Home / Giáo Dục Kito Giáo / Gia đình và Giáo hội

Gia đình và Giáo hội

nss_1421681900AThông thường, khi nói đến Giáo hội, người ta thường nghĩ ngay đến hàng lãnh đạo, đến các vị chủ chăn, đến phẩm trật, có lẽ vì người ta vẫn còn bị ám ảnh bởi quan niệm của thời trung cổ về Giáo hội do ảnh hưởng của chế độ phong kiến: Giáo hội được hình dung như một kim tự tháp mà trên cùng là đức giáo hoàng, các hồng y, giám mục, linh mục tu sĩ và cuối cùng là giáo dân. Cũng chính vì thế mà người giáo dân nói chung, thường nghĩ rằng Giáo hội là một thực tại ở ngoài mình, trong khi Giáo hội, xuất phát từ thuật ngữ Hy lạp, La tinh (ecclesia) chỉ cộng đoàn Kitô hữu, cộng đoàn phụng vụ, cộng đoàn các tín hữu của một địa phương nào đó, sống tại một thành phố hay một miền (chẳng hạn Giáo hội tại Corintô, Êphêsô, Thêxalônica), và thậm chí cộng đoàn tín hữu họp nhau tại các tư gia để cầu nguyện, do đó mới nảy sinh thuật ngữ “hội thánh tại gia” (ecclesia domestica) trong các thư của thánh Phaolô (Rm 16, 5; 1 Cr 16, 19; Cl 4, 15; Plm 2). Trong khi cái nghĩa mà người ta thường nghĩ đến chỉ là nghĩa thứ hai phát sinh trong dòng lịch sử của Giáo hội và được coi là nghĩa hẹp mà thôi, nhưng vì đã có suốt cả một thời gian dài giáo sĩ trị, ít ra là từ thời trung cổ cho đến trước công đồng Vaticano II, thậm chí ảnh hưởng của nó vẫn còn tồn tại mãi cả cho đến nay dưới một hình thức nào đó ở những nơi nào đó. Chính vì thế, mãi cho đến ngày nay, cái nghĩa hẹp này vẫn còn thống trị trong đầu hầu hết Kitô hữu. Vì vậy, người giáo dân nói chung và các gia đình nói riêng ngay cả sau Công đồng Vaticanô II, và thậm chí mãi cho đến nay, hầu hết vẫn chưa thực sự sống đúng nghĩa như một Giáo hội tại gia.

Hơn nữa, dựa theo truyền thống, có nhiều hình ảnh khác nhau để chỉ Giáo hội nhưng lại hiếm khi Giáo hội được hình dung như một gia đình, ngay trong giáo lý công giáo, hay trong các phát biểu chính thức của các vị chủ chăn về Giáo hội, trong khi khái niệm này lẽ ra phải là nền tảng của chính Giáo hội, làm nên chính bản chất của Giáo hội, đặc biệt, hơn lúc nào hết, trong thời đại ngày này, người ta càng ngày càng nhận ra tầm quan trọng sống còn của gia đình đối với Giáo hội. Giáo hội là gì nếu trước tiên không phải là chính gia đinh như hình ảnh lý tưởng của Giáo hội sơ khai được nói đến trong sách Công vụ tông đồ “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 4, 32-35)

Thật vậy, Thiên Chúa nhập thể, đến thế gian để xây dựng một gia đình mới không dựa vào huyết nhục mà là dựa vào việc cùng chia sẻ thánh ý Thiên Chúa như trình thuật sau trong Tin Mừng Mát-thêu.

“Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: ‘Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy’. Người bảo kẻ ấy rằng: ‘Ai là mẹ Tôi? Ai là anh em Tôi?’ Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: ‘Đây là mẹ Tôi, đây là anh em Tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em Tôi, là mẹ Tôi’” (Mt 12,46-50).

Và đó cũng chính là mong muốn hiệp nhất của Đức Giêsu Kitô “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong chúng ta (Ga 17, 20-21).

Gia đình đó bắt nguồn, lấy khuôn mẫu từ và trở nên dấu chỉ của chính gia đình đầu tiên chính là tổ ấm Ba trong Một: Cha, Con và Thánh Thần của chính Chúa Ba Ngôi sao? Cho dù cơ cấu của Giáo hội có chặt chẽ, quy củ đến đâu, cho dù nghi thức phụng vụ có đẹp đẽ đến đâu, bao lâu mà các vị lãnh đạo vẫn ứng xử như những công chức hay quan chức chứ không phải như mẹ, như anh em, chị em, thì Giáo hội không phải là gia đinh mà Chúa ước mong, không phải là một cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương mà nơi đó mọi người tôn trọng, và yêu thương, được nhìn nhận, đón tiếp, lắng nghe, cảm thông, nâng đỡ, ủi an, thì Giáo hội có còn phải là Giáo hội không, hay có còn lý do tồn tại không? Bao lâu những người Kitô hữu chưa cảm thấy Giáo hội là nhà của mình, là nơi mà mình muốn chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, gánh nặng của cuộc sống của gia đình, là nơi mình được đón tiếp, ủi an và chữa lành khi bị thương tích thì bấy lâu Giáo hội chưa phải là Giáo hội của Chúa Kitô.

Bởi vì cùng xuất phát từ Gia đình khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi, gia đình và Giáo hội có liên hệ mật thiết với nhau, quyện vào nhau như một thực tại không thể tách rời.

Gia đình Kiô hữu được sinh ra bởi Giáo hội nhưng lại làm nên Giáo hội

Gia đình Kiô hữu được Giáo hội sinh ra qua các Bí tích, nhưng lại làm nên chính Giáo hội bởi chưng nếu không có gia đình, sẽ không có giáo xứ, cũng chẳng có cộng đoàn tu trì, và cũng chẳng có Giáo hội. Không có gia đình thánh thiện, thì không thể có giáo xứ thánh thiện: Không có tương quan tốt đẹp, yêu thương trong gia đình, làm sao có tương quan tốt đẹp, yêu thương trong giáo xứ, cộng đoàn tu trì và trong Giáo hội.

Giáo hội tham dự vào đời sống gia đình và gia đình tham dự vào đời sống Giáo hội

Giáo hội tham dự vào đời sống gia đình đặc biệt qua các Bí tích đánh dấu những sự kiện quan trọng của đời sống gia đình như kết hôn, đón nhận một sự sống mới, giã từ người thân yêu, gia đình  tham dự vào đời sống của Giáo hội, đặc biệt theo đơn vị giáo xứ. Cũng như Giáo hội, gia đình Kitô hữu được mời gọi chia sẻ và hiện thực hóa mong ước hiệp nhất mọi người nên một trong Chúa bằng việc sống mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi, đón nhận và thông truyền Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.

Gia đình được Giáo hội thông truyền ơn cứu rỗi và tham dự vào sứ mạng thông truyền ơn cứu rỗi của Hội Thánh

Được Mẹ Giáo hội sinh ra trong ơn gọi Kitô hữu, giáo dục, xây dựng, củng cố, thánh hóa bằng cách loan báo Lời Chúa, mặc khải cho gia đình Kitô hữu chân tính của mình, bằng việc cử hành các bí tích, đến phiên mình, gia đình Kitô hữu cũng được chia sẻ sứ mạng thông truyền ơn cứu rỗi đặc biệt của Hội thánh, qua ơn của Bí tích Hôn phối trong bậc sống và trong lãnh vực của họ, được mời gọi thông truyền cho anh chị em mình tình yêu của Đức Kitô, và như thế, họ trở nên một cộng đồng thông truyền ơn cứu rỗi đến cho người khác.

Thật vậy, gia đình Kitô hữu được mời gọi góp phần tích cực và riêng biệt của mình vào cuộc sống và sứ mạng của Hội Thánh khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, được tham dự vào sứ vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế của Đức Kitô và của Hội Thánh Ngài. Chính tình yêu và sự sống kết thành tâm điểm cho sứ mạng cứu độ của gia đình Kitô hữu trong Hội Thánh và vì Hội Thánh.

Trước hết, gia đình Kitô hữu thực hiện sứ vụ ngôn sứ của mình bằng cách đọc, suy niệm và đón nhận Lời Thiên Chúa, đặc biệt trong đời sống hôn nhân và gia đình, để có thể trở nên chứng nhân cho Chúa trong môi trường sống của mình trước hết đối với chính gia đình của mình, vợ/chồng, con cái bằng cách làm cho môi trường sống của mình thấm nhập sứ điệp Tin Mừng yêu thương, nhận ra khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa qua mọi biến cố, thử thách của cuộc sống hằng ngày.

Kế đến, gia đình thực hiện sứ vụ tư tế cộng đồng của mình qua việc đọc kinh cầu nguyện cá nhân, gia đình và cộng đoàn, tham dự thánh lễ và dâng lễ vật của chính họ qua việc chu toàn sứ mạng của người sống bậc hôn nhân và gia đình của mình trước hết trong việc sống tròn các bổn phận của vợ chồng và con cái, sống trọn đạo vợ chồng, cha mẹ và con cái, qua các chứng từ đời sống thánh thiện, và đức ái hữu hiệu trong việc đón nhận, dâng hiến và hy sinh nhờ ơn lãnh nhận được qua các bí tích, nhờ đó tất cả đời sống của họ thấm nhuần đức tin, đức cậy, đức mến, ngày càng tiến tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau, cùng nhau góp phần tôn vinh Thiên Chúa qua những thực tại hằng ngày của đời sống hôn nhân và gia đình.

Cuối cùng, gia đình Kitô hữu thực hiện sứ vụ vương đế của mình trong chứng tá sự phục vụ âm thâm, hy sinh quên mình, trước tiên đối với chính gia đình của mình vợ/chồng, cha mẹ/con cái, noi gương Đức Giêsu, Đấng đã chọn chỗ thấp nhất, cúi mình xuống rửa chân cho các môn đệ và trở nên giá cứu chuộc cho mọi người, qua những thực tại cụ thể của đời sống phù hợp với giới răn mới về tình yêu.

Ba sứ vụ trên đây của gia đình Kitô hữu được thực hiện trước hết giữa đôi bạn và gia đình của họ, rồi kế tiếp mở rộng ra với cộng đoàn giáo xứ, với Giáo hội, những người chia sẻ cùng đức tin, và ngay cả với cộng đồng nhân loại nói chung, những người không cùng niềm tin tôn giáo với mình.

Gia đình là nơi Chúa hiện diện, vì trong gia đình, Lời Chúa được công bố, lắng nghe, việc thờ phượng Chúa được cử hành qua cầu nguyện, tình yêu và lòng thương xót của Chúa được thể hiện qua những chứng tá sống động giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái.

Gia đình được Giáo hội hun đúc ơn gọi và là vườn ươm ơn gọi

Được Giáo hội kêu mời đáp trả lại lời mời gọi của Đức Kitô, gia đình đến lượt mình, trở thành vườn ươm ơn gọi. Quả vậy, không có gia đình, không thể có ơn gọi thánh hiến. Không có gia đình tốt lành, không thể có ơn gọi ngay lành. Không có những giá trị nhân bản được vun trồng, hình thành trong gia đình, không thể có những linh mục tu sĩ đúng nghĩa, mà chỉ có những linh mục, tu sĩ sinh non thiếu tháng, khập khiễng. Gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Kitô giáo, và là một trường học phát triển nhân tính. Chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và vui thích, học biết tình bác ái huynh đệ, sự quảng đại tha thứ, nhất là sự phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống.

Chính vì thế, cha mẹ phải là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, khơi dậy và cổ võ ơn gọi của con cái mình và đặc biệt chăm sóc đến ơn gọi linh mục tu sĩ.

Gia đình được Giáo hội giới thiệu khuôn mẫu Gia đình Chúa Ba Ngôi và là phản ánh của khuôn mẫu đó cho chính Giáo hội.

Được Giáo hội giới thiệu cho mình khuôn mẫu tuyệt vời của Gia đình Chúa Ba Ngôi, đến lượt mình gia đình trở thành phản ánh của khuôn mẫu đó cho Giáo hội. Vì gia đình chính là phản ánh và biểu trưng của Ba Ngôi, gia đình đầu tiên, tổ ấm yêu thương vĩnh hằng, gia đình của các gia đình, là một cộng đoàn yêu thương, là hoa trái của tình yêu mà mỗi người trong đó đến với nhau và trao cho nhau tình yêu, phát sinh sự sống. Giáo hội chỉ có lý do tồn tại khi Giáo hội thực sự là một đại gia đình, một cộng đoàn yêu thương trong đó mỗi người đều được nối kết bằng tình yêu, là dấu chỉ của gia đình mới mà Đức Giêsu đến trong thế gian để thiết lập.

Gia đình được hình thành bởi Giáo hội, góp phần xây dựng Giáo hội

Được sinh ra trong Giáo hội, trở nên nhiệm thể của Đức Kitô, thành phần của Giáo hội, gia đình đến phiên mình được mời gọi góp phần vào việc hình thành, phát triển Giáo hội đặc biệt trong đơn vị giáo xứ bằng việc đóng góp công sức, vật chất, nhân lực cho giáo xứ và qua việc tham gia vào ba sứ vụ tiên tri, tư tế, và mục tử qua các hoạt động phụng vụ, dạy giáo lý, mục vụ, cai quản và điều hành và các hoạt động của giáo xứ.

Gia đình được Giáo hội thánh hiến và góp phần thánh hóa Giáo hội

Được tái sinh, gia nhập vào Hội Thánh, được đón nhận, được nuôi dưỡng và thánh hóa bằng Lời Chúa và các bí tích lãnh nhận trong Giáo hội, và được củng cố đức tin bằng các chứng tá thánh thiện của Giáo hội, của giáo xứ và cộng đoàn tu trì, được hưởng nhờ lời cầu nguyện, bầu khí thánh thiện đạo đức qua lời kinh, tiếng hát, suy niệm chầu thánh thể, tĩnh tâm trong giáo xứ, đến lượt mình các gia đình được mời gọi thánh hóa giáo xứ, Giáo hội bằng việc trung thành sống Lời Chúa, bằng những chứng tá về đức tin, đức cậy và đức mến.

Gia đình được Giáo hội giáo huấn và phổ biến giáo huấn của Giáo hội

Được Giáo hội giáo huấn và hướng dẫn sống theo Lời Chúa và giáo huấn của Hội thánh là thầy qua việc giảng trong thánh lễ, trong các lớp chuẩn bị lãnh nhận các bí tích, các lớp giáo lý, cũng như tĩnh tâm, thường huấn, các khóa đòa tạo, huấn luyện bồi dưỡng, và đến lượt mình gia đình được mời gọi thông truyền Giáo lý của Chúa Kitô, phổ biến giáo huấn của Giáo hội trong chính gia đình và cho mọi người xung quanh.

Gia đình được Giáo hội chăm sóc và chăm sóc Giáo hội

Gia đình đón nhận sự quan tâm chăm sóc mục vụ cũng như sự nâng đỡ, khuyên bảo, ủi an từ giáo xứ, đặc biệt trong những sự kiện quan trọng hoặc trong những nghịch cảnh của cuộc đời và đồng thời cũng chăm sóc chính Giáo hội mình, trước tiên cho chính các thành viên của gia đình mình và cho mọi người xung quanh đặc biệt trong đơn vị giáo xứ của mình.

Gia đình đến với Chúa ngang qua Giáo hội và cũng là con đường và là cùng đích của Giáo hội

Chính Giáo hội với tư cách là Mẹ và là Thầy, đưa các gia đình đến với Đức Giêsu, Đấng là Đường là Sự thật và là Sự sống, như hình ảnh các bà mẹ đưa con cái của mình đến với Chúa Giêsu để người đặt tay chúc lành cho chúng. Con người, gia đình chính là con đường của Giáo hội (Thánh Gioan Phaolô II)  vì:

Thiên Chúa đến trần gian để xây dựng một đại gia mình mới, không dựa vào huyết thống, mà dựa vào việc cùng chia sẻ, thực hiện thánh ý Cha trên trời, khởi đầu từ các môn đệ đầu tiên và mở rộng ra dần khắp xứ Palestine, ra khỏi biên giới quê hương của Người, đặc biệt với Phaolô, với sự tiếp nối của các môn đệ đến với mọi quốc gia và dân tộc.

Thiên Chúa Ba Ngôi là Gia đình của mọi gia đình

Ba Ngôi Thiên Chúa-Cha, Con và Thánh Thần- là khuôn mẫu của mọi gia đình, là tổ ấm yêu thương, là cộng đồng hiệp thông ngôi vị, là nơi diễn ra không ngừng sự trao đổi tình yêu, đón nhận, trao ban, chấp nhận và hiệp nhất. Không có gia đình Ba Ngôi, không có gia đình trên trần gian, không có giáo xứ, không có Giáo hội.

Gia đình và Giáo hội được tạo nên từ chính Gia đình Ba Ngôi, được coi là khuôn mẫu, là gợi hứng là quy chiếu. Vì thế cả gia đình nhỏ và đại gia đình, là Giáo hội đều phải lấy gia đinh Ba Ngôi làm khuôn mẫu, cảm hứng và trở nên dấu chỉ của gia đình đó.

Thánh gia là biểu tượng hoàn hảo của Gia đình Chúa Ba Ngôi

Thánh gia-Giuse, Maria và Giêsu-chính là phản chiếu hoàn hảo nhất của Gia đình Chúa Ba Ngôi trên trần gian, trong đó mỗi người sống đúng đạo làm chồng/cha, vợ/mẹ và làm con trong một sự quên mình, hiến thân và trao ban, nơi đó Ngôi Lời nhập thể đã sống suốt ba mươi năm trong sự âm thầm phục vụ và vâng lời.

Chúng ta đang sống trong một xã hội, trong đó, những giá trị vật chất thống trị trong khi các giá trị tinh thần và truyền thống lại xuống cấp bị sụp đổ, nhiều gia đình đã tan vỡ và nhiều Kitô hữu cũng bị biến chất, gây nên biết bao gương xấu, ảnh hưởng đến Giáo hội và xã hội, vì thế những chứng tá tốt lành của các thành phần trong đại gia đình Giáo hội nói chung và mỗi gia đình Kitô hữu nói riêng sẽ trở nên như những tia sáng, như men muối, hạt men mang lại niềm hy vọng trước hết cho những người chia sẻ cùng niềm tin với mình, và cho cộng đồng nhân loại nói chung, “Giữa một thế hệ ngang trái và tà vạy, anh em phải chiếu rạng như đuốc sáng trên thế gian” (Pl 2, 15).

Lạy Chúa, chúng con đang sống trong một xã hội đầy dẫy những bóng tối, tiêu cực do ảnh hưởng nền văn hóa sự chết gieo rắc thảm họa cho biết bao gia đình và tấn công Giáo hội, xin cho chúng con biết lấy Thánh Gia Nadarét làm khuôn mẫu cho gia đình nhỏ và đại gia đình Giáo hội của chúng con để nhờ đó chúng con thực sự trở nên tổ ấm yêu thương hiệp nhất, những chứng nhân sống động của Tin Mừng để góp phần hiện thức hóa mong muốn của Chúa xây dựng một đại gia đình mới, một cộng đồng yêu thương và hiệp nhất mà trong đó mọi người thực sự trở nên anh em với nhau có cùng một Cha trên trời. Amen.

Gioakim Trương Đình Giai

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …