Home / Chia Sẻ / GIÁNG KIỀU CỦA NHÂN LOẠI

GIÁNG KIỀU CỦA NHÂN LOẠI

     Trận động đất kinh hoàng có cường độ lên tới 7,3 độ Richter ở thủ đô Port-au-Prince, Haiti, một đất nước nghèo nhất ở Tây bán cầu vào ngày 12.1.2010 đã làm chết hơn hai trăm ngàn người. Con số người chết chưa  ngừng ở đó. Người ta nói có thể lên tới nửa triệu người. Khoảng một triệu rưỡi người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, vì hơn 70% nhà cửa của thủ đô Port-au-Prince bị sập.

Có một điều kỳ lạ là sau hơn mười ngày xẩy ra trận động đất, đoàn cứu hộ của Israel ngày 22.01.2010 đã tìm thấy hai người còn sống: Bà cụ Marie Carida Roman 84 tuổi, trên người có nhiều vết thương đã có dòi; một thanh niên 21 tuổi có tên là Emmanuel Buco. Anh cho biết đã phải uống nước tiểu của chính mình để sống. Tuy không có lương thực, nằm trong đống gạch đổ nát, nhưng không khí vẫn đến được với họ. Họ vẫn hít thở khí trời bình thường. Như thế, nếu thiếu lương thực con người còn có thể sống hơn mười ngày, nhưng nếu thiếu khí trời dù chỉ trong vài phút, con người sẽ mất sự sống.

Qua thông tin báo chí, chúng ta thấy hàng năm ở đất nước ta có nhiều vụ chìm đò cướp đi sinh mạng của bao cháu học sinh trên đường đến trường, khi các cháu phải qua sông bằng những chiếc đò ngang ọp ẹp. Nhiều nơi, thậm chí không có đò mà còn phải đi bằng mảng bè tre, nứa hoặc đu dây. Một cây cầu bêtông vững chắc bắc qua sông vẫn là ước mơ nhiều đời của bao gia đình ở những bến đò nghèo khó, nơi vùng quê xa xôi tăm tối.

Nhưng ngay khi có những con tầu to lớn, vững chắc, hoành tráng, sang trọng thì vẫn có thể xẩy ra thảm họa. Con tầu Titanic gặp nạn chìm xuống lòng Đại Tây Dương cướp đi sinh mạng hơn 1.500 du khách, vì họ đã không còn được hít thở khí trời.

Lịch sử ngành hàng hải có những trang thật hãi hùng còn ghi lại, chưa hết bàng hoàng: lúc 23 giờ 40 phút ngày 14.04.1912, tầu Titanic còn thơm mùi sơn, mới xuất xưởng, lần đầu tiên đưa hơn 2000 du khách đi từ đất nước sương mù (Anh quốc) sang Bắc Mỹ đã va vào tảng băng trôi, hai giờ sau đó tầu chìm xuống đáy biển .

Con  người cần làm việc vất vả, chạy trước chạy sau để có cơm ăn, áo mặc. Còn không khí được trời ban tặng nhưng không cho con người một cách hào phóng.Tất cả mọi người không phân biệt giầu nghèo, địa vị xã hội, từ nhà tỉ phú cho đến người ăn xin trên hè phố,từ bác nông dân chân lấm tay bùn ngày đêm trên đồng ruộng đến người có quyền cao chức trọng luôn có xe đưa đón đều hưởng không khí bình đẳng như nhau(100cm3 không khí có 21cm3 oxygen &79cm3 nitrogen). Ngày nay có lẽ ở nông thôn hay chốn sơn khê không khí lại trong lành hơn thành thị, bởi lẽ ở đó ít bị ô nhiễm môi trường.

Như thế, bữa tiệc không khí mà nhân loại đang được hưởng quan trọng cần thiết biết chừng nào! Có bao giờ chúng ta tự hỏi bữa tiệc đó do ai ban tặng? Và đã tìm ra Đấng ban tặng để cảm tạ, để tri ân không? Đặt câu hỏi trên tôi lại liên tưởng đến một chi tiết khá thú vị: chàng Tú Uyên sinh nghi trong câu truyện thơ nôm, khuyết danh, Bích Câu Kỳ Ngộ của Việt Nam. Trước năm 1975, Bích Câu Kỳ Ngộ được giảng dạy ở các trường Trung học Phổ thông. Bích Câu Kỳ Ngộ với 648 câu thơ lục bát đưa người đọc đến câu  chuyên tình giữa chàng Tú Uyên, một thư sinh nghèo, mô côi cha mẹ, nhưng rất lãng mạn với một tiên nữ tên là Giáng Kiều ở đất ngàn năm văn vật Hà Nội. Câu chuyện như sau: Chàng thư sinh Tú Uyên gặp một thiếu nữ tuyệt đẹp trong lần đi vãn cảnh chùa Ngọc Hồ. Chàng đi theo, rồi nàng biến mất khi đến Quảng Văn Đình, nay là cửa Nam Hà Nội.Về nhà, chàng tương tư, cầu mộng. Một ngày kia Tú Uyên mua được bức tranh người trong mộng rồi treo ở thư phòng. Mỗi bữa ăn chàng dọn hai chén, hai đôi đũa, mời người trong tranh ra ăn. Một hôm khi ở trường về chàng thấy trên bàn đã có mâm cơm đàng hoàng, chàng sinh nghi. Hôm sau đi học, chàng về bất chợt, bắt gặp người trong tranh bước ra. Nàng tự xưng là Giáng Kiều, hai người kết duyên sinh được Chân Nhi, về sau chàng và nàng về trời để Chân Nhi ở lại trần gian,

Giả như Tú Uyên khi ở trường về thấy trên bàn đã có sẵn cơm canh:

                             “Một khi ra việc trường văn

                             Trở về đã thấy bát trân sẵn sàng

                             So xem phong vị khác thường

                             Mùi hoa sực nức, mùi hương ngạt ngào”

                                                                             (Bích Câu Kỳ Ngộ)

    Nếu chàng không hề sinh nghi, cho rằng tự nhiên mà có, đang đói bụng, cứ ăn đã thì chắc hẳn chẳng bao giờ gặp được Giáng Kiều. Nhưng Tú Uyên đã không tin tự nhiên mà có, chàng sinh nghi, bỏ công sức tìm hiểu cho ra lẽ, biết nguyên nhân, ai là người đã mang đến bữa ăn thịnh soạn “bát trân”cho chàng                        

                             “Bếp trời sẵn đó hay sao?

                             Của đâu thấy lạ lòng nào chả nghi

                             Sáng mai cứ buổi ra đi

                             Liệu chừng thoát trở lại về thử coi”

                                                                             (Bích Câu Kỳ Ngộ)

    Suy nghĩ của chàng chính là suy nghĩ của người còn đủ lý trí bình thường. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Chính vì thế mà chàng gặp được người trong mộng Giáng Kiều, 

                              “Bổng đâu thấy sự lạ đời

                               Trong tranh sao có bóng người vào ra

                               Nhân nhân mày liễu mặt hoa

                               Này người khi trước đâu mà đến đây” 

                                                                                         

(Bích Câu Kỳ Ngộ)

    Không khí là một báu vật, nếu thiếu nó sự sống trên trái đất này không còn nữa. Không khí không phải con người làm ra, không phải của nước giầu viện trợ cho nước nghèo như vốn ODA, cũng không phải của tổ tiên để lại. Vậy thì khí từ đâu mà có? Ta cũng suy nghĩ như Tú Uyên: Của đâu thấy lạ lòng nào chả nghi. Suy nghĩ và tìm nguyên chứ đừng nói tự nhiên mà có như một số người, ắt hẳn ta sẽ tìm được Giáng Kiều của nhân loại như Tú Uyên tìm được Giáng Kiều cho chàng.

    Giáng Kiều của nhân loại chính là ông Trời, là Tạo Hòa, là Thượng Đế, là Đấng toàn năng tạo dựng vũ trụ muôn loài. Tất cả đang vận hành trong một trật tự kỳ diệu mà khoa học đang cố gắng hé mở để đem lại hạnh phúc cho con người ngày một nhiều hơn. Ngày nay trước vũ trụ bao la cùng với những diều kỳ diệu trong con người thì phần biết được của con người chỉ như chiếc lá trong rừng cây, như hạt cát trong sa mạc,  như giọt nước giữa đại dương. Đúng như người xưa đã nhận định: càng biết nhiều bao nhiêu càng cảm thấy nhỏ bé bấy nhiêu

Chờ mong Chúa, mãi chờ mong,

          Chờ mong nhân loại một lòng nhận ra,

Một Thiên Chúa, người là cha,

          Tạo dựng vũ trụ bao la muôn loài

                                      Một Thiên Chúa, vua đất trời,

                                       Yêu thương nhân loại Ngôi Hai làm người

 

                                      Chở mong Chúa mãi chờ mong

                                       Chờ mong nhân loại thật lòng thương nhau

                                      Đừng gian dối, đừng oán thù

                                       Đừng làm điều ác hiểm sâu hại người

                                      Cùng nhau xây dựng nước trời

                                       ngay trần thế thắm tươi cuộc đời

                                                                                                                              

“Hồng ân Thiên Chúa bao la

                                     Muôn đời con sẽ ngợi ca danh người”

         

ĐẶNG PHÚC MINH

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …