Home / Giáo Dục Kito Giáo / Giáo dục là khơi dậy

Giáo dục là khơi dậy

Gioakim Trương Đình Giai

“Thầy sẽ biến anh em thành những kẻ lưới người”. Khi nói thế, Đức Giêsu đã khơi dậy nơi các môn đệ ước muốn thu phục linh hồn, một ước muốn mà nhờ Người nhen nhóm các môn đệ mới dần dần khám phá, nhận ra và thực hiện. Nếu không có sự khơi dậy đó của Đức Giêsu, có lẽ Anrê, Phêrô, Giacôbê và Gioan mãi mãi cũng chỉ là những Người chài lưới vô danh tiểu tốt. Nếu Đức Giêsu từ trên chiếc thánh giá gỗ trong một ngôi nhà thờ đổ nát không kêu gọi Phanxicô “Con hãy xây lại nhà của ta đang đổ nát” thì Phanxicô cũng chỉ là một chàng nghệ sĩ hào hoa phong lưu ngông cuồng nơi xó xỉnh Assisi. Biết bao nhiêu người trở nên thánh, biết bao nhiêu ơn gọi được hình thành cũng nhờ những sự khơi dậy của những nhà giáo dục thánh thiện khôn ngoan. Khơi dậy theo  giáo dục Kitô giáo là gì?

– là gợi lên nơi đối tượng những nhu cầu, ước muốn tiềm ẩn nơi chính bản thân họ.

– là giúp cho đối tượng khám phá, phát hiện những thiên hướng, năng khiếu, khả năng, và tạo động lực để họ phát triển và thực hiện.

– là làm cho đối tượng mình  giáo dục tin vào khả năng mà mình trông đợi nơi họ.

– là đặt ra cho đối tượng hoặc tạo cho họ nhu cầu tự đặt ra cho mình những vấn đề, những thách đố và kích thích hứng thú, hiếu kỳ, suy nghĩ  để đối tượng tìm cách giải quyết và vượt qua.

– là tạo nên nơi đối tượng niềm khao khát tìm kiếm Chân lý, Nước Trời, sự khôn ngoan đích thực, các giá trị đạo đức, thiêng liêng, nhận biết Thiên Chúa, đạt được phần rỗi, thực hiện những dự định to tát, những sứ mạng vĩ đại, nhất là  hiến thân, quên mình, hy sinh chính mạng sống mình vì Chân lý, vì Nước Trời, vì Tin mừng Cứu độ, yêu thương và hiệp nhất, vì tha nhân đồng loại.

       Nhà giáo dục có thể khơi dậy tư cách, tâm hồn, tư tưởng và cách sống cao đẹp bằng việc giúp cho đối tượng của mình tiếp xúc với những mẫu gương, nhưng nhất là bằng chính gương sống của mình, cách suy nghĩ, lời nói, việc làm của chính mình.

Điều quan trọng là phải biết khơi dậy đúng lúc (khơi dậy điều gì? lúc nào? ở đâu? vào tuổi nào?) và phù hợp với đối tượng. Khơi dậy là việc mà nhà giáo dục cần phải tiến hành càng sớm càng tốt, không ngừng, ngay từ tuổi thơ ấu  đến suốt đời.

Khơi dậy là khởi đầu quan trọng nhất của giáo dục và cũng có thể nói chính là việc giáo dục vì nó giúp cho đối tượng hiện thực hoá bản thân mình theo kế hoạch và dự định của Thiên Chúa.

Xem thêm

Bai115

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 115

BÀI 115 BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CHĂM CHỈ VÀ BIẾT CẦU TIẾN LỜI …