Home / Giáo Dục Kito Giáo / Giáo dục là giúp kiến tạo hạnh phúc

Giáo dục là giúp kiến tạo hạnh phúc

Gioakim Trương Đình Giai

     Thông thường nói đến giáo dục, người ta thường nghĩ đến việc cung cấp và bồi dưỡng kiến thức, nghĩa là những họat động làm giàu trí óc. Giáo dục lẽ ra theo Montaigne, không phải là tạo ra một cái đầu đầy chữ nhưng là một cái đầu có tổ chức (une tête bien faite et non une tête bien pleine) Giáo dục hiện nay đúng là nhồi nhét. Cơ chế giáo dục hiện nay của chúng ta từ trường học đến gia đình, xã hội tạo một thứ áp lực kinh khủng đến con em của chúng ta. Nghĩ mà thương cho thế hệ trẻ hôm nay, cho học sinh, con em của mình vì tuổi xuân bị đánh cắp. Chắc chúng ta không còn lạ gì với những khái niệm học tăng tiết giống như làm tăng ca, học ngoài giờ, học thêm, học kỳ 3… mà hầu hết các trường  đều áp dụng. Và chúng ta cũng đã từng nghe chuyện cha mẹ bó buộc con mình học ngày, học đêm, học thêm đủ thứ thậm chí ngay từ lớp mẫu giáo theo kiểu nhồi nhét, được nhiều chừng nào hay chừng nấy để đứng nhất đứng nhì trong lớp.

     Lẽ ra việc học là một niềm vui và việc dạy là tạo hứng thú thì giáo dục hiện nay lại là áp lực nhồi nhét đến độ chúng ta không lấy gì làm lạ khi không ít học sinh dám nói thẳng chúng muốn khỏi phải đi học nữa. Khi được hỏi về điều chúng ước mơ, và nhiều thăm dò gần đây cho thấy các em học sinh ngày nay bị stress, và những triệu chứng tâm bệnh khác nhau hầu hết do áp lực học từ nhà trường hay gia đình. Đó là chưa kể đến những trường hợp dẫn đến tự tử mà chúng ta đã có dịp đọc hay nghe được trên các phương tiện truyền thông. Điều nguy hiểm hơn nữa, là giáo dục ngày nay, trong bối cảnh của một xã hội tiêu thụ, thực dụng không nhắm đến thành nhân mà là thành qủa, thành tích, thành công, tạo một áp lực dữ dội trên học sinh: bằng mọi giá phải thành công. Từ đó gây ra và nuôi dưỡng một nỗi sợ hãi thất bại thường xuyên có tính tâm bệnh, một trong những nguyên nhân chính tạo nên bất hạnh cho tuổi học sinh. Và lại càng nguy hại hơn nữa đối với những học sinh tự đặt ra cho mình, hay cho gia đình mình nhiều kỳ vọng, những thành tích phải đạt được nhưng lại gặp phải những thất bại. Tôi vẫn còn nhớ câu nói nửa đùa nửa thiệt của Ba tôi với em gái tôi vài chục năm trước đây khi thấy nó có vẻ qúa lo lắng đến kết qủa học tập: Ba sẽ thưởng con nếu con đứng hạng chót. Thật tâm lý, thật hữu tình!

     Người ta thường thúc ép học, nhồi nhét kiến thức cho con em, học sinh của mình mà không bao giờ tự đặt ra và tự trả lời cho câu hỏi học để làm gì? Và nếu có thì cũng chỉ là để làm ông này, bà nọ, để kiếm tiền, làm giàu, để có một vị trí cao trong xã hội mà thôi. Chính lúc đó, người ta đã vô tình tạo nên nơi con em mình một quan điểm sai lầm về ý nghĩa của cuộc sống, về hạnh phúc đích thật của con người. Giáo dục lẽ ra phải giúp con người đạt đến cùng đích của cuộc đời là hạnh phúc đích thật nhưng lại gieo cỏ lùng sản sinh bất hạnh: ham muốn, ganh đua. Giáo dục lẽ ra phải là con đường đưa tới hạnh phúc siêu thóat, lại đẩy con người đi đến chỗ tự hành khổ mình với những tham vọng tự sát.

     Một nền giáo dục Kitô giáo thực sự phải giúp con người đạt tới hạnh phúc đích thực, Nghĩa là giúp cho đối tượng tiếp cận với Đấng là Đường đưa tới Chân, Thiện, Mỹ, là Sự thật giải thoát khỏi mọi u mê lừa dối, là Sự sống dồi dào sung mãn vĩnh cửu mang đến sự bình an đích thực.

     Giáo dục Kitô giáo giúp kiến tạo hạnh phúc bằng việc:

  • Giải thoát đối tượng khỏi mọi nỗi bận tâm so sánh, ganh đua, tranh  giành, hưởng thụ.
  • Giúp đối tượng khám phá chính mình và biết chấp nhận chính mình với những giới hạn, yếu đuối và ngay cả thất bại.
  • Giúp các em nhận ra tha nhân với những khác biệt không như đối thủ tranh giành quyền lợi của mình, nhưng như anh em cùng một Cha mà chính Thiên Chúa đặt làm trợ tá cho ta để làm phong phú và hoàn thiện chính bản thân mình để cùng nhau xây dựng Nước Chúa trên trần gian này.
  • Làm cho đối tượng nhận ra cuộc sống là qùa tặng của Thiên Chúa, việc học không phải là gánh nặng, vì tất cả những gì họ đang và sẽ học không phải là một mớ kiến thức hỗn độn nhưng là chìa khóa mở cửa giúp mình đạt đến Chân lý, đạt đến cứu cánh, đạt đến phần rỗi, đạt đến khám phá về một Thiên Chúa quyền năng yêu thương.
  • Tạo nên giữa nhà giáo dục và đối tượng giáo dục một mối tương quan thân tình, lắng nghe cảm thông, đối thọai cùng giúp nhau tiến bộ trên con đường khám phá chân lý chứ không phải dựa trên tương quan áp lực và đối phó.

     Ước mong sao con cái của chúng ta sẽ sớm nhận được một nền Giáo dục Kitô giáo để đưa đến hạnh phúc đích thực.

Xem thêm

Bai115

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 115

BÀI 115 BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CHĂM CHỈ VÀ BIẾT CẦU TIẾN LỜI …