Home / Chia Sẻ / GIÁNG SINH về trên phố

GIÁNG SINH về trên phố

    (ghi nhanh)

    Phố ở đây không phải là phố thị với cao ốc, khách sạn nhà hàng, đêm đêm với tiếng nhạc xập xình, như lời một bài hát “Khi vũ trụ lên đèn thành phố ngả nghiêng…”. Ở những nơi ấy, mùa lễ hội cuối năm hẳn không thể nào thay cho bầu khí ngày Lễ Giáng Sinh, dầu chỗ nào cũng có cây thông với bóng điện nhấp nháy, có Ông Già Noel giơ tay chào đón cùng hàng chữ MERRY CHRISTMAS and HAPPY NEWYEAR. Tôi muốn mời bạn rời khỏi những chốn xa hoa tráng lệ ấy để đi về những đường phố, ngõ nhỏ trong các xứ đạo, những khu lao động của Thành Phố Hồ Chí Minh, nơi có những bác thợ “Giuse trong xóm nhỏ khó nghèo vùng ven“ như vùng BêLem nhỏ bé miền Palestin cách đây hơn 2000 năm.

    Trong những ngày dọn lễ này, từ ngày 15/12, bạn có thể đi chiêm ngắm rồi, chặng đầu tiên mời bạn ghé vùng Chí Hòa. Từ Chợ Bến Thành dọc theo đường CMT8 hướng về ngã tư Bảy Hiền (Quận Tân Bình). Vừa đi qua Công viên Lê Thị Riêng, Quận 10 là ngã ba Bắc Hải – CMT8, đi thêm chừng 200 mét, rẽ tay trái vào đường Chấn Hưng, Phường 6, Tân Bình, nơi dân nhậu bình dân quen gọi Phố thịt chó, Phố bún chả. Đầu tiên là khu Đền Thánh Phêrô Thi, Gx Lộc Hưng, bạn sẽ chóa mắt vì những chùm sao sa ngay trên đỉnh  đầu. Cả khu vực đền Thánh với hang đá của khung cảnh miền núi có ”thác nước” tuôn chảy ì ầm từ trên núi xuống, rạng ngời ánh sáng và âm thanh Mùa Giáng sinh. Tiếng nhạc vang vang: ”Đêm nay Noel về, người ơi lắng tai nghe, đàn muôn cung réo rắt, dồn dập khắp sơn khê…”. Suốt đường Hưng Hóa thuộc Họ Đức Mẹ Lên Trời, dàn đèn lấp lánh như  màn sao đêm phủ bóng. Bạn không thể không dừng lại để chiêm ngắm mô hình ngôi nhà thờ Phú Nhai, hình ảnh của Giáo hội Việt Nam với đèn sao lung linh, cạnh đó một cây cầu mang dáng dấp cầu treo hiện đại dẫn bạn cùng đoàn chiên đi đến mô hình tòa Thánh Vatican, thủ đô của người Công Giáo, phản ánh tình hiệp thông với Giáo hội toàn cầu do tay khéo của nghệ nhân HIỆP-KHIẾU tỉ mỉ thiết kế và thực hiện bằng móp sốp từ nhiều tháng trước. Khu vực đài Đức Mẹ, được trang trí với nhiều cảnh sắc miền Trung Đông xưa với hang đá truyền thống khiến khách tham quan không thể không dừng chân chụp ít tấm hình, hay quay một Video Clip kỉ niệm. Đài Đức Mẹ Mông Triệu được trang trí rạng rỡ mừng Chúa ra đời. Nơi đây, khách sẽ không chỉ ghé dừng chân chiêm ngắm mà còn dành ít phút cầu nguyện với Mẹ Maria đứng uy nghi trên quả địa cầu, chắp tay hướng mắt lên trời.

    Bạn có hình dung được đêm thành phố đầy sao như lời một bài hát: ”Thành phố đêm nay đầy sao…”? Có đấy! vì ngước mắt lên trời, hàng ngàn bóng đèn như những vì sao tiếp tục dẫn bạn đi từ Họ Mông Triệu đến nhà thờ xứ đạo Lộc Hưng thật mãn nhãn. Chính diện nhà thờ trên cao một hang đá hoành tráng. Quanh khuôn viên và hai bên lối vào, nhiều hang đá, máng cỏ, mô hình của các đòan thể trong xứ thực hiện: ca đòan, Thiếu nhi, Giới trẻ, các bà mẹ, huynh đoàn… khách tham quan tha hồ ngắm nhìn cảnh sắc. Mọi cách thể hiện Âu Á, cổ kính có, hiện đại có. Xung quanh nhà thờ như một khu lễ hội thu hút cả trăm người đến thưởng lãm, hòa trong không gian và tiếng Thánh ca ấm áp “Mùa đông năm ấy sao sáng soi cuối trời, mùa đông năm ấy Con Chúa sinh xuống đời“. Bạn đi tiếp đến họ Thánh Gia, vòng sang Họ Đa Minh. Quẹo phải theo đường Dân Trí là sang các Giáo xứ Nghĩa Hòa, Sao Mai, Vinh Sơn 6, Khiết Tâm, Chí Hòa nơi nào cũng níu chân bạn ít nhiều. Nếu đi vòng theo chu vi Gíao xứ Lộc Hưng là Họ Thánh Giuse, rồi Họ Thánh Micae, rẽ sang phần đất Giáo xứ Nam Hòa với đường ngõ tràn ngập đèn sao lấp lánh cùng tiếng nhạc vang rền. Đó là theo hướng trái từ trung tâm thành phố ra. Còn theo hướng phải, đối diện Bưu Điện Chí Hòa, bạn sẽ sang Gx An Lạc, tiếp là Gx Nam Thái. Mời bạn khám phá từ An Lạc, sang Tân Chí Linh, qua Vinh Sơn 3 trổ sang Tân Sa Châu, Mẫu Tâm, Tân Dân, Thái Hòa. Cả vùng Chí Hòa rộn ràng nhộn nhịp lắm với mặt tiền phố phường, nhưng trong các ngõ hẻm sâu, cũng không kém phần vui tươi sống động của ngày Lễ vì người người hân hoan, nhà nhà nô nức.

    Đọc đến đây, mời bạn dừng lại một chút, tôi muốn kể bạn nghe về Gx Tân Sa Châu do Linh Mục Nguyễn Hữu Triết là chánh xứ. Nơi đây liên tục nhiều năm qua đều tổ chức bữa cơm thân ái cho những người nghèo, lang thang. Mùa Giáng Sinh thì tổ chức tiệc Giáng Sinh cho người cơ nhỡ vào ngày. Hôm ghé nhà thờ để tác nghiệp tôi được ông Giuse Trần Viết Hợp, chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ hướng dẫn vào hội trường giáo xứ, nơi đã sắp xếp các bàn tròn với chén đũa, chuẩn bị đón những anh chị em cơ nhỡ vào dự tiệc Giáng sinh vào 11 giờ trưa. Ngòai sân, hàng chục bà con đã ngồi chờ sẵn. Người già, người tàn tật khuyết chi, đi nạng hay đi xe lăn, người khiếm thị, người bị di chứng bại liệt… họ bán vé số dạo, hay mua bán ve chai, một số trẻ đánh giày, bán báo, có người đi ăn xin râm ran trò chuyện. Ai nấy ánh mắt rộn lên niềm vui vì lát nữa đây, họ sẽ được Cha xứ chúc mừng Giáng Sinh và mời dự tiệc. Sở dĩ tôi dùng chữ “Tiệc” vì khác với các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu, họ vẫn được dự bữa cơm thân ái vào buổi trưa, tuy thanh đạm nhưng cũng đầy đủ dinh dưỡng với 3 món canh, kho, xào. Hội viên các đòan thể Công Giáo Tiến hành được phân công theo lịch, tự nguyện đi chợ và nấu các món ăn. Ông Hợp cho biết, bữa cơm trưa thân ái hình thành từ tháng 10/2008, từ ba ngày rồi lên năm ngày mỗi tuần. Lúc đầu khỏang vài chục sau lên đến hàng trăm xuất một ngày. Nay thì từ 290 đến 320 xuất, trong đó có 150 xuất dành cho Bệnh viện MẮT Thành phố giúp cho bệnh nhân nghèo do Bệnh viện đề xuất, 40 xuất cho nhà trung chuyển bệnh nhân của Caritas Hạt Chí Hòa. Đây là sáng kiến của Linh Mục Chánh xứ Giuse Nguyễn Hữu Triết khi Ngài thấy trưa đến những người cơ nhỡ  bán vé số, mua ve chai, ăn xin… ghé sân nhà thờ nghỉ chân, chia nhau từng gói mì khô, khúc bánh mì nguội hay gói xôi buổi sáng xin được. Nhiều người mở những hộp cơm dư gom từ khách ăn trong tiệm rồi san sẻ cho nhau. Cha bàn với Hội đồng giáo xứ lập ra một qũi bác ái để hình thành bữa cơm thân ái. Ông Hợp mời người cộng tác và được giao phụ trách từ những ngày đầu, đến nay thấm thóat đã 8 năm. Biết được ý tưởng của Cha là phục vụ những người nghèo lang thang, cơ nhỡ, tàn tật, nhiều giáo dân xa gần nhiệt tình ủng hộ, nhiều tấm lòng nhân ái rộng mở, đến nay qũi đã phát triển để có nhiều người hơn hưởng nhờ.

    Bà con đến dùng cơm mỗi ngày từ nhiều nơi trong Quận, thành phố, đa số là lương dân quen gọi Ngài là ”Ông Cha nhân ái”. Họ cảm thấy ấm lòng, ấm bụng  cùng cầu cho ông cha luôn khỏe mạnh, cho các vị trong Hội bác ái nhà thờ (cách diễn đạt của họ), qúi ân nhân ẩn danh luôn được Chúa ban ơn phước trong mùa GIÁNG SINH. Ông Hai Lùng, một người bán vé số năm nay 67 tuổi, bị cụt một chân bày tỏ với tôi tấm lòng của những người vẫn dự bữa cơm mỗi ngày. Ông còn khoe thẻ “thành viên” luôn đeo trước ngực khi vào dự.

     Rời vùng Chí Hòa,  sang hạt Tân Sơn Nhì, mời bạn ghé thăm các nhà thờ: Phú Trung, Văn Côi, Tân Châu, Tân Việt, Tân Thành, rồi Nhân Hòa, Hy Vọng nơi nào cũng thiết kế hang đá trong khuôn viên nhà thờ với nhiều dạng khác nhau. Tại nhà thờ Tân Thành, ngay cuối nhà thờ một Giáng sinh trong vùng lũ không thể nào không gây nơi bạn một sự xúc động. Một chiếc chòi nhỏ, bên trong là hình tượng ba đấng: Chúa Hài Đồng, Mẹ Maria, Thánh cả Giuse như nép mình vì bị bao vây chung quanh là nước dâng cao thật, một tấm phông lớn in hình bà con miền trung bị tràn ngập nước dâng tới mái nhà có ghi hai câu thơ cảm thán: “Ai ơi thương lấy phận người/ Rảnh tay nâng đỡ cảnh đời nổi trôi“. Khu vực Quận Tân Phú với Gx Tân Phú, khu đường Thành Công nhộn nhịp hoa đèn, đồ trang trí hang đá, quần áo ông già Noel, đồ chơi cho trẻ em tấp nập người qua kẻ lại. Gx Martinô, những khu giáo dọc theo các con đường lớn hầu như không nơi nào không chăng đèn, làm hang đá máng cỏ. Xa hơn một chút là Tân Hương, Phú Thọ Hòa, Thiên Ân. Quẹo trái là Phú Bình, nơi có đông bà con gốc Báo Đáp chuyên sản xuất hoa vải, lồng đèn mùa trung thu; ngôi sao và hang đá mùa Noel. Cạnh đó là các Gx Tân Phú Hòa, Phú Hòa. Sang Quận 11, có nhà thờ đá Vĩnh Hòa, các Gx Bình Thới, Thăng Long. Mỗi nơi mỗi vẻ, người người nô nức hân hoan tận hưởng không khí an bình của những ngày đón mừng Chúa Giáng trần. Bạn đã có lần nào ghé đến Gx Tân Phước? nơi đã từng có Cây Giáng Sinh cao nhất, đẹp nhất thành phố, từng được Đức Tổng Giám Mục Girelli và phái đòan Tòa Thánh ghé thăm năm rồi. Đây còn là địa chỉ quen thuộc của các sĩ tử miền xa mỗi mùa thi đại học, cao đẳng với chương trình “Tiếp sức mùa thi” ăn ở trọ miễn phí, có xe đưa rước đến trường thi. Năm nay không khí đón mừng Chúa ra đời thật hoành tráng, với những chương trình dọn ilễ từ những tuần trước Giáng sinh như tĩnh tâm, họat cảnh, trình diễn Thánh Ca thật phong phú, đặc sắc.

     Người viết đặc biệt giới thiệu với khách tham quan, các bạn trẻ nội thành chớ quên khu vực Hạt Bình An, dọc đường Phạm Thế Hiển, Quận 8. Từ nhà thờ Bình Thái xuống hết khu Gx Bình Sơn. Nếu có thân nhân từ nước ngoài về bạn đừng quên hướng dẫn họ ghé nơi đây để ghi hình, chụp ảnh vì không nơi nào, nước nào có những hang đá, máng cỏ lớn, đẹp, hiện đại như ở Quận 8, hang đá gia đình bằng cả mặt tiền căn nhà. Cũng còn một nơi mà nhiều người chưa biết. Chịu khó ra ngoại thành về hướng Huyện Hóc Môn, ghé Gx Bùi Môn sẽ được chiêm ngắm quần thể hang đá to nhất nước (?) thiết kế quanh nhà thờ, trình bày cả một chuỗi sự kiện từ Cựu ước sang Tân ước nói về lịch sử ơn Cứu độ, giúp người xem có dịp học hỏi, ôn lại về Thánh Kinh, Giáo lý và gia tăng niềm tin của mình. Đó là chưa kể đến vùng Gò Vấp-Xóm Mới với 26 xứ đạo đang tưng bừng mở lễ mà người viết để ngỏ chờ bạn khám phá.

     Một chút ghi nhận về những ngày chuẩn bị Lễ Giáng sinh tại những xứ đạo thành phố Hồ Chí Minh. Xin giới thiệu với mọi người trên mọi nước. Kính chúc một Mùa Giáng Sinh tràn đầy ân sủng và Tình Yêu Thiên Chúa.

SaiGon,  Tháng 12/2016

Những ngày áp lễ

Fx Đỗ Công Minh

   (Bài đã đăng trên báo NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM số đặc biệt Giáng Sinh 2016)    

dsc_1470_resize

dsc_1475_resize

dsc_1478_resize

dsc_1479_resize

dsc_1662_resize

dsc_1663_resize

dsc_1674_resize

dsc_1675_resize

dsc_1680_resize

dsc_1681_resize              

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …