Home / Các Kinh Thường Đọc / MẪU: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

MẪU: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

 

GIỜ CHẦU THÁNH THỂ: 24 GIỜ CHO CHÚA

13/3/2015

                                                                                                                     

I.  KHAI MẠC:

– Lời dẫn nhập (Người dẫn đọc)

Kính thưa cộng đoàn,

Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta nghe văng vẳng bên tai lời Chúa mời gọi: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van” (Joel 2,12). Vì thế, hai ý tưởng trong Mùa Chay Thánh luôn song hành với nhau, thứ nhất : chúng ta là những con người yếu đuối, tội lỗi; thứ hai: Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót luôn yêu thương chúng ta, Ngài sẵn sàng tha thứ và ban cho chúng ta sức mạnh với tình thương. Vì yếu đuối nên cần đến ơn Chúa, vì tội lỗi nên muốn được Chúa thứ tha, nhưng để lãnh nhận được ơn tha thứ thì cẩn phải trở về với Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong chay tịnh và nước mắt, hướng tới tha nhân.

Sứ Điệp Mùa Chay năm nay có chủ đề là xóa bỏ sự “thờ ơ toàn cầu hóa”. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Mong mỏi lớn lao của tôi là tất cả nơi nào có sự hiện diện của Giáo hội, đặc biệt là nơi những giáo xứ và cộng đoàn, sẽ trở nên những hòn đảo lòng thương xót giữa biển cả thờ ơ”. Dửng dưng với Thiên Chúa và dửng dưng với đồng loại là điều cần phải loại bỏ trong xã hội hiện đại hôm nay. Thì đây, Mùa Chay, mùa canh tân đối với Giáo hội, các cộng đoàn và mỗi tín hữu, “mùa ân thánh” (2 Cr 6, 2). Ba việc phải làm trong Mùa Chay Thánh.

Ăn chay

Cầu nguyện

Và bố thí

Vì nó diễn tả ba chiều kích, ba mối tương quan giữa đương sự với Thiên Chúa và với anh em. Tương quan với Thiên Chúa là cầu nguyện, với tha nhân là bố thí và với chính mình là ăn chay. Ba tương quan này đồng hành với nhau và thể hiện cùng một lúc trong đời sống thường nhật của người kitô hữu.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những căng thẳng, khiến ngày mùng 07 tháng 9 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô phải mời gọi cả Hội Thánh ăn chay cầu nguyện cho hòa bình tại Syria và những nơi bạo lực đang hoành hành. Tại Trung Đông, Ai Cập, Triều Tiên và cả Thánh Địa xem ra Hòa Binh vẫn vắng bóng.

Năm 2014, Đức Thánh Cha lại kêu gọi thế giới nhiều lần cầu nguyện cho Irắc và Siria, không những kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình tại Israel và Palestin mà còn tổ chức cầu nguyện với nguyên thủ quốc gia cả hai nước. Năm nay, ngài tiếp tục than phiền: “Rất tiếc là từ Siria và Irak vẫn không ngừng có những tin tức bạo lực kinh khủng, những vụ bắt cóc người và đàn áp gây hại cho các tín hữu Kitô và những nhóm khác” (Kinh Truyền Tin trưa 28-2-2015). Thế giới ngày nay tội lỗi lan tràn, người ta sống như thể không có thiên Chúa, đề cao cái tôi, thu hẹp mình lại, sống ích kỷ không nghĩ đến người khác, Đức Thánh Cha gọi là sự dửng dưng đối với Thiên Chúa và người khác, dửng dưng ấy có ở mọi nơi, ngài không ngần ngại gọi là sự dửng dưng toàn cầu.

Vì dửng dưng nên con người bỏ Chúa ra khỏi đời sống, thấy khổ đau ngập tràn mà chúng ta không làm gì để giúp họ. Đức Thánh Cha nói “Dửng dưng với đồng loại và với Thiên Chúa cũng là một sự cám dỗ đối với Kitô hữu chúng ta”. “Giáo hội phải là cánh tay của Thiên Chúa”. Đức Thánh Cha mong muốn: “Dân Chúa cần canh tân để không trở nên dửng dưng và không khép kín vào mình”.

 

Trước những thế lực mạnh hơn, chúng ta thường cảm thấy bất lực. Khi nghĩ đến sức mạnh của những thế lực trên trái đất này định đoạt số phận của nhân loại, chúng ta cảm thấy bị giới hạn. Trong tình hình hiện nay, chỉ biết chạy đến với Thiên Chúa, để cầu xin sự tha thứ cho những người tội lỗi, khẩn xin hòa bình cho thế giới và sự đỡ nâng cho các đồng loại. Vì chỉ có lời cầu nguyện mới vượt qua được biên giới các quốc gia và ngăn cách của thù ghét cũng như không hiểu nhau, mới đem lại bình an cho nhân loại. Vì nơi nào thiếu hòa bình, nơi nào con người tỏ ra bất lực hay không muốn dẹp đi mầm mống thù ghét và chết chóc, thì việc trợ giúp phải đến từ Trời cao. Đó là lý do Đức Thánh Cha Phanxi cô mời gọi chúng ta dành 24 giờ hiệp nhất với ngài cùng toàn thể Hội thánh trước là  sám hối, sau là cầu nguyện cho những anh chị em đang đau khổ ở mọi nơi.

Thật là ý nghĩa trong giờ phút này đây, trước Thánh Thể Chúa, hiệp thông cùng Đức Thánh Cha Phanxicô, với anh chị em trên toàn thế giới, chúng ta bày tỏ lòng yêu mến Chúa, chúng ta chiêm ngắm Chúa là “Đấng lãnh đạo và kiện toàn đức tin” (Dt 12, 2), chúng ta tuyên xưng Chúa ngự thật trong phép Mình Thánh, chúng ta thờ lạy và phủ phục tôn thờ Chúa Giêsu ẩn mình dưới hình bánh. Chúng ta hãy cám ơn Chúa Giêsu đã trao ban chính mình cho chúng ta. Và sau hết xin Chúa chúc lành cho những thiện ý của chúng ta và toàn thế giới.

Giờ đây chúng ta khẩn cầu xin ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta làm Giờ Thánh này cho nên.

Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

– Đặt Mình Thánh Chúa

– Hát: Thờ Lạy Chúa Giêsu 

(Vị Chủ sự quì trước Thánh Thể xông hương, hát xong và đọc lời nguyện sau)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang ở đây với chúng con, và giờ phút này, Chúa thấy chúng con đang ở đây với Chúa, trước sự hiện diện của Chúa.

Đã gần hai ngàn năm, Chúa đã sẵn lòng bước lên Thánh Giá ô nhục để rồi sau đó phục sinh và ở lại mãi với chúng con là những người anh chị em của Chúa. Chúng con chiêm ngắm Chúa. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng : mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa.

Hồi tưởng lại trong bữa tiệc Vượt Qua năm xưa, Chúa đã ban mình và máu cho các môn đệ, để ở với họ “mãi mãi, cho đến tận thế” (Mt 8,20). Chúa là nguồn gốc và cùng đích của đời sống đức tin của chúng con, chúng con thờ lạy Chúa. Vì không có Chúa chúng con không có ở đây giờ phút này, không có Chúa chúng con sẽ không hiện hữu, không có Chúa sẽ chẳng có gì, hoàn toàn không có gì.

Chúa là Đấng “vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3). Chúa là Đấng, nhờ Chúa mà chúng con được tạo thành. Chúa đã ban cho chúng con chính Mình và Máu Chúa, ở đây giờ phút này, giữa chúng con, cho chúng con được chiêm ngắm Chúa.

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, xin ôm tất cả nhân loại chúng giờ nay đây đang thờ lạy Chúa, trong tình yêu của Chúa. Tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Cha dành cho Chúa, cũng như chính Chúa dành cho Chúa Cha, tình yêu của Chúa Cha và Chúa đối với Chúa Thánh Thần, và tình yêu của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa.

Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng ta nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, chấp nhận mất tất cả hầu chiếm được chúng con cho Chúa Cha.

Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Rất Thánh, Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng đầu thai Vô Nhiễm, từ hơn hai ngàn năm nay, đã chấp nhận, hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người.

(Vị Chủ sự cùng giúp lễ đi vào)

II. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM:

–  Hát: Xin cho con biết lắng nghe

– Công bố lời Chúa (1 Cr 11, 23-26)   (Mời mọi người ngồi, người đứng đọc)

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”.

– Gợi ý suy niệm 1 (Mọi người ngồi)

Tiên tri Habacúc bảo chúng ta: “ Hãy đến, Thầy gọi bạn đấy! Thầy ở đây! Thầy đang gọi bạn ( Ha 11, 20)! Người muốn lấy sự sống anh em và kết hợp nó với sự sống của Người.

Thánh Phêrô Julien Eymard nói với chúng ta: “Thánh Thể là Chúa Giêsu Kitô, hôm qua, hôm nay và ngày mai”.

Chúa Giêsu, hôm qua, trong nhà Tiệc Ly, Ngài đã mời gọi các môn đệ : “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con… Hãy cầm lấy mà uống…Chén này là Tân ước trong Máu Ta, sẽ đổ ra cho muôn người được tha tội…”

Chúa Giêsu Kitô, hôm nay, bởi vì Người đã nói với chúng ta: “Hãy nhận lấy và ăn, tất cả các con, nầy là mình Thầy, này là máu Thầy.”

Thánh Thể cũng là Chúa Giêsu Kitô sẽ đến trong mai ngày. Khi chúng ta chiêm ngưỡng bánh truyền phép, Thân xác vinh hiển của Người được biến đổi và phục sinh, chúng ta chiêm ngắm điều chúng ta sẽ chiêm ngắm trong cõi đời đời, nơi chúng ta sẽ khám phá rằng toàn thế giới sẽ được điều khiển bởi Đấng sáng tạo ra nó trong mỗi giây lịch sử của nó. Mỗi khi chúng ta rước lấy Người, cũng như mỗi lúc chúng ta chiêm ngắm Người, chúng ta loan truyền Người cho tới khi Người lại đến. Đó là lý do tại sao chúng ta rước Người cách kính cẩn vô cùng.

Một số người trong chúng ta không thể, hay là chưa có thể rước Người trong Bí tích, nhưng chúng ta giờ đây có thể chiêm ngắm Người với đức tin và tình yêu, bày tỏ lòng ao ước của chúng ta là sau cùng được kết hợp với Người. Lòng ao ước này có giá trị lớn trong sự hiện diện của Thiên Chúa: mỗi người chờ đợi Người trở lại cách tha thiết hơn; chờ Chúa Giêsu Kitô Đấng phải lại đến.

Lúc này đây, chúng ta kêu lên: “Nếu Chúa Kitô ở trong chúng ta, chúng ta cần gì? Chúng ta thiếu gì? Nếu chúng ta ở trong Chúa Kitô, chúng ta còn ước muốn gì hơn nữa? Người là khách của chúng ta và là nhà ở của chúng ta. Chúng ta hạnh phúc vì nên nhà ở của Người! Vui mừng cho chúng ta là dường nào được nên chỗ ở cho Chúa như thế!”

(Mọi người thinh lặng trong giây phút chiêm ngắm Chúa)

– Hát: Con thờ lạy

– Công bố lời Chúa (Ga 6, 51-59) (Mọi người đứng)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. … “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”.

– Gợi ý suy niệm 2 (Mọi người ngồi)

Khi yêu thương, Đức Giêsu không chỉ ban cơm bánh, tiện nghi, sức khỏe… Một cuộc sống mau qua đời này cho chúng ta: mà còn dành cho chúng ta một nguồn ân sủng vô tận đặc biệt nhất, chính là Mình Máu Ngài làm lương thực nuôi linh hồn ta. Ngài đã yêu và yêu đến cùng.

Bí tích Thánh Thể là Bí tích của tình yêu. Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã có sáng kiến tuyệt vời là lấy chính thịt và máu mình làm của ăn, của uống nuôi sống chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định : “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời”.

Trên bàn thờ Chúa, chúng ta đã thấy tận mắt Bánh và Rượu được truyền phép. Nhưng cần phải được soi sáng, đức tin chúng ta mới nhận biết và tin rằng Bánh chính là Mình Chúa Kitô và Rượu là Máu Chúa Kitô. Thật không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết niềm tin của chúng ta: Làm sao Bánh lại có thể là mình Chúa Kitô và Rượu lại là máu Chúa Kitô được ?

Chúng ta tin, Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Mình Thánh. Bánh thánh trở thành Bí tích nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, Bí tích cần thiết để dẫn dắt chúng ta trên con đường về tới thiên đàng! Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã hứa không để chúng ta mồ côi: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Nhưng Ngài ở lại với chúng ta thế nào khi về cùng Cha? Bí tích Thánh Thể là kho tàng cao quí thể hiện lời hứa trên.

Chúa Giêsu hiện diện thật sự giữa chúng ta. Giáo Hội quả quyết rằng: Sự hiện diện thật của Ngài trong Bí tích Thánh Thể là chân lý cơ bản của Đức Tin Công Giáo. Chúng ta phải tôn thờ với tất cả lòng tin, cậy, mến.

Thánh Gioan Kim Khẩu nói : “Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Ngài lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Ngài kết hợp chúng ta với Ngài, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy”.

Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh về lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta : “Chúa Kitô tháp nhập vào mỗi tín hữu nhờ Bí tích này. Những kẻ Ngài đã sinh ra thì Ngài nuôi dưỡng bằng chính bản thân Ngài, qua Bí tích Thánh Thể, Ngài làm cho ta vững tin rằng Ngài đã mang lấy chính xác thân của ta”. Ngài tan biến trong chúng ta, “làm một với chúng ta”, “ làm cho chúng ta trở nên thân mình của Ngài ” (Thánh Gioan Kim Khẩu).

Thật vậy, không Bí tích nào giúp chúng ta sống với Chúa, sống nhờ Chúa và trong Chúa như Bí tích Thánh Thể. Từ đó mà chúng ta mới có thể khẳng định như Thánh Phaolô : “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Ga l2,20).

(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)

–  Hát: Ta là Bánh hằng sống

– Công bố lời Chúa (Mt 14, 13-21) (Mọi người đứng)

Phép lạ làm bánh ra nhiều lần thứ nhất

Nghe tin ông Gioan Tầy giả bị chém đầu, Ðức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu trông thấy một đám người đông đúc thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Ðức Giêsu bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”. Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” Người bảo: “Ðem lại đây cho Thầy!” Rồi sau đó, Người truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được ăn no nê. Những mẫu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy.  Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

– Gợi ý suy niệm 3 (Mọi người ngồi)

Chúa nói: “Anh em hãy cho họ ăn”.

Câu hỏi nêu lên trong sách Sáng thế “Em ngươi đâu?”  là một khởi điểm. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Tất cả những gì chúng ta đang nói về Giáo hội hoàn vũ bây giờ phải được áp dụng trong đời sống cộng đoàn và giáo xứ. Mỗi người tự hỏi mình có phải là những chi thể của Chúa Kitô không? Một thân thể có là nơi tiếp nhận và chia sẻ những gì Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta không? Một thân thể có đón nhận và quan tâm đến những thành viên đau yếu, nghèo đói và nhỏ bé nhất không? Hay chúng ta lẩn tránh thể hiện tình yêu, thứ tình yêu sẽ mở ra ôm lấy toàn thế giới, khi không thấy người anh em Lazarô ngồi đó trước cửa nhà chúng ta”. Ngài nhắn nhủ: “mỗi cộng đoàn tín hữu phải đi ra và hòa mình vào cuộc sống của xã hội, đặc biệt nơi những người nghèo và những vùng ngoại biên xa xôi. Tự bản chất Giáo hội là truyền giáo; Giáo hội không tự đóng mình lại nhưng đi đến mọi miền đất nước và mọi dân tộc” (Sứ điệp MC 2015).

Trong sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha nhận viết : “Là những cá nhân, chúng ta bị cám dỗ bởi sự dửng dưng. Nhìn thấy những tin tức ngập tràn những hình ảnh đau khổ nơi nhân loại, chúng ta cảm thấy bất lực trong việc giúp đỡ họ. Chúng ta có thể làm gì để tránh cảm giác bất lực này?” Ngài ao ước : “Mong mỏi lớn lao của tôi là tất cả nơi nào có sự hiện diện của Giáo hội, đặc biệt là những giáo xứ và cộng đoàn, sẽ trở nên những hòn đảo lòng thương xót giữa biển cả thờ ơ” (Sứ điệp MC 2015).

Trong một xã hội không những nghèo về kinh tế, mà nhất là và những giá trị tinh thần như: đạo lý, công bằng, tình thương sự thật, tự do, độc lập, đoàn kết, hòa bình, lương tâm, tình liên đới, tinh thần trách nhiệm, v.v… Trong một xã hội mà bóng tối mạnh hơn ánh sáng, mỗi người chúng ta phải là những nhân chứng của sự thật và sự sống, của sự thánh thiện và ân sủng, của công lý, yêu thương và an bình. Tình yêu và Đức tin của chúng ta phải mạnh hơn bóng tối của tội lỗi, của ma quỷ, của sự ác thế gian. Chúng ta phải là những con người thật tốt để bớt sự xấu, những con người thật công bằng để giảm bớt sự bất công, những con người thành thật để diệt trừ sự giả dối. Chúng ta thường nhận mình là Kitô hữu, nghĩa là Chúa Kitô đang hiện diện trong ta, thì hãy để Người sáng rực trên bản thân và trong đời sống của ta, biến chúng ta trở nên những người kiến tạo nền văn minh tình thương và sự thật.

Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh và như họa ảnh của mình (x. St 1,26). Người cũng là Thiên Chúa tình thương (x. 1Ga 4,8). Do đó, con người tự bản chất là tình thương. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người mất nghĩa nếu không nhận lấy mạc khải về tình yêu, nếu không gặp tình yêu, nếu không kinh nghiệm tình yêu và không nhận lấy kinh nghiệm đó làm của mình và dự phần vào đĩ cách mãnh liệt” (Thông điệp Đấng Cứu Chuộc số 10). Không có tình thương, thế giới không còn là thế giới của con người nữa.

Ý thức về điều căn bản này, chúng ta hãy phấn đấu để trở nên những tông đồ, những sứ giả, những người cổ vũ và kiến tạo nền văn minh tình thương. Hãy thương yêu và tương trợ lẫn nhau, vì tình thương là căn tính, là bản chất của con người, vợ hãy yêu thương chồng, con cái yêu thương kính trọng mẹ cha… Hãy loại bỏ sự đố kỵ, hận thù, chia rẽ và những nguyên nhân làm hại đến tình thương như : bất công, kỳ thị, độc đoán, tham quyền, ích kỷ, kiêu căng, giả dối và các tội ác. Hãy sống đúng với sự thật về căn tính của mình và giúp mọi người sống đúng với căn tính đó: con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa là sự thật và là tình thương.

“Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Lời mời gọi yêu thương của Đức Kitô đã vang lên đều khắp mặt đất từ 2000 năm nay, nhưng ghen ghét, oán thù, tranh chấp, chiến tranh, khủng bố, chết chóc vẫn còn và khắc nghiệt ở nhiều nơi, thậm trí ngay trong gia đình, trong chính bản thân mình nữa. Có thể nói thế giới nghèo tình thương.

Thế giới nghèo tình thương trong đó có trách nhiệm cá nhân mỗi người chúng ta, chúng ta phải sám hối. Đức Thánh Cha viết: “Mùa Chay là thời điểm thích hợp để thể hiện sự quan tâm đến tha nhân bằng những hành động nhỏ nhưng cụ thể cho thấy chúng ta thuộc về một gia đình”. Chúng ta cần phải hoán cải, vì “nỗi đau của người khác là lời kêu gọi hãy ăn năn sám hối, vì những thiếu thốn của họ nhắc chúng ta về sự không chắc chắn của cuộc sống của chính chúng ta, về sự phụ thuộc vào Thiên Chúa và anh chị em” và biểu lộ “một trái tim mạnh mẽ và nhân từ, ân cần và rộng lượng, một trái tim không đóng lại, không dửng dưng hoặc là nạn nhân của nạn thờ ơ toàn cầu hóa” (Sứ điệp MC 2015).

Là những người tuần canh của bình minh (Is 21,11) để thông báo sự ló dạng của Chúa Kitô, Mặt trời công chính, chúng ta hãy đấu tránh để tận diệt nền văn minh của tội ác, của sự vô cảm và sự chết, thay vào đó bằng nền văn minh của sự sống, sự thật và cảm thương.

“Anh em hãy cho họ ăn”, lệnh Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải làm ngay lập tức. Nhìn thấy đám đông, Đức Giêsu chạnh lòng thương. Đây là một đám đông nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ vơ không người chăn dắt, nghĩa là bị bỏ rơi, không ai quan tâm đến. Đám đông tội nghiệp đi tìm Đức Giêsu không phải chỉ để được ăn no, nhưng còn để được chữa lành bệnh, nhất là được an ủi, được dạy dỗ, được chỉ bảo.

Đức Giêsu dạy chúng ta hãy nhìn những người chung quanh bằng ánh mắt của tình liên đới, đừng dửng dưng, vô cảm. Những người già bị bỏ rơi cô đơn, người này đói vì tôi vô tâm hay đã ăn quá nhiều, người kia rách vì tôi đã mê mải đuổi theo mốt. Những đứa trẻ này hư hỏng vì tôi đã thiếu quan tâm chỉ bảo. Những đứa trẻ kia rơi vào tội phạm vì tôi đã không làm gương tốt cho chúng. Thế giới này chưa tốt một phần có trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Thế giới này chưa công bằng trong đó có phần lỗi của chúng ta.

Quan tâm ở đây là nhận lấy trách nhiệm. Các môn đệ đã nhìn thấy đám đông đói khát. Các ngài muốn thoái thác, phủi tay: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thày giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Đó là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn người ăn là ngoài tầm tay của các môn đệ. Đó cũng là giải pháp nhẹ nhàng, ai lo phần nấy, thật dễ dàng. Nhưng, đó là giải pháp không được Chúa chấp nhận, tại sao vậy, tại vì thiếu tình liên đới.

Triệu chứng của sự thờ ơ xuất hiện, gặp người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn mà không thấy xót xa, thương cảm, không muốn ra tay giúp đỡ dù có điều kiện; đứng trước sự bất công, xấu xa, gian dối mà không thấy phẫn nộ, nhức nhối; thấy những điều tốt đẹp, cao thượng mà không ngưỡng mộ, cảm phục. Dù là thờ ơ, dửng dưng, hay mặc kệ, bất cần đều là vô cảm.

Chúa muốn loại bỏ sự vô cảm nơi các môn đệ, Người phán: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn. Họ đói, các con phải lo cho họ ăn”. Một trách nhiệm nặng nề vượt quá sức các môn đệ, nhưng đã đồng cảm thì phải có trách nhiệm. Trái tim cảm thương thật sự phải hướng dẫn bàn tay làm việc.

Đồng cảm là đóng góp phần của mình. Chúa không cần những phép tính vĩ mô. Năm ngàn người thì cần bao nhiêu bánh? Những tính toán lớn lao là không thực tế và làm ta lo sợ. Chúa dạy các môn đệ khởi đi từ thực tế: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá”. Thật là ít ỏi, nghèo nàn, Chúa không chê cái ít ỏi nghèo nàn ấy: “lại đây cho Thày”. Có ít hãy đóng góp ít. Nhưng quan trọng là phải bắt đầu, là phải góp phần của mình. Đồng cảm không đòi ta phải quán xuyến mọi sự, nhưng đòi ta góp phần của mình vào việc chung.

Đồng cảm là chia sẻ. Chúa chúc tụng để làm phép bánh và cá như cho ta thấy, những đóng góp dù ít ỏi của ta đã thành thiêng liêng cao quí. Chúa không làm phép lạ tức khắc biến ngay cá và bánh ra một núi lương thực cho mọi người tự do đến lấy. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực cho mọi người. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ. Các môn đệ trao cho mọi người. Và mọi người trao lại cho nhau. Đó là bài học lớn của phép lạ. Chính khi mọi người trao cho nhau, Chúa làm phép lạ. Bánh và cá cứ tiếp tục sinh sôi bao lâu những bàn tay còn trao cho nhau. Bánh và cá vẫn tiếp tục nhân lên bao lâu mắt con người vẫn còn nhìn nhau. Những tấm bánh của tình liên đới. Những đàn cá của sự chia sẻ nhân lên theo nhịp đập đồng cảm của trái tim. Khi trái tim chan chứa yêu thương, quan tâm, liên đới, lương thực trở nên phong phú, dư thừa.

Thế mà các môn đệ đã vội lo. Cũng như ta thường lo thế giới này quá chật hẹp không đủ chỗ cho mọi người. Cũng như ta vẫn thường lo lương thực trên thế giới không đủ nuôi mọi người. Hôm nay Chúa dạy ta mỗi người hãy chia sẻ những gì mình có thì thế giới sẽ dư thừa lương thực. Khi trái tim mở ra thế giới sẽ có đủ chỗ cho mọi người.

Quả thật, có lòng thương cảm người khác là một điều tốt, nhưng chưa đủ. Có những lời nói đồng cảm với người khác cũng là một điều tốt, nhưng chưa đủ, mà cần phải có việc làm cụ thể, phải có hành động xót thương thực sự nữa. Chúa Giêsu đã thể hiện như thế và Người dạy chúng ta sống như thế. Ta thử nghĩ, trước những nỗi đau của người khác, trước những túng thiếu của người anh em, ta có thái độ thế nào? Ngoảnh mặt làm ngơ hay bưng tai giả vờ làm điếc, không thể chấp nhận được. An ủi, khích lệ, cảm thông ư? Tốt rồi nhưng chưa đủ, mà phải biết chia sẻ, giúp đỡ. Chúa không đòi chúng ta làm những việc to lớn, nhưng đòi chúng ta biết chia sẻ, phải biết làm và cho những gì trong tầm tay, trong khả năng của mình, phần còn lại Chúa sẽ thực hiện. Ngạn ngữ phương tây có nói: Giúp người thì trời giúp cho. Việt Nam ta cũng thường nói: ở xởi nởi thì trời cởi cho, ở xẻn xo thì trời co tay lại. Chúng ta hãy nhớ điều quan trọng không phải cho ít hay cho nhiều nhưng là ở chỗ biết ý thức người khác cũng là con Thiên Chúa cũng là anh chị em đồng loại với chúng ta.

Báo chí ngày nay cũng cho biết, chưa bao giờ con người có nhiều của cải như thế. Ông Bilgate là nhà tỷ phú người My gốc Do thái, người chuyên bán phần mềm của vi tính, có tài khoản tại các ngân hàng trên thế giới tương đương với thu nhập quốc dân của 40 nước nghèo ; Một tên lửa được Mỹ bắn lên đốt cháy hàng bao tỷ đô la. Chiến tranh tại Irác, Siria và nhiều nơi trên thế giới tiêu huỷ biết bao tiền của, bao sinh mạng con người. Ấy vậy mà, chưa bao giờ có nhiều người nghèo đói như ngày nay. Tại sao có sự chênh lệch giầu nghèo trên thế giới như thế. Sở dĩ như vậy là vì con người ích kỷ, hẹp hòi không biết chia sẻ cho nhau. Thay vì tích luỹ làm giầu, hay chế tạo súng ống chạy đua vũ trang, thì con người chế tạo ra bột mỳ, lương thực, thuốc men cho con người đi để đồng loại đỡ khổ.

Tôi còn nhớ, trong một lá thư mục vụ mùa chay của Đức cố Hồng y Phaolô Giuse ngài viết: “Hãy mở mắt ra mà nhìn, mở lòng ra mà thương, rộng tay mà chia sẻ với 5 chiếc bánh và hai con cá mà Chúa đã đặt vào tay ta”. 5 chiếc bánh và hai con cá ấy là sức khoẻ, là tuổi trẻ, là con đàn cháu đống, là điều kiện hơn người… ngài viết tiếp “vì Đạo của chúng ta là Đạo tình thương, về khoa học chúng ta vụng về, về văn hoá chúng ta thấp kém, về văn minh chúng ta quê mùa. Chúng ta có thể thua họ nhiều điều, nhưng đạo không cho phép chúng ta thua về Tình Thương…”.

Mùa Chay là thời gian đặc biệt như lời Thánh Phaolô nói:  “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ” (2 Cr 6,2). Đây là thời gian thuận tiện để mỗi người quyết tâm hoán cải, tăng cường việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, thống hối, mở rộng tâm hồn đón nhận thánh ý Chúa, quảng đại giúp đỡ tha nhân.

Mùa Chay là lúc thuận tiện để khích lệ mọi thành phần Dân Chúa gia tăng sức lực thực hiện công việc bác ái nhiều hơn nữa. Giữa biển cả thờ ơ của xã hội hôm nay, mỗi người, mỗi giáo xứ và cộng đoàn thực thi đức ái, nhất định Giáo hội sẽ trở nên những hòn đảo lòng thương xót.

 (Vị Chủ sự và giúp lễ với bình hương, nến nghi ngút đi ra quì trước Thánh Thể)

III. CẦU NGUYỆN TRƯỚC THÁNH THỂ

(Mời cộng đoàn quì)

– Chủ sự :

Anh chị em thân mến,

Hiệp cùng Đức giáo hoàng Phanxicô và với tất cả anh chị em tín hữu trên toàn thế giới, trong giờ phút linh thiêng này, trước Đức Giêsu Thánh Thể, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin.

– Ý cầu nguyện

(Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con)

  1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy, chúc tụng và tôn vinh Chúa, vì Chúa đã hiến dâng chính mình lên Thiên Chúa Cha làm của ăn nuôi sống chúng con. Xin cho Đức giáo hoàng Phanxicô, các giám mục, linh mục và các thừa tác viên trong Hội Thánh, trở nên cánh tay nối dài sự cảm thông của Chúa, và nhất là trở nên những tấm bánh được bẻ ra cho muôn người.
  2. Lạy Chúa Giêsu đang hiện trong Bí tích Thánh Thể, Chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng : mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa. Có Chúa trong cuộc đời, chúng con sẽ đi đến vùng ngoại biên xa xôi, trở nên những hòn đảo của lòng xót thương giữa đại dương thờ ơ vô cảm với mọi người.
  3. Lạy Chúa Giêsu là tấm Bánh Cha trên trời ban xuống để nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con biết tận hưởng nguồn lương thực thiêng liêng cao quí này với lòng trong sạch, để ngày càng lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến, nhờ thế chúng con mới tránh được sự cám dỗ dửng dưng, thấy người khổ đau thì đưa tay giúp đỡ, để mai ngày chúng con được được cùng nhau tham dự vào sự sống viên mãn trên trời.
  4. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin Chúa tha thứ cho chúng con vì những gì chúng con xúc phạm đến Mình Thánh Chúa và tha nhân, khi chúng con dửng dưng với đồng loại và với Thiên Chúa.  Xin ban Thánh Thần của Chúa cho chúng con, để Ngài giúp chúng con thêm hiểu biết về sự hiến mình của Chúa nơi Bí tích Thánh Thể, ngõ hầu chúng con biến hiến thân vì nhau.
  5. Chủ sự :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con hiệp cùng Đức Giáo hoàng Phanxicô dâng lên Chúa những ý nguyện của người, cùng với ý của chúng con vừa nói lên, với bao ý nguyện của anh chị em chúng con trên toàn thế giới, và của nhiều người chưa thể nói ra, Chúa đều biết cả, Chúa thấu hiểu lòng chúng con, xin Chúa thương đón nhận, thánh hóa và ban ơn theo thánh ý Chúa. Amen.

IV. PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH CHÚA

– Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng.

– Hát: Ca Thánh Thể.

– Lời nguyện.

– Phép Lành Mình Thánh Chúa.

V. BẾ MẠC

– Hát kết thúc

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …