Home / Giáo Dục Kito Giáo / Giáo dục con cái, thực hành nêu gương

Giáo dục con cái, thực hành nêu gương

Có một chàng thanh niên phạm pháp nọ trước khi ra pháp trường để chịu hành quyết, người ta hỏi anh có cần gặp linh mục hay mục sư lần cuối không, anh từ chối và chỉ xin phép đươc gặp cha mình lần chót. Khi gặp cha mình, cậu ta cay cú nói rằng: Tất cả những gì tôi phải chịu cho đến ngày hôm nay là đều do bởi ông cả. Thật chua chát! Nói thế xong cậu ta quay mặt ra đi đến chỗ hành quyết trong sự bàng hoàng đau đớn và ân hận khôn nguôi của người cha…

Do đâu cậu ta ra nông nỗi như vậy? phải chăng là do không được giáo dục hay thiếu giáo dục.

Vậy giáo dục, đặc biệt theo quan niệm Kitô giáo thực ra là gì?

Cần phải giáo dục con cái mình như thế nào?

Và đâu là những nguyên tắc nền tảng của việc giáo dục Kitô giáo?

  1. GIÁO DỤC LÀ GÌ?

Nói đến giáo dục, người ta nghĩ ngay đến việc truyền đạt kiến thức, hình thành thói quen, kỹ năng, đào tạo và rèn luyện nhân cách, việc hình thành và phát triển con người toàn diện…

Theo tiếng Latinh giáo dục là educere, có nghĩa là rút ra từ, có nghĩa là dẫn ra ngoài, là đưa từ tình trạng hiện tại (statu quo) đến tình trạng mới. Đưa từ tình trạng mù chữ thất học đến tình trạng biết đọc, biết viết, có học; từ tình trạng ếch ngồi đáy giếng đến việc khám phá thế giới bao la hơn; từ sự khép kín, khư khư bám víu tư tưởng thành kiến, thiển kiến, định kiến hẹp hòi, kiến thức giới hạn của mình đến sự nhìn nhận khả năng của kẻ khác để học hỏi lắng nghe và đối thoại chân thành; từ sự ấu trĩ đến sự trưởng thành… Hoặc là từ educare có nghĩa là nuôi nấng, rèn luyện. Ta có thể thấy hai nghĩa này bổ túc cho nhau. Một mặt cha mẹ cần phải phát hiện những hạt giống mà Chúa đã gieo sẵn vào tâm hồn con cái mình, mặt khác phải biết giúp chúng vun trồng, rèn luyện ngõ hầu phát huy các hạt giống ấy trở thành cây to.

  1. GIÁO DỤC CON CÁI THEO TINH THẦN KITÔ GIÁO LÀ GÌ?

Giáo dục Kitô giáo, tuy vẫn bao hàm ý nghĩa của việc giáo dục nói trên, nhưng hệ tại đặc biệt ở việc thông truyền sứ điệp Tin mừng Kitô giáo và vun trồng những giá trị tinh thần, văn hóa, linh đạo thiêng liệng theo tinh thần Kitô giáo.

    a. Về mặt trí tuệ nhận thức: đưa đối tượng đi từ những kiến thức khoa học thực nghiệm giới hạn đến việc khám phá thế giới thần bí, siêu việt vô hạn, từ việc dừng lại và bám víu vào thế giới phàm tục đến việc khám phá và ngưỡng mộ thế giới thánh thiêng, là giúp chúng nhận thức đúng đắn, biết phân biệt tốt xấu, đúng sai, hay dở, khám phá chính mình, khám phá ý nghĩa của cuộc đời.

    b. Về mặt tâm linh: đưa đối tượng từ tình trạng lệ thuộc, mê muội, lầm lạc, vong thân, nô lệ đến tình trạng giác ngộ, nhận thức Chân lý, khám phá căn tính của bản thân, từ thái độ tự mãn, kiêu căng rỗng tuếch đến sự tự xóa, khiêm tốn sâu xa.

    c. Về đời sống: đưa đối tượng từ một cuộc sống chạy theo đam mê vị kỷ, thực dụng, hưởng thụ đến một cuộc sống tự do đích thực sống theo Thần khí, vị tha, quên mình, trao ban, là giúp chúng biết sống tốt mọi tương quan, biết sống tinh thần đối thoại, hiệp thông.

Giáo dục Kitô giáo là giúp đối tượng trở nên những Kitô hữu trưởng thành (hiểu biết đức tin sâu xa, vững vàng, sống đức tin bằng việc làm chứng tá, tham gia tích cực vào cử hành phụng vụ và xây dựng Giáo hội, có khả năng đối thoại chân thành, cởi mở với mọi người và có tinh thần truyền giáo hăng say bằng lời nói và cuộc sống).

“Cốt yếu của giáo dục Kitô giáo là nhằm giúp mọi Kitô hữu ngày càng ý thức hơn về hồng ân đức tin đã nhận lãnh, trong khi họ được hướng dẫn để dần dần hiểu biết mầu nhiệm cứu rỗi. Nền giáo dục ấy còn giúp họ biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4, 23), nhất là qua việc cử hành phụng vụ, cũng như huấn luyện họ biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Ep 4, 22-24). Nhờ vậy họ đạt tới con người hoàn thiện, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (x. Ep 4, 13) và góp phần vào việc tăng trưởng của Nhiệm Thể. Hơn nữa, vì ý thức được ơn gọi của mình, chính họ phải tập thói quen minh chứng niềm cậy trông của mình (x. 1Pr 3, 15) cũng như phải giúp cải tạo thế giới theo tinh thần Kitô giáo. Nhờ đó những giá trị tự nhiên sẽ góp phần vào lợi ích của toàn thể xã hội” (Tuyên ngôn GD 2).

Nói cách khác giáo dục Kitô giáo là nhằm giúp cho các tín hữu hiểu biết, yêu mến và đi theo Đức Kitô. Một cách cụ thể cha mẹ cần phải:

– dạy cho con cái biết yêu mến học hỏi Lời Chúa trong Kinh Thánh, trong các sách đạo đức, bắt chước các gương lành đạo đức của các thánh nhân, các bậc hiền nhân.

– vun trồng cho chúng những giá trị nhân bản nhân nghĩa, lễ, trí, tín, lễ phép, tôn trọng, trách nhiệm, trung thực, thật thà, giản dị, khiêm tốn, cần kiệm, siêng năng, quan tâm, liên đới, tương trợ, cảm thông, các nhân đức đối thần (Tin, Cậy, Mến), các nhân đức luân lý (khôn ngoan, lo liệu, sức mạnh, điều độ).

– tập luyện cho chúng những thói quen sinh hoạt, nhân bản và đạo đức: ăn ngủ, vệ sinh cá nhân, biết chào hỏi, thưa thốt, cảm ơn, xin lỗi, xin phép, cầu nguyện, đọc kinh, dự lễ, bố thí, chia sẻ…

 Giáo dục không phải là áp đặt mà là khơi dậy, là giúp con cái phát sinh hạt giống đã được Chúa gieo vào lòng chúng, là giúp chúng hiện thực hóa bản thân mình theo ý định của Chúa, không chỉ dừng lại ở việc là truyền đạt kiến thức kinh nghiệm, kỹ năng, giúp cho con cái trở nên trưởng thành về mọi mặt.

Đừng quên rằng mục đích tối hậu của Giáo dục Kitô giáo là giúp con cái mình đạt đến Chân lý và nhờ đó đạt đến hạnh phúc đích thật, hay nói theo ngôn ngữ của thánh Don Bosco, đó là mở cửa thiên đàng cho con cái mình, nghĩa là giúp chúng đạt được ơn cứu độ, tái sinh, đạt đến sự viên mãn. Và nếu lỡ mà con cái mình có sa ngã thì theo gương Đức Giêsu Kitô, cha mẹ có sứ mạng cứu những gì đã hư mất, thực hiện sứ mạng biến đổi và hoán cãi, là giúp con cái mình được phục sinh trong ơn nghĩa của Chúa.

  1. GIÁO DỤC KHI NÀO?

Giáo dục con cái đúng nghĩa khởi đầu từ khi mình có ý thức bằng việc tự giáo dục chính mình ít ra là ngay từ bây giờ khi ta chưa kết hôn, chưa có con. Trực tiếp là ngay từ khi con mình còn trong bào thai, đặc biệt người mẹ có thể làm điều này. Từ nhỏ cho đến lớn, đặc biệt vào tuổi ấu nhi vì lúc này trẻ dễ tiếp thu nhất, dễ có thể gây ấn tượng và khắc sâu vào tâm trí, hình thành những thói quen, phản ứng tự nhiên sau này

Giáo dục là một tiến trình liên tục và không bao giờ kết thúc mà chỉ dưới hình thức khác mà thôi.

  1. AI GIÁO DỤC?

Có nhiều gia đình, việc giáo dục khoán trắng cho cha hay cho mẹ. Đúng nghĩa việc giáo dục là bổn phận của cả cha lẫn mẹ. Mỗi người theo cách thức của riêng mình phải giáo dục con cái nhưng tránh cảnh trống đánh xuối kèn thổi ngược. Chính vì thế cần phải có sự bàn bạc thống nhất giữa bố mẹ. Phải có sự tham gia giáo dục của cả hai mới đầy đủ, mới quân bình.

Đương nhiên tùy từng giai đoạn, thời điểm, khả năng, tầm ảnh hưởng của cha/mẹ mà một trong hai cần phải đầu tư hơn, nắm vai trò chính yếu hơn. Thông thường trong giai đoạn bào thai ấu nhi, vai trò chính yếu thuộc người mẹ, nhưng càng lớn khi con cái bắt đầu nhận ra sự hiện diện của người cha và gắn bó hơn với cha, mở ra với môi trường xung quanh vai trò giáo dục của người cha trở nên quan trọng hơn.

  1. NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC

Cha mẹ cần phải ý thức rằng vị thầy thực sự, nhà giáo dục thực sự là Chúa, là Thánh Thần, bản thân mình chỉ là trung gian (không được áp đặt ý muốn của mình trên con cái, mà phải khám phá thánh ý của Chúa trên con cái của mình bằng việc lắng nghe Chúa và lắng nghe con cái mình).

Cha mẹ phải không ngừng tự giáo dục và rèn luyện bản thân mình vì “Không ai có thể cho kẻ khác điều mình không có” và “Con người ngày nay tin vào chứng nhân hơn là thầy dạy”

Cha mẹ noi theo Đức Kitô, nhà giáo dục mẫu mực. Một cách cụ thể:

  • Đóng vai trò vừa là người thầy khôn ngoan nhạy bén, vừa là người hướng đạo sáng suốt, kiên nhẫn, một người bạn thành thật và cởi mở, một người tôi tớ khiêm hạ, phục vụ.
  • Lắng nghe, khơi dậy, dẫn dắt, hướng đạo, giáo dục không chỉ bằng lời mà trước tiên bằng gương sáng.
  • Học biết chúng bằng cách trò chuyện, và chơi với chúng.
  • Sử dụng ngôn ngữ và cung cách của chúng.
  • Tạo bầu khí cởi mở, thoải mái, tin tưởng, gần gũi.
  • Đặt mình vào vị trí của chúng để hiểu chúng thay vì áp dụng cách đánh giá của người lớn để phán xét chúng.
  • Tỏ ra yêu thích điều trẻ yêu thích để từ đó làm cho trẻ yêu thích điều ta yêu thích (Don Bosco)
  • Đồng hành với chúng cách trực tiếp và gián tiếp: quan sát chúng từ xa và cận kề trong mọi sinh hoạt của chúng.
  • Hiện diện với chúng không chỉ bằng thân xác mà bằng cả tâm hồn, bằng cả con người.
  • Cầu nguyện cho chúng và với chúng.
  • Tạo cho chúng cảm tưởng vừa học vừa chơi, hay học dưới hình thức trò chơi,
  • Tận dụng mọi điều kiện, mọi cơ hội để giáo dục, từ những thực tế sinh động, qua lời nói, hành động, học hành, công việc, sinh hoạt hằng ngày, giao tiếp, chuyện kể, trò chơi, bài thơ, bài hát, sách báo, phim ảnh, kịch nghệ.
  • Chủ động, đừng bao giờ để mình bị tác động bởi những thái độ biểu hiện tiêu cực hay lèo lái của con cái mà phải biết đánh lạc hướng chúng, hướng chú ý của chúng đến điều mình muốn.
  • Thực hành một sự giáo dục mang tính toàn diện, thống nhất, mạch lạc (trước sau như một và ăn khớp với nhau, lời nói luôn đi đôi với việc làm), tiệm tiến xoắn ốc (từ điều biết rồi đến điều chưa biết, dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp, cụ thể đến trừu tượng, nông đến sâu), phù hợp (thích hợp với tuổi tác, tâm lý, tính cách), ưu tiên (có những điểm nhấn riêng cho từng gia đoạn phát triển).
  • Nghe nhiều hơn nói, nói ít hơn làm, bớt lời thêm gương.
  • Thay vì chỉ cấm đoán làm điều này điều nọ, hãy đề nghị với chúng điều gì lành mạnh nhưng hấp dẫn.
  • Thay vì chê trách, chỉ trích, bắt phạt, hãy tỏ ra thán phục, khen ngợi, khuyến khích, khen thưởng.

Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm Lời Chúa để khám phá ra ý nghĩa vai trò giáo dục của chúng ta với tư cách là cha mẹ trong tương lai.

 Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Thấy vậy Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn của một trẻ em thì sẽ chẳng được vào. Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10, 13-16).

Cảnh đầu tiên mà Tin mừng cho thấy là người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu. Điều gì xảy ra tiếp theo là các môn đệ la rầy, nhăn cấm chúng có lẽ vì không muốn Chúa bị quấy rầy, hoặc vì họ coi thường trẻ em. Nhưng Đức Giêsu đã tỏ thái độ bực mình, Người khiển trách các ông và bảo “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng.” vì, như Người nói: Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn của một trẻ em thì sẽ chẳng được vào.

Cảnh kết thúc Tin mừng cho ta thấy Đức Giêsu ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

Tin mừng muốn nói với ta điều gì liên quan đến việc giáo dục con cái?

Trước tiên, cha mẹ cần phải đưa con cái đến với Chúa, là nhà giáo dục đích thật và là Đấng duy nhất có thể mang đến cho chúng sự sống viên mãn. Không được giữ chúng lại cho mình vì chúng không phải là sở hữu của mình. Rất nhiều cha mẹ có một ngộ nhận vô cùng nguy hiểm là con cái là sở hữu của mình và từ đó áp đặt lên chúng mọi điều mình muốn, sử dụng chúng theo ý riêng của mình, thậm chí biến chúng thành nô lệ phục vụ cho ý muốn ích kỷ độc đoán của mình. Thật ra con cái là chỉ là sở hữu của Chúa mà thôi vì chính Thiên Chúa tạo nên chúng (creator) cha mẹ chỉ là người cộng tác truyền sinh (pro-creator). Chính vì thế cha mẹ phải hoàn trả con cái mình cho Chúa, nghĩa là không được khư khư giữ nó cho riêng mình, không được ngăn cản chúng đến với Chúa bằng đời sống phản chứng Tin mừng hoặc bằng việc cấm đoán chúng đi theo ơn gọi của Chúa mà còn phải tạo điều kiện thuận lợi để chúng đến với Chúa.

Có nhiều cha mẹ không quan tâm đến trẻ nhỏ, đến con cái mình, nhất là người đàn ông, người cha.

Và cha mẹ có thể ngăn cản con cái mình đến với Chúa, đến với Chân Thiện Mỹ, vì những thái độ phản chứng, hoặc vì sự thiếu quan tâm hoặc tệ hơn vì gương mù gương xấu. Trở nên cớ vấp phạm cho con cái là tội ác tệ hại nhất mà Tin Mừng đề cập đến: “Ai làm cớ vấp phạm cho một trong những trẻ nhỏ này thì thà buộc khối đá vào cổ người ấy mà quăng xuống biển còn hơn.”

Cha mẹ được mời gọi không chỉ giáo dục con cái mà còn phải nhìn con cái như thầy dạy của mình về đàng thiêng liêng vì với tâm hồn đơn sơ và trong trắng, khiêm nhường, con cái là tấm gương để cha mẹ noi theo trong việc tiếp nhận Nước Trời như Lời Chúa nói: “Ai không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ không được vào Nước Trời.”

Ngoài ra, cha mẹ không được đánh đập, hành hạ con cái theo kiểu bạo lực, phản giáo dục mà báo chí gần đây phản ánh, ngược lại phải tôn trọng, đón nhận và đối xử với con cái mình bằng tình thương và sự trìu mến, phải bảo vệ, che chở con cái khỏi những cạm bẫy nguy hiểm đe dọa và cầu nguyện cho con cái.

Cha mẹ phải tôn trọng, cung kính nâng niu con cái như linh mục nâng niu Chúa Giêsu dưới hình tấm bánh vì ai đón nhận trẻ thơ là đón nhận chính Chúa (“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy, và ai đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”).

Người ta bảo con cái như tờ giấy trắng, mà người lớn viết lên đó những gì mình muốn.

Việc giáo dục con cái là một nhiệm vụ hàng đầu và không thể thay thế của cha mẹ.

Nhiều người chỉ nghĩ làm sao có nhiều tiền cho con ăn ngon mặc đẹp, đi học trường này trường nọ, hoặc mua sắm đủ thứ cho con cái, thậm chí còn nghĩ đến việc mua nhà cho con, chuẩn bị nghề nghiệp cho con. Tất cả điều đó cũng cần, cũng tốt thôi. Nhưng không đủ. Thực tế đã chứng minh cho thấy con cái nhà giầu được ăn ngon mặc đẹp, sắm sửa đủ thứ hư vô số kể, con cái nhà quyền quý cho ăn học giỏi cũng hư. Chỉ có con được quan tâm chăm sóc, giáo dục thấm nhuần đạo đức, Tin mừng thì mới mong vượt qua những song gió thử thách cám dỗ của cuộc đời.

Chính vì thế điều quan trọng nhất, trên hết và trước hết mọi sự mà cha mẹ phải nghĩ đến là giáo dục con cái, dạy cho chúng trở thành người và thành con Chúa theo tinh thần Kitô giáo, là đưa đến gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, Người Thầy đích thực, Đấng là Đường là Sự Thật, và là Sự Sống là con đường dẫn Sự thật tròn đầy và Sự sống viên mãn.

Lạy Chúa chúng con thường sai lầm khi nghĩ rằng con cái là sở hữu của chúng con, chúng con có khuynh hướng áp đặt lên chúng mọi dự định, ý muốn ích kỷ và độc đoán của chúng con, thậm chí biến chúng thành những kẻ nô lệ. Xin Chúa cho chúng con biết tạo mọi điều kiện thuận lợi đăc biệt bằng gương lành gương tốt để dẫn dắt con cái chúng con đến với Chúa, Người Thầy đích thực, là Đấng duy nhất là Đường là Sự Thật, và là Sự Sống, là con đường dẫn Sự thật tròn đầy và Sự sống viên mãn. Xin Chúa cũng cho chúng con có quả tim của Chúa để quan tâm chăm sóc, hy sinh cho chúng để qua chúng con chúng có thể nhận ra Người thực sự là Tình yêu.

Gioakim Trương Đình Giai

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …