Home / Chia Sẻ / GIẢ THUYẾT

GIẢ THUYẾT

GIẢ THUYẾTGiả thuyết khác giả thiết. Giả thuyết là sự giải thích về một hiện tượng nào đó. Để giả thuyết đó có tính khoahọc, nó cần được kiểm chứng. Các giả thuyết khoa học thường được các nhà khoa học dựa vào những quan sát trước đó mà không thể giải thích được với các lý thuyết khoa học hiện có. Giả thuyết cũng được gọi là thuyết, học thuyết, có khi là chủ nghĩa, còn giả thiết chỉ là sự giả định, ví dụ.

Thuyết đa nguyên, thuyết nhị nguyên, thuyết vô ngã, thuyết duy ngã, thuyết duy vật, thuyết duy tâm, thuyết định mệnh, thuyết biện minh, thuyết hư vô, thuyết tiến hóa,… Chuyên gia vẽ bản đồ Andreas Cellarius (1595-1665) nổi tiếng với thuyết Harmonia Macrocosmica, được Johannes Janssonius xuất bản năm 1660 tại Amsterdam. Thuyết này mô tả chuyển động của trái đất theo quỹ đạo ngoại luân.

Giả thuyết có thể đúng, cũng có thể sai. Không sờ được nhưng có giả thuyết đáng tin và có giả thuyết không đáng tin. Thật và giả khó phân định – nhất là trong xã hội ngày nay. Có những sự giả dối mà người ta tin lắm, nhưng có những sự thật minh nhiên mà người ta lại không muốn tin. Người ta nói: “Lời thật mất lòng”.Thật vậy, thuận ngôn gây nghịch nhĩ. Thế nên ít có người muốn nghe lời thật – lời của sự thật, lời của chân lý.

Thật chí lý khi tiền nhân nói: “Mật ngọt nên mới chết ruồi – Những nơi cay đắng là nơi thật thà”. Đúng vậy, người NỊNH ta là kẻ thù của ta, người KHEN ta mà khen đúng là bạn của ta, người CHÊ ta mới là thầy của ta. Khó nghe quá! Khó chịu lắm! Thế nhưng đó lại là sự thật. Sự phục thiện rất quan trọng – vì ai cũng sai lầm đầy mình. Phải tâm niệm “mất lòng trước, được lòng sau” thì mới là người chính trực công minh – loại người được Thiên Chúa yêu quý (x. G 36:7; Tv 34:16; Cn 2:8; Cn 3:33).

Thiên Chúa không tạo nên sự ác, mà sinh ra do thói kiêu ngạo của con người. Do đó, ác nhân càng ngày càng hoành hành, tự tung tự tác, tại ra điều xấu khắp nơi, như Thánh Phaolô đã nói: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2:7). Thậm chí chỉ nhìn thấy “ngứa mắt” mà kẻ thủ ác không ngại rút dao lụi cho một cú, dù người bị hại không hề có lỗi gì. Đúng như tiền nhân nói: “Nhân dục thắng, thiên lý vong” [Ham muốn của con người thắng thì lẽ công (trời) sẽ bị mất]. Tương tự, ngạn ngữ Trung quốc nói: “Con cưng chiều khó giữ cơ nghiệp, vợ quay quắt khó giữ cửa nhà”. Luôn có tính liên đới, và cái gì cũng có hệ lụy tất yếu: Gia luật bất minh, con cái hư hỏng; quốc pháp bất nghiêm, đất nước suy vong. Hệ lụy đó không chỉ ở đời thường, mà cả trong Giáo Hội hữu hình trên thế gian này.

  1. Ý NGHĨ TRỰC CHỈ LỜI NÓI

Như một phản ứng hóa học – A tác dụng với B sinh ra C. Tư tưởng, lời nói và hành động cũng “phản ứng” lẫn nhau. Về sinh học, vì các phản ứng não quá nhanh, nhanh như chớp, chúng ta không thể nhận ra điều đó, nhưng quả thật có phản ứng như vậy!

Kể lại chuyện xưa, sách Dân Số cho biết: Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Môsê. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục. Khi Thần Khí đậu xuống trên các ông thì các ông bắt đầu phát ngôn, nhưng việc đó không tái diễn nữa. Bấy giờ có hai người ở lại trong trại, một người tên là En-đát, một người tên là Mê-đát. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều. Thần Khí đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại.

Khi đó có một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Môsê: “Ông En-đát và ông Mê-đát đang phát ngôn trong trại!” (Ds 11:27). Ông Giôsuê, con ông Nun, từng theo hầu ông Môsê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Môsê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!”(Ds 11:28). Nhưng ông Môsê trả lời: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!”(Ds 11:29). Ái chà, sự đời mệt dữ nghen!

Lời nói xuất ra từ lối suy nghĩ, nó có thể cho biết tính cách một con người, thậm chí có thể tạo nên số phận: “VINH hay NHỤC đều ở LỜI NÓI cả, và CÁI LƯỠI chính là MỐI HOẠ cho con người”(Hc 5:13). Lời nói có thể chỉ như “gió bay”, nhưng lời nói vẫn quan trọng: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Một lời nói ra, bốn ngựa cũng không đuổi kịp. Thế mà người ta không thích “uốn lưỡi 7 lần” nên mới “nói nhịu” hoặc “lỡ lời”. Và rồi phải ân hận và thở dài não nuột!

Sự thật là chính Thần Khí mới tạo nên sự sống, vì có sống thì mới nói được. Mọi người đều được Thiên Chúa trao trách nhiệm làm ngôn sứ cho Ngài, nghĩa là ai cũng phải dùng lời nói mà tuyên xưng và loan báo Đấng nhân lành và thương xót.

Xã hội đời hay đạo cũng có luật. Luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật. Tại sao? Luật có sau con người nên luật phải vì con người, chứ con người không lệ thuộc luật. Bởi con người không còn “nhân chi sơ tính bổn thiện” nên phải có luật – ví như hàm thiếc tra vào mõm con ngựa chứng, nếu không thì mọi tôn ti trật tự đều bị đảo lộn. Thật vậy: “Ở đâu KHÔNG có Lề Luật thì cũng KHÔNG có vi phạm” (Rm 4:15). Có nhiều thứ luật: Luật giao tế, luật kinh tế, luật kinh doanh, luật quốc gia, luật quốc tế, luật xã hội, luật tôn giáo, luật đoàn thể, luật gia đình,… Ngay cả chuyện giản dị như ăn và nói cũng có luật. Nhưng tất cả đều phải dựa vào Luật Chúa, gọi là Thánh Luật, vì Chúa Giêsu xác định: “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18).

Ý Chúa là Thánh Luật, Ý Chúa luôn tốt lành. Thánh Lm Arnold Janssen (1837-1909, sáng lập Dòng Ngôi Lời – SVD, Societas Verbi Divini) xác định: “Mặc dù ý Chúa KHÔNG PHÙ HỢP với bạn thì vẫn LUÔN ÍCH LỢI cho bạn”. Thật vậy, Thánh Vịnh gia cho biết:“Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh Ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn” (Tv 19:8). Luật đời có thể khiến người ta khổ sở, nhưng Luật Chúa luôn làm người ta hạnh phúc. Ai yêu mến Chúa thì chuyên chăm thi hành Thánh Luật, luôn miệt mài tìm kiếm Ý Chúa để tuân phục:“Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh” (Tv 19:10).

Đại diện chúng ta, Thánh Vịnh gia thân thưa:“Tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi; ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích. Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay. Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo, đừng để tính xấu này thống trị con. Như thế con sẽ nên vẹn toàn không còn vương trọng tội” (Tv 19:12-14).Chúng ta chỉ là những tội nhân, thế nên rất cần Luật Chúa để cải thiện cách sống, và đó mới là hạnh phúc đích thực mà các tôi trung của Chúa hằng mơ ước:“Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp ChúaTrời” (Tv 119:1).

Thánh Faustina phân tích: “Bản chất của nhân đức là Ý Chúa. Ai trung tín thực hiện Ý Chúa thì cũng thực hành các nhân đức” (Nhật Ký, số 678).Thánh Phaolô khuyên “đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa” (Ep 5:17), và quan trọng là luôn “xin cho ý Chúa được thể hiện!” (Cv 21:14), chứ không thỏa ý mình.

  1. LỜI NÓI ĐÒI HỎI HÀNH ĐỘNG

Chắc hẳn ai cũng có kinh nghiệm về hệ lụy của lời nói và hành động. Đó là thứ “kinh nghiệm xương máu” khiến người ta nên khôn. Không ngã làm sau biết đau? Đó là tất yếu. Kinh nghiệm không bao giờ có giá rẻ!

Cơ thể con người có những cơ phận gồm hai phần, chúng ta gọi là bên PHẢI và bên TRÁI (não, mắt, mũi, tai, tay, chân, thận). Thật thú vị! Cuộc sống cũng luôn có cái này và cái kia – ĐÚNG và SAI. Thánh Giacôbê khuyên một lèo: “Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người” (Gc 5:4a). Vì thế, “tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh” (Gc 5:4b).

Ôi chao, thánh nhân phân tích quá tỉ mỉ, quá rõ ràng, không hề bóng gió. Những lời đó hẳn chúng ta cảm thấy “chói tai” khi nghe, hoặc “xốn mắt” khi đọc. Sự thật mất lòng là thế đấy! Và ngài còn nói thêm: “Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” (Gc 5:5-6). Nhức nhối! Càng đọc/nghe, chúng ta càng thấy hổ thẹn với lương tâm của chính mình. Dù cho chúng ta có đấm ngực bao nhiêu lần mà không thay đổi cách sống, không bớt hung ác mà thêm tốt lành, không bớt ngu mà thêm khôn, thì cũng chỉ vô ích mà thôi!

Trình thuật Mc 9:38-48 cho biết rằng… Một hôm, ông Gioan tâm sự với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9:38).Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9:39-40). Ôi chao, Sư Phụ Giêsu dễ ghét quá đi thôi! “Không chống lại là ủng hộ”, hay quá là hay, thích ơi là thích, bởi vì như vậy là Ngài chẳng đòi hỏi chi quá “trình độ” của chúng ta.

Thật vậy, Ngài không đòi hỏi điều chi lớn lao, thậm chí chỉ một hành động nhỏ cũng được Ngài ghi công:“Ai cho anh em uống MỘT CHÉN NƯỚC vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ KHÔNG MẤT PHẦN THƯỞNG đâu” (Mc 9:41). Ôi, quá đã! Cái giả thuyết Ngài đưa ra thật độc đáo, và dù là một giả thuyết nhưng hoàn toàn chắc chắn. Tuy nhiên, Ngài cũng thẳng thắn cảnh báo: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9:42). Cách so sánh rất thật, tất nhiên cũng rất… “chói tai”. Và chắc là có nhiều người cảm thấy… khó chịu!

Cũng chưa hết, chưa xong, Ngài còn tiếp tục so sánh cụ thể hơn:“Nếu tay anh LÀM CỚ cho anh sa ngã thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh LÀM CỚ cho anh sa ngã thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh LÀM CỚ cho anh sa ngã thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9:43-48). Nghe mà giật thót mình như sét đánh: LÀM CỚ. Nhưng đó là nghiêm luật của Chúa, không bao giờ lay chuyển. Ngài là Đấng trung tín và công minh, hễ NÓI là LÀM. Chúng ta không thể biện minh bằng bất kỳ lý do gì – dù chúng ta cho là chính đáng!

Ấy thế mà khi cảm thấy (nghĩa là chưa xác đáng) ai không “hợp ý” mình hoặc không theo phe mình, chúng ta liền tìm mọi cách gièm pha, lườm nguýt, “hạ bệ”, hoặc trù dập. Tất nhiên Thiên Chúa biết rõ chúng ta là gìthế nào– chỉ là cát bụi và tội lỗi, ích kỷ và kiêu ngạo, thế mà “chảnh” lắm. Tuy nhiên, chúng ta đừng vội thất vọng, mà hãy luôn nhớ rằng lòng thương xót của Ngài còn lớn hơn mọi tội lỗi của cả thế gian này, như Thánh Giám mục Phanxicô Salê nói: “Đừng bao giờ lo buồn vì sự bất toàn của mình, nhưng phải luôn luôn can đảm đứng dậy sau khi vấp ngã”. Vế thứ hai trong câu nói của thánh nhân rất quan trọng. Có thể có lúc chúng ta cảm thấy rất thất vọng về chính mình, nhưng tuyệt đối là ĐỪNG BAO GIỜ TUYỆT VỌNG, tức là CỨ VỮNG TIN vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa!

Hãy luôn ghi nhớ lời minh định của Thiên Chúa: “Tôi muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9:13). Chúa Giêsu đến thế gian là để TÌM và CỨU những gì đã mất (Lc 19:10). Đó là niềm hy vọng và niềm an ủi đối với chúng ta. Ngài không chỉ muốn chúng ta sống mà còn phải được sống dồi dào (Ga 10:10). Nhưng Ngài cũng bắt chúng ta tự vấn lương tâm: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội” (Mt 12:7).

KIÊU NGẠO là nền tảng của Tòa-Nhà-Cố-Chấp. Đó là tội “siêu trọng”, tội nặng nhất, tội phạm đến Chúa Thánh Thần: “Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau” (Mt 12:31-32).

Ôi, thật đáng sợ, bởi vì bụng cứ bảo dạ: “Nếu con có tội thì khốn cho con! Mà nếu có công chính, con cũng chẳng dám ngẩng đầu: Tủi hổ đầy tràn, lỗi lầm chồng chất” (G 10:15).

Lạy Thiên Chúa,xin giúp chúng con đủ thông minh để có thể tự đặt vấn đề với chính mình, luôn biết cẩn trọng đối với mọi thứ ngay từ trong ý nghĩ, để chúng con miệt mài tìm kiếm Thánh Ý Ngài và hết dạ thi hành Thánh Luật. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …