Ngày 26-8-1978, ĐHY Albino Luciani được mật nghị bầu làm giáo hoàng thứ 263, kế vị Thánh Phêrô, và là người đầu tiên chọn tông hiệu kép: Gioan Phaolô.
Sau đó, ngài đã ra ban công trước Quảng trường Thánh Phêrô và ban phép lành đầu tiên trên cương vị giáo hoàng. Ngài có ý tôn vinh và theo bước hai vị tiền nhiệm của mình là ĐGH Gioan XXIII và ĐGH Phaolô VI, thế nên ngài đã quyết định chọn tông hiệu kép là Gioan Phaolô.
Ngài cho biết đó là cách thể hiện sự đánh giá cao của mình về hai vị tiền nhiệm, bởi vì ngài đã được ĐGH Gioan XXIII tấn phong giám mục và được ĐGH Phaolô VI tấn phong hồng y.
Ngài nói: “Tôi nhận tên Gioan để nhớ Ðức Gioan XXIII, người đã bổ nhiệm tôi làm Giám mục giáo phận Vittorio Veneto, và nhận tên Phaolô để nhớ Ðức Phaolô VI, người đã đặt tôi làm Hồng Y. Không phải tôi có sự khôn ngoan như Ðức Gioan XXIII và sự thông thái như Ðức Phaolô VI, nhưng tôi kế vị các ngài thì tôi sẽ quyết tâm theo đường lối Công đồng mà các ngài đã khởi xướng”.
Người ta nhớ đến ngài là một vị “Giáo Hoàng Tươi Cười” (Il Papa del Sorriso – The Smiling Pope), và người ta gọi đó là “Nụ Cười của Chúa” (Il Sorriso di Dio – The Smile of God). Ngài cũng là một người rất khiêm nhường, đúng như khẩu hiệu ngài đã chọn: Humilitas – Khiêm Nhường. Ngài giống như một nhà văn và nhà truyền đạt thiên tài. Ngài cho biết điều có vẻ lạ thế này: “Tôi đã trả lời, Điều đó có thể ư? Tôi lấy làm lạ rằng một người phụ nữ mù lại có thể dẫn dắt tôi. Bà nắm tay tôi và lặng lẽ nói: Hãy bước đi! Đó là niềm tin!”.
Nhưng Thánh Ý Chúa mầu nhiệm, chúng ta không thể hiểu nổi. Triều đại giáo hoàng của ĐGH Gioan Phaolô I quá ngắn ngủi. Chỉ sau 33 ngày với tư cách là vị đứng đầu Giáo hội Công giáo, ĐGH Gioan Phaolô I đã qua đời đột ngột ở tuổi 66. Một triều đại giáo hoàng ngắn nhất trong lịch sử hiện đại.
Mặc dù vậy, ngài đã quản lý việc thiết lập các truyền thống mới. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên không sử dụng vương miện của giáo hoàng, mặc dù điều đó đã được thực hiện trong nhiều thế kỷ. Ngài cũng bị phản đối với cái gọi là “Sedia Gestatoria”, nơi mà giáo hoàng được kiệu lên cao. Điều đó cho thấy rằng ngài đã bị phản đối, nhưng nhóm của ngài cho biết đó là cách duy nhất để đám đông tại Quảng trường Thánh Phêrô có thể thoáng nhìn thấy ngài.
Mặc dù có sự phản đối đó, nhưng tiếng vang sẽ vọng tới các triều đại giáo hoàng tiếp theo. ĐGH Gioan Phaolô I là vị giáo hoàng cuối cùng sử dụng kiệu. Sau ngài, chiếc “xe giáo hoàng” (popemobile) bắt đầu được sử dụng.
ĐGH Gioan Phaolô I sinh ngày 17-10-1912 tại Canale d’Agordo (Ý), thụ phong linh mục ngày 7-7-1935, tấn phong giám mục năm 1958, vinh thăng hồng y năm 1973. Ngài qua đời ngày 28-9-1978 khi ngài đang đọc cuốn “Noi Gương Chúa Giêsu” của tác giả Thomas Kempis, có lẽ do đau tim, nhưng thân nhân và bạn hữu nói ngài bị tắc động mạch phổi. Và rồi ngày 23-11-2003, ĐGH Gioan Phaolô II đã tuyên bố ngài là Tôi Tớ Chúa. Án phong chân phước được bắt đầu từ tháng 11-2006.
Lúc sinh thời, vào dịp ngân khánh giáo hoàng, ĐGH Gioan Phaolô II đã nói về vị tiền nhiệm của mình là ĐGH Gioan Phaolô I thế này: “Ngài là một vị thầy của đức tin trong sáng, không vướng bận những bụi nhơ theo thời chóng qua và trần tục. Ngài đã cố gắng thích nghi những lời giảng dạy theo cảm tính của dân chúng, nhưng đồng thời vẫn luôn duy trì sự trong sáng rõ ràng của giáo lý và cách áp dụng giáo lý vào đời sống đúng theo đức tin. Lời ngài nói và chính con người của ngài đã đi sâu vào tâm hồn của tất cả mọi người, và vì thế, tin báo về cái chết của ngài là điều vô cùng bất ngờ. Không còn nụ cười của vị chủ chăn sống gần gũi với dân chúng nữa. Ngài biết đối thoại với nền văn hóa và thế giới một cách an bình và quân bình”.
Thánh Ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn (Tv 19:8). Thánh Ý Chúa kỳ diệu lắm thay! (Tv 119:129).
TRẦM THIÊN THU