Home / Chia Sẻ / GIÁ TRỊ CỦA MÙA THƯỜNG NIÊN

GIÁ TRỊ CỦA MÙA THƯỜNG NIÊN

GiatricuamuaThuongNienChúng ta đang sống trong Mùa Thường Niên II. Trong thời gian tới, nhiều tín hữu sẽ thắc mắc khi nào Mùa Vọng bắt đầu. Họ có thể hỏi: “Khi nào linh mục bắt đầu mặc lại màu tím?” hoặc “Chúng ta có thể mừng Lễ Giáng Sinh chưa?”

Trong khi nhiều người trong chúng ta có xu hướng hướng tới niềm hy vọng của Mùa Vọng và niềm vui của Lễ Giáng Sinh, chúng ta thực sự phải tập trung vào giá trị của Mùa Thường Niên. Đó là một mùa trong nhịp điệu của cuộc sống Giáo Hội đem lại một số cơ hội tuyệt vời để phát triển tâm linh sâu sắc hơn.

Ngay từ đầu, chúng ta cần nhớ rằng “thường niên” có nghĩa là “được sắp xếp” chứ không phải là bình thường. Trật tự giúp tất cả chúng ta hoàn thành các mục đích mà chúng ta đã đặt ra. Mục đích của chúng ta với tư cách là những Kitô hữu đã được rửa tội là được kết hợp với Chúa Giêsu Kitô trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ngài – cuộc khổ nạn, sự chết, sự phục sinh và thăng thiên của Ngài. Để điều đó được hoàn thành trong chúng ta, chúng ta phải phục tùng sự phát triển có trật tự của cuộc đời Chúa trước những sự kiện quan trọng đó. Để trở nên giống như Chúa Kitô khải hoàn, chúng ta phải biết Chúa Giêsu “bình thường.”

Vì vậy, làm thế nào chúng ta có thể biết Chúa Giêsu “bình thường” trong khoảng thời gian này? Đây là vài gợi ý.

Trước tiên, mọi người phải cam kết tham dự Thánh Lễ, ít nhất là mỗi Chúa Nhật. Trong chu kỳ đọc sách ba năm của Giáo Hội, chúng ta sẽ đọc hầu như toàn bộ Phúc Âm Nhất Lãm của các thánh sử Mátthêu, Máccô và Luca. Những bài đọc này cho phép chúng ta thu lượm được toàn cảnh sứ vụ công khai của Chúa Giêsu.

Ngoài phụng vụ Chúa Nhật, có lẽ chúng ta cũng có thể rảy nước phép trong ít nhất một vài Thánh Lễ hằng ngày. Cho dù tham dự Thánh Lễ sáng sớm trước khi làm việc, hay tìm một đền thờ đáng nhớ gần đó trong khi đi nghỉ cùng gia đình, chúng ta sẽ luôn được ích lợi từ việc nghe Lời Chúa được công bố và rước Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Tích cực tham gia vào việc thờ phượng Chúa Giêsu Kitô chắc chắn sẽ khiến chúng ta mong muốn thờ phượng Ngài nhiều hơn và trọn vẹn hơn.

Một người muốn biết Chúa Giêsu đầy đủ hơn cũng có thể cam kết đọc các bài đọc trong Thánh Lễ mỗi ngày. Ngoài ra, nếu người đó thực sự thích “mạo hiểm” thì Giờ Kinh Phụng Vụ là một cách tuyệt vời để làm quen với các Thánh Vịnh trong Cựu Ước. Một trong hai con đường cầu nguyện này sẽ đưa người tìm kiếm vào cuộc gặp gỡ với Đấng Mêsia, Đấng là sự trọn vẹn của tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với nhân loại.

Ngoài việc thờ phượng, những ngày tháng này đã chín muồi để chúng ta phát triển kiến thức và hiểu biết về Chúa Giêsu, Giáo Hội của Ngài, và sự mặc khải thiêng liêng mà phụng vụ công bố. Để biết Chúa Giêsu đầy đủ hơn, cần biết lịch sử giao ước của Israel đầy đủ hơn. Để đạt được mục đích đó, việc tham gia học hỏi Kinh Thánh sẽ rất có giá trị. Ví dụ, một người nào đó có thể muốn bắt đầu với cuốn Giải mã bí ẩn của Kinh Thánh, từ Ascension Press, hoặc một trong những nghiên cứu miễn phí có sẵn từ Trung Tâm Thần Học Kinh Thánh Phaolô [https://stpaulcenter.com]. Một người cố vấn xuất sắc từng nói với tôi: “Bạn không bao giờ có thể yêu ai đó nhiều hơn nếu không biết nhiều hơn về người đó.” Điều này cũng đúng với Chúa Giêsu. Nếu chúng ta muốn yêu mến Ngài nhiều hơn và trở nên giống Ngài hơn, chúng ta phải biết câu chuyện cuộc đời Ngài.

Nếu một cuốn sách chuyên khảo dễ đọc hơn một nghiên cứu Kinh Thánh nhiều buổi, thì không đâu khác ngoài Đấng đáng kính TGM Fulton Sheen. Năm 1934, ngài xuất bản cuốn “The Eternal Galilean” (Người Galilê Vĩnh Hằng) nhằm minh họa cho độc giả cách con người trở nên thần thánh hóa nhờ Chúa Giêsu. Rồi năm 1958, ngài xuất bản cuốn “Life of Christ” (Cuộc Đời Đức Kitô) đầy uy quyền và hùng vĩ. Cuốn sách thứ hai này nhằm chỉ ra “một Đức Kitô cao quý và một nhà lãnh đạo đáng noi theo” giữa một nền văn hóa hiện đại đầy thách thức, thậm chí là thù địch. Cả hai cuốn sách đều cho phép người đọc gặp gỡ Ngôi-Lời-hóa-thành-Nhục-Thể một cách chân thực, biến đổi và đầy cảm hứng.

Cuối cùng, tất cả mối liên hệ này với Chúa Giêsu, trong phụng vụ và nghiên cứu, thúc đẩy chúng ta hành động giống Chúa Giêsu trên thế giới, đối với vợ/chồng, con cái, đồng nghiệp của chúng ta, và cả những người xa lạ. Mùa Thường Niên này đem đến một cơ hội tuyệt vời để tạo thói quen từ những công việc của lòng thương xót. Hãy chọn một trong bảy việc thương xót tinh thần và một trong bảy việc thương xót thể xác, và cố gắng thực hành chúng nhiều lần trong vài tháng tới. Những điều này đặc biệt hữu ích trong việc cho con cái chúng ta thấy rằng đức tin của chúng ta là cuộc sống chứ không chỉ là hiểu biết.

Đây chỉ là một vài cách để chúng ta có thể biến đổi Mùa Thường Niên thành Mùa Đặc Biệt, để chuẩn bị cho vinh quang của cuộc sống vĩnh cửu bằng cách lớn lên và sống trọn vẹn trong đời này. Mùa Thường Niên vô cùng quý giá để chúng ta biến đổi thành “những Kitô bé nhỏ.” Hãy chắc chắn rằng chúng ta không bỏ lỡ cơ hội này!

DEREK ROTTY

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

 

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …