Home / Chia Sẻ / GIAI ĐIỆU ĐAU KHỔ

GIAI ĐIỆU ĐAU KHỔ

Con Chết Thê Lương Treo Thập Giá

Mẹ Sầu Thảm Não Nát Tâm Can

GiaidieudaukhoNói đến đau khổ là rùng mình. Chắc chắn không ai “mê” loại đó. Nhưng trong âm nhạc, giai điệu vui nhộn ít gây mê hơn so với giai điệu buồn. Trong việc ăn uống, người ta thích các gia vị cay, chua, đắng, chát,… hơn là ngọt. Kể cũng lạ thật!

Xử tử là hình phạt cao nhất. Ngày nay người ta xử bắn hoặc chích thuốc, chết nhẹ nhàng chứ không đáng sợ như ở Do Thái xưa, tử tội bị xử bằng cách đóng đinh vào thập giá, cái chết đau đớn và dai dẳng.

Và Chúa Giêsu đã phải chịu loại hình này vì người ta liệt Ngài vào dạng tương tự “dân anh chị khét tiếng” hoặc “tội phạm nguy hiểm.” Nhưng thế cờ hoàn toàn bị đảo ngược đối với Đức Giêsu Kitô, chính thập-giá-khổ-đau trở thành “đòn bẩy” đưa tới vinh quang, là lối vào ánh sáng, là vũ khí chiến thắng. Thập giá được Ngài biến thành biểu tượng cứu độ và là phương cách giải thoát.

GIAI ĐIỆU THÁNH TỬ

Thi sĩ kiêm kịch tác gia Pierre Corneille (1606-1684, Pháp quốc) có nhận xét thú vị và chí ly`: “Chiến đấu càng gian nan, khải hoàn càng vinh quang.” Thật vậy, cuộc sống cho chúng ta thấy rằng không có niềm hạnh phúc nào mà lại không có dấu vết của sự đau khổ. Đau khổ là Thập Giá, nhưng Thập Giá là vinh quang, là chiến thắng, chứ không là thất bại như loài người suy tưởng.

Đau khổ cần can đảm, can đảm ngay khi tự do quyết định. Truyện “Hoàng tử và Thanh kiếm” kể: Vua Charles V gọi hoàng tử đến và cho quyền lựa chọn. Trên bàn, vua đặt một thanh kiếm và một triều thiên. Vua cha hỏi: “Con chọn cái nào?” Chần chừ một lúc, hoàng tử cầm lấy thanh kiếm. Thấy lạ, vua hỏi: “Sao con lại chọn thanh kiếm?” Hoàng tử cầm thanh kiếm chỉ vào vương miện: “Nhờ thanh kiếm này, con sẽ được triều thiên kia.” Truyện ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa thâm thúy, cho thấy rằng đau khổ luôn đi trước hạnh phúc. Triết lý kỳ diệu.

Chúa Giêsu xác định với ông Nicôđêmô: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3:13-15) Chính Chúa Giêsu đã xác định việc tin vào Ngài là mối phúc, ai tin Ngài sẽ được lên trời với Ngài – và được sống đời đời.

Kinh Thánh xác định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3:16-17) Rõ ràng rồi, không còn gì khả nghi nữa. Tuy nhiên, tin Chúa Giêsu thì phải kiên trì đồng hành với Ngài hết chặng đường thập giá: Một nhánh vươn lên trời đưa chúng ta đến với Chúa Cha, qua Đức Giêsu Kitô, và một nhánh đưa chúng ta đến với tha nhân, nhất là những người hèn mọn nhất. Một Thập Giá luôn có hai nhánh, không thể tách rời.

Chúa Giêsu tha thiết vừa khuyên nhủ vừa truyền lệnh tín nhân phải “từ bỏ mình” và “vác thập giá mình hằng ngày,” (Mt 10:37-38; Mc 8:34; Lc 14:26-27) phải “qua cửa hẹp,” (Mt 7:13) phải ăn chay, phải hãm mình, hy sinh,… Toàn những điều “đày đọa” mình thôi. Khó lắm! Chúa không “chơi khăm” mà chỉ muốn chúng ta “nên người.” Ngài “hô biến” một cái thì tất cả chúng ta vào Thiên Đàng ngay, nhưng Ngài muốn chúng ta tự thân cố gắng để có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa và giá trị của sự đau khổ, đồng thời cũng xứng đáng nhận phần thưởng. Có ăn lạt mới biết thương mèo. Có khổ mới biết thương người khác. Hệ lụy tất yếu!

Có bị khốn mới nên khôn, có thất bại mới biết cố vươn lên, có gian nan mới thành nhân, như tục ngữ nói: “Thất bại là mẹ thành công.” Các vĩ nhân đều là những người đã từng nếm mùi gian khổ, Thật vậy, chẳng nếm mùi gian khổ thì khó nên bậc siêu quần.

GIAI ĐIỆU THÁNH MẪU

Có thể nhiều chứ chẳng 7 nỗi khổ, nhưng số 7 là con số của Kinh Thánh. Rất đặc biệt. Luật tha thứ là 70 lần 7. Âm nhạc cũng chỉ có 7 nốt, nhưng có vô vàn giai điệu hoàn toàn khác nhau. Một tuần có 7 ngày, mỗi ngày đều lạ lùng lắm.

Mọi nỗi sầu khổ của Đức Mẹ hòa quyện vào nỗi đau khổ tột cùng của Chúa Giêsu, và Đức Mẹ trở thành Đấng hiệp thông cứu chuộc nhân loại. Với chuỗi đau khổ đó, Đức Mẹ âm thầm chịu tử đạo về tâm hồn vì các khổ hình của Chúa Giêsu và vì tình yêu vĩ đại Mẹ dành cho Người Con Yêu Dấu.

Là con người, ai cũng biết rằng tình cảm của người mẹ luôn dạt dào, nhưng đôi khi không thể hiện ra bên ngoài, bởi vì nước mắt luôn chảy xuống và chảy vào trong. Người mẹ là một kỳ công của Thiên Chúa. Người mẹ trần gian tội lỗi mà còn kỳ diệu như vậy, hẳn là Người Mẹ tâm linh phải kỳ diệu hơn gấp bội. Chúa biết mọi sự và Ngài ban Đức Mẹ cho chúng ta để hướng dẫn, nâng đỡ và chở che chúng ta trên hành trình dương thế.

Văn sĩ Honoré de Balzac (1799-1850, người Pháp), thuộc trường phái hiện thực, đã nhận định: “Trái tim người mẹ là vực sâu thăm thẳm mà ở đáy luôn tìm thấy lòng tha thứ.” Ôi, thật kỳ diệu quá! Mặc dù người mẹ trần gian có thể chỉ là người ít học hoặc ít kiến thức, nhưng người mẹ đó vẫn luôn nhạy bén và nhận biết mọi thứ đối với người con – dù còn nhỏ hay đã lớn. Người ta có thể lừa vài người được mọi lần, có thể lừa mọi người được vài lần, nhưng không thể lừa được người mẹ của mình.

Chỉ là phàm nhân, với nhiều sai lầm và tội lỗi, thế mà người mẹ trần gian vẫn có điều gì đó quá đỗi kỳ diệu và bí ẩn mà chúng ta không thể nào hiểu nổi, huống chi với Người Mẹ tâm linh – Đức Maria, Đấng vô nhiễm Nguyên Tội và hoàn hảo, không chút tỳ vết nào.

Ngay trong lúc đau khổ tột cùng, Đức Mẹ vẫn một niềm tín thác và tuân phục, không lời than van. Có thể nói rằng nỗi đau lớn nhất là khi Mẹ chứng kiến Con Yêu bị hành hình trên Đồi Sọ: Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu: “Thưa Bà, đây là con của Mẹ.” Rồi Ngài nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh.” (Ga 19:25-27)

Đó là lời trăn trối khiến đau buốt cõi lòng, nhất là với Người Mẹ thân yêu, và cũng là lời trăn trối tạo niềm hạnh phúc: Đức Mẹ là Mẹ chung của chúng ta, đồng nghĩa với việc tất cả chúng ta là huynh đệ và phải thương nhau.

ĐGH Piô XII cho biết: “Tội lỗi nhất của con người không phải là tội này hoặc tội kia, mà là đánh mất cảm thức tội lỗi.” Không còn cảm thức về tội lỗi thì không còn sợ tội, không cảm thấy hành vi sai trái của mình là tội lỗi, không nhận biết mình là tội nhân vì lương tâm hóa chai lì, xơ cứng, vì thế mà không ăn năn sám hối. Đáng sợ!

Chúa Giêsu chịu chết để chúng ta được sống và sống dồi dào, Đức Mẹ chịu sầu khổ để chúng ta được vui sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Cuộc sống tín nhân rất ý nghĩa!

Lạy Chúa, xin cho chúng con kiên trì vác thập giá theo Ngài và cho chúng con biết đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Ngài. Lạy Mẹ, xin giúp chúng con đủ can đảm khi đối diện với thập giá của riêng mình và can đảm đứng bên thập giá của tha nhân. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN