“Anh chỉ còn thiếu có một điều là hãy về bán hết của cải anh có để phân phát cho người nghèo, và anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Tôi“ (Mc 10, 17).
Thấm thoát đã hai tháng qua; hôm nay, vào lúc 14g00, ngày Thứ Sáu, 28-08-2015 tại nhà Mục vụ gx Tân Phú (lầu 4), Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót gx Tân Phú lại quy tụ về để học hỏi linh đạo và dâng lễ tạ ơn do Cha Giuse Nguyễn Phát Tài (Chánh xứ GX Tân Thông, Củ Chi) chủ sự; cùng đến tham dự còn có Ca đoàn Hiệp hội Thánh Mẫu, một số hội viên các đoàn thể và cộng đoàn dân Chúa gx Tân Phú; Cha linh hướng Giuse Phạm Công Minh hôm nay không đồng tế thánh lễ; nhưng Cha đã vất vả suốt nhiều ngày trước để chuẩn bị bàn thờ mới lạ, đẹp và trang trọng, Cha cũng đến rất sớm để đón Cha Giuse chủ sự và cộng đoàn.
Sau lần đầu tổ chức vào ngày 26-06-2015, nhờ Ban Truyền thông gx đưa tin cùng một số hội viên LCTX đăng hình ảnh lên Facebook, nên dù chưa đến giờ và thời tiết nắng nóng gay gắt, nhưng nhà nguyện gần như vẫn kín chỗ ngồi vì số người tham dự khá đông.
Nguyện đường nhà Mục vụ trên cao thật yên tĩnh và không gian được trang hoàng cách điệu hình trái tim Chúa màu đỏ thẫm, Thánh giá màu trắng ở giữa, bên dưới là hai dải mầu Đỏ và Trắng. Dải mầu Đỏ tượng trưng Máu là sức sống của các linh hồn, dải màu Trắng tượng trưng Nước làm cho các linh hồn nên công chính; một chân dung Chúa Thương xót đang giơ tay ban phép lành và dòng chữ ấn tượng mà mọi Kitô hữu đều phải thuộc lòng: LẠY CHÚA GIÊSU – CON TÍN THÁC VÀO CHÚA.
Những lẳng hoa tươi rực rỡ được trang trọng đặt ở tòa giảng và bàn thờ tạo không gian thêm thánh thiêng và ấm cúng.
Đúng 14g, Cộng đoàn bắt đầu lần chuỗi Thương Xót.
Cha Giuse mở đầu với lời chào cộng đoàn, mọi người vỗ tay mừng Cha và mừng nhau. Cha cất bài “Xin cho con biết lắng nghe lời Ngài dạy con trong đêm tối; xin cho con biết lắng nghe lời Ngài dạy con lúc lẻ loi…”
Mời cộng đoàn chúng ta hãy cùng đứng lên để nghe Tin mừng của Chúa theo Thánh Marco (10, 17-30)
Thưa cộng đoàn: Hôm nay là lần thứ 2 chúng ta tề tựu về đây để học hỏi linh đạo LCTX, tôi rất vui khi thấy công đoàn đến đông hơn lần trước, và tại sao tôi lại chọn bài Tin mừng này
Giờ này là giờ ngủ trưa, mà chúng ta lại đến đây để nghe giảng thì không thích hợp; nhưng chúng ta hãy ngủ trong Chúa, và chúng ta hãy dành cho Chúa nhiều hơn. Cha mời CĐ hát lại bài “Xin cho con biết lắng nghe …”. Cha nói tiếp :
Đây là bài hát của Linh mục Nguyễn Duy rất hay, thường để sử dụng trong các buổi cầu nguyện Đại kết, bài hát này không chỉ là yêu thích của anh chị em Công giáo mà còn là bài hát yêu thích của anh chị em Tin Lành và Phật giáo. trong những buổi này, bài hát được hát nhiều lần, hát ngân nga, hát chậm để lời nhạc thấm sâu vào lòng mỗi người, thật vậy, lời Chúa là sự sống, khai phá cho chúng ta chân lý của Chúa.
“Xin cho con biết lắng nghe, lời Ngài dạy con trong đêm tối” Cha kể chuyện Kinh Thánh:
Ngày xưa trong đền thờ có phòng dành cho tư tế ngủ.. một hôm Samuel đang ngủ, chợt nghe tiếng gọi, ông bật dậy chạy sang phòng của Thầy mình, nhưng Thầy trả lời là Thầy không gọi ông và hai lần như thế; nhưng đến lần thứ ba Thầy của ông hiểu ra và dặn ông
“Nếu con nghe tiếng gọi thì hãy trả lời Lạy Chúa, con đây!
Ông đã làm theo lời dặn và từ ngày đó ông “càng lớn lên càng khôn ngoan và nhân đức“. Về sau các Dòng tu nữ cũng lấy câu này để dùng trong Lễ Vĩnh khấn của các Sơ. Vậy khi chúng ta cầu nguyện chúng ta hãy hát bài hát đó để lắng nghe tiếng Chúa như Samuel xưa; mỗi tối trước khi đi ngủ chúng ta tắt đèn và thinh lặng cầu nguyện; Nghĩa đen thì đêm tối trong bài hát là đêm tối vật lý, còn nghĩa sâu xa đêm tối của đức tin, tức là khi chúng ta rơi vào thử thách, rơi vào khủng hoảng như:
Hôn nhân tan vỡ, nợ nần chồng chất, con cái hư hỏng, thất nghiệp, bị ganh tị, bị tai nạn; thì khi đó chúng ta đi mãi mà chưa thấy tia sáng của đường hầm. Vậy chúng ta phải làm gì?
Chúng ta phải lắng nghe Tiếng Chúa nói đế Chúa hướng dẫn chúng ta.
“Xin cho con biết lắng nghe, lời Ngài dạy con lúc lẻ loi..”
Lẻ loi có nghĩa đen là một mình: Bị giam cầm, bị bỏ rơi, bị cô độc… và không ai đồng cảm.
Cuộc sống hôm nay chúng ta hàng ngày nghe nhiều âm thanh hỗn độn: Karaoke, điện thoại, ti vi cãi vã của hàng xóm v.v.. nhưng những âm thanh đó không phải là âm thanh của Chúa, không phải là Tiếng Chúa.
Lẻ loi trong bài hát nghĩa là ta bị quên lãng, bị chối từ, bị cô lâp… vì ta đang thất bại, suy sụp vv. lúc đó ta gần như không có người thân, không có bạn bè.
Có một vị linh mục lớn tuổi hiện diện trong cả hai đám tang Ba và Mẹ của Cha. Vị linh mục đó nói một câu mà Cha nằm lòng và nghiền ngẫm mãi “Khi nào Chúa lấy tất cả của cải vật chất và chỗ dựa của ta trong cuộc đời thì ta mới bám lấy Chúa“.
Vì người ta thường bám víu vào sắc đẹp, tiền của, địa vị, tiếng tăm và sức khỏe.. để sống lâu và để được mọi người nể vì. Nhưng có một điều quan trọng là luyện tập về đức tin để sống lâu trên đất của Chúa thì hầu như người ta không quan tâm tới, vì vậy nhiều người khi mất của cải và những thứ thuộc về thế gian thì họ đã tự tử. Anh chị em hãy nhìn chung quanh khu xóm, những người già yếu liệt lào, khi có ai đến thăm là họ thường khóc lóc, họ khóc vì tủi thân vì tiếc nuối thời đã qua và cũng khóc vì hối hận khi còn điều kiện tốt, họ đã không nhớ đến Chúa. Trở lại bài tin mừng, người thanh niên hỏi Chúa “Thưa Thày nhân lành tôi phải làm gì để có sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Lc 18, 18).
Chúng ta hãy lược qua nhà nguyện giờ này xem có ai là thanh niên đến tham dự nghe giảng không?
Duy nhất một cậu tí Bo lo âm thanh cho cộng đoàn, còn lại đa số là người già và thanh nữ; việc thanh niên trẻ siêng năng nghe giảng là hiếm hoi.
Khi chúng ta đưa con cái đi chịu phép Rửa tội; Cha chủ sự hỏi chúng ta:
– Anh chị em đến đây để xin điều gì?
– Thưa, chúng con xin Đức tin. Cha lại hỏi
– Đức tin đem đến cho anh chị em điều gì?
– Thưa, Đức tin cho chúng con sự sống đời đời.
Trong thực tế, đối với chúng ta, chúng ta hay xin những gì chúng ta thiếu như: Nhà cửa, xe cộ, học hành, sức khỏe, vợ đẹp, con khôn…
Còn trong bài Tin mừng, người thanh niên trẻ lại không xin trúng số, xin danh vọng, xin sức khỏe mà lại xin sự sống đời đời, bởi vì anh ta đã có đầy đủ hết rồi! Như vậy, sự sống đời đời là sự thỏa mãn thâm sâu nhất của con người.
Tại sao vậy? Vì khi Chúa dựng nên con người, Chúa đã ban cho sự sống đời đời; nhưng con người đã phản bội Chúa, đã nghe lời ma qủy và đánh mất đi sự sống đời đời đó; và cũng vì thế mà trên thế giới có rất nhiều người đã đi tìm mãi sự sống trường sinh, nhưng không tìm được.
Chúa nói với người thanh niên “Đừng trộm cắp, chớ gian tham, chớ giết người, chớ ngoại tình; hãy thảo kính cha mẹ (Lc 18, 20), thì người thanh niên trả lời với Chúa:
“Tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Lc 18, 21).
Trên thế gian này, không có ai là không phạm tội; thế mà người thanh niên rất tự hào nói với Chúa như thế, anh ta có “nổ” không? anh ta có gạt Chúa không? chắc chắn là không vì Chúa thông biết mọi sự. Khi anh ta nói như vậy, mà quả thật Chúa Giêsu đã xác nhận nên “Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yếu mến“ (Mc 10, 21) và khi Chúa nói với anh ta rằng anh chỉ còn thiếu có một điều nữa thôi, thì anh ta mừng lắm vì nghĩ rằng điều đó đơn giản và dễ thực hiện.
Nhưng không ngờ Chúa lại bảo “Anh chỉ còn thiếu một điều đó là: hãy bán tất cả gia tài, bố thí cho người nghèo và anh sẽ có một kho báu trên Trời, rồi đến theo Ta” (Mc 10, 21).
Vì Chúa thấu suốt anh ta coi tiền bạc trên hết, anh ta không tôn thờ Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.
Ở trường hợp này, Chúa chỉ thử lòng anh ta thôi, vì thật ra Chúa không bắt chúng ta phải bán hết gia tài để làm việc bác ái, hơn ai hết Chúa hiểu chúng ta còn có cuộc sống và còn có gia đình. Trong mười điều răn của Chúa thì có ba điều dành cho Thiên Chúa và bảy điều dành cho con người. Thánh Gioan nói “Ai nói yêu Chúa mà không yêu anh em mình thì là kẻ nói dối“.
“Sau khi nghe Chúa nói anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải“ (Mc 10, 22).
Các anh chị thấy đó, chúng ta phải yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, anh thanh niên này nghĩ rằng của cải anh ta làm ra là bằng chính sức lực và sự khôn ngoan của anh ta, mà đem cho hết thì lấy gì để chi tiêu? anh ta nghĩ mọi sự không phải do Chúa ban.
Bài tin mừng kết thúc; nhưng để cho chúng ta những suy nghĩ và thái độ.
– Không phải chỉ có anh thanh niên đó không dám bỏ mọi thứ mà ngay cả chúng ta cũng như vậy. Do đó không phải Chúa chỉ nói với anh thanh niên mà thôi, mà Chúa còn nói cả với chúng ta nữa!
Cha biết các anh chị em đến đây vào giờ ngủ trưa cũng là đi tìm sự sống đời đời; chúng ta dự lễ, cầu nguyện, làm mọi việc, nhưng trong kinh Ăn Năn Tội có một câu “Cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen”.
Nghĩa là chúng ta chết đi, mặc dù có nhiều người đã xưng hết tội lỗi, nhưng chúng ta không được lên Thiên đàng ngay mà còn phải đền tội ở Luyện ngục cho hết, vì ở trần gian chúng ta đền chưa đủ; do vậy, các linh hồn phải nhờ đến người còn sống xin lễ, cầu nguyện, chuyển cầu ơn toàn xá, làm việc bác ái để họ được lên Thiên Đàng và khi họ đã được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, họ sẽ cầu nguyện lại cho chúng ta; Đó gọi là “Mầu nhiệm Các thánh thông công”
Chúa nói với người thanh niên “Con lạc đà chui qua lỗ kim (Cổng phụ thành Giêrusalem xưa) còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa“ (Mc 10, 24-25). Thánh Phêrô bèn hỏi Chúa:
“Như vậy, thì ai sẽ được cứu“? (Mc 10, 26). Chúa Giêsu trả lời: “Những gì không thể được đối với loài người thì đều có thể được đối với Thiên Chúa” (Mc 10, 27).
Qua buổi học hỏi hôm nay, Cha muốn mượn hình ảnh anh thanh niên để nói với cộng đoàn rằng:
– Những ai tín thác vào Lòng Chúa thương xót, những ai bám chặt lấy Chúa, những ai yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn thì sẽ được Chúa nâng đỡ và cho người đó đến bến bờ của Chúa thương xót. Amen.
Ca đoàn hát bài “Xin dâng lên lòng thương xót Chúa, những vết thương tâm hồn chúng con. Xin Chúa thương tha thứ chữa lành …”. Cộng đoàn không có thắc mắc, nên mọi người giải lao ít phút, sau đó trở vào nhà nguyện để hiệp dâng thánh lễ.
Vì Cha Giuse linh hướng Phạm Công Minh bận việc phụng vụ, nên không có lễ đồng tế. Cha Giuse Nguyễn Phát tài chủ sự dâng thánh lễ; mở đầu thánh lễ Cha nói:
Thưa Anh chị em, có một câu nói rằng ”Không có vị Thánh nào mà không có quá khứ, và không có tội nhân nào mà không có tương lai“, hôm nay, chúng ta vui mừng họp nhau ở đây để học hỏi về linh đạo LCTX, và cũng trùng vào ngày kính thánh Augustino, Tiến sĩ Hội thánh, Ngài đã từng là một tội nhân và cũng là một chứng nhân, chúng ta cũng vậy.
Tất cả cùng hiệp ý với Cộng đoàn LCTX gx Tân Phú trong thánh lễ này, để xin Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.
Bài Tin mừng theo thánh Mattheu (25, 1-13)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.
“Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều trỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: “Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả;các cô khôn ngoan đáp lại rằng: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra hàng mà mua thì hơn”. Xong khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: “Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”; nhưng người đáp lại: “Ta bảo thật các ngươi,ta không biết các ngươi”, vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào!”.
Cha chủ sự diễn giảng:
Thưa Anh chị em
Chúng ta vừa nghe bài tin mừng trình thuật về mười cô trinh nữ hay còn gọi là mười cô phụ dâu, bài Phúc Âm này nghe cũng quen.
Ở Việt Nam, chúng ta thường rước dâu vào buổi trưa và tiệc mừng vào buổi trưa hay buổi tối chỉ kết thúc muộn lắm là 11giờ đêm, còn bên Do Thái thì lại rước dâu vào ban đêm nên các cô phụ dâu phải thức khuya; thời xa xưa không có điện, phải dùng đèn dầu, chính vì vậy khi chàng rể đến trễ thì cô phụ dâu nào không chuẩn bị sẽ không đủ dầu để thắp sáng nữa! Mười cô gái phục sức và cầm đèn rất giống nhau khó phân biệt được và họ xếp hai hàng để đón chàng rể; chỉ đến khi chàng rể đến mới biết cô nào khôn ngoan và cô nào khờ dại; trong trường hợp này là chàng rể đến trễ nên các cô phụ dâu phải thức cả đêm; các cô đã vất vả đợi chờ, rồi ngủ thiếp đi và chỉ khi người ta la lên: ”Kìa! chàng rể đến rồi! hãy ra đón chàng“ (Mt 2, 56) thì khi đó những cô khôn ngoan vừa mang đèn và lại mang theo một bình dầu nữa mới có đủ điều kiện để vào dự tiệc cưới một cách an toàn; còn các cô khờ dại không biết dự phòng sẽ chỉ còn những ánh đèn leo lét, khi đó các cô mới đến hỏi mượn một ít dầu; nhưng các cô khôn ngoan trả lời “Em không đủ cho chúng em và các chị đâu! các chị hãy ra hàng mà mua thì hơn“ (Mt 25, 9). Có người thắc mắc, vì sao các cô khôn ngoan lại ích kỷ như vậy? sao không giúp đỡ bạn bè trong lúc khó khăn? sao không thực thi bác ái? trong khi cùng chung một nhiệm vụ.
Thật ra, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để nói về mầu nhiệm Nước Trời; nói về thái độ phải chuẩn bị sẵn sàng cho giờ phút cuối của cùng của đời con người mà những ai thiếu chuẩn bị sẽ giống như những cô khờ dại trong Tin mừng, bởi trong giờ phút trọng đại đó, chỉ có ta đối diện với Chúa, không một ai đi cùng được; nên có ba thứ mà người tín hữu Kitô gíao không thể chia cho người khác mà cũng không thể cho vay mượn được đó là:
ĐỨC TIN:
Đó là hồng ân Chúa ban cho, không ai cho ai được cả! đức tin đó chúng ta cũng cần phải phấn đấu, phải đi tìm kiếm, phải nỗ lực bằng chính khả năng và nhận biết của bản thân; không mua bán được, không chia sớt và cho vay mượn được.
Thánh Augustino sinh năm 354 tại Bắc Phi, khi 19 tuổi vẫn chưa được rửa tội vì cha ông là một người ngoại đạo tên là Patricius; hai ông bà có ba người con, nhưng Augustino là người con trẻ, đẹp trai, thông minh; và cũng làm cho bà Monica đau khổ nhiều nhất.
Khi chưa đủ tuôỉ 20, Augustino đã dan díu với một người phụ nữ và có một con trai là Adeoratus (nghĩa là quà tặng của Thiên Chúa) Còn Cha của Augustino sau một cuộc đời dài đăng đẳng không chịu tin vào Chúa thì nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của người vợ là Thánh nữ Monica, cuối cuộc đời ông đã được ơn trở lại và chết trong Chúa.
Riêng Augustino thì sang tận Ý để làm việc và bà Monica đã tìm kiếm con cho đến khi gặp ông tại Milano; lúc ấy ông đang là một giáo sư đại học; cũng trong thời gian này Augustino gặp được một vị Giám mục tên là Ambroxio và chính vị Giám mục này đã làm thay đổi cuộc đời ông và làm ảnh hưởng đến ông rất nhiều
Năm 383, Augustino trở lại đạo và dứt khoát với người phụ nữ đã có con; sau đó hai mẹ con (bà Monica – Augustino) đưa nhau trở về Phi Châu; nhưng giữa đường bà Monica bị lây bịnh dịch mà chết. Augustino đau khổ mang hài cốt mẹ về Châu Phi và chính nơi này, ông đã lọt vào mắt của một vị một vị Giám mục đã truyền chức linh mục cho ông (năm 391) và khi vị Giám mục qua đời đã để lại ngôi vị Giám mục cho Augustino (năm 396), ông đã ở cương vị Giám mục này suốt 34 năm cho đến khi qua đời (năm 430.)
Có rất nhiều tác phẩm được Augustino viết, trên 350 bài giảng huấn; đặc biệt là cuốn tự truyện kể lại tất cả những trải nghiệm tốt và xấu của quãng đời khá dài của ông trước khi trở thành Giám mục. Năm 430 ông qua đời và trở thành một vị Thánh nổi tiếng của Giáo hội Công giáo.
Nếu như Augustino không có lời cầu nguyện của người mẹ, không có đức tin vào Thiên Chúa và ăn năn trở lại, thì giờ phút cuối làm sao đủ dầu, đèn để ra trước mặt Chúa, chúng ta chỉ có thể cầu nguyện, xin lễ cho người khác, chứ không thể chia đức tin và công phúc cho người khác được.
TÌNH YÊU:
Không ai mua bán được tình yêu, vì tình yêu là một thứ thiêng liêng cao quý. Mọi người đều mang hình ảnh của Chúa nên chúng ta có tố chất của Thiên Chúa, và chúng ta đem tình yêu đó yêu thương tha nhân, nhưng tình yêu là tự nguyện nên cũng không thể chia cho ai được.
CÔNG PHÚC:
Chúng ta phải tích lũy công phúc, phải làm cho sinh lợi nén bạc mà Chúa trao cho chúng ta, và điều đó cũng không ai có thể chia sớt của chúng ta.
Năm cô khờ dại không thể nhận từ các cô khôn ngoan, vì cuộc hành trình đức tin chỉ có ta với Chúa, dù là vợ chồng, con cái, không ai chết chung hoặc ra trình diện Chúa chung nhau được, và chúng ta cũng phải trả lời trước mặt Chúa về mọi công phúc của chính chúng ta chứ không phải của bất cứ ai khác! nên chúng ta hãy nhắc nhở những người thân yêu của chúng ta rằng phải chuẩn bị dầu–đèn để trong giờ phút cuối cùng ”Kìa chàng rể đến, kìa Chúa Kito đến” (Mt 25, 6) chúng ta sẽ ra đón Chúa Kito với một thái độ sẵn sàng và ngọn đèn đức tin của chúng ta vẫn cháy sáng trước tòa xét xử của Chúa.
Bài Kinh Thánh hôm nay nói chúng ta hãy chuẩn bị dầu-đèn là đức tin của chúng ta, đừng để đến lúc đó chúng ta mới đến gõ cửa thì Chúa trả lời “Ta không biết các ngươi là ai?” (Mt 25, 12).
Ước chi hôm nay cộng đoàn chúng ta họp nhau đây để suy tôn Lòng Thương xót của Chúa để kiểm điểm lại về đức tin của chúng ta.
Hai bài tin mừng hôm nay, giúp chúng ta hiểu Chúa nhiều hơn, yêu chúa nhiều hơn và luôn tín thác vào Chúa nhiều hơn nữa. Amen.
Trước khi Cha ban phép lành, Chị Maria Hoa, Hội trưởng LCTX gx Tân Phú đã thay mặt toàn thể Cộng đoàn, gởi lời tri ân đến Cha Giuse Nguyễn Phát Tài, đã đến giảng giải và tập huấn cho Cộng đoàn hiểu biết thêm về Lòng Thương xót của Chúa.
Chị cũng cám ơn Cha Linh hướng đã vất vả chuẩn bị mọi mặt cho cho cộng đoàn, nhất là việc trang trí cho cung nguyện rất đẹp và trang trọng, có ý nghĩa sâu xa.
Hôm qua là lễ kính Thánh Monica, còn hôm nay là lễ Thánh Augustino, chúng con xin dâng lên Chúa một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng, một kinh Tin Kính để cầu nguyện cho Ông bà Cố của Cha, chúng con tin chắc Chúa sẽ đón nhận bó hoa thiêng liêng này của chúng con.
Chị cũng cám ơn ca đoàn Hiệp Hội Thánh Mẫu và Ban nhạc đã phục vụ hát lễ.
Cám ơn Cộng đoàn gx Tân Phú, nhất là các hội viên LCTX đã nhiệt tình đến đây để họp mặt trong Chúa và Mẹ Maria. Xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi người. Ca đoàn hát bài kết lễ.
Buổi tập huấn kết thúc lúc 17g cùng ngày.
Phương Nga