( Hồi ký)
Những ngày chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh, có dịp thăm thú đất nước Hoa Kì mình mới cảm nghiệm được tâm tình của người xa xứ. Tại miền đất được tiếng là nắng ấm Cali, nhưng lần đầu tiên mình mới có được cảm xúc của mùa đông xa xứ với: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” qua lời bài Thánh ca bất hủ “Hang Belem” của Nhạc sư Hải Linh. Càng thấm thía với bài “Đêm Đông” cùa nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương:” Đêm đông ta lê bước chân phong trần tha hương. . .” mà cảm thán với những người homeless (những kẻ không nhà ) : “Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà ?” .
*Mùa lễ Tạ ơn :
Ở Hoa kì, có thể nói mùa Giáng Sinh bắt đầu từ ngày lễ tạ ơn Thanksgiving, diễn ra vào ngày thứ Năm trong tuần lễ thứ TƯ của tháng 11. Năm nay là ngày 22/11/2018. Đây là một ngày lễ lớn trọng đại của người Hoa Kì và Canada, là ngày mừng thu hoạch được mùa và tạ ơn Thượng đế đã cho sống no đủ và an lành. Đây cũng là ngày nghỉ lễ chính thức, cho tất cả người lao động theo luật định tại Mỹ và Canada. George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Mỹ đã tuyên bố ngày lễ Tạ ơn trở thành một ngày lễ chính thức của Mỹ vào năm 1789. Ngày lễ là một ngày truyền thống dành cho gia đình bạn bè sum họp bên nhau cho một bữa ăn đặc biệt thường bao gồm gà tây, khoai tây, nước sốt việt quất, bánh bí ngô, rau xanh… Ngày Lễ Tạ Ơn là ngày lễ dành cho nhiều người để tạ ơn cho những gì họ có. Đây cũng còn là thời gian dành cho những chuyến đi du lịch hay về thăm gia đình, bạn bè. Tại giáo xứ ĐỨC BÀ LÀ CHỐN TỰA NƯƠNG, thành phố SanJose, phía bắc tiểu bang California, ngày Lễ Tạ ơn có Thánh Lễ chung cho các sắc tộc vào bưổi chiều cử hành bằng hai ngôn ngữ, Việt Nam và Tây Ban Nha do cha chánh xứ người Mêhicô, cha Tân mới về thay cha Đạt, còn trẻ, là linh mục phụ tá dâng lễ chung. Bộ lễ, hát một bài Tiếng Việt, một bài tiếng Tây Ban Nha nhưng dường như những người tham dự đều hát chung được. Bài giảng gồm hai cha, giảng hai ngôn ngữ khác nhau. Mỗi cha giảng riêng, nhưng chắc là cùng một nội dung, mình nghĩ vậy. Bàn thờ được trang trí với lễ vật tượng trưng là những trái bí đao hàng chục kí, bánh trái các loại, những dụng cụ canh tác cầm tay. Có cả những chiếc yên ngựa như muốn gơi nhớ thời lập quốc, người di dân Âu Châu đến vùng đất mới Châu Mỹ được các thổ dân tiếp đón. Trong Thánh lễ tạ ơn có một tập tục vẩn duy trì đó là các gia đình đem những thức ăn sẽ dùng trong bữa tối ngày lễ (trong hộp, gói) đến nhà thờ, đặt trên nền cung Thánh để cha xứ thánh hóa của ăn. Sau lễ đem về lại nhà mở tiệc mừng. Có một điều mình nghĩ các linh mục tại Việt Nam nên tiếp thu là sau phần kết thúc Thánh lễ, cả nhà thờ đều ca bài ca bằng tiếng Tây Ban Nha, có ý nghĩa là chào Chúa trước khi ra về, trong cuộc sống sẽ vang mãi lời ca tạ ơn và mỗi người sẽ là những chứng nhân Tin mừng. Mọi người đều vỗ tay theo lời ca, tiếng nhạc của ca đoàn, tươi cười bắt tay chào nhau thật rộn ràng, tươi vui. ( Nội dung tương tự bài thánh ca của Việt Nam mình : Cùng nhau ra đi loan báo tin vui, niềm tin Kytô thắp sáng muôn nơi . . .)
Ngay sau ngày lễ Tạ ơn Thanksgiving đã có thấp thoáng Noel về trên phố. Trước sân nhà những kiều dân Philiphines mộ đạo đã chưng đèn kết sao, làm hang đá máng cỏ từ đầu mùa Vọng với đủ các nhận vật, thú vật như miền Bêlem xưa. Người Việt Nam thì trang trí có phần khiêm tốn hơn, nhưng chí ít nhà nào cũng giăng đèn nhấp nháy với lời chúc mừng MERRY CHRISTMAS. Tại trung tâm thành phố Sanjose chính quyền dành một khu vực có tên Christmas Park để các tổ chức tôn giáo, đoàn thể xã hội, kể cả các công ty tư nhân. . . trưng bày hang đá, cây thông, các mô hình ông Già Noel cưỡi tuần lộc trượt tuyết, các khung cảnh thần thoại như công chúa tuyết, hoàng tử bé. . . Cũng có các sân khấu ngoài trời trình diễn những bài dân ca Giáng sinh từ thế kỷ thứ 18, thời lập quốc. Mỗi đêm về hàng ngàn cư dân , du khách đến thưởng lãm, vui chơi. Đa phần là các gia đình trẻ, vợ chồng con cái cùng đi. Điều nhiều người ngạc nhiên là do tính cách của người Mỹ tự do, thoải mái nên có cả một góc nhỏ dành cho giáo phái Satan, dành cho những người phản Kitô với những hình nộm quỉ sa tăng, Luxiphe chống báng Kitô giáo. Một mặt trái của xã hội phương Tây. Cũng không ít người tò mò ghé đến xem những hình nộm quỉ dữ nhe răng với dao kiếm, chĩa ba nhọ hoắt trông rợn người, chống lại các Thiên thần.
*Mùa Vọng tại giáo xứ :
Có dịp tham quan khu phố tây phương mùa Noel, bỗng nhớ về Mùa Giáng sinh quê nhà. Nơi ấy có một gia đình nhỏ của mình cũng đang chuẩn bị cho ngày mừng lễ. Qua trực tuyến Video, tại quê nhà, con cháu đang chăng đèn, kết sao trước nhà. Bên trời Tây, mình cũng bắt tay vào thực hiện khung cảnh Bê Lem xưa trước sân nhà mẹ cùng vợ chồng cô em gái sinh sống. Tham dự mùa Vọng nơi xứ người. Tham quan trung tâm thành phố với công viên, khu thị tứ, quán xá, chụp ít tấm hình, quay ít đoạn Clip với các em để lưu dấu lần đầu đón Noel trên đất Mỹ.
Giáo xứ nơi gia đình mẹ mình cư ngụ, một giáo xứ được hình thành cho đa sắc tộc người Á Châu gồm Việt Nam, Philippin, người Mêhico, tất nhiên là cũng dành cho người bản xứ. Từng cộng đồng sắc tộc đều có thánh lễ bằng ba ngôn ngữ riêng: Tiếng Mỹ, Tiếng Việt, Tiếng Tây Ban Nha cho tín hữu Mêhicô. Riêng Cộng đồng người Việt Nam mình, Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng có nghi thức rước nến từ cuối nhà thờ lên cung thánh, với bốn cây nến: ba cây nến tím, một cây nến hồng do bốn em giúp lễ cầm đem đặt trên bàn thờ. Đầu Thánh lễ cha chủ tế cử hành nghi thức khai mạc mùa Vọng. Cha châm ngọn nến tím và giải thích, bốn cây nến tượng trưng cho bốn Chúa nhật, mổi tuần châm một ngọn nến. Hôm nay cũng là ngày mở đầu cho việc quyên góp dành làm quà Giáng sinh cho người nghèo. Nhiều người tại Việt Nam nghĩ nước Mỹ không có người nghèo. Thực ra không nơi nào là không có. Tại thành phố này cũng có những người thu nhập thấp, những người hưởng trợ cấp xã hội, những người không có tiền thuê nhà phải sống dưới chân cầu, hè phố. Giáo xứ gây quỹ Giáng sinh cho người cơ nhỡ bằng cách kêu gọi giáo dân mua các thẻ quà tặng treo trên Cây Thông vào đêm Giáng Sinh , thẻ này có thể đổi mua các vật dụng cần thiết gửi tại văn phòng Giáo xứ. Ngoài ra vào những ngày áp lễ, giáo xứ còn nhận những hiện vật như thức ăn đóng gói, chăn mền, quần áo ấm. . . của những người thiện tâm dành tặng những người lang thang, homeless. Về tinh thần, giáo xứ cũng tổ chức hai ngày tĩnh tâm cho giáo dân Việt Nam vào hai buổi chiều tối thứ năm và thứ sáu trong tuần thứ ba mùa Vọng. Thánh lễ được cử hành vào lúc 18 giờ. Sau lễ là phần nghỉ giải lao nhẹ với bánh ngọt, nước trà, nước ngọt hay cà phê nóng do thời tiết mùa này, vào đông khoảng trên dưới 10 độ C. Phần tĩnh tâm do quý cha khách đến chia sẻ, trao đổi từ 19 giờ đến 20 giờ 30 và kết thúc bằng 15 phút Chầu Thánh Thể. Lần đầu tiên tham dự những ngày dọn lòng đón Chúa, mình nhận thấy đa số những giáo dân dự Thánh lễ đều nán lại nghe Cha giảng với một tinh thần vui tươi, nhiệt thành, sốt sằng, thân mật; biểu lộ của tình cảm của những người đồng đạo xa xứ. Hỏi thăm cô em gái đang sinh hoạt trong Hội các bà mẹ Công Giáo, ca đoàn giáo xứ về những sinh hoạt mục vụ thường niên, Hương cho biết mỗi năm có 2 lần giáo xứ tổ chức tĩnh tâm vào mùa Chay, mùa Vọng. Thói quen này được duy trì đã lâu.. Mỗi buổi khoảng 3 tiếng. Trộm nghĩ nhiều người tại quê nhà cứ lo lắng giáo dân Việt Nam sang bên Tây sẽ xao nhãng lòng Đạo, nhưng không ngờ niềm tin của người Công Giáo Việt Nam vẫn được lưu giữ và củng cố.
Có dịp ra nước ngoài mới thấy người tín hữu vẫn giữ được truyền thống của tổ tiên ông bà. Lòng sùng mộ các Thánh Tử đạo Việt Nam được phát triển về chiều sâu. Ông bà Đường Phúc ở bang Maryland điện sang cho biết, dù mới sang định cư gần mươi năm nay nhưng gia đình được cộng đồng giáo xứ Mẹ Việt Nam ân cần đón tiếp, đùm bọc. Cả hai vợ chồng đều tham gia Chương trình Thăng tiến Hôn nhân Gia Đình của giáo xứ, nhân ngày lễ 30 năm mừng các Thánh Tử Đạo Việt Nam và 18 năm khánh thành nhà thờ Mẹ Việt Nam, giáo xứ tổ chức ngày họp mặt các gia đình trong xứ, có đến 600 người đại diện các gia đình trong xứ đến dự. Chương trình diễn nguyện được hàng chục diễn viên từ U50 đến U70 không chuyên tham gia, tái hiện lịch sử oai hùng của các vị Tử đạo Việt Nam, qua nhiều tiết mục, cho thấy sức sống của cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kì thật sinh động phong phú.
*Mùa Giáng Sinh về:
Trong những ngày áp lễ từ 18/12 trở đi, không khí ngày lễ như ấm dần lên dù thời tiết càng về cuối năm càng thêm giá lạnh. Năm nay so với năm rồi có bớt lạnh chút ít, mọi người đến tham dự lễ tại nhà thờ hầu như ai cũng áo choàng len, áo dạ dày sụ. Tại hội trường giáo xứ, Hội các bà mẹ Công Giáo tổng dượt các bài Thánh ca, các tiết mục văn nghệ mừng Chúa ra đời để tham dự hội diễn Giáng sinh liên xứ của cộng đồng Việt Nam trong vùng, tại nhà thờ Saint Maria Goretti gần đó, theo sáng kiến của các Cha Việt Nam. Nói là gần nhưng tại Mỹ giáo dân đi lễ đều bằng ô tô nên không ai cảm thấy xa, chừng mươi phút lái xe. Các huynh trưởng thiếu nhi thì rộn ràng thiết kế những dụng cụ hóa trang thành những mục đồng, ba đạo sĩ phương Đông, hay thành những con vật ngoài đồng Bêlem xưa như bò, lừa, cừu. . . chuẩn bị cho buổi hoạt cảnh mừng Chúa ra đời tại nhà thờ chiều thứ bảy 22/12/18. Bắt đầu từ 15 giờ thiếu nhi trong xứ tập trung sinh hoạt, tham gia các hoạt động mừng lễ, các trò chơi. Tham dự Thánh lễ lúc 17 giờ, sau đó là phần tiệc buffet Giáng sinh và hội diễn văn nghệ, nhận quà cho đến 21 giờ.
Đêm vọng Giáng sinh, chiều 24/12 theo lịch của giáo xứ, 18 giờ có Thánh lễ Vọng tiếng Việt, sau đó là phát quà Giáng sinh ngay cuối nhà thờ cho những người nghèo. 20 giờ lễ cho cộng đồng Mêhicô, 22 giờ lễ tiếng Việt. Sang ngày chính lễ 25/12 chương trình mục vụ của giáo xứ như ngày Chúa nhật.
Xin tình yêu và an bình của Chúa Giêsu hài đồng luôn ở mãi với chúng ta .
Saigon, Tháng 12/2018.
Fx ĐỖ CÔNG MINH