng để lương tâm tố cáo chúng ta về bất kỳ điều gì, nhưng cũng đừng coi thường nó trong bất cứ điều gì, cho dù nhỏ mọn. Nếu ai bắt đầu nói, ‘Tôi ăn miếng này thì có hệ gì? Tôi nhìn xem cái kia thì có can chi?. Sau đó, từ ‘cái này không hề gì, điều kia chẳng can chi’, người ấy sẽ sa vào một TẬP QUÁN XẤU và bắt đầu COI THƯỜNG cả những điều to lớn và quan trọng, rồi CHÀ ĐẠP chính lương tâm của họ”.

Thật đáng sợ, và cũng thấy rùng mình khi nghe lời Thánh Phaolô nhắc nhở: “Không có loài thọ tạo nào mà không HIỆN RÕ trước Lời Chúa, tất cả đều TRẦN TRỤI và PHƠI BÀY trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4:13). Vì thế mà phải luôn tỉnh thức với lời cảnh báo của Thánh Phêrô: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8). Là ma quỷ nên bản chất của nó rất ma mãnh và quỷ quyệt.

Điều kiện để được Thiên Chúa phù trợ là trung tín với Lề Luật. Chính Ngàiđã từng động viên dân xưa: “Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới” (Gs 1:6-9). Đó cũng là lời động viên dành cho chúng ta ngày nay.

Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con đủ can đảm để buông bỏ những gì thuộc trần tục, vững tin và hành động vì Ngài; xin ban Thần Khí biến đổi Giáo Hội theo Thánh Ý Ngài,biết cầu nguyện và sám hối, thoát khỏi mọi thứ ngẫu tượng, có những chủ chănthoát vòng kim cô của lười biếng, ích kỷ, hèn nhát, buồn thảm, xơ cứng,… nhưng luôn năng động và hội nhập,thể hiện lòng thương xót của Ngài, nhất là đối với những con chiên yếu đuối, dơ bẩn, ghẻ lở,… Chúng con cầu xin nhân danh Mục Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN