Chính Đức Giêsu Kitô đã nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16:15) Nhưng Ngài cũng xác định: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em.” (Ga 15:16) Ngài nói về ơn thiên triệu. Và đó là hồng ân Chúa ban chứ không vì sự xứng đáng hoặc công trạng của người được gọi.
Ơn thiên triệu (ơn gọi) là hồng ân cao cả. Khi nói về ơn thiên triệu, người ta thường nghĩ về ơn gọi tu trì – linh mục hoặc tu sĩ. Đó chỉ là một khía cạnh của ơn thiên triệu.
Ai cũng được Thiên Chúa kêu gọi, mỗi người một dạng, để làm việc cho Chúa và cộng tác vào công cuộc cứu độ của Ngài. Nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta được trở thành Kitô hữu và được tham dự vào ba thiên chức của Đức Kitô: Vương Giả, Tư Tế, và Tiên Tri (Ngôn Sứ). Thánh Phêrô đã xác định: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương.” (1 Pr 2:9-10)
Có lẽ dễ hiểu với thiên chức tư tế và tiên tri, nhưng khó hiểu với thiên chức vương giả. Lời Thánh Phêrô (1 Pr 2:9-10) giúp chúng ta hiểu về thiên chức vương giả. Qua đó, rõ ràng mỗi chúng ta đều là Hoàng tử hoặc Công chúa của Thiên Chúa, Chúa tể càn khôn, Vua trời đất. Đó là sự thật chứ không là mạo nhận hoặc ảo tưởng. Chính Thánh Gioan, người-môn-đệ-được-Chúa-yêu, cũng đã xác nhận: “Thiên Chúa yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” (1 Ga 3:1) Quả thật, chúng ta đúng là con của Ngọc Hoàng, thực sự thuộc dòng dõi quý tộc hoặc Hoàng Gia, chứ chẳng phải người bình thường đâu.
Cái gì cũng có nguồn gốc hoặc nguyên nhân. Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Ngài, (St 1:26-27; St 9:6) nghĩa là chúng ta có nguồn gốc là sự thiện: “Nhân chi sơ tính bổn thiện.” Nhưng vì di truyền tội Nguyên Tổ, vương tội từ trong lòng mẹ, (Tv 51:7) rồi người ta lại bị “nhiễm độc” vì thế gian xấu xa.
Cơ thể con người có tế bào gốc, xã hội và Giáo hội cũng vậy. Chính gia đình là “tế bào gốc” đó. Gia đình khởi đầu từ vợ chồng, là sự kết hợp của Âm và Dương. Do đó, có thể gọi gia đình là “vũ trụ” thu nhỏ, vì đất trời cũng là sự kết hợp hài hòa của Âm và Dương.
Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Những người chúng ta giao tiếp cũng có ảnh hưởng tới chúng ta. Cha mẹ tốt lành thì con cái có thể ảnh hưởng, nhất là ảnh hưởng từ người mẹ. Tại sao? Vì khi sinh ra, ai cũng giao tiếp với người mẹ đầu tiên, sau đó là người cha, rồi ông bà, láng giềng,… Về tâm linh cũng vậy, cha mẹ đạo đức thì con cái cũng ảnh hưởng. Có thể gọi gia đình là “vườn ươm” hoặc “chiếc nôi” của ơn thiên triệu.
Gương sáng điển hình là Thánh nữ Monica (322?-387, Phi châu), một người mẹ đau khổ vì người chồng bê bối và vì đứa con ngang ngược – Thánh Augustinô, Giám mục Tiến sĩ Giáo hội (354-430). Tuy nhiên, dù thất vọng nhưng Thánh Monica không tuyệt vọng, quyết không đầu hàng trước mọi nghịch cảnh. Bà vâng lời cha mẹ mà kết hôn với người ngoại giáo tên là Patrixiô, dân thành phố Tagaste (Bắc Phi). Ông Patrixiô rất nóng tính và phóng túng, bà Monica không chỉ phải chịu đựng chồng mà cả bà mẹ chồng cực kỳ khó tính. Ông Patrixiô “phê bình” vợ về lòng bác ái và đạo hạnh.
Augustinô là con cả trong 3 người con của Thánh Monica. Lúc người cha mất, Augustinô 17 tuổi, đang là sinh viên khoa hùng biện ở Carthage. Do ảnh hưởng người cha, Augustinô ăn chơi trác táng, theo tà thuyết Manichean [*] và sống vô luân. Thánh Monica rất đau buồn. Bà phạt Augustinô, không cho ở trong nhà. Một đêm kia, bà thấy thị kiến cho biết chắc chắn Augustinô sẽ trở lại. Từ đó bà luôn theo sát con, cầu nguyện và ăn chay để cầu nguyện cho con hoán cải.
Augustinô giỏi giang nhưng ngang bướng. Một đêm nọ, Augustinô nói với mẹ là sắp đi tạm biệt một người bạn. Nhưng không, Augustinô lại lên tàu đi Rôma. Thánh Monica rất đau khổ khi biết con lừa dối mình, nhưng bà vẫn đi theo. Bà vừa đến Rôma thì biết tin đứa con “trời đánh” Augustinô đã đi Milan. Dù việc đi lại khó khăn, Thánh Monica vẫn theo con tới Milan.
Tại Milan, Augustinô chịu ảnh hưởng một vị giám mục thánh thiện – tức là Thánh Ambrôsiô, cũng là linh hướng của bà Monica. Bà nghe lời khuyên của Thánh Ambrôsiô, khiêm nhường từ bỏ mọi sự và làm trưởng nhóm của các phụ nữ đạo đức ở Milan, kể cả khi bà ở Tagaste.
Thánh Monica không ngừng cầu nguyện cho Augustinô. Lễ Phục sinh năm 387, Thánh Ambrôsiô rửa tội cho Augustinô (33 tuổi) và vài người bạn của Augustinô. Ngay sau đó, nhóm của Augustinô đi Phi châu. Biết mình không còn sống bao lâu nữa, bà Monica nói với Augustinô: “Con ơi, không gì trên thế gian này làm mẹ vui. Mẹ không biết có gì còn lại cho mẹ làm hoặc tại sao mẹ lại vẫn ở đây, mọi hy vọng trên thế gian này mẹ đã được mãn nguyện.” Sau đó bà lâm bệnh nặng, 9 ngày sau bà qua đời.
Thánh Augustinô làm linh mục lúc 36 tuổi, và làm giám mục lúc 41 tuổi. Ngài là một tấm gương sáng về lòng sám hối, dứt khoát với quá khứ đen tối, từ một tội nhân trở thành một thánh nhân. Đó là nhờ nước mắt của người mẹ Thánh Monica, sự hướng dẫn của Thánh giám mục Ambrôsiô, và nhất là chính Thiên Chúa đã nói với thánh Augustinô qua Kinh thánh để soi dẫn Augustinô từ tình-yêu-cuộc-sống đến cuộc-sống-tình-yêu.
Trong những năm đầu đời, Thánh Augustinô đắm chìm trong kiêu ngạo và tội lỗi, nhưng đã trở lại và sống thánh thiện, chống lại mọi thủ đoạn của ma quỷ – suy đồi về chính trị, xã hội và luân lý. Chính kinh nghiệm bản thân mà ngài đã để lại cho chúng ta những câu nói bất hủ. Cũng như tiên tri Giêrêmia và các tiên tri khác, Thánh Augustinô cũng không thể im lặng một khi đã nhận biết Thiên Chúa: “Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.’ Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20:9) Thánh Augustinô đã hối tiếc: “Con yêu Chúa quá muộn màng.”
Gương Thánh Monica cho thấy rõ hiệu quả của lời cầu nguyện, dù là cầu nguyện cho người khác. Thật vậy, lời cầu nguyện và gương lành của Monica đã khiến cả mẹ chồng và người chồng trở lại Công giáo. Ông Patrixiô mất năm 371, sau khi được rửa tội 1 năm.
Gia đình khởi nguồn và gợi hứng nhiều thứ, từ điều nhỏ tới điều lớn, thuộc nhiều lĩnh vực xã hội và tâm linh, trong đó có nguồn hứng là ơn thiên triệu – ơn gọi linh mục và tu sĩ.
Trong thời gian công khai sứ vụ, Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Một hôm, khi thấy đám đông thì Ngài chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Ngài nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9:37-38)
Mỗi chúng ta cũng hãy vâng lời Chúa Giêsu và không ngừng cầu xin như vậy. Thiên Chúa và Giáo hội luôn cần những linh mục và tu sĩ biết quên mình, luôn “dấn thân phục vụ chứ không hưởng thụ.” (Mt 20:28) Hãy tạo bầu khí đạo đức trong gia đình để làm “vườn ươm ơn thiên triệu.” Tiếp theo, hãy tạo cho giáo xứ là “chiếc nôi” của ơn thiên triệu.
Để tạm kết, xin được mượn lời của Ngôn sứ Isaia: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.” (Is 52:7)
TRẦM THIÊN THU
[*] Manichean là thuyết nhị nguyên, có nguồn gốc từ Persia (Ba Tư) hồi thế kỷ III, kết hợp với các yếu tố của Kitô giáo ngộ đạo (Gnostic Christianity), Phật giáo (Buddhism), và Bái hỏa giáo (Zoroastrianism).