Home / Chia Sẻ / Giáng Sinh về, nhớ Dưỡng Phụ Giuse

Giáng Sinh về, nhớ Dưỡng Phụ Giuse

 

h2Giáng Sinh mà không nhắc tới Dưỡng Phụ của Đấng Cứu Thế thì hẳn là điều thiếu sót. Ngài trầm mặc, không nói, nhưng làm nhiều và rất vất vả khi đưa Bà xã về quê để kê khai hộ khẩu. Cực thật. Thấy thương luôn!

Trước hết, tôi xin trần tình một chút: Trong các bài viết, bài dịch và thơ, tôi THÍCH dùng cách xưng hô với Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu là “Đức Thánh Giuse”. Nhiều người cảm thấy “dị ứng” với cách gọi như vậy, vì xưa nay chúng ta quen dùng danh xưng Thánh Cả Giuse, có lẽ vì vậy mà người phụ trách một website Công giáo ở Việt Nam (không biết tuổi nhỏ hay lớn) đã gởi mail cho tôi và “hồn nhiên” thắc mắc: “Tại sao có cách gọi là Đức Thánh Giuse mà không là Thánh Cả Giuse?”.

Hồi còn tuổi thiếu niên, khoảng năm 1973-1975, tôi nhớ có đọc một cuốn sách có tựa đề là “Đức Thánh Giuse, Phu Quân Đức Mẹ”, rất tiếc là bây giờ tôi không còn nhớ được tên tác giả. Khi đó, tự dưng tôi rất ấn tượng, và cách gọi đó đã “ăn sâu” trong tâm trí tôi. Riêng tôi thấy cách gọi đó không chỉ HAY mà còn HỢP LÝ.

Theo kiến thức thô thiển của tôi, về danh xưng trong Việt ngữ, khi dùng từ ĐỨC trước một danh xưng là để tỏ lòng kính trọng, vì người đó có uy tín “lớn”. Trong Anh ngữ, Pháp ngữ,… tôi không thấy có từ “Đức” riêng biệt như Việt ngữ. Chúng ta dùng cách gọi Đức Giavê, Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Trời, Đức Chúa, Đức Giêsu, Đức Kitô, Đức Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Linh. Tất nhiên về Thiên Chúa thì “miễn bàn”, khỏi phải tranh luận, thậm chí danh xưng đó chỉ là cách diễn đạt của con người, ngôn từ trần gian chỉ đến vậy, chưa hoàn toàn xứng tầm với Thiên Chúa.

Về Việt ngữ, từ “Chúa” cũng chưa đủ mức để diễn tả Thiên Chúa, thế nên khi các linh mục Tây phương sang truyền giáo đã kết hợp cách dùng Âu-Việt để gọi Thiên Chúa là “Chúa Dêu” – có lẽ kết hợp từ Pháp ngữ là Dieu (đi-ơ) chăng? (Chữ Dieu có cách viết gần giống với chữ “diêu” của Việt ngữ).

Tiếp theo, chúng ta dùng từ “Đức” với một thụ-tạo-đặc-biệt là Đức Mẹ Maria – cũng gọi tắt là Đức Mẹ, Đức Maria, Đức Trinh Nữ. Là Mẹ Thiên Chúa thì cũng dễ hiểu, miễn bàn. Vậy sao chúng ta chỉ dùng Thánh Giuse hoặc Thánh Cả Giuse, là Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu và là Phu Quân của Đức Mẹ, mà lại không dùng danh xưng Đức Giuse hoặc Đức Thánh Giuse? Ngài âm thầm, khiêm nhường, nhịn nhục, lặng lẽ, không nói gì, nên bị lãng quên và bị… “coi thường”? Với các thánh khác, chúng ta cũng chỉ dùng từ “thánh”: Thánh Phêrô, Thánh Phaolô, Thánh Gioan, Thánh Anna, Thánh Têrêsa,… Vậy Thánh Giuse cũng chẳng hơn gì các thánh khác.

Đó là xét theo cách nghĩ của loài người, chứ chính Dưỡng Phụ của Đấng Cứu Thế chẳng cần đâu!

Với những người còn tại thế, còn đầy bản-chất-con-người, nghĩa là còn khả năng sai lầm và tội lỗi, chưa thực sự là thánh, nhưng chúng ta vẫn dùng từ “Đức” trước các danh xưng. Công giáo có Đức Giáo hoàng (thậm chí là Đức Thánh Cha), Đức Hồng y, Đức Tổng Giám mục, Đức Giám mục (Đức Cha), Đức Khâm sứ, Đức Ông, Đức Viện phụ. Ông lớn hơn Cha, sao Đức Ông lại “nhỏ” hơn Đức Cha? Có bất cập và mâu thuẫn?

Chính thống giáo có Đức Thượng phụ. Phật giáo có Đức Phật, Đại Đức (không chỉ “đức” bình thường mà còn “đại”). Cao Đài giáo có Đức Giáo Chủ. Về phần đời có Đức Vua. Và một số vị nổi tiếng như Đức Khổng Tử, Đức Dalai Lama,… Ngay cả người chồng bình thường đôi khi còn được gọi bằng mỹ từ Đức Lang Quân kia mà!

Nói chung, dùng từ “Đức” là để kính trọng. Vậy còn việc dùng từ “Cả” khi gọi Thánh Cả? Nếu có Thánh Cả thì cũng có Thánh “Thứ” (mức độ “nhỏ” hơn hoặc “thấp” hơn). “Cả” là từ miền Bắc. Ngôn ngữ miền Nam và miền Trung gọi là “hai”, nếu vậy có thể (hoặc “phải”) gọi Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu là Thánh Hai (kiểu Anh Hai, Chị Ba, Cô Tư, Thím Bảy, Dượng Út,…). Một anh bạn của tôi lý luận: “Trong từ Thánh đã ngụ ý từ Đức”. Tôi hỏi lại: “Vậy tại sao gọi Đức Thánh Cha?” (có cả “đức” và “thánh”). Người đó không trả lời được và nói: “Thôi, cứ để Thánh Linh tác động”.

Phàm ngữ nhiêu khê! Nói là nói vậy. Ngôn ngữ nào cũng có những rắc rối và chưa đủ chuẩn để diễn đạt!

Nếu dùng từ “Đức” làm mức cân-đo-đong-đếm thì Dưỡng Phụ Giuse còn bị “lép vế” lắm, “thua” cả những người còn sống trên trần gian này (!). Thiết tưởng cách xưng hô Đức Giuse, Đức Thánh Giuse hoặc Đức Phu Quân là hợp lý, không có gì là thái quá, chẳng qua là do “thói quen”, nghe chưa “lọt tai” và đọc lên còn cảm thấy “trúc trắc”, bởi vì chúng ta đã quá quen với cách gọi cũ. Mà thay đổi một “nếp nghĩ” hay một “thói quen” đã lâu hẳn là không dễ chút nào vậy!

Trở lại với Đức Thánh Giuse trong dịp Lễ Giáng Sinh. Đức Thánh Giuse đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu trên trần gian. Thiên Chúa biết Chúa Giêsu cần một Dưỡng Phụ để nuôi dưỡng và giáo dục Ngài về phương diện nhân tính. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Thánh Giuse là “người công chính”. Nghĩa là ngài là người tốt, chân thật, công bình, luôn hết lòng vâng phục và yêu kính Thiên Chúa.

Khi thấy Đức Maria mang thai, Đức Thánh Giuse cảm thấy bối rối, không biết xử trí cách nào, nên ngài đã “không muốn tố giác và định tâm bỏ đi cách kín đáo” (Mt 1:19). Hai người mới đính hôn chứ chưa về chung sống với nhau, thế mà “Bà Xã tương lai” lại có cái bụng vượt mặt thì “căng” thật. Gay go hết sức!

Tuy nhiên, khi người-công-chính-Giuse đang toan tính như vậy thì sứ thần của Chúa hiện đến báo mộng: “Này Anh Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón Chị Maria về làm vợ, vì người con Chị cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Chị sẽ sinh con trai và Anh phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:20-21). Khi tỉnh giấc, Chàng Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và vui vẻ đón vợ về nhà. Đức Thánh Giuse được Thiên Chúa trao trọng trách là làm chồng của Đức Maria và làm Dưỡng Phụ của Con Trẻ Giêsu, đồng thời có bổn phận bảo vệ hai Mẹ Con. Đức Thánh Giuse đã vâng lời và hoàn thành nhiệm vụ.

Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Cái khổ này tiếp nối cái khổ kia. Hoàng đế ra lệnh kiểm tra dân số, mà lại là cuộc kiểm tra đầu tiên, thế là Chồng lại phải khăn gói quả mướp lên đường đưa Vợ về quê để kê khai. Đường sá xa xôi, phương tiện chỉ có con lừa. Chồng cho Vợ ngồi trên lưng lừa, còn mình đành lội bộ mà dắt lừa đi. Đêm xuống, Vợ Chồng son tìm chỗ trọ thì chỗ nào cũng bị đuổi như đuổi tà. Chắc họ thấy hai người khách lạ này nghèo rớt mồng tơi, sợ không thể trả tiền phòng. Bị triệt buộc. Thôi đành đi lang thang tìm gốc cây nào đó mà nghỉ tạm.

Nhưng không xong. Đang lúc dầu sôi lửa bỏng thì Vợ lại chuyển dạ mới chết chứ! Giục lừa đi mau. May quá, nghe tiếng léo nhéo của lũ trẻ. Thì ra là cái hang cho đàn súc vật trú đêm. Thôi thì vào vậy chứ biết sao. Mệt bã cả người mà cũng chẳng được nghỉ ngơi vì còn phải lo cho Bà Xã và Con Trẻ suốt đêm. Có lũ trẻ mục đồng lăng xăng cũng vui, quên cả mệt nhọc. Mấy con vật nằm nhai cỏ cũng thấy vui mắt. Nhìn những ánh sao lấp lánh trên nền trời và ngắm tuyết rơi cũng hay hay. Tạ ơn Chúa. Mọi sự cũng qua!

Nhưng rồi rắc rối xảy ra nữa. Sau khi Con Trẻ Giêsu sinh ra tại Belem, thiên thần lại hiện ra với Đức Thánh Giuse và nói rằng Con Trẻ đang gặp nguy hiểm, phải đi trốn sang Ai Cập (x. Mt 2:13-14). Đức Thánh Giuse lại vâng lời sứ thần, đưa Vợ Con sang Ai Cập để trốn “lệnh truy nã” của vua Hêrôđê. Sau nhiều năm lẩn trốn, Thánh Gia mới có thể bình an lên đường trở về quê quán Nadarét.

Sau cơn mưa, trời lại sáng. Nhìn chung, vừa cảm thương vừa cảm phục Đức Thánh Giuse quá!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG