Home / Chia Sẻ / GIỜ ĐÃ ĐIỂM

GIỜ ĐÃ ĐIỂM

LÁ BIẾC CÙNG LÁ XANH VẪY CHÀO CHÚA

NGƯỜI GIÀ VỚI NGƯỜI TRẺ MỪNG ĐÓN VUA

GIỜ ĐÃ ĐIỂMCái gì phải đến rồi cũng sẽ đến, dù người ta chờ đợi hoặc không hề mong muốn, bởi vì cái gì cũng chỉ có một thời, với một khoảng thời gian nhất định. Mọi thứ hữu hạn, vô thường chứ không bất thường. Bình thường.

Dù gần hay xa, mau hay lâu, ngắn hay dài,… rồi cũng đến. Trong thời gian Chúa Giêsu công khai sứ vụ, nhiều lần người ta đã lập mưu bắt Ngài nhưng chẳng ai làm gì được, bởi vì “chưa đến giờ”. Nhưng rồi cũng đến giờ, Chúa Nhật Lễ Lá là lúc giờ đã điểm, khởi đầu hành trình khổ nạn của Đức Kitô từ lúc vào Thành Giêrusalem.

Dân chúng đã từng chứng kiến Chúa Giêsu làm nhiều thứ quá tuyệt vời, quá kỳ diệu, vượt ngoài sức tưởng tượng của loài người, thế nên họ muốn tôn Ngài làm vua, vả lại chính họ cũng đã nhận biết Ngài là ai, họ lũ lượt theo nhau và reo hò vang dội: “Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21:9). Nhưng chuyện không dừng lại ở “khoảng vinh quang” như thế!

Cây càng cao, gió càng lay. Càng làm lớn càng khổ. Khổ từ khi đăng quang và vinh quy bái tổ. Vua chúa, hoàng đế hoặc quốc vương nào cũng có lễ đăng quang. Ngay cả giáo hoàng cũng có lễ đăng quang. Riêng Chúa Giêsu, chỉ có đám dân đen tôn Ngài làm Vua, vì thế Ngài không hề được làm lễ đăng quang, và tất nhiên, Ngài là HOÀNG ĐẾ KHÔNG NGAI VÀNG, mà chỉ có “ngai khổ” là Thập Giá – loại khủng khiếp nhất thời đó.

Trong xã hội Việt Nam, người ta thường có cách nói ví von là “Khổ ải trần gian” hoặc “Đời là bể khổ”. Ải gì chứ ải khổ thì… khổ thật. Và cuộc đời là “biển khổ” chứ không phải “sông khổ” hoặc “ao khổ”.Phải chi “đời là ly khổ” thì đỡ khổ biết bao! Cách ví von đó cho thấy kiếp người không ngừng đau khổ, nỗi khổ này chồng chất nỗi khổ khác, ngày tháng là một hành trình đau khổ triền miên. Có lẽ do vậy mà khi sinh ra không ai cười, ai cũng “cất tiếng khóc chào đời”, trẻ sơ sinh nào cười là “có vấn đề” đấy.

Thật khó hiểu vì bí ẩn.Biết chấp nhận thì có thể “hóa giải” đau khổ thành niềm vui, nếu không thì tự đày đọa thêm mà thôi. Không thể thoát khổ, càng diệt khổ càng đau khổ, muốn thoát khổ hoặc diệt khổchỉ là điều không tưởng,chuyện hão huyền. Nhưng có bí quyết khả dĩ giảm khổ, đó là “đi xuyên qua” chính những nỗi đau khổ của mình.Thánh nữ Bernadette có ước nguyện tuyệt vời: “Lạy Chúa, con không xin thoát khỏi đau khổ, nhưng xin Ngài đừng bỏ mặc con trong đau khổ”.

Ngày xưa, ông Thích Ca Mâu Ni là một hoàng tử sống trong cung vàng điện ngọc, nhưng ông đã “giác ngộ” sau khi nhìn thấy những cảnh khổ của kiếp người, thế nên ông quyết ngồi thiền dưới gốc bồ đề để tu thân và “tâm niệm” Tứ Diệu Đế (Sinh là khổ, Lão là khổ, Bệnh là khổ, và Tử là khổ).Nói tóm lại, khổ là… khổ. Ông đã siêu thoát và được người ta tôn vinh là Đức Phật.

Khi cưỡi lừa vào thành Giêrusalem, Chúa Giêsu được người ta vừa tung hô vừa cầm lá thiên tuế vẫy chào đón, có người còn lấy áo trải xuống đường cho Ngài đi qua. Thế nhưng khi đó cũng là lúc Ngài khởi đầu “hành trình đau khổ”, đau khổ tột cùng, không thể tưởng tượng nổi.

NGƯỜI TÔI TRUNG

Trong Cựu Ước, ngôn sứ Isaia đã nhiều lần tiên báo về “người tôi tớ đau khổ”. Ông cảm thấy Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho ông nói năng như một người môn đệ, để ông biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.Chính ông minh đinh: “Sáng sáng Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ” (Is 50:4). Và ông cho biết thêm: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50:5). Không phản đối, không chạy trốn, hoàn toàn tự nguyện chấp nhận chứ không hề miễn cưỡng.

Mặc dù phải “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu” và “không che mặt khi bị mắng nhiếc, phỉ nhổ” (Is 50:6), ôngvẫn một lòng trung tín tới cùng. Ông tin tưởng“có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ”, vì thế, ông“không hổ thẹn” mà cứ“trơ mặt ra như đá”. Hoàn toàn tin tưởng nên ông biết mình sẽ “không phải thẹn thùng” (Is 50:7). Ông là hình ảnh của Đức Kitô, con người của đau khổ, khởi đầu “chuyến khổ” từ Giêrusalem, ngay khi được người ta cầm những cành thiên tuế tung hô là vua. Cuộc sống rất nhiêu khê!

Lời lẽ trong Thánh Vịnh mô tả về tình trạng chịu nhục nhã ê chề mà Chúa Giêsu phải chịu, thật não lòng với cách diễn đạt rất thật:

Thấy con ai cũng chê cười

Lắc đầu, bĩu mỏ, buông lời mỉa mai:

“Nó trông cậy Đức Chúa Trời

Cứ để mặc Người giải cứu nó đi!” (Tv 22:8-9)

Người Tôi Trung không chỉ bị khiêu khích, mà cả tinh thần và thể lý đều đau khổ đến tột cùng:

Quanh con bầy chó bao chặt chẽ

Bọn ác nhân vây bủa trongngoài

Chúng đâm con thủng chân tay

Xương con đếm được vắn dài, chúng xem (Tv 22:17-18)

Người Tôi Trung bị đau khổ vô cùng, nhưng vẫn luôn trông cậy vào Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mà thôi:

Áo mặc ngoài chúng đem chia chác

Còn áo trong cũng bắt thăm luôn

Chúa là sức mạnh con nương

Cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa!(Tv 22:19-20)

Dù có thế nào thìNgười Tôi Trung vẫn muốn được tôn vinh Thiên Chúa trong chính nỗi đau khổ của mình:“Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa, cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương” (Tv 22:23). Người Tôi Trungmột niềm tín thành, vừa tự động viên mình vừa khuyến khích người khác: “Hỡi những ai kính sợ Đức Chúa, hãy ca tụng Người đi! Hỡi toàn thể giống nòi Gia-cóp, nào hãy tôn vinh Người!Dòng dõi Israel tất cả, nào một dạ khiếp oai!” (Tv 22:24).

NIỆM KHÚC KHỔ

Dùng cách nói vừa phân tích vừa xác định, Thánh Phaolô cho biết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2:6). Dù đạo hay đời, những người quyền cao chức trọng hiếm thấy những người dám “vi hành” để hiểu rõ cảnh khổ của người dân. Có đi đâu thì kèn trống, cờ xí, tiệc tùng,… chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thậm chí có nơi còn tập nghi thức. Thế thì làm sao biết được thực tế cuộc sống của đám chiên ghẻ, chiên lạc?

Joseph Irumpen (1919-1997)Thật tuyệt vời khi thấy trong tác phẩm “Authority: Its Use and Abuse” (*) có kể một số “điểm son” của Đức cố GM Joseph Irumpen (1919-1997), GP Palakkad(Ấn Độ), một giám-mục-đa-không, đáng để chúng ta noi gương. Tác giả cho biết:

Mỗi Chúa nhật, ngài đến một giáo xứ nào đó mà KHÔNG BÁO TRƯỚC, ngồi tòa giải tội khoảng 15-20 phút, dâng lễ, giảng lễ, dạy giáo lý, và CHUYỆN TRÒ với giáo dân và linh mục quản xứ; ngài KHÔNG BAO GIỜ cho phép người ta tổ chức tiếp tân chào mừng ngài tại các giáo xứ. Ngay tại tòa giám mục hay ở bất cứ nơi đâu mà ngài ghé thăm, ngài KHÔNG nhận bất cứ sự biệt đãi nào dành cho mình. Ngài cho rằng sự hào nhoáng bên ngoài (kiểu như đoàn xe đưa rước trong những dịp đặc biệt) KHÔNG phải là chứng nhân Tin Mừng, mà là chứng nhân của VĂN HÓA THẾ TỤC. Hằng ngày ngài dành thời gian từ 9 giờ đến 12 giờ để tiếp bất cứ ai đến gặp, không cần hẹn trước; ngài không bao giờ nghỉ trưa; ngài chỉ dự những lễ kỷ niệm chịu chức hay khấn dòng NẾU những lễ ấy tổ chức ở nhà thờ chính tòa; ngài KHÔNG tổ chức mừng ngày kỷ niệm thụ phong giám mục của mình.

Năm nào ngài cũng mừng lễ bổn mạng, dịp các linh mục tĩnh tâm tháng vào ngày 19-3 (Lễ Đức Thánh Giuse Phu Quân Đức Maria). Linh mục đoàn cùng nâng cốc chúc mừng và nhâm nhi chút bánh ngọt; ngài không đưa lên bảng thông tin giáo phận các tin về hoạt động hay đi lại của ngài trong giáo phận, mà chỉ thông tin cho mọi người biết trước về những trường hợp ngài phải ra ngoài giáo phận quá một ngày, chẳng hạn khi ngài sắp đi dự họp Hội Đồng Giám Mục,…Ngài không bao giờ đi nước ngoài, trừ phi đó là bổn phận bắt buộc như về Rôma dịp Ad limina. Ngài không bao giờ đi nước ngoài để quyên tiền. Ngài nói rằng các nhu cầu căn bản của giáo phận cần phải được gánh vác bởi chính giáo dân trong giáo phận; không bao giờ có chuyện “phạt treo” – chẳng hạn, không cấp giấy chứng chỉ hôn phối vì người ta chưa đóng góp quỹ. Ngài luôn ăn mặc giản dị, ăn chay trường, và chẳng ai thấy hình ảnh của ngài trên báo chí. Ngài hưu trí tại nhà hưu của các linh mục cao niên. Cuộc đời ngài thật đơn giản, tất cả đồ đạc xếp gọn trong một chuyến xe nhỏ; giáo phận tặng ngài một ô tô dịp ngài về hưu, nhưng ngài không nhận,chỉ muốn được trợ cấp hưu bổng đúng theo mức hưu dưỡng như các linh mục khác trong giáo phận; ngài không muốn xin viện trợ từ bên ngoài để xây các nhà thờ to lớn. Nếu ai dâng hiến đất, ngài sẽ xây một nhà thờ vừa phải với sự hỗ trợ của chính các giáo dân địa phương; văn phòng của ngài là một gian phòng nhỏ trong một ngôi nhà cũ kỹ, không có bất cứ món trang trí nào; ngài là một chứng nhân Tin Mừng, sống điều ngài rao giảng,cách sống của ngài cho thấy rõ quyền bính là để phục vụ.

Thật vui mừng vì tại Việt Nam cũng có được tấm gương sáng của Đức cố GM Cassaigne (người Pháp, quen gọi cha Sanh, nguyên giám mục GP Saigon), vị tông đồ của người cùi.Khi còn là giám mục Saigon, ngài cũng đã từng rong ruổi khắp khu dân cư nghèo để thấy rõ thực tế, cửa tòa giám mục cũng luôn rộng mở đón tiếp mọi người.Ôi, tuyệt vời biết bao!

Thật đáng khâm phục các chứng nhân sống động như vậy, đúng là các mục tử như lòng Chúa mong ước, dám quên mình vìđoàn chiên, các chủ chăn đích thực chứ không nói suông qua các văn bản hoặc bài giảng sáo rỗng.

Chúa Giêsu không chỉ là NgườiTôi Trung mà còn là NgườiTôiTớĐauKhổ và KhiêmNhường: “Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:7). Cái chết của Ngài khác thường là “chết trên thập giá”, loại khổ hình nhục nhã nhất thời đó. Chính vì Ngài chịu đau khổ đến tột cùng mà“Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2:9), danh hiệu ấy cao cả và quyền năng đến nỗi “khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2:10).Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa”(Pl 2:11).

Chắc hẳn chẳng ai muốn khó đến thân chứ nói chi chịu đau khổ, nghĩa là ai cũng muốn cuộc sống ung dung sung sướng, thanh thảntận hưởng niềm hạnh phúc – tận hưởng bằng mọi cách,càng nhiều càng tốt. Do đó, con người miệt màiđi tìm hạnh phúc, bất kể ngày hay đêm. Đau khổ luôn là điều bí ẩn đối với cuộc sống, nó kỳ diệu nhưng không dễ chấp nhận, thậm chí người nào chấp nhận đau khổ có thể bị coi là “ngu xuẩn”, là “dại dột”, là “điên khùng”. Tuy nhiên, đối với người tin vào Đức Kitô thì đau khổ là một mầu nhiệm – nghĩa là không thể hiểu hết nhưng chấp nhận vì đức mến, đặc biệt là noi gương và kết hiệp với Đức Kitô.

Chúng ta biết rằng ở bất kỳ ở quốc gia nào, một bị cáo đứng trước vành móng ngựa cũng có luật sư bào chữa (biện hộ thật chứ không “làm kiểng” hoặc cho đủ bộ). Trong Giáo hội Công giáo, trước khi phong thánh cho ai thì cũng có 2 “phe”, một phe đưa ra các điều tốt và một phe đưa ra các điều xấu –gọi là “luật sư của quỷ”, phe luật sư này sẽ đưa ra mọi thứ “bất lợi” cho ứng viên đến khi “chịu thua” mới thôi. Chẳng hạn trường hợp của Thánh GH Gioan XXIII, phe luậtsưcủaquỷ đã hếtcách nên “tố cáo” Gioan XXIII hồi nhỏ hay chơi diều. Đúng là “hết nước nói” luôn! [Nói khôi hài mỉa mai theo Pháp ngữ là “finir l’eau dire”, hoặc kiểu Anh ngữ là “no star where”, còn Việt ngữ thời @ là BóTay.com].

Chắc hắn rằng từ cổ chí kim, chỉ có một tử tội đặc biệt không có luật sư bào chữa, cũng chẳng có ai bênh vực một lời nào, đó chính là Đức Giêsu Kitô – Chúa của chúng ta. Thật đáng buồn, bởi vì người ta vừa mới tôn Ngài làm vua thì đã vội lật mặt và đòi đóng đinh vào Thập giá, đến cả những người thân cận nhất cũng sợ liên lụy mà bỏ rơi chính Tôn Sư của mình, người mà mình vẫn không tiếc lời tán dương lên tận mây xanh. Cái lưỡi không xương uốn éo kiểu lươn lẹo “khéo” thật đấy!

GIỜ ĐÃ ĐIỂM

Điểm giờ là lúc giờ đã đến. Người ta gọi thời điểm đó là Giờ G (do câu “Time is Gold” – Thời giờ là vàng bạc, “giờ vàng”, rất quý, được hiểuvới ý nghĩa là “thời điểm quan trọng” để hành động). Bài Thương Khó hôm nay là một bộ phim dài, một tấn bi kịchthảm thương, một cuộc chia ly đẫm nước mắt với vị mặn chát bao trùm những người thân tín nhất.

Thời khắcquan trọng đã điểm, Đức Giêsu vào bàn cùng với các Tông Đồ.Biết trước những gì sắp xảy ra, Ngài nói: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình” (Lc 22:15). Ngài nói rõ, không bóng gió nữa, và Ngài cho biết lý do:“Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” (Lc 22:16). Những lời này như lời trăn trối của người sắp vĩnh biệt cõi đời. Nghe thật não lòng!

Ngay sau đó, Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể, Ngài dùng chính Mình Máu Ngài để nuôi sống chúng ta, và thiết lập chức linh mục để tiếp nối công việc Ngài ủy thác. Ngài tiên báo mọi chuyện sắp xảy ra như những lời trăn trối, và để cảnh báo mọi người. Rồi Ngài phân tích về cách cai trị: “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ. Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en” (Lc 22:25-30). Phải hành động khác người, khác với đời thường, nghĩa là không được lạm quyền mà lộng hành, chỉ nói phục vụ mà thực tế thì không như vậy.

Và đặc biệt hơn, Ngài đã thẳng thắn cảnh báo vềsự dữ đối với Phêrô: “Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:31-32). Chúa Giêsu biết ông sẽ sa ngã và trở lại, Ngài thân thiện gọi đích danh ông là Simon, gọi tên thật chứ không gọi “nickname” Phêrô – tông hiệu của vị giáo hoàng tiên khởi.

Ông Phêrô thưa với Người: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22:33). Đức Giêsu nói ngay: “Này anh Phêrô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy” (Lc 22:34).Tính nóng như lửa, Trương Phi thua xa, thế mà Phêrô cũng chỉ biết cúi đầu im lặng, không biết nói gì nữa.Bình thường thì nói ngon lắm, nhưng rồi đâu dễ gì làm được như thế. NÓI và LÀM là hai việc khác nhau, có một khoảng cách rất gần mà cũng… rất xa. Nói trước bước khó qua ghê!

Chúa Giêsu biết mình không còn bao lâu nữa sẽ xa rời họ – nhưng người thân thích, nên Ngài thực sự rất quan tâm: “Anh em có thiếu thốn gì không?” (Lc 22:35). Các ông trả lời“không”, họ cứtưởng sắp có chiến tranh và đổ máu nên cùng nhau nói: “Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây” (Lc 22:38a). Nhưng Chúa Giêsu bảo họ: “Đủ rồi!” (Lc 22:38b). Thật ra chỉ một thanh gươm cũng là thừa rồi, bởi vì không bao giờ cần dùng bất cứ vũ khí gì.

Và theo thói quen, Ngài đi ra núi Ô-liu. Các môn đệ lặng lẽ đi theo Ngài. Khi đến nơi, Ngài bảo: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22:40). Cầu nguyện là điều cần thiết lắm, thứ nhất là cầu nguyện, thứ nhì mới là hành động. Ngài đi xa các ông một quãng, rồi quỳ gối cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22:42). Lúc này Ngài lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Theo nhân tính, Chúa Giêsu vừa lo vừa sợ, vừa u buồn vừa cô đơn, đến nỗi mồ hôi Ngài như những giọt máu rơi xuống đất (Lc 22:44).

Khi cầu nguyện xong, Ngài quay lại chỗ các môn đệ, nhưngthấy các ông vẫn đang ngủ ngon lành.Ngài nói: “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22:46). Lần thứ hai Chúa nhắc các ông về việc cầu nguyện, Ngài xác định việc cầu nguyện vô cùng cần thiết, mọi nơi và mọi lúc, phải cố gắng làm chứ không thể tùy hứng.

Đúng ngay thời điểm đó, Giuđa lại gần Đức Giêsu để hôn và cũng để chỉ điểm cho bọn thủ ác đến vây bắt Ngài. Chúa Giêsu ôn tồn: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?”(Lc 22:48).Lời nói nhẹ nhàng mà thấm thía nỗi đau. Ngày nay, chúng ta cũng vẫn dùng các dạng “dấu tốt” để bán đứng Chúa, mưu hại tha nhân, sẵn sàng làm những điều phi nhân phi nghĩa mà không chút ngại ngùng. Lương tâm không còn thẳng thắn mà bị lệch lạc rồi, bóng tối che khuất nẻo sáng rồi. Thật đáng sợ!

Như phản xạ tự nhiên, người ta muốn dùng gươm giáo để chiến đấu, chính Phêrô cũng đã nhanh như chớp, tuốt gươm ra chém ngay, nhưng có lẽ ông run tay nên chỉ đứt tai một tên lính chứ nếu ngon lành thì ông cho cái đầu nó lìa khỏi cổ rồi. Thế thì Phêrô còn nhát tay lắm! Vừa thấy thế, Đức Giêsu lên tiếng ngay: “Thôi, ngừng lại” (Lc 22:51). Và rồi Ngài gắn lại liền tai cho khổ chủ.Ôi, phép lạ nhãn tiền thế mà bọn thủ ác vẫn lì lợm, vẫn cứng lòng, vẫn cố chấp. Kể ra chúng cũng quái gở thật. Ma quỷ “đầu độc” chúng rồi!

Đám ác nhân dẫn Chúa Giêsu đi. Khi đi ngang qua Phêrô, Ngài nhìn ông với ánh mắt sâu thẳm, vừa buồn trách vừa xót thương, ông giật mình bởi vì ông vừa chối Thầy đúng như lời Thầy nói trước. Tiếng gà chợt gáy như xoáy sâu vào lòng ông khiến ông vừa xấu hổ vừasợ hãi, ôngvội chạy ra ngoài, ăn năn vàbật khóc,khóc như con trẻ, khóc như chưa bao giờ khóc, tiếng khóc rất thảm thiết (Lc 22:62). Phạm tội là xấu nhưng chưa đáng ngại, cố chấp mà cứ ù lì trong tội mới đáng sợ!

Máu ác dồn lại trong tim và dâng cao lên óc, bọn thủ ác bịt mắt Ngài lại, thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Ngài, và hành hạ Ngài đủ kiểu, thâu đêm suốt sáng, không chút nương tay.Chỉ tưởng tượng cũng thấy thật kinh khủng! Khi trời sáng, chúng mỉa mai: “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?”(Lc 22:70a). Ngài vẫn thản nhiên: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây!” (Lc 22:70b). Họ liền vào hùa với nhau để kết tội Ngài: “Chúng ta cần gì lời chứng nữa? Chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói!” (Lc 22:71).

Sau đó, họ bắt đầu tố cáo Chúa Giêsu đủ thứ, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, họ bắt bẻ và bịa chuyện đủ thứ, tốt thành xấu, cái gì cũng hóa thành trọng tội, kiểu xử bất công miễn sao có thể giết người lành. Tâm địa kẻ ác là vậy, xã hội ngày nay không thiếu gì những phiên tòa bất công như vậy!

Còn Philatô thì nhát gan vì sợ mất chức mất quyền, không dám hành động theo lương tâm, rửa tay để chứng tỏ mình chí công vô tư, biết Chúa Giêsu vô tội mà không dám tha – dù chính ông ta xác nhận hai lần (Lc 23:4 và 22). Ông ta muốn cho đánh đòn Chúa Giêsu rồi thả ra, nhưng dân chúngkhông chịu, họđồng thanh la ó: “Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi!” (Lc 23:18).Có quyền lực mà bất lực. Thật hèn hạ và nhục nhã! Còn Barabalà ai? Hắn đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người. Họ coi Chúa Giêsu không bằng một tên tử tội tàn ác khét tiếng. Thấy dân chúng nhất quyết xin tha Baraba mà giết Chúa Giêsu, Philatô đành chiều theo ý họ. Thật đê tiện khi ích kỷ mà để cho cái ác lộng hành!

Từ dinh Philatô tới Đồi Can-vê là con đường quanh co,đồi dốc và lởm chởm. Chúa Giêsu phải tự vác thập giá mà đi, rất cực nhọc, đuối sức dần vì Ngài bị đòn roi với đủ nhục hình và còn bị đói khát nữa,thế nên Ngài đã ngã xuống 3 lần vì sức nặng của thập giá. Chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi, không đơn giản chút nào!

Khi tới Đồi Sọ, họ đóng đinh Ngài vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái.Đã chịu đủ loại nhục hình, từ lời nhục mạ tới hành động đóng đinh – loại tử hình khủng khiếp nhất thời đó, và dù đang bị treo trên thập giá, Đức Giêsu vẫn đại lượng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Kể từ xưa tới nay, và cho đến tận thế, chắn chắn không có sự tha thứ nào vĩ đại hơn như vậy!

Thật kỳ diệu, ngay cả tên gian phi cùng bị đóng đinh với Ngài, với chỉ một lời “xin nhớ tới hắn” thôi, thế mà Ngài liền cho hắn đồng hành vào Thiên Quốc, và trở thành vị thánh đầu tiên của Tân Ước.Thật là đại phúc cho Dismas – kẻ cướp tốt lành. Ước gì chúng ta cũng chân thành sám hối và được diễm phúc như vậy!

Đối với một con người, cái chết là kết thúc cuộc sống trần gian,làn hơi thở cuối cùnglà ranh giới giữa sự sống và sự chết. Mọi sự đã hoàn tất. Sứ vụ cứu độ đã trọn vẹn. Khi đó, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46). Nói xong, Ngài tắt thở. Chúa Giêsu chỉ chết về phần nhân tính, như một con người bình thường, chứ Ngài KHÔNG CHẾT về phần thần tính.

Khi thấy sự việc xảy ra nhãn tiền như vậy, viên đại đội trưởng kinh ngạc và liền cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa bằng cách xác nhận: “Người này đích thực là người công chính!”(Lc 23:47 ≈ Mt 27:54; Mc 15:39),và toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về (Lc 23:48). Đó là những biểu hiện sám hối, họ còn may mắn và kịp nhận ra tội mình – không trực tiếp thì cũng gián tiếp giết chết người vô tội, làm khổ tha nhân, sát hại Đức Kitô. Sự thật mãi mãi là sự thật, vĩnh hằng và bất biến.

Chắc chắn không có nỗi đau khổ nào bằng (chứ không thể “hơn”) nỗi khổ của Chúa Giêsu.Ngài được tôn làm vua – chỉ trong chốc lát – mà không hề có ngai vàng, không hề được đăng quang, thay vào đó lại là những loại nhục hình,cuối cùng là bị đóng đinh vào thập giá. Thật thê thảm!

Lạy Thiên Chúa muôn loài, tội nhân chúng con thành tâm sám hối và xin lỗi Ngài, xin thương xót và tha thứ. Chúng con cảm tạ Chúa Cha đã ban Đấng Cứu Thế để chúng con được giải thoát và có cơ hội làm lại cuộc đời. Thật là diễm phúc vì chúng con được tận hưởng Lòng Thương Xót vô biên nhờ cái chết của Đức Kitô, dù chính chúng con đã nhẫn tâm trực tiếp hoặc đồng lõa sát hại Ngài. Xin Cha ban Thánh Linhgiúp chúng con can đảm sống xứng đáng với Ơn Cứu Độ, kiên trì đi trọn hành trình đau khổ và làm chứng nhân sống động về Lòng Thương Xót vô biên của Ngài, để rồi chúng con cũng được cùng phục sinh với Chúa Con. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấngcứu độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Authority: Its Use and Abuse (Sử dụng và Lạm dụng Quyền bính), sách của LM C.P. Varkey (NXB The Bombay Saint Paul Society, 1999).

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …