Home / Giáo Dục Kito Giáo / Giáo dục là nêu gương

Giáo dục là nêu gương

Gioakim Trương Đình Giai

Nếu nói giáo dục chỉ là việc dạy chữ, hay dạy nghề, thì có lẽ nhà giáo dục chỉ cần tỏ ra là một nhà bác học, có học  thức uyên thâm hay một chuyên gia lành nghề. Nhưng như chúng ta đã đề cập, giáo dục Kitô giáo còn là việc đào tạo con người toàn diện, nghĩa là thể dục, trí dục, đức dục và giáo dục đối tượng. Chính vì thế việc nêu gương là vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là không thể thiếu, nhất là trong việc giáo dục đức tin và luân lý Kitô giáo.

Có những cha mẹ tối ngày chỉ lo làm ăn kiếm tiền, không bao giờ trau dồi văn hoá, đọc kinh đi lể vậy lại bắt con cái học đêm học ngày, đọc kinh xem lễ. Có những thầy cô chạy chọt kiếm điểm, chạy theo thành tích thi đua lại khuyên học sinh mình hiếu học, thành thật trong thi cử, có những lầm lỗi đức bác ái thường xuyên trong lời nói, ứng xử lại đi răn dạy giáo dân sống bác ái yêu thương. Có những gíao lý viên thường xuyên trễ nãi, thiếu nghiêm trang trong thánh lễ lại phạt các em vì đến lớp trễ hay nói chuyện trong thánh lễ…

Ngắm nhìn thầy Giêsu, chúng ta thấy suốt cuộc đời của Người luôn dạy bằng nêu gương, không có điều gì Người dạy mà bản thân Người không nêu gương. Chẳng hạn, Đức Giêsu dạy khiêm nhường, hiền lành, phục vụ, và tha thứ. Chính Người đã nêu gương: Khi bị dân Samari cản đường, Người không nghe theo Giacôbê và Gioan cho lửa từ trời thiêu đốt họ nhưng đi lối khác. Khi dân chúng tôn Người làm vua sau khi được ăn bánh no nê, Người lánh vào nơi thanh vắng. Trong bữa tiệc ly, Người đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Khi bị tên đầy tớ của Thầy cả thượng phẩm tát, Người không đánh trả. Trên thập giá, Người kêu xin Chúa Cha tha thứ cho quân dữ.

Công đồng Vatican II nhìn nhận đúng đắn: con người ngày nay không còn tin vào các thầy giảng nhưng tin vào các chứng nhân. Điều này chính mỗi người chúng ta cũng đều có kinh nghiệm riêng.        

Xã hội ngày nay, hơn bao giờ hết nhan nhản những phản chứng: có những cha mẹ cãi lộn, ly dị nhau lại day con cái sống lễ độ, có tình có nghĩa. Có những giáo viên chửi rủa thậm chí đánh đập học sinh lại dạy chúng sống có văn hoá. Có những linh mục lúc nào cũng ăn trên ngồi trước lại dạy giáo dân phải có tinh thần phục vụ. Có những giáo lý viên chia rẽ bè phái lại dạy các em đoàn kết yêu thương. Có những nhà cầm quyền tham ô, nhận hối lộ nhưng miệng lại bô bô kêu gọi dân chúng hy sinh vì công ích…

Rất nhiều người lớn chúng ta (cha mẹ, thầy cô, linh mục…) than phiền giới trẻ ngày nay hư đốn, chỉ biết ăn chơi sa đoạ. Nhưng có bao giờ chúng ta tự đấm ngực tự nhủ rằng nếu qủa thật có như thế, chính chúng ta phải chịu trách nhiệm chính. Vì những gì trẻ học được hay hay dở đều từ những người lớn chúng ta, từ cách ăn nói, đi đứng, xử sự. Đó là kinh nghiệm mà chúng ta có thể cảm nhận hằng ngày trong chính gia đình, môi trường làm việc và họ đạo của mình.      

Vậy người lớn chúng ta phải nêu gương về điều gì? Nói cách vắn gọn, dạy điều gì, nêu gương điều đó, tốt nhất là dạy những điều mà chính mình đã sống, đã nêu gương. Không có thánh nữ Mônica thì làm sao có thánh Âutinh. Không có thánh Don Bosco thì làm sao có Đaminh Xaviô… Biết bao nhiêu trẻ nghèo khổ học hành thành tài nhờ cha mẹ tần tảo hy sinh. Biết bao nhiêu ơn gọi nẩy sinh nhờ tiếp xúc trực tiếp với các linh mục và tu sĩ thánh thiện.

Cần lưu ý rằng đối tượng càng nhỏ, tác dụng của giáo dục nêu gương càng lớn. Vì thế trách nhiệm của những nhà giáo dục cho tuổi thơ ấu và thiếu niên càng nặng nề hơn nhiều. Như Đức Giêsu nói: “Nếu ai làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này, thì thà cột hắn vào một khối đá và quăng xuống biển còn hơn”.

Và cũng không gì nguy hiểm cho bằng khi trẻ khám phá ra rằng những nhà giáo dục mà mình tuyệt đối tin tưởng, là thần tượng, qui chiếu của mình lại có một cuộc sống trái ngược, phản chứng. Hậu qủa tai hại của cuộc sống tương phản của những nhà giáo dục nơi trẻ tương ứng với mức độ tin tưởng chúng đặt nơi họ. Khi thần tượng xụp đổ, mọi niềm tin xụp đổ theo, có khi không cứu vãn được. Chẳng những chúng không còn tin vào những gì mà họ dạy chúng trước đây, mà tệ hại hơn nữa, chúng có nguy cơ không còn tin vào bất cứ điều gì tốt đẹp trên đời.

Chính vì thế, nhà giáo dục phải thật khôn ngoan trong việc giáo dục trẻ. Làm sao để trẻ không lệ thuộc vào mình, không đặt tin tưởng tuyệt đối vào mình, coi mình như người hướng đạo hơn là mẫu gương tuy bản thân mình phải luôn phấn đấu là tấm gương sáng. Hãy dạy cho trẻ thực hành như lời Đức Giêsu dạy: “Các đấng bậc ở trên toà Moisen dạy điều gì, cứ nghe và làm theo nhưng đừng coi việc họ làm”.

Vì vậy, nhà giáo dục Kitô giáo đích thực phải không ngừng nêu gương vì chính gương sáng mới đánh động con tim, mới khắc sâu vào tâm trí, mới thực sự có tác dụng giáo dục hiệu qủa và lâu dài và qua chứng nhân của bản thân mình, dẩn dắt đối tượng mình giáo dục dần dần đến việc găp gỡ và khám phá Đức Kitô, vị Thầy, Nhà Giáo dục duy nhất, đích thực và là quy chiếu của mọi nền giáo dục mà họ có thể tin tưởng tuyệt đối không sợ sai lầm và vỡ mộng.

Xem thêm

Bai115

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 115

BÀI 115 BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CHĂM CHỈ VÀ BIẾT CẦU TIẾN LỜI …