Home / Chia Sẻ / Gia đình là Hội Thánh tại gia

Gia đình là Hội Thánh tại gia

Thời đại hôm nay chúng ta đang sống, khủng hoảng xã hội và tâm linh đã kéo theo khủng hoảng về đời sống gia đình, vốn là tế bào sống động của xã hội và Giáo Hội. Gia đình hơn bao giờ hết, đang đứng trước bao thay đổi nghiêm trọng, đe dọa gia đình đến tận nền tảng như: nạn ly dị lan tràn, chấp nhận sống chung mà không hôn phối, khước từ con cái hoặc hủy diệt con cái từ trong trứng nước, kết hôn giữa người cùng giới tính mà được một số quốc gia chấp thuận.

Năm 2014 chúng ta vừa bước vào, Năm Phúc Âm Hóa Các Gia Đình được mở ra. Đây là dịp để chúng ta ý thức và trở về với những ý định cao cả phúc lộc của Thiên Chúa về gia đình, như Chúa đã thiết lập ngay từ thủa ban đầu. Hình ảnh Thiên Chúa đưa Evà đến cùng Ađam, Ađam reo lên trong hạnh phúc ngập tràn: Đây là xương tôi, thịt tôi, nghĩa là hai con người giống nhau bởi cùng là hình ảnh Thiên Chúa. Và Thiên Chúa tuyên bố: Từ nay, người nam sẽ kết hợp với vợ mình, cả hai nên một xương thịt, không gì tháo cởi nổi. Hạnh phúc biết bao… Nhưng hỡi ôi, gia đình đó bị tổn thương vì lầm lỗi của nguyên tổ.

NỀN TẢNG, CƠ CẤU GIA ĐÌNH THEO Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA

Vì nền tảng gia đình bị tổn thương cách nặng nề, nên Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến thế gian để sửa chữa con người, sửa chữa các gia đình, bằng cách sinh ra trong một gia đình, sống trong gia đình Nagiarét, để cứu các gia đình trong nhân loại, Ngài đã đến sửa lại gia đình theo khuôn mẫu Thánh Gia Người đã sống. Khi khai mở Nước Trời, Người đã công bố lại lề luật về gia đình mà Thiên Chúa đã thiết lập từ ban đầu, để gia đình trở nên tế bào của Nước Thiên Chúa: “Từ thủa ban đầu thế giới, khi Thiên Chúa dựng nên loài người. Người đã làm nên người nam và người nữ” (Mc 10, 6). Đây là luật căn bản và ý định của Thiên Chúa được khắc ghi vào trong bản tính sâu thẳm của người nam và người nữ. Chúa Giêsu không đưa ra một đường hướng về luân lý, và cái được phép hay không được phép, cũng không phải về cách áp dụng một lề luật. Chúa đưa ra một “lý tưởng” để con người nhìn vào “kế hoạch của Thiên Chúa về người nam và người nữ”. Và người ta sẽ không bao giờ khám phá hết được lời quả quyết lạ lùng này của Thánh Kinh: “Chúng ta sẽ dựng nên con người giống hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta… Và Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh mình, theo hình ảnh Thiên Chúa, Người đã dựng nên nam và nữ, Người đã dựng nên họ” (St 1, 20-27); “Vậy là điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10, 9).

GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Ngày 22-11-1981, Chân phước Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã công bố Tông Huần “Các nhiệm vụ của gia đình công giáo trong thế giới ngày nay” bắt đầu bằng chữ “Familiaris consortio” vào thời đại chúng ta, “cộng đồng gia đình”. Đây là kết quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục họp tại Rôma từ ngày 16 đến ngày 25 tháng 10 năm 1980. Chân phước Gioan Phaolô II đã trình bày một tổng hợp rộng rãi về gia đình Kitô.

– Được gọi ra đời vì tình thương, con người được gọi để yêu thương. Tình yêu là ơn gợi căn bản và bẩm sinh của mọi nhân vật.

– Chính trong kinh nghiệm gia đình mà con người được gọi để sống và thực hiện một cách ưu việt ơn gọi căn bản đó về tình yêu.

– Người nam và người nữ gắn liền với nhau dựa trên niềm tin Thánh Kinh và một Thiên Chúa đã dựng nên con người “theo hình ảnh mình”.

   Ba tư tưởng này liên kết với nhau và chi phối toàn bộ văn kiện.

Vào lễ kính Thánh Gia năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết: “Tôi mời gọi tất cả anh chị em dâng Thánh lễ này như một sự tiếp nối lễ Giáng sinh. Chúa Giêsu xuống thế làm người để đem lòng nhân hậu và tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới… Có thể nói, chính mái ấm gia đình là cánh cửa Đấng Cứu thế đi qua để bước vào trần gian. Chúa đã ban cho cuộc sống yêu thương và thông hiệp của gia đình ơn cao trọng là được phản chiếu cách đặc biệt về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Ơn cao trọng này cũng là một ơn gọi tuyệt vời và trách nhiệm rõ rệt đối với đời sống gia đình…” (Sứ điệp đến Đức hồng y Antonio Rouco Varela, Tổng giám mục Madrid, 27-12 – 2012)

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khuyên các gia đình: “Anh chị em đừng chiều theo những xu hướng thế gian đang đe dọa kho báu gia đình. Anh chị em phải giữ gìn kho báu ấy ngày này qua ngày khác”.

Khi nói về gia đình trong tương quan với đức tin, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “mối liên kết giữa người ta với nhau mạnh mẽ như thế nào khi có Thiên Chúa hiện diện giữa họ” (Lumen Fidei 50). “Môi trường đầu tiên trong đó đức tin chiếu sáng xã hội người ta là gia đình”. Ngài mời gọi chúng ta hãy biến gia đình mình trở thành nơi dành cho hiệp thông và căn phòng dành cho cầu nguyện, nên ngôi trường thực sự giảng dạy Phúc âm và thành những Giáo hội tại gia bé nhỏ. Tất cả các gia đình đều có tính chất linh thánh và bất khả xâm hại, đều là những công trình tuyệt đẹp trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Thư Chung của HĐGMVN gửi Cộng đoàn Dân Chúa tại Việt Nam ngày 10.10.2013 có viết: “Hãy cùng nhau Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình…” (số 5). Để thực hiện những mục tiêu trên, xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin mừng” (số 6). Như thế, các gia đình Kitô hữu, noi gương và bước theo Gia đình Thánh: Giêsu-Maria-Giuse luôn xin vâng theo chương trình cứu độ của Chúa Cha (số 1), nguyện để cho gia đình mình được Phúc Âm hoá, nghĩa là được thánh hoá nhờ làm cho Đấng Thánh Con Thiên Chúa hiện diện sâu đậm hơn trong gia đình (số 2-7), để rồi đồng thời mình cũng tham gia vào sứ vụ Phúc Âm hoá của Hội Thánh trong Thánh Thần đổi mới (số 8-12).

GIA ĐÌNH KITÔ HỮU “HỘI THÁNH TẠI GIA”

Năm Phúc Âm hóa các gia đình, chúng ta hãy nhìn ngắm và theo gương Thánh Gia Thất, Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu đã chu toàn bổn phận và chức vụ của mỗi người đối với Thiên Chúa và với nhau. Thánh Gia đã trải qua bao nhiêu khó khăn, sóng gió, đe dọa đến tính mạng, cũng gặp cảnh lo lắng buồn sầu như bao nhiêu các gia đình. Chúa Giêsu đã dùng 30 năm trong số vỏn vẹn 33 năm ở trần gian để sống trong gia đình Nadarét. Cha mẹ Chúa Giêsu là những người miền Bắc, nhưng vào các ngày đại lễ hàng năm, cả Ba Đấng cùng lên Đền thờ Giêrusalem dự lễ. Đó là những chi tiết mang nhiều ý nghĩa cho các gia đinh kitô hữu chúng ta.

Gia đình Kitô hữu được xây dựng trên nền tảng bí tích Hôn phối, gia đình là “Hội Thánh tại gia” là nơi đầu tiên để dạy cho các con cái Chúa học cầu nguyện “với tính cách là Hội Thánh” và kiên trì trong việc cầu nguyện.

Giáo hội kêu gọi các bậc làm cha mẹ hãy là những nhà giáo dục, biến gia đình mình thành mái trường đầu tiên của đời sống xã hội, của tình yêu, của ban tặng chính mình, của sự tự do công bằng trước những của cải vật chất, và cả việc giáo dục về cảm xúc và giới tính. Gia đình kitô giáo phải là mái trường thứ nhất của sự cầu nguyện và đời sống chung trong Giáo hội. Vì bằng sức mạnh từ lời cầu nguyện, gia đình sẽ trở thành một cộng đoàn các môn đệ và nhà truyền giáo của Chúa Kitô… Qua những kinh nghiệm về đức vâng lời của đạo làm con đối với Thiên Chúa, lòng trung tín và quảng đại trong việc chào đón trẻ nhỏ, chăm sóc cho người yếu ớt và sẵn lòng tha thứ, gia đình sẽ trở thành một đời sống Tin Mừng mà tất cả mọi người có thể đọc được. Có nhiều ông bố bà mẹ than rằng vì bận rộn làm ăn nên bỏ trễ việc đạo. Đây là một quan niệm sai lầm, tách đời ra khỏi đạo, chia cách việc làm với đạo đức mà không nhớ rằng con người có hồn có xác, chúng ta dành hết thời giờ để lo cho thân xác mà không chút mảy may dành cho tâm hồn, thật bất cân xứng. Dĩ nhiên người bận rộn làm việc thì không có nhiều giờ để đọc kinh, để đến nhà thờ. Nhưng mỗi sáng dành ra vài phút để cầu nguyện, mỗi tối dành vài phút đọc kinh nữa, Chúa nhật thu xếp đi lễ khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, như vậy đâu phải là nhiều. Và thậm chí nếu mình quá bận rộn thực sự để không thể làm những việc đó thì Chúa cũng không bắt tội chúng ta, Chúa chỉ bắt tội lười có thể làm mà không làm thôi.

Xin kể một câu chuyện một bác lái đò chở một nhà bác học trên thuyền. Hai tay bác đặt trên hai mái chèo. Một mái chèo có đề chữ: “Cầu nguyện”. Mái kia có chữ: “Làm việc”. Thấy thế, nhà bác học tò mò hỏi bác lái đò, cần gì cái mái chèo cầu nguyện. Một mái chèo làm việc là đủ rồi. Bác lái đò nghe theo, ngừng mái chèo cầu nguyện, mũi thuyền quay trái phải, ì ạch không tiến lên được. Nhà bác học thầm nghĩ: “ À, ra là thế!” Và bác lái hoạt động trở lại với hai mái chèo để chở nhà bác học tới bờ.

Chúng ta cùng nhau phó thác gia đình chúng ta cho Thánh Gia Thất nâng đỡ phù trì, để trong Năm Phúc Âm Hóa Gia Đình, mỗi gia đình chúng ta với ơn Chúa giúp, trở nên gia đình như lòng Chúa và Giáo hội mong muốn.

Lm. Antôn nguyễn Văn Độ

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …