Home / Chia Sẻ / GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

 

 

I/Chiêm ngưỡng Thánh Gia

Thánh Gia cũng như bao gia đình khác, đã trải qua rất nhiều sóng gió và thử thách:

1. Còn thử thách nào lớn hơn là cảnh nghèo. Vì nghèo mà biết bao gia đình sinh ra bất hòa, ấy thế mà Thánh Gia đã phải trải qua những kinh nghiệm đau đớn của kiếp nghèo. Bị xua đuổi, bị hất hủi đến nỗi phải trú ngụ trong chuồng bò lừa. Thê thảm hơn nữa, phải sinh con giữa bầy súc vật, không giường chiếu chăn màn.

2. Còn gì buồn hơn là bị thù ghét, săn đuổi? Thánh Gia sống hiền lành, khiêm nhường, thế mà phải chịu đựng sự thù ghét của Hêrôđê. Vừa sinh ra, còn non nớt đã phải bồng bế nhau chạy trốn, xa quê hương.

3. Còn cảnh nào bi đát bằng cảnh vợ chồng hiểu lầm nhau? Thế mà Thánh Giuse đã hiểu lầm Đức Mẹ, khi Đức Mẹ thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Ai đã trải qua cảnh nghi ngờ bị phản bội sẽ hiểu Thánh Giuse đã bị dày vò đau đớn đến mức nào.

4. Còn gì khiến Cha Mẹ buồn hơn khi thấy con cái chưa ngoan ngoãn vâng lời, bỏ nhà ra đi? Vậy mà Thánh Giuse và Đức Mẹ đã phải chứng kiến cảnh đứa con ngoan của mình tự động ở lại Đền Thờ mà không xin phép Cha Mẹ. Các Ngài rất vất vả, lo âu tìm kiếm và buồn phiền vì lạc mất con. Làm sao các Ngài tránh khỏi buồn phiền, nghĩ rằng người con mà các Ngài rất yêu quý đã cãi lời Cha Mẹ?

II/Bí quyết bảo vệ Hạnh phúc Gia đình

Trước những sóng gió xảy đến cho gia đình, làm sao các Ngài vượt qua được mà vẫn giữ được hạnh phúc gia đình?

5. Trước hết các Ngài luôn tìm thánh ý Chúa. Mỗi khi gặp gian nan thử thách, các Ngài không tìm ý riêng mình, cũng không tìm ý thích của người đời nhưng luôn tìm ý Chúa mà thực hiện. Tìm ý Chúa mạc khải trong Kinh Thánh, qua các biến cố xảy ra. Tâm sự với Chúa trong giờ cầu nguyện. Hỏi ý kiến Chúa nơi các vị Bề Trên.

6. Khi biết được thánh ý Chúa, các Ngài mau mắn vâng lời, Đức Mẹ muốn giữ mình đồng trinh, nhưng khi biết ý Chúa muốn cho Người làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Đức Mẹ liền thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng lời thiên sứ truyền.” Thánh Giuse đang muốn bỏ đi, nhưng khi biết ý Chúa muốn cho Người ở lại. Người đã vâng lời ngay không ngần ngại.

7. Sau cùng, các Ngài luôn quên mình vì hạnh phúc của mọi người trong gia đình. Thánh Giuse tuy là gia trưởng, nhưng đã hết tình phục vụ Đức Mẹ và Đức Giêsu. Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng lại xưng mình là tôi tớ của Thiên Chúa. Còn Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng lại trở thành người con bé nhỏ nhất trong gia đình, luôn vâng phục Cha Mẹ.

III/Thánh Kinh dạy thế nào về bổn phận người con, kẻ làm Cha Mẹ, người vợ, người chồng.

8. Về bổn phận người con:

+              Lời Chúa trong sách Huấn ca dạy những người con:

“Ai kính sợ Đức Chúa thì hiếu thảo với Cha Mẹ và ai hiếu thảo với Cha Mẹ sẽ được đền bù tội lỗi, khi cầu nguyện được Chúa nhậm lời, nhất là được trường thọ. Đây là phần thưởng dành cho người con hiếu thảo” (Hc 3,2-6.12-14).

+              Lời Chúa trong thư Êphêsô dạy:

“Kẻ làm con, hãy vâng lời Cha Mẹ theo tinh thần của Chúa vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính Cha Mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: “để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mật đất này” (Eph 6.1-3).

9. Bổn phận của kẻ làm Cha Mẹ

“Những bậc làm Cha Mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Eph 6,4).

10. Về bổn phận của vợ chồng

+              Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Êphêsô dạy:

  • Người vợ phải phục tùng chồng như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô.
  • Người làm chồng phải yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh. Người chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình”.

(Eph 5,21-28).

+                             Lời khuyên dạy của Thánh Phaolô về cuộc sống hòa hợp:

“Anh em hãy có lòng thương cảm nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòanhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có điều gì phải phiền trách người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái. Đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”. (Col 3,12-14).

  • Khi có lòng thương cảm và nhân từ, chúng ta sẽ dễ cảm thông với những lỗi lầm thiếu sót và yếu đuối của nhau.
  • Khi có khiêm tốn, chúng ta cũng biết nhận ra các lỗi lầm khuyết điểm, những yếu kém của mình, chứ không luôn cho mình đúng, hay giỏi để lớn tiếng chỉ trích, lên án và kết tội người khác. Người khiêm tốn dễ châm chước cho người khác và sẵn sàng xin lỗi, làm hòa và đền bồi sửa chữa.
  • Khi có dịu hiền và kiên nhẫn, chúng ta không nóng giận, gay gắt với người khác, biết chịu đựng mọi thiếu sót, sơ suất, vì ý thức rằng người khác cũng phải chịu đựng mọi thiếu sót và sai quấy của mình.
  • Khi có tha thứ cho nhau, gia đình mới là tổ ấm cho con cái vui sống, phát triển và hạnh phúc.

IV/Kết

Lời Chúa mà chúng ta suy niệm và ơn Chúa ban cho mỗi ngày sẽ giúp chúng ta tập được các nhân đức trọn lành này và giúp cho các gia đình được tràn đầy hạnh phúc.

11. Một gia đình mà mọi thành phần đều biết kính sợ Chúa, biết yêu thương và tôn trọng nhau, biết hy sinh cho nhau, biết tha thứ cho nhau và sống cho nhau, sẽ là một gia đình được tràn đầy phúc lành và sức sống thần linh của Thiên Chúa, báo hiệu một cuộc sống đầy hạnh phúc trong gia đình.

LM GB. Võ Văn Ánh 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN