Home / Giáo Dục Kito Giáo / Giáo dục là đồng hành

Giáo dục là đồng hành

Gioakim Trương Đình Giai

     Giáo dục không chỉ là việc dạy chữ hay dạy nghề. Tuy rằng nguời ta vẫn có thể giáo dục qua việc truyền đạt kiến thức hay kỹ năng. Nếu giáo dục chỉ là giảng dạy, nguời ta chỉ cần gặp nhau trong trường lớp, trung tâm dạy nghề hay thậm chí cũng chẳng cần thiết phải gặp nhau trong trường hợp các lớp học hàm thụ hay học từ xa.. Tuy rằng nguời ta vẫn có thể giáo dục từ xa khi điều kiện không cho phép qua thư từ trao đổi…

     Nhưng giáo dục hệ tại trước tiên ở việc đào tạo con người, và còn là đào tạo những Kitô hữu trưởng thành, đào tạo tâm hồn và cách sống đức tin, nếu nói đến giáo dục Kitô giáo. Chính vì thế  nhà giáo dục Kitô giáo (cha mẹ, linh mục, giáo viên, giáo lý viên) cần phải tạo được một  tương quan đồng hành với đối tượng mà mình có trách nhiệm giáo dục. Đồng hành là cùng đi, cùng làm một cuộc hành trình với một ai đó, là trở thành bạn đường của người ấy như Đức Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau.

      Đồng hành không chỉ là hiện diện về mặt thể lý với người mình có trách nhiệm giáo dục nhưng trước hết là trong tâm trí. Chính nhờ đồng hành trong tâm trí mà sự đồng hành về thể lý mang ý nghĩa thực sự. Chúng ta hãy để ý xem Đức Giêsu tiến đến, cùng đi với hai môn đệ, trò chuyện với họ, giải thích Thánh kinh cho họ, soi sáng tâm trí họ, mở mắt cho họ, sưởi ấm tâm hồn họ như thế nào. Và hãy xem thái độ của thánh Don Bosco đối với các học  trò của Ngài. Ngài dõi theo các em học trò của mình trong tâm trí, cầu nguyện cho chúng, đến trò chuyện với chúng trong giờ giải trí, ngay cả ở những nơi mà chúng muốn lánh mặt Ngài, và hiện diện với chúng trong tâm trí và thể lý đặc biệc đối với những học trò có vấn đề, đang bị cám dỗ, đang gặp thử thách và có nguy cơ sa ngã phạm tội. Nguời ta thường nghĩ Ngài có được ơn đoán biết tâm trạng của học trò mình và can thiệp đúng lúc. Nhưng cũng có thể vì tình yêu đặc biệt đối với trẻ, vì sự nhạy bén của con tim của một nhà giáo dục rất tâm lý mà Ngài có thể đoán, biết diễn biến trong tâm hồn của mỗi học trò của Ngài.

Nhưng hành trình ở đây không chỉ hiểu theo nghĩa địa lý, giới hạn trong một thời gian nào đó, như hành trình của dân Do Thái đi trong sa mạc bốn mươi năm về miền Đất Hứa, hay hành trình của hai môn đệ đi về làng Emmau. Mà còn có thể là cuộc hành trình dài đăng đẳng của tri thức, của việc học làm người, hành trình suốt cuộc đời của đức tin, của đời sống thiêng liêng của mỗi Kitô hữu về Cõi Trời.

Giáo dục đồng hành tác động không chỉ bằng lời nói mà nhất là bằng cung cách, và gương sống của nhà giáo dục. Lời nói trong việc giáo dục đối tượng chỉ thực sự phát huy tác dụng nơi đối tượng giáo dục khi trước tiên nó được sống và thể hiện nơi nhà giáo dục. Trong tiếng Pháp có câu: Il faut prêcher d’exemple (Phải giảng bằng gương sáng). Chính sự thánh thiện của nhà giáo dục Kitô giáo làm cho lời nói của Ngài thực sự thuyết phục. Ví dụ, khi nghe một linh mục thánh thiện giảng, người nghe đã bị hút bởi cung cách của chính Ngài trước khi lắng nghe Ngài nói và điều đó là một thuận lợi rất lớn, đến độ cho dù Ngài có nói không đầu không đuôi, không trôi chảy vẫn thu hút đánh động người nghe. Ngược lại khi nghe một linh mục mà đời sống không thánh thiện không thuyết phục, nguời ta ít nhiều do có thành kiến nên ngay từ đầu nguời ta có một thái độ ít nhiều miễn cưỡng, chỉ nghe bằng lỗ tai mà không nghe bằng con tim, và còn tệ hơn là nhiều khi chỉ nghe từ tai này qua tai khác.

Đồng hành là đặt mình vào vị trí của đối tượng, là lắng nghe tâm hồn của đối tượng, là đi vào hành trình của đối tượng chứ không phải là đề nghị với đối tượng hành trình của bản thân mình, là đi theo nhịp độ của đối tượng chứ không thúc ép đối tượng phải theo nhịp độ của mình, là giúp đối tượng đạt đến mục đích của họ chứ không phải bắt đối tượng đạt được mục đích mình đề ra, là giúp đối tượng tránh khỏi những nguy hiểm hoăc biết cách đương đầu với những nguy hiểm đó, là sẵn sàng chia sẻ với đối tượng những khó khăn gian khổ mà họ có thể gặp phải trên đường, là tạo cho đối tượng cảm gíac an tâm vì biết rằng họ không  cô đơn trong hành trình của họ nhưng có ai đó cùng đi với họ, sẵn sàng chia sẻ mọi nỗi niềm của họ, và giúp họ hoàn tất hành trình của họ dù gặp phải những khó khăn thử thách.

Chính vì thế, để đồng hành với đối tượng của mình, nhà giáo dục Kitô giáo cần phải biết rõ đối tượng của mình, những khuynh hướng sở thích, ưu khuyết điểm, những đeo đuổi, dự định, xuất phát điểm của họ về tri thức, khả năng lãnh hội, mức độ đức tin, hành trình tri thức, đức tin, thiêng liêng của đối tượng.

Xem thêm

Bai115

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 115

BÀI 115 BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CHĂM CHỈ VÀ BIẾT CẦU TIẾN LỜI …