Home / Giáo Dục Kito Giáo / Giáo dục là giúp hoán cải

Giáo dục là giúp hoán cải

Gioakim. Trương Đình Giai

Hoán cải luôn là một lời mời gọi mang tính thời sự và cấp bách. Trong Cựu ước, các ngôn sứ thường được Giavê Thiên Chúa sai đi để rao giảng sám hối, như chuyện tiên tri Giôna được Chúa sai đến dân thành Ninivê để kêu gọi họ ăn năn sám hối. Gioan Tẩy giả, vị ngôn sứ sau cùng của thời Cựu ước được sai đi dọn đường cho Đấng Cứu thế cũng kêu mời mọi người sám hối lãnh nhận phép rửa. Đức Giêsu khởi đầu sứ mạng rao giảng công khai của Người cũng kêu gọi sám hối “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”. Các Tông đồ sau khi nhận được Thánh Thần cũng khởi đầu việc rao giảng bằng lời kêu gọi sám hối. Và hầu hềt những lần Đức Maria hiện ra khắp nơi trên thế giới cũng đều lặp lại lời kêu gọi sám hối.

        Giáo dục trong tiếng Latinh educere, có nghĩa là dẫn ra ngoài, là đưa từ tình trạng hiện tại (statu quo) đến tình trạng mới. Nghĩa là giúp hoán cải, đổi đời, làm lại cuộc đời. Đưa từ tình trạng mù chữ thất học đến tình trạng biết đọc, biết viết, có học, từ tình trạng ếch ngồi đáy giếng đền việc khám phá thế giới bao la hơn, từ tình trạng lệ thuộc, nô lệ  đến tình trạng tự do, từ tình trạng mê muội, lầm lạc đến tình trạng giác ngộ, nhận thức Chân lý, từ tình trạng vong thân đến sự khám phá căn tính của bản thân, từ việc dừng lại và bám víu vào thế giới phàm tục đến việc khám phá và ngưỡng mộ thế giới thánh thiêng, từ sự kiêu căng rỗng tuếch đến sự khiêm tốn sâu xa, từ sự khép kín, khư khư bám víu tư tưởng thành kiến, thiên kiến, định kiến hẹp hòi, kiến thức giới hạn của mình đến sự nhìn nhận khả năng của kẻ khác để học hỏi lắng nghe và đối thoại chân thành, từ sự hài lòng với những kiến thức khoa học thực nghiệm giới hạn đến việc khám phá thế giới thần bí siêu việt bất tận, từ cuộc sống thực dụng, tự mãn duy hưởng thụ và khoái lạc đến một cuộc sống Kitô hữu đích thật, vị tha, tự xóa, dâng hiến, thực sự hữu ích cho Giáo hội và xã hội.       

Để làm được điều đó, trước tiên nhà Giáo dục Kitô giáo phải luôn thức tỉnh, không ngừng tự Giáo dục và hoán cải bản thân. Nhà Giáo dục Kitô giáo luôn ý thức rằng mục đích tối hậu của Giáo dục không phải là tạo ra những công chức: cho dù là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, thậm chí linh mục mà là những con người nhân bản, thấm nhuần Tin mừng Kitô giáo, cũng không phải là tạo ra những cái đầu đầy chữ, đầy kiến thức cho dù về giáo lý, đầy những công thức cho dù là thần học mà là những cuộc sống thực tế, có thể rất âm thầm bên ngoài nhưng lại rất sinh ích như hình ảnh của nắm men chịu hòa lẫn trong khối bột tưởng chừng như mất đi nhưng lại âm thầm tác động từ bên trong làm cho cả khối bột dậy men.

Lời tâm sự khiêm tốn của cha Lacordaire, vừa là đại văn hào vừa là nhà giảng thuyết lừng danh về lòng ngưỡng mộ của Ngài đối với cha sở nhà quê họ Ars Jean-Marie Vianey có thể là tấm gương cho mọi nhà giáo dục Kitô giáo. Cha kể rằng trong một dịp Ngài được mời giảng Tĩnh tâm mùa Chay cho nhà thờ chính tòa Notre Dame de Paris, nơi hàng năm thường mời các vị giảng thuyết lỗi lạc trên khắp thế giới (trong đó Việt nam ta hân hạnh có Đức giám mục tiên khởi JB Nguyễn Bá Tòng, và Đức Hồng Y PX Nguyễn Văn Thuận), Ngài đã lén cải trang đến họ Ars để nghe cha Vianey giảng. Lúc ấy Ngài cảm động đến rơi nước mắt và sau đó Ngài nói với công chúng về sự khác nhau giữa bài giảng của Ngài va bài giảng của cha Vianey như sau: Sau khi nghe tôi giảng, người ta đã bàn tán nhiều ngày nhiều giờ trong các phòng khách sang trọng, còn sau khi nghe cha Vianey giảng, chẳng thấy ai nói gì nhưng người ta âm thầm hoán cải, đổi đời.

Cuộc sống Kitô hữu là một cuộc sống được mời gọi hoán cải không ngừng để có thể hoán cải cả thế giới, đó chính là thực hiện sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu. Sự hoán cải tự bản thân nó có sức mạnh hoán cải. Hoán cải kêu gọi hoán cải. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian bởi hạt giống hoán cải một khi đã được gieo vãi, thì dù thức hay ngủ, hạt giống ấy vẫn âm thầm mọc lên.

Giáo dục hoán cải là một qúa trình Giáo dục liên tục, không ngừng đòi hỏi nhà Giáo dục Kitô giáo cần phải có một ánh mắt đủ bao dung để cảm thông, một con tim đủ kiên nhẫn để chờ đợi và một vòng tay đủ nhân ái để đón nhận và đỡ nâng.

Xem thêm

Bai115

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 115

BÀI 115 BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CHĂM CHỈ VÀ BIẾT CẦU TIẾN LỜI …