Trong thời niên thiếu, chúng ta luôn mơ ước được trở thành những người mà chúng ta quen biết hay liên hệ trong cuộc sống hằng ngày. Đôi khi giấc mơ của chúng ta rất viển vông và ngoài tầm tay của chúng ta, như khi chúng ta mơ uớc trở thành những nhân vật giầu có, nổi tiếng như Bill Gates, hay những ca sĩ lừng danh, những cầu thủ xuất sắc trong những bộ môn thể thao mà mình yêu thích. Hồi còn trẻ tôi rất thích đọc sách nên có nhiều giấc mơ, lúc thì mơ trở thành Phù Đổng Thiên Vương, cầm roi sắt cưỡi ngựa chống ngoại xâm và bảo vệ đất nước. Lúc thì tôi mơ trở thành một cầu thủ bóng đá, hay như Pele, danh thủ đá banh của Brazil, để có thể giúp Việt Nam dành được World Cup. Trở thành vĩ nhân đã khó rồi. Tôi không dám nghĩ đến trở nên những vị thánh như “những ngôi sao trên vòm trời” để mọi người nhìn lên cách ngưỡng mộ. Ai trong chúng ta dám mơ thành những vị thánh trong Giáo Hội Công Giáo của chúng ta? Tôi thì không bao giờ dám nghĩ đến. Vì đối với sự hiểu biết nông cạn về Giáo Hội và giáo lý, tôi luôn nghĩ rằng chỉ có các linh mục tu sĩ mới có thể nên thánh, vì các ngài được mời gọi cách riêng biệt để trở nên những mục tử của Thiên Chúa. Rồi trong giáo xứ, ít khi nào chúng ta được cha chánh xứ khuyên: “đi làm thánh”. Nên giấc mơ nên thánh tôi không bao giờ dám nghĩ đến.
Lớn lên trong một gia đình sĩ quan trong quân đội VNCH, với sáu anh chị em, mấy bà chị của tôi có cá tính rất là “sĩ quan”, nên các anh rể chúng tôi thường hay chọc: “Đời sống vợ chồng đáng được Giáo Hội phong thánh. Các cha không phải sống chung với ai. Các cha không phải đương đầu với những khó khăn trong đời sống hằng ngày trong cái ăn cái mặc, và cũng chẳng phải nhịn giáo dân. Nếu có bất đồng ý kiến thì tối đến, các ngài cũng về nhà dòng hay nhà xứ để nghỉ. Nhưng còn trong đời sống vợ chồng thì khó khăn hơn nhiều, sau khi cãi lộn vẫn phải tiếp tục va chạm cả ngày. Kinh Lạy Cha lại được thực hiện trong gia đình một cách cụ thể hơn sau mỗi trận chiến vì mọi người đểu phải biết tha thứ cho nhau để tiếp tục sống chung.” Xa hơn nữa, anh em chúng tôi luôn đồng ý quan điểm những người lập gia đình khó được nên thánh vì mình không có chức thánh như các linh mục. Cho nên, đối với gia đình chúng tôi quan điểm về gia đình được nên thánh chỉ là những mẩu chuyện nói cho vui khi gia đình họp mặt. Cho đến khi gia đình tôi đi qua Rôma để thăm cha Giuse Nguyễn Tất Thắng, thì được cha hướng dẫn đến thăm một nhà thờ ở miền nam của Rôma. Đó là nhà thờ Đức Mẹ với tước hiệu “Đức Mẹ của Tình Yêu Thiên Chúa” (Madonna del Divino Amore), nằm cách Rôma khoảng 30 cây số về phía nam.
Gia đình chúng tôi định đi thăm các nhà thờ ở Rôma sau khi tham dự thánh lễ Chúa Nhật với cha tại giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi của Dòng Đa Minh tại Rôma, vì sau đó chúng tôi còn phải ra phi trường để về lại Germany, nhưng cha Thắng nhất định rủ gia đình tôi đi nhà thờ Đức Mẹ của Tình Yêu Thiên Chúa. Cha Thắng thao thao bất tuyệt kể: “Vào Ngày 24 Tháng Giêng Năm 1944, thành phố Rôma có nguy cơ bị tàn phá bởi quân đội chuẩn bị tấn công vào thành. Hiệp ý với lời cầu nguyện của Đức cố Giáo Hoàng Pius XII, hình Đức Mẹ được mang đến nhiều nhà thờ ở Rôma để toàn thể giáo dân trong thành có thể cầu nguyện với Đức Mẹ. Nhà thờ cuối cùng hình Đức Mẹ dừng lại là nhà thờ Thánh Ignatius (Thánh Y Nhã) vào Ngày 4 Tháng 6 Năm 1944. Tại đây, Đức cố Giáo Hoàng Pius XII cùng toàn thể giáo dân hứa sẽ thay đổi nếp sống của mình, sẽ xây đền thờ mới cho Đức Mẹ và sẽ thực hiện những chương trình bác ái để tôn vinh Đức Mẹ, nếu Đức Mẹ cứu thành phố Rôma. Và Đức Mẹ đã cứu Rôma. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, với hơn 1000 nhà thờ tại Rôma, nhưng chỉ có 2 nhà thờ bị hư hại trong thời chiến.”
Khi đến nơi, chúng tôi thấy bên cạnh đền thờ nhỏ bé đã có từ lâu đời, một nhà thờ lớn với lối kiến trúc tân kỳ, đã được người giáo dân Rôma xây cất, để thực hiện lời khấn hứa với Ðức Mẹ, vì Người đã che chở Thành Rôma khỏi các vụ tàn phá trong Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945). Cha Thắng cho biết ĐHY Ugo Poletti ủy thác dự án xây cất cho cha Costantino Ruggeri lo việc xây dựng đền thờ cùng với kiến trúc sư Leoni vào chính năm Đức Mẹ 1987. Sau hơn 10 năm, Ngày 4 Tháng 7 Năm 1999, thánh đường mới đã được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II làm lễ thánh hiến cùng với tất cả giám mục thuộc giáo tỉnh Lazio cũng như đông đảo giáo dân. Từ ngày đó, đền thờ trở thành một trung tâm hành hương ngày cũng như đêm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến hành hương tại đây vào năm 1979, tức một năm sau khi lên ngôi Giáo Hoàng. Các Đức Giáo Hoàng tiếp theo vẫn đến nơi đây để cầu khẩn với Đức Mẹ.
Tôi nghĩ đây là khu vực lý tưởng cho mọi gia đình có lòng sùng kính Đức Mẹ nên đến thăm viếng và nghỉ ngơi ở đây, vì trung tâm hành hương này rất lớn, có nhiều chỗ để đi dạo, đọc kinh, thăm viếng, có nhiều nhà hàng, và khu nghỉ trọ. Đằng sau nhà thờ có một nhà trưng bày tất cả tượng ảnh Đức Mẹ của mọi sắc tộc trên thế giới và có một khu dành riêng cho hình ảnh Đức Mẹ vùng Đông Nam Á, dĩ nhiên, gia đình tôi tìm thấy có tượng ảnh Đức Mẹ La Vang yêu dấu của chúng ta.
Mặc dù Đức Mẹ “Tình Yêu Thiên Chúa” được nổi tiếng qua nhiều phép lạ Đức Mẹ đã ban cho khách hành hương tại trung tâm này, nhưng đây không phải là nguyên nhân chính mà cha Thắng muốn giới thiệu nhà thờ này cho gia đình chúng tôi. Cha muốn giới thiệu đến gia đình chân phước người Ý: Ông Luigi Beltrame Quattrocchi và Bà Maria Corsini trong nhà thờ này.
Cha Thắng cho biết: “Chúa Nhật Ngày 21 Tháng 10 Năm 2001 – Khánh Nhật Truyền Giáo lần thứ 75 – Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005) đã long trọng nâng cặp vợ chồng Công Giáo người Ý này lên hàng Á Thánh. Ông Luigi Beltrame Quattrocchi (1880-1951) và Bà Maria Corsini (1884-1965). Lễ nghi tôn phong Chân Phước trùng với kỷ niệm 20 năm ban hành tông huấn gia đình Familiaris Consortium(1981-2001) về sứ mạng hôn nhân của Kitô hữu. Khi nâng đôi bạn lên hàng Chân Phước, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng quyết định chọn Ngày 25 Tháng 11 hàng năm là ngày kính vợ chồng Chân Phước Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi vì ngày 25 Tháng 11 chính là ngày thành hôn của vợ chồng Chân Phước (Ngày 25 Tháng 11 Năm 1905).”
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, đôi vợ chồng được nâng lên hàng Chân Phước cùng một ngày. Hai vị nên thánh vì chu toàn tới mức độ anh hùng trong cuộc sống hôn nhân thường nhật. Ba trong số bốn người con của Ông Bà Luigi đã hiện diện trong thánh lễ tôn phong Á Thánh. Linh Mục Tarcisio, trưởng nam 96 tuổi. Linh Mục Paolino dòng Trappist con thứ ba 93 tuổi và người con gái út, bà Enrichetta 88 tuổi. Chỉ thiếu người con thứ hai là nữ tu Maria Cecilia (1908-1993) dòng Biển-Đức. Thiết nghĩ không có niềm vui và vinh dự nào lớn hơn, khi 2 người con (linh mục Tarcisio và linh mục Paolino) được đồng tế với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 để nâng thân phụ mẫu của mình lên hàng Chân Phước.
Cha Thắng cũng kể thêm: “Bảy năm sau, cặp vợ chồng Công Giáo thứ hai được nâng lên hàng Chân Phước cùng một ngày đó là song thân thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Nhan Thánh (1873-1897). Ông Louis Martin (1823-1894) và Bà Zélie Guérin (1831-1877). Lễ tôn phong chân phước diễn ra tại thành Lisieux bên Pháp vào Chúa Nhật Ngày 19 Tháng 10 Năm 2008 nhằm Khánh Nhật Truyền Giáo. Lễ kính cặp vợ chồng chân phước Louis Martin và Zélie Guérin được ấn định vào Ngày 12 Tháng 7, tức ngày họ thành hôn: Ngày 12 Tháng 7 Năm 1858.
Câu chuyện nên thánh càng thêm hấp dẫn khi cha Thắng lại cho biết thêm: “Để cha mẹ mình được nên thánh, những người con của chân phước Luigi và Maria đã đứng ra làm chứng về nhân đức của thân phụ mẫu của mình trước Giáo Hội. Họ cho biết: “Đời sống thiêng liêng của gia đình là nhờ sức tác động kín ẩn và dồi dào của ơn thánh. Đau khổ tinh thần không thiếu. Trong gia đình, mỗi người nổi bật một cá tính riêng nhưng ông bà luôn khẩn nguyện xin Thiên Chúa ban ơn bình an trong gia đình mình.”
Cũng theo tài liệu cho biết, chính bà Maria dẫn đưa và lôi cuốn chồng, ông Luigi, đi vào con đường thánh thiện trong bậc sống hôn nhân. Một năm sau khi thành hôn, bà Maria sinh hạ con trai đầu lòng tên Filippo, sau đó trở thành Linh Mục Tarcisio (1906-2003). Ba năm sau, bà sinh đứa con gái thứ hai đặt tên Stefania, sau này trở thành nữ tu dòng Biển-Đức Maria Cecilia (1908-1993). Người con thứ ba tên Cesare (1909-2009) và là Linh Mục Paolino thuộc dòng Trappist. Người con gái út tên Enrichetta (1914-2012).
Một yếu tố quan trọng nữa được các người con tiếp tục chia sẻ: “Trong đại gia đình chúng tôi, chúng tôi luôn đề cao khuôn vàng thước ngọc: Chỉ duy nhất Thiên Chúa Nhân Lành là Chủ Tể mọi loài và mọi sự.”
Trong đời sống đức tin, ông bà Luigi và Maria lại may mắn được sự hướng dẫn của những cha chánh xứ thánh thiện trong giáo xứ của ông bà: Vị linh mục đầu tiên ảnh hưởng tới đường tu đức của ông Luigi và bà Maria là cha Pellegrino Paoli, thuộc dòng Anh Em Hèn Mọn Phanxicô. Cha giúp bà không đi thái quá trong việc lo lắng cho các con, nhưng đặt trọn niềm tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Thiên Chúa. Hơn thế nữa, cha Pellegrino Paoli giúp bà thánh hóa tình mẫu tử bao la bà dành cho con cái. Rồi dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của cha Paoli, bà Maria từ từ tìm được mối liên hệ hòa nhịp và thắm thiết với chồng, để cả hai trở nên MỘT. Ông Luigi cũng được cuốn hút vào sự chỉ đạo thiêng liêng của cha Paoli. Cùng với vợ, cả hai tìm cách ra khỏi “cái tôi ích kỷ” và vứt bỏ mọi chướng ngại, cản trở sự hiệp nhất giữa đôi vợ chồng.
Gần 10 năm sau, một linh mục thánh thiện khác đi vào cuộc đời vợ chồng Luigi và bà Maria. Đó là cha Edward Matteo Crawley-Boevey (1875-1960). Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa bà Maria và cha Matteo diễn ra vào năm 1916, nơi cộng đoàn các Nữ Tu Đức Maria Đền Tạ ở Rôma. Hôm ấy Cha Matteo giảng cho một nhóm thuộc Hội Các Bà Chầu Mình Thánh Chúa, trong đó có bà Maria. Lời giảng vô cùng đánh động. Sau bài giảng, các bà kéo đến chào và hôn tay cha. Đến phiên bà Maria, cha Matteo nhìn thẳng bà và nói: “Hãy trở thành tông đồ!” Câu nói như một lệnh truyền, xuyên thấu con tim nồng cháy và quảng đại của bà Maria. Đó là bước quyết liệt cho một định mệnh thánh thiện sau này.
Những liên hệ chặt chẽ giữa ông bà Luigi Maria và cha Matteo đưa đến việc tận hiến toàn gia đình cho Thánh Tâm Đức Chúa Giêsu. Bức ảnh Thánh Tâm Đức Chúa Giêsu được cha Matteo đặt vào chỗ danh dự trong phòng ăn, nơi toàn gia đình quy tụ mỗi ngày. Bức ảnh đó vẫn còn cho đến ngày nay, hơn 90 năm trôi qua. Chính Thánh Tâm Đức Chúa Giêsu Kitô chủ sự và chúc lành cho các biến cố quan trọng xảy trong gia đình, cho mọi niềm vui nỗi sầu, cũng như cho những chia ly và từ bỏ giữa các phần tử. Nghi thức tận hiến và tôn vương Thánh Tâm Đức Chúa Giêsu như một bàn đạp, đẩy cao toàn gia đình Luigi và Maria tiến đến bậc trọn lành và đưa 3 trong số 4 người con vào đời sống tu trì.
Cha Thắng vừa cười vừa nói thêm: “Gia đình chúng con cũng nên cầu nguyện cho cha chánh xứ của mình được sống thánh thiện và sống như những gì cha giảng dạy trên cung thánh (the priest lives what he preaches), vì cha chánh xứ có thánh thiện thì con chiên mới được đạo đức, cha chánh xứ chỉ có đạo đức thì con chiên mới bình thường, cha chính xứ chỉ tầm thường thì con chiên đã thất lạc lâu rồi.”
Một trong những yếu tố giúp thêm cho ông bà được nên thánh là ông bà dâng hiến tất cả con cái của mình cho Thiên Chúa và ông bà luôn đồng hành với con cái trong ơn gọi linh mục và tu sĩ. Ông Bà Luigi và Maria luôn luôn duy trì mối giây hiệp thông với ba người con tận hiến cho Thiên Chúa đang sống xa gia đình. Liên hệ thân tình bằng những cuộc viếng thăm ngắn ngủi hoặc đặc biệt qua thư từ. Trong hàng mấy năm trời, mỗi tháng, Ông Luigi dành ra tất cả sáu đêm ngủ trên xe lửa để đi thăm ba người con sống nơi ba đan viện khác nhau.
Đền thánh Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa – mặc dù nằm ngoài vòng đai thủ đô, cách Rôma khoảng 30 cây số – nhưng đền thánh là nơi toàn dân Ý – cách riêng thành Rôma – biểu lộ lòng tin tưởng, sùng mộ đặc biệt đối với Mẹ Thiên Chúa. Khi chúng tôi đến, trung tâm hành hương đã đầy nghẹt người hành hương. Cha Thắng nói cha rất hay đến đây mỗi khi cha có ngày nghỉ. Ông bà Luigi và Maria cũng thường xuyên hành hương đền thánh này vì ông bà đã dâng tất cả mọi người con của mình cho Đức Mẹ tại nhà thờ này. Vì lý do đó, từ Ngày 28 Tháng 10 Năm 2001, đúng một tuần sau lễ tôn phong chân phước, di hài ông bà được chuyển về đây. Hiện nay ông bà yên nghỉ trong cùng phần mộ, dưới hầm Đền Thánh Đức Mẹ.
Đứng trước phần mộ của ông bà, chúng tôi thấy trên phần mộ của ông bà có khắc ghi những hàng chử bằng tiếng Ý như sau: “Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi Sposi e Genitori secondo il Vangelo vivendo insieme la grazia del Matrimonio ne hanno scalato insieme le vette. Lassu’ cantano insieme l’eterno magnificat mentre qui attendono la resurrezione sotto lo sguardo dolcissimo della Madonna del Divino Amore. Sposati il 25 novembre 1905. Beatificati da Sua Santita’ Giovanni Paolo 2 il 21 ottobre 2001.”
Cha Thắng dịch lại cho chúng tôi như sau: “Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi là chồng vợ và cha mẹ, họ sống ân sủng Bí tích Hôn phối theo Tin mừng và họ đã cùng nhau đạt đến đỉnh cao. Trên trời họ cùng nhau hát bài ngợi khen vĩnh cửu trong khi họ đang chờ đợi sự sống lại dưới ánh mắt rất dịu hiền của Đức Mẹ của Tình Yêu Thiên Chúa. Họ kết hôn ngày 25 tháng 11 năm 1905. Họ được tuyên phong Chân Phước do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II Ngày 21 Tháng 10 Năm 2001.”
Cha Thắng cũng chia sẻ thêm cho vợ chồng chúng tôi phần mộ nằm kế bên ông bà Luigi là của cha cựu chánh xứ nhà thờ Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa, cha Umberto Terenzi (1900-1974). Chẳng những ông bà Luigi được nên thánh mà cả cha chánh xứ cũng được làm thủ tục phong thánh. Cha Thắng cho biết: “Cha Umberto Terenzi được bổ nhiệm giám đốc đền thờ Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa Ngày 29 Tháng 12 Năm 1930. Ngài được Đức Hồng Y Camillo Ruini tuyên phong làm Tôi Tớ Thiên Chúa tại Rôma. Và trong năm nay, Ngày 23 Tháng 1 Năm 2014, hồ sơ phong chân phước của cha Umberto Terenzi được chuyển lên Bộ Phong Thánh tại Vatican.”
Sau khi thăm viếng phần mộ của ông bà Luigi, cha con chúng tôi phải chạy vội vàng ra phi trường vì đã sắp đến giờ bay của chúng tôi. Chúng tôi chỉ kịp ghé ngang xe bán đồ ăn ven đường để mua mỗi người một khúc bánh bì kẹp thịt heo nướng, rồi cha Thắng đưa chúng tôi đến phi trường. Sau khi hoàn tất công việc làm tour guide cho gia đình chúng tôi, cha lại đón subway từ phi trường về nhà dòng.
Trên máy bay, gia đình tôi bàn luận nhiều về ông bà Luigi và trung tâm hành hương này. Chúng tôi thấy cha Thắng nói rất đúng về lộ trình nên thánh của các vợ chồng/cha mẹ:
1/ Đời sống thánh thiện của cha xứ cũng như hướng dẫn tâm linh của ngài đối với các cặp vợ chồng, vì cha là ngôi sao Bắc Đẩu gần nhất với con chiên, luôn được mọi người học tập theo vì sự thánh thiện của ngài qua lời nói cũng như qua việc làm.
2/ Vợ chồng hoàn toàn phó thác cuộc sống hôn nhân cho Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ. Như cha Michael Gaitley (MIC) hay thường nói: “con đường qua Đức Mẹ là con đường dể nhất, ngắn nhất để nên thánh.”
3/ Vợ chồng dành nhiều thời giờ để thánh hóa bản thân và giáo dục con cái theo thánh ý Chúa, vì mổi thân thể của chúng ta là một đền thờ. Chúng ta phải chuẩn bị đền thờ của chúng ta mổi ngày.
4/ Vợ chồng sống trọn vẹn ơn gọi hôn nhân khi vui cũng như khi buồn, khi thành công cũng như khi thất bại như là con đường nên thánh mà Chúa đã gọi vợ chồng bước theo.
5/ Vợ chồng không những đồng hành với nhau trên đời này nhưng còn được chung hưởng hạnh phúc với nhau và với con cái ở đời sau mãi mãi.
Chúng tôi cũng quyết định sẽ trở lại đây thêm một lần nữa để nghỉ ngơi trong vòng tay thân yêu của Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa. Hàng chữ khắc trên phần mộ của ông bà là một điều khích lệ lớn trong gia đình chúng tôi. Anh chị em của chúng tôi cảm thấy mình cần phải có giấc mơ được nên thánh, và giấc mơ này mặc dù sẽ gặp nhiều chông gai thử thách trong mọi ngày và mọi giờ, thánh giá của ơn gọi gia đình sẽ luôn nặng nề, nhưng giấc mơ nên thánh này không phải không thực hiện được, vì yêu cầu được nên thánh của Giáo Hội cũng không ngoài mục đích giúp chúng ta được bền đỗ trong ơn gọi gia đình. Trên phần mộ của ông bà, tôi thấy yêu cầu nên thánh chỉ cần thi hành được như câu: “Là chồng vợ và cha mẹ, họ sống ân sủng Bí tích Hôn phối theo Tin mừng và họ đã cùng nhau leo lên đỉnh cao.” Trong Bí tích Hôn phối, một trong những việc vợ chồng cần phải làm là hiệp nhất để nâng đỡ nhau nên thánh, đó mục tiêu chung và cần thiết cho mọi Kitô hữu, giáo sĩ cũng như giáo dân. Sau chuyến hành hương này, một lời nguyện được thêm vào lời kinh hằng ngày của gia đình chúng tôi là: “Xin cho gia đình con biết sống theo Tin Mừng để nâng đỡ nhau nên thánh.” Cám ơn cha Giuse Nguyễn Tất Thắng đã giới thiệu Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa đến cho gia đình và anh chị em chúng tôi, để chúng tôi có được một giấc mơ cao đẹp hơn trong cuộc sống: Giấc Mơ Nên Thánh trong đời sống vợ chồng cũng như cha mẹ.
Anton Trung Trần