Gioankim Trương Đình Giai
Giáo dục theo cái nhìn của Kitô giáo không chỉ truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, truyền thụ nghề nghiệp mà thực chất là việc cứu độ, là thực hiện công cuộc cứu độ mà Đức Giêsu Kitô đã khởi xướng. Tại sao ta có thể nói giáo dục chính là cứu độ?
Khi các môn đệ của Gioan Tiền Hô được ông phái đến hỏi Đức Giêsu rằng: Phải chăng Ngài là Đấng phải đến (Đấng Mêsia, Đấng cứu độ) hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác nữa? Đức Giêsu bảo họ: Anh em hãy đi và báo với Gioan điều anh em nghe và thấy: người mù thấy được, người què đi được, người phong được lành sạnh, người điếc nghe được, kẻ chết sống lại và người nghèo khó được loan báo Tin mừng. (Mt, 11, 2-5).
Phải chăng qua lời nhắn nhủ với Gioan, Đức Giêsu muốn cho chúng ta hiểu một cách rõ ràng và cụ thể về công cuộc cứu độ. Dựa vào đó mà chúng ta có thể nói giáo dục chính là cứu độ, hay chính xác hơn là hiện thực hoá ơn cứu độ. Vì giáo dục chính là:
– Mở mắt cho người mù, nghĩa là giúp con người có khả năng tiếp cận với ánh sáng và chân lý, trước hết là việc xua tan bóng tối của lầm lạc, dục vọng, định kiến, thành kiến, thiển cận… che phủ mắt họ, làm cho họ có mắt mà không thấy, để nhờ đó họ có thể mở mắt ra như Phaolô trên đường Đamat chẳng hạn, để nhận ra ánh sáng chân lý trọn vẹn, để có một sự phán đoán sáng suốt và một sự biện phân đúng đắn về mọi sự .
– Làm cho người què đi được, nghĩa là giúp cho con người đi được bằng chính đôi chân của mình. Không chỉ là tạo ra những con người sống tự lập, có nghề nghiệp ổn định tự mưu sinh, nhưng là biết đi đúng đường và đi đến đích, là không bao giờ tự mãn với những gì mình có, mình biết, mà luôn tiến tới không ngừng nhằm đạt đến Chân lý tối hậu như thành Phaolô chia sẻ.
– Làm cho người phong được lành sạch, nghĩa là giải thoát con người khỏi sự tách biệt, cô đơn mặc cảm, giúp cho con người có thể thực sự hội nhập vào xã hội, có địa vị trong xã hội, được nhìn nhận và tôn trọng như một nhân vị với đầy đủ phẩm chất của mình.
– Làm cho người điếc nghe được, nghĩa là làm cho con người có thể nhận ra và lĩnh hội Lời Chân lý, tiếng nói của Chúa qua mọi người, mọi biến cố, và nhất là tiếng thì thầm của Thần khí Chúa trong chính lương tâm, trong nơi sâu thẳm nhất của cõi lòng mình.
– Làm cho kẻ chết sống lại, nghĩa là hoán cải, cảm hoá, đổi đời một cách triệt để như trong dụ ngôn người Cha nhân từ, Người Cha nói về sự hoán cải của người con thứ “Nó đã chết mà nay đã sống lại.” Có lẽ đây là cốt lõi của giáo dục Kitô giáo. Vì như chính Đức Giêsu đã nói: Tôi đến để cứu những gì đã hư mất.
– Loan báo Tin mừng đặc biệt cho người nghèo khó, nghĩa là loan báo Ơn Cứu độ, Sứ điệp tình yêu, Chân lý giải thoát, là mang lại cho con người ý nghĩa thực sự của cuộc đời, những lý do vững chắc làm nên sư hy vọng và bình an, mang lại sự sống sung mãn, cùng đích của giáo dục, của việc cứu độ.