Ngày 5-10-2018, Uỷ ban Giải Nobel của Na Uy đã thông báo Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2018 được trao cho bác sĩ Denis Mukwege (63 tuổi) và cô Nadia Murad (25 tuổi) “vì những nỗ lực nhằm chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh”, theo bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel.
Denis Mukwege – bác sĩ phụ khoa người Congo, và cô Nadia Murad – người Irak, sắc tộc Yazidi, đều đã trải qua những nỗi kinh hoàng của chiến tranh. “Denis Mukwege là người đã cống hiến đời mình để bảo vệ các nạn nhân của bạo lực tình dục trong thời chiến. Nadia Murad là nhân chứng thuật lại những hành vi ngược đãi đối với cô và nhiều người khác”, bà Reiss-Andersen nhấn mạnh.
NADIA MURAD: TÔI SẼ LÀ NGƯỜI CUỐI CÙNG
Cũng như hàng ngàn bé gái và phụ nữ trong cộng đồng của mình, cô gái trẻ Nadia Murad bị nhóm thánh chiến tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt làm nô lệ tình dục vào năm 2014: ngày 03 tháng Tám năm đó, cô bị bắt đi khỏi làng Kocho của mình, ở miền Bắc Irak. Bị đưa đi cùng với hai người chị em của mình đến Mosul, cô là nạn nhân của mọi thứ lạm dụng, cho đến khi bị bán làm nô lệ nhiều lần. Ba tháng sau, cô trốn thoát, nhưng vô cùng đau khổ khi biết được sáu người anh em và mẹ của cô đã bị IS giết chết.
Từ khi trốn thoát, Nadia Murad đã dũng cảm lên án những hành động tàn bạo đối với phụ nữ. Năm 2016, cô trở thành đại sứ của Liên Hiệp Quốc vì nhân phẩm của các nạn nhân của nạn buôn người, vận động để các cuộc đàn áp chống người Yazidi phải coi là tội diệt chủng. Nhiệm vụ mới này cho cô có cơ hội gặp Đức giáo hoàng Phanxicô vào tháng Năm 2017, trong một buổi tiếp kiến chung.
Sau buổi gặp gỡ ấy, cô viết lại:
“Tôi may mắn được đến một trong những nơi yên bình nhất là Toà Thánh; ở đây tôi gặp Đức giáo hoàng Phanxicô vào buổi tiếp kiến chung thứ Tư hằng tuần, ngày 3 tháng Năm 2017. Tôi cảm nhận sự bình an, hy vọng, lòng khoan dung và thương xót của Đức giáo hoàng khi được ngài tiếp đón thịnh tình. Điều làm tôi ngạc nhiên là Đức giáo hoàng biết tôi và việc tôi làm! Điều đó khiến tôi tin rằng ngài đã chúc lành cho sứ mạng của tôi.
Tôi cũng đã gặp Đức Tổng Giám mục Gallagher – Bộ trưởng Ngoại giao Toà Thánh và Bà Sally Axworthy – Đại sứ Anh tại Tòa Thánh,. Trong các cuộc gặp gỡ này, tôi xin họ giúp đỡ người Yazidi – vẫn còn bị quân IS vây hãm. Tôi nhìn nhận Vatican luôn trợ giúp người thiểu số, và đã bàn về một khu tự trị cho các dân tộc thiểu số ở Irak, nhấn mạnh tình hình hiện nay và những thách đố đối với các dân tộc thiểu số ở Irak và Syria, nhất là các nạn nhân và những người tản cư ở trong nước cũng như người di dân. Tôi cũng đã nói về chiến dịch quốc tế của mình nhằm đưa nhóm IS ra trước công lý cũng như về tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các dân tộc thiểu số và về tương lai của họ”.
Trong cuốn tự truyện “Tôi sẽ là người cuối cùng”, Nadia Murad viết: “Bạn chẳng bao giờ quen được với việc kể lại câu chuyện của mình. Mỗi lần kể là bạn sống lại điều ấy”, nhưng “câu chuyện của tôi, được kể lại cách trung thực và giản dị, là vũ khí hiệu quả nhất mà tôi dùng để chiến đấu chống khủng bố, và tôi có ý định sử dụng vũ khí ấy cho đến khi những tội ác này được đưa ra công lý”, cô quả quyết.
DENIS MUKWEGE, CON NGƯỜI DẤN THÂN VÌ HÒA BÌNH Ở CỘNG HÒA DÂN CHỦ CONGO
Bác sĩ Denis Mukwege, mệnh danh là “người chữa bệnh cho các phụ nữ”, sống tại Bukavu, tỉnh lị của Nam Kivu ở phía đông Congo vào năm 1999. Chính tại đây ông đã thành lập Bệnh viện Panzi để giúp các phụ nữ được hưởng điều kiện tốt nhất khi sinh con. Nhưng công việc của ông càng phát triển thì đất nước càng ngập chìm trong chiến tranh và bệnh viện nhanh chóng trở thành nơi đón nhận hàng ngàn phụ nữ là nạn nhân của các vụ hãm hiếp. Khi ấy, các vụ hãm hiếp hàng loạt được sử dụng như một loại vũ khí chiến tranh. Kinh hoàng vì tình trạng của các phụ nữ này – đôi khi họ còn rất trẻ, bị chấn thương tâm lý, có người bị chặt tay chân–, và bị sốc bởi nạn hiếp dâm gia tăng, có tổ chức và hệ thống, bác sĩ Mukwege quyết tâm mở cuộc đấu tranh vận động. Ông kêu gọi các nhà chức trách của đất nước ông và các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới can thiệp đừng để thân xác của phụ nữ trở thành chiến trường. Vừa thương cảm về những hậu quả bi thảm của những vụ hãm hiếp ở trong nước – tàn phá gia đình, xã hội – ông vừa lao vào công việc chữa lành cho các phụ nữ.
Ngày nay, cuộc chiến đấu của ông không những để cứu chữa các phụ nữ mà còn ở cấp chính trị để khôi phục hòa bình cho Cộng hoà Dân chủ Congo. Ông nói rằng một bầu khí áp bức và nhiễu nhương đang bao trùm quốc gia và gây ra sự khủng hoảng hiến pháp. Tháng Sáu vừa qua, ông kêu gọi người dân Congo “đấu tranh hòa bình” chống lại chế độ của Tổng thống Kabila. Hành động này khiến ông gặp nguy hiểm, và Denis Mukwege đã thoát khỏi nhiều vụ ám sát. Nhưng bất chấp những mối đe dọa, cùng với người vợ và năm người con, ông hoàn toàn không có ý định từ bỏ nhiệm vụ của mình. Giải thưởng Nobel này, một cách nào đó, nhằm tưởng thưởng lòng dũng cảm của ông. Bác sĩ Denis Mukwege từng nhận được nhiều giải thưởng: Giải thưởng Palme Olof và giải Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2008, giải thưởng Sakharov năm 2014. Tên của ông thường xuyên được đề cử cho giải Nobel Hòa bình.
Ông Denis Mukwege và cô Nadia Murad sẽ chia sẻ giải Nobel bao gồm một giấy chứng nhận, một huy chương vàng và một ngân phiếu trị giá 9 triệu curon Thụy Điển (khoảng 863.000 euro). Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Oslo, Na Uy, vào ngày 10-12-2018.
MINH ĐỨC (theo Vatican News, 5-10-2018)