Home / Chia Sẻ / Giáo Huấn Công Giáo về Luyện Hình

Giáo Huấn Công Giáo về Luyện Hình

 

Lễ Các Thánh là dịp chúng ta mừng Giáo hội Khải hoàn, là ngày gợi nhớ Giáo hội Đau khổ, nhưng cũng là ngày gợi lên nhiều câu hỏi ở cả những người Công giáo lẫn không Công giáo. Vậy Giáo hội nói gì về Luyện Hình?

Gi_o Hu_n C_ng Gi_o v_ Luy_n H_nhDưới đây là những điều trong giáo lý chính thức của Giáo hội Công giáo. Hãy đọc cẩn thận. Các đoạn văn dưới đây khả dĩ xua tan nhiều cách hiểu sai của Tin Lành và Chính thống giáo Đông phương về Luyện Hình:

GLCG, số 1030 – Những người đã chết trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa thanh luyện hoàn toàn, chắc chắn được hưởng ơn cứu độ đời đời; nhưng sau khi chết họ chịu thanh luyện để đạt được sự thánh thiện cần thiết để hưởng niềm vui Nước Trời.

GLCG, số 1031 – Giáo hội gọi sự thanh luyện đối với những người được chọn là Luyện Hình hoặc Luyện Ngục, hoàn toàn khác với sự trừng phạt đối với những người bị nguyền rủa. Giáo hội đã công thức hóa tín điều về Luyện Hình, nhất là tại Công đồng Florence và Trentô. Truyền thống Giáo hội, có tham khảo văn bản Kinh Thánh, nói về ngọn lửa thanh tẩy:

Đối với lỗi lầm nhỏ, chúng ta phải tin rằng, trước giờ phán xét sau cùng, có ngọn lửa thanh luyện. Đấng là Chân lý nói rằng những ai thốt ra lời nguyền rủa Thánh Thần sẽ không được tha đời này và đời sau. Từ câu này, chúng ta hiểu rằng các lỗi phạm nào đó có thể được tha ở đời này, nhưng các lỗi phạm khác được tha ở đời sau (Thánh Grêgôriô Cả, Đối thoại 4, 39; PL 77, 396; x. Mt 12:31.).

Giáo huấn này cũng dựa vào lời cầu nguyện cho người quá cố, đã được nói tới trong Kinh Thánh: “Vì thế [Giuđa Macabê] đã đền tội cho người qua đời, họ có thể được tha tội”. Từ ban đầu, Giáo hội đã tưởng niệm người qua đời và cầu nguyện cho họ, để họ được thanh luyện và có thể sớm hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa. Giáo hội cũng khuyên làm việc bác ái, lãnh ân xá, và ăn năn đền tội thay những người đã qua đời:

Chúng ta hãy giúp đỡ và nhớ đến họ. Nếu các con của ông Gióp được thanh tẩy nhờ sự hy sinh của ngời cha, tại sao chúng ta nghi ngờ việc dâng lễ đền tội cho người qua đời đem lại sự an ủi cho họ? Chúng ta đừng lưỡng lự giúp đỡ những người đã qua đời và cầu nguyện cho họ (611, Thánh Gioan Kim khẩu, Bài giảng về 1 Cr 41:5; PG 61, 361; x. G 1, 5.).

Thứ nhất, Luyện Hình không là Hỏa Ngục. Thứ nhì, chỉ những người được chọn, các Kitô hữu được cứu độ, vào nơi đó. Luyện Hình là nơi chỉ dành cho những người đang trên hành trình về Nước Trời. Đó là sự thanh luyện cuối cùng đối với những người đã chết trong tình thân hữu với Đức Kitô.

Có những đoạn Kinh Thánh liên quan việc cầu nguyện cho những người đã qua đời. Nếu người ta chấp nhận 2 Macabê (như đã trích ở trên) là đúng quy tắc Giáo hội, người ta phải chấp nhận việc cầu nguyện cho những người đã qua đời. Nhiều học giả tin rằng Thánh Phaolô đã cầu nguyện cho một người bạn quá cố trong 2 Timôthê 1:

[16] Xin Chúa tỏ lòng thương xót gia đình anh Ô-nê-xi-phô-rô, vì đã nhiều lần anh làm cho tôi lên tinh thần, và đã không hổ thẹn vì tôi phải mang xiềng xích,

[17] trái lại, vừa đến Rô-ma, anh vội vã đi tìm và đã thấy tôi.

[18] Xin Chúa ban cho anh tìm thấy nơi Chúa lòng thương xót, trong Ngày đó. Về công việc phục vụ của anh ấy ở Ê-phê-xô, thì anh đã quá rõ.

Đức Kitô là Đấng Cứu Độ cũng đề cập cơ hội tha thứ ở đời này và sau khi qua đời: “Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau” (Mt 12:32).

Nhưng đoạn văn thuyết phục nhất là 1 Cr 3:13-15:

[13] Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người.

[14] Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng.

[15] Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa.

Trước tiên, mỗi người sẽ bị xét xử và việc mình làm “sẽ được phơi bày bằng lửa”. Việc lành chúng ta làm sẽ thoát khỏi lửa và sẽ được “thưởng công”. Việc ác chúng ta làm sẽ bị “thiêu đốt” và “người đó sẽ chịu sự mất mát, dù người đó sẽ được cứu, nhưng chỉ qua lửa”.

Ở đây chúng ta thấy loại lửa không là Hỏa ngục, mà “người đó sẽ được cứu, nhưng chỉ qua lửa”. Chữ “lửa” theo tiếng Hy Lạp là “pur” và cùng nguyên ngữ với tiếng Indo-European là “PUR-gatory” (Việt ngữ gọi là Luyện Hình hoặc Luyện Ngục). Luyện Hình là tình trạng thanh luyện bằng lửa dành cho những người được cứu độ rồi.

Người Tin Lành có thể hỏi về điểm này: “Nếu một người đã được cứu độ, vậy tại sao phải chịu lửa này? Chúa Kitô đã không chết vì tội lỗi của họ sao?”

Đúng, Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi của họ và đã cứu độ họ. Nhưng Ngài chết để chúng ta có thể thực sự thánh thiện: “Hãy thánh thiện như Tôi thánh thiện”. Lửa Luyện Hình là lửa yêu thương của Thiên Chúa làm cho chúng ta “chịu sự mất mát” bằng một dạng đền tội cuối cùng. Đó là đau khổ vì cúng ta phải từ bỏ mọi ham muốn của xác thịt và đối mặt với những thất bại. Điều này nghĩa là “chịu sự mất mát”. Chúng ta không thể loanh quanh lời của Thánh Phaolô nói rằng các Kitô hữu phải qua lửa sau khi qua đời.

Nếu Uzzah bị chết vì chạm vào Con Tàu Giao Ước, chúng ta phải được thánh hóa trọn vẹn để được vào Thiên đàng. Món nợ đã trả nhưng chúng ta chưa hoàn toàn biến thành hình ảnh của Chúa Kitô. Ngài chết để chúng ta hoàn toàn thực sự thánh thiện. Luyện Hình là sự biến hình cuối cùng bằng các động thái tập trung vào Chúa Kitô để được chấp nhận và ảnh hưởng tội lỗi bị thiêu hủy.

“Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12:26).

Tốt nhất, chúng ta nên dâng lễ thay cho những người đã ra đi trước chúng ta. Chúng ta là một đại gia đình trong Đức Kitô. Khi chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, chúng ta xin Thiên Chúa, Đấng là “ngọn lửa thiêu”, thương giúp những người đang chịu sự đền tội và sự thanh luyện cuối cùng để họ chuẩn bị hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa trọn vẹn.

Vì cuộc khổ nạn đau thương, sự chết và sự sống lại của Đức Kitô, xin Cha ân thương và tha thứ cho các linh hồn. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu, Thiên Chúa của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Catholic News)

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …