Home / Giáo Dục Kito Giáo / Giáo dục là đối thoại và giúp sống đối thoại

Giáo dục là đối thoại và giúp sống đối thoại

Gioakim Trương Đình Giai

  Trẻ em thường được dạy ở nhà phải vâng lời cha mẹ, và ở trường phải nghe lời thầy cô. Cái học của Việt Nam ta nói chung còn rất thụ động, chủ yếu thầy nói trò nghe. Học sinh thường chỉ được nói khi được yêu cầu thuyết trình hay phát biểu, nhưng thông thường trừ ra một số ít các em có động lực thực sự, hoặc bị bắt buộc, hoặc muốn kiếm điểm, ít có học sinh nào phát biểu vì hiếu kỳ, hay ham hiểu biết thêm, hoặc vì chưa hiểu, hay vì muốn đào sâu thêm vấn đề, và lại càng hiếm có học sinh nào dám phát biểu theo kiểu chất vấn phản biện, khi không đồng ý hay hài lòng với bài giảng, lời giải thích hay trả lời của giáo viên. Vì làm như thế, chẳng những không có lợi cho bản thân, mà còn có thể bị coi là xấc xược, hỗn láo, có khả năng bị giáo viên đì. Và hình như hầu hết các giáo viên không ai muốn và cũng không ai mong chờ những câu hỏi hay phát biểu theo kiểu đó của học sinh, vì nó có thể làm cho họ lúng túng, có khi không  biết trả lời ra sao, bị hổ thẹn đối với học sinh của mình.

     Giáo dục không thể nào là độc thoại tuy vẫn có những khóa học thầy nói trò chỉ nghe và ghi chép (cours magistral), thường là  ở đại học, với mục đích truyền thụ một khối lượng kiến thức to lớn trong một thời gian hạn định nào đó. Trong trường hợp này không có sự tương tác thực sự giữa thầy trò ngoài những biểu hiện, thái độ phản hồi không bằng lời nói của trò mà thầy có thể nhận thấy nếu để ý quan sát. Nhưng dù sao đi nữa, đó chỉ là sự truyền đạt kiến thức chứ không phải là giáo dục theo đúng nghĩa cho dù thầy có giảng morale đi nữa.

     Độc thoại là nói một mình cho người khác nghe, mà cũng có thể chỉ nói cho một mình mình nghe hoặc chẳng có ai nghe. Còn đối thoại là nói, nghe, hỏi, đáp. Tùy theo trường hợp mà nhà giáo dục có thể là người nói hay người nghe, người hỏi hay người đáp.

     Đối thoại nhằm tạo tương quan, hiểu biết, cảm thông, tin tưởng lẫn nhau. Đối thoại có thể là trao đổi thông tin, thảo luận, cùng nhau giải quyết vấn đề, cùng nhau khám phá chân lý. Giáo dục là một quá trình đối thoại liên tục giữa nhà giáo dục và đối tượng, trong đó nhà giáo dục vừa là người đi bước trước vừa là người đi bước sau cùng. Nhà giáo dục tuy là người dẫn dắt nhưng không phải là nhân vật chính. Nhân vật chính lại là đối tượng được giáo dục, là người được dẫn dắt.

     Chính qua qúa trình đối thoại liên tục giữa nhà giáo dục và đối tượng mà đối tượng học biết đối thoại với kẻ khác một cách đúng đắn phù hợp.

     Có đối thoại mới hiểu biết được đối tượng mình giáo dục, có hiểu biết được đối tượng mình giáo dục thì mới có thể xây dựng được chương trình, nội dung, đưa ra phương hướng, đường lối, cách thức giáo dục phù hợp cũng như có thể chỉnh sửa kịp thời, tự đánh giá về những hiệu qủa của việc giáo dục. Như thế, nhà giáo dục mới có thể giúp đỡ đối tượng mình giáo dục một cách thực sự có hiệu qủa.

     Điều quan trọng là nhà giáo dục làm sao để đối tượng có thể thể hiện rõ bản thân mình không chút e dè, sợ sệt. Muốn thế, nhà giáo dục cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đối tượng có thể phát biểu khi có nhu cầu, hay nói đúng hơn là kích thích, khơi dậy nhu cầu phát biểu hoặc để đặt câu hỏi yêu cầu làm sáng tỏ hay đào sâu thêm vấn đề, hoặc chất vấn khi chưa hài lòng với việc trình bày, giải thích, cách giải quyết  hay giải pháp của nhà giáo dục đối với một vấn đề nào đó, nhất là qua việc phản biện, phát biểu ý kiến, quan điểm riêng của bản thân đối tượng đôi khi đối ý kiến hay quan điểm đó đối nghịch với ý kiến, quan điểm của nhà giáo dục.

     Nhà giáo dục thực sự bản lĩnh chẳng những hài lòng mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc chất vấn và phản biện của đối tượng. Chẳng những không tránh né mà còn khởi đi từ chính những chất vấn và phản biện của đối tượng để chất vấn và phản biện ngược lại, và cứ như thế giúp đỡ đối tượng dần dần tự mình nhận ra chân lý theo phương pháp gợi hỏi (mareutique) của Socrate.

     Chính nhờ sự phản hồi không ngừng từ đối tượng thông qua cách thức chất vấn và phản biện của đối tượng, mà nhà giáo dục nắm được trình độ khả năng nhận thức, phán đoán lý luận tiếp thu, tâm thức của đối tượng.

     Có những nhà giáo dục (linh mục, cha mẹ, thầy cô, giáo lý viên) độc tài, đánh đập con cái, học trò mình mà không cho chúng có quyền được khóc, la rầy đối tượng mà không  cho họ được phép biện bạch giải bày, bắt buộc đối tượng làm điều này điều nọ theo ý riêng của mình mà không đưa ra giải thích nào mà lại không cho họ có quyền thắc mắc phản biện. Làm như thế là từ chối đối thoại, là áp đặt là chối bỏ quyền tự do phát biểu, là chối bỏ tính chủ thể của đối tượng. Nhưng điều nguy hiểm hơn là điều đó dẫn đến sự câm nín, không hợp tác của đối tượng và như thế việc giáo dục trở nên vô hiệu. Hơn nữa, đó còn là nguyên nhân chủ yếu phát sinh những con người độc tài, tự phụ và đạo đức giả sau này. Qủa thật, trẻ em được tôn trọng nhìn nhận mới học biết tôn trọng nhìn nhận kẻ khác, được lắng nghe quan tâm mới học biết lắng nghe quan tâm đến kẻ khác, được tạo điều kiện thể hiện chính mình mới có cơ may sống thành thật, được đối thoại với cha mẹ, thầy cô, các vị bề trên mới học biết đối thoại với kẻ khác.

     Thiên Chúa chính là nhà giáo dục vĩ đại nhất. Ngài đã không  ngừng đối thoại với con người: Gia-vê Thiên Chúa không  ngừng đối thoại với dân Người qua các tổ phụ Ap-bra-ham, I-sa-ac, Gia-cóp, qua Mô-sê, qua các ngôn sứ. Đức Giê-su đã luôn dùng phương pháp đối thoại: với các bậc tiến sĩ thông luật, ngay từ khi mới chỉ là một cậu bé mười hai tuổi trong đền thờ Giê-ru-sa-lem. Với các môn đệ của mình như khi Người hỏi nhóm Mười Hai về căn tính của Người khi đến gần vùng Xê-gia-rê Phi-lip-phê. Với dân chúng như lúc gặp người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô tại giếng Gia-cóp. Với kẻ thù của Người tìm cách gài bẫy Người về việc nộp thuế cho Xê-da. Với chính quyền như khi bị Phi-la-tô tra khảo… Người chỉ từ chối đối thoại với những ai cứng lòng, khép lòng lại với Chân lý như với Hê-rô-đê, với Cai-pha.

     Chính qua đối thoại mà Đức Giê-su đã giúp họ dần dần nhận ra chân lý về chính bản thân mình, về Chúa Cha về Nước Trời và về chính bản thân Người…

     Để việc đối thoại trở nên thực sự hữu hiệu, cần phải tôn trọng một số nguyên tắc căn bản:

  • Việc đối thoại phải nhằm mục đích thiết lập, duy trì và phát triển tương quan, đạt đến sự cảm thông hiểu biết lẫn nhau hơn và qua đó phong phú hóa chính mình và cùng giúp nhau khám phá đào sâu chân lý.
  • Đối thoại phải dựa trên tương quan bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, nghĩa là phải thực tâm lắng nghe đối tác với ý muốn học hỏi và hiểu biết hơn chứ không phải làm bộ lắng nghe cho có vẻ dân chủ, tôn trọng đối tác hay để lợi dụng đối tác với hậu ý riêng.
  • Đôi bên phải thực sự khiêm tốn, nghĩa là nhận ra chân lý không là sở hữu của riêng ai, mình có thể sai lầm hay thiển cận và đối tác có thể giúp mình nhận ra và đào sâu chân lý. 

Xem thêm

Bai115

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 115

BÀI 115 BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CHĂM CHỈ VÀ BIẾT CẦU TIẾN LỜI …