Home / Chia Sẻ / GHEN TỨC

GHEN TỨC

Ghen Ăn Tức Ở Mang Thêm Khổ Sở

Nhịn Nhục Yêu Thương Nhận Lấy An Vui

GHEN TỨCĐó là lẽ tất nhiên, không chỉ trong đạo mà ngoài xã hội cũng vậy. Nhưng đâu dễ mấy ai thanh thản sống được như vậy, bởi vì cuộc sống vốn dĩ nhiêu khê, luôn phải cố gắng không ngừng để chiến thắng chính mình.

Thật hay khi Việt ngữ nói Ghen Tức – vì GHEN và phát TỨC. Thật vậy, ngu dốt thì bị khinh, thông minh thì bị ghét; nịnh hót thì đắc thắng, nói thẳng thì thua oan. Vấn đề “ghen ăn, tức ở” là chuyện thường thấy trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống đời thường – kể cả trong tôn giáo. Ghen tương (ghen tuông) là trạng thái cảm xúc bình thường. Nó chỉ bất thường khi người ta không kiểm soát được sự bùng phát dữ dội của nó, khiến bản thân và đối tác kiệt sức.

Tacitus (56–117 TCN), nhà sử học lỗ lạc của đế quốc Rôma cổ đại, nói: “Khi đầy lòng ghen tị, người ta chê bai mọi thứ, dù tốt hay xấu.” Thật vậy, “béo chê béo trục béo tròn, gầy chê xương sống xương sườn giơ ra.” (ca dao) Thế thì cỡ nào cũng… “chết.” Nếu người ta không ghen ghét ai, không cầu cạnh ai, không chờ đợi sự khen ngợi, không cho “cái tôi” vùng lên, chắc chắn làm gì cũng tốt lành.

Một số người cho rằng ghen tuông là cách thể hiện để người khác biết rằng họ muốn được yêu thương, được chăm sóc – giống như đứa trẻ hờn dỗi hoặc tức giận. Tuy nhiên, có mặt tiêu cực của ghen tuông: nó cho thấy sự kém tự tin, tự đánh giá thấp giá trị bản thân, hoặc các vấn đề tiềm ẩn trong mối quan hệ giữa đôi bên.

Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe nói tới luật “Nhân – Quả.” Luật gì? Nhân Quả là một phạm trù dùng để chỉ mối liên hệ nguồn gốc tất yếu của các hiện tượng, trong đó hiện tượng này (nguyên nhân) sản sinh ra hiện tượng khác (kết quả). Người Việt cũng có khái niệm Nhân Quả khi nói: “Ở hiền gặp lành” (tích cực), “Gieo gió gặt bão” (tiêu cực), hoặc “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.” Người Anh cũng có cách nói tương tự: “You reap what you sow.” (Bạn gặt những gì bạn gieo.) Có lẽ cũng có thể so sánh luật Nhân Quả tương tự loại vũ khí Boomerang của thổ dân Úc, ném đi rồi nó lại quay về mình. Người Việt gọi là “gậy ông đập lưng ông.”

Trong đời sống, nguyên lý Nhân Quả diễn ra theo quá trình mà “phần biết” và “phần được biết” chỉ là sự phân lập từ một tổng thể là “cái biết,” vì thế hiện tượng mà nó tạo ra được gọi là “hiện tượng nội sinh” – loại hiện tượng gọi là “karma” (nghiệp, nghiệp chướng – theo Phật học). Phật giáo quan niệm rằng hiện tượng này không do đấng quyền năng tối cao hoặc thế lực siêu nhiên chi phối, cho nên “nhân quả” được xem là nguyên lý quan trọng nhất của đời sống, khi các vấn đề trong đời sống được tìm hiểu từ bản chất của nó. Tất nhiên không phù hợp với Công giáo.

Theo hướng đó, chúng ta thường nói: “Ác giả ác báo.” Câu này được  rút gọn từ câu ngạn ngữ Trung Hoa: “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai.” Trong đó, “ác giả” là người xấu, sự dữ; “ác báo” là sự xấu đáp lại; “thiện giả” là người tốt, việc tốt; “thiện lai” là điều lành đáp lại. “Ác giả ác báo” nghĩa là người làm việc ác thì gặp điều ác báo lại, hoặc việc ác này sẽ bị việc ác khác báo lại – thường gọi là “quả báo.” Câu này nêu lên sự ảnh hưởng tương tác của hành động, ngụ ý khuyên người ta chớ làm việc ác để tránh sự dữ, và nên ăn ở hiền từ để gặp sự lành: “Ở hiền gặp lành.” Người Tây phương cũng có một câu theo tinh thần Kinh Thánh: “Kẻ nào đào hố bẫy ai thì kẻ đó sẽ rơi xuống hố.” Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Rõ ràng thực chất con người rất tâm linh.

Trình thuật Is 5:1-7 là “Bài Ca Vườn Nho,” với ca từ giản dị: “Tôi xin hát tặng bạn thân tôi, bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình. Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ. Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, Giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho. Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại. Vậy bây giờ, dân Giêrusalem và người Giuđa hỡi, Xin phân xử đôi đàng giữa tôi với vườn nho. Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại? Vậy bây giờ, tôi cho các người biết tôi đối xử thế nào với vườn nho của tôi: Hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo.”

Đời nông dân vất vả khổ cực nên luôn muốn điều tốt, thế mà điều xấu lại xảy ra với họ. Họ luôn muốn lúa và hoa màu tốt tươi để có vụ bội thu, thế mà có khi mùa màng lại thất bát, thậm chí có khi bị trắng tay vì bão lụt hoặc bị kẻ xấu chặt phá. Thật oan ức khi phải chịu bất công, cứ phải cắn răng sống chung với “cỏ lùng.” (Mt 13:24-30) Tác giả “Bài Ca Vườn Nho” kể cho người bạn thân nghe biết về vườn nho của mình, muốn có nho tốt mà lại chỉ thấy nho dại. Thất vọng ê chề, nhưng đành phải chặt phá hàng giậu cho “vườn bị tan hoang” và đập đổ tường cho “vườn bị giày xéo.” Khổ tâm lắm!

Kinh Thánh ví Nước Trời với nhiều thứ, “vườn nho” là một trong các thứ đó. Thánh Vịnh gia cho biết: “Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai Cập, đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng.” (Tv 80:9) Vì là giống tốt nên “bóng um tùm phủ xanh đầu núi, cành sum sê rợp bá hương thần, nhánh vươn dài tới phía đại dương, chồi mọc xa đến tận miền Sông Cả.” (Tv 80:12) Thế nhưng bất ngờ xảy ra điều khác thường: “Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ? Khách qua đường mặc sức hái mà ăn! Heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang.” (Tv 80:13-14)

Thế là vườn hoang, nhà trống, nhưng không phải bởi chủ nhân bất cẩn hoặc bỏ mặc, mà vì kẻ xấu. Ai vậy? Chẳng còn ai trồng khoai đất này nữa, chính các tội nhân chúng ta đã làm hư hại Vườn Nho của Thiên Chúa. Với tâm tình yêu thương của Đấng giàu lòng thương xót, Thánh Vịnh gia vẫn chân thành cầu xin: “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh.” (Tv 80:15-16) Lời trần tình tha thiết và da diết lắm!

Và không chỉ cầu nguyện với tư cách cá nhân, Thánh Vịnh gia còn đại diện cho cả nhân loại mà thề hứa trước Tôn Nhan Thiên Chúa: “Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu, cúi xin Ngài ban cho được sống, để chúng con xưng tụng danh Ngài. Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ.” (Tv 80:19-20) Thiên Chúa đã thương xót mà bỏ qua tất cả, chúng ta lại diễm phúc được làm con cái Ngài và được thừa kế gia nghiệp của Ngài. Chúng ta không thể không tạ ơn Ngài, đó cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Thiên Chúa uy quyền, thẳng thắn và không thiên vị, nhưng Ngài rất nhân hiền, không chấp lách, chỉ cần chúng ta biết chân thành nhận lỗi là Ngài tha thứ ngay. Thật vậy, Thánh Phaolô động viên: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.” (Pl 4:6-7) Ôi, thế thì còn gì bằng, không lo chẳng sợ chi nữa. Noi gương Thiên Chúa, Thánh nữ Clara cũng đã từng nói với các nữ tu: “Đừng sợ! Hãy tín thác vào Chúa Giêsu!” Tuy nhiên, chớ thấy vậy mà ỷ lại hoặc ảo tưởng, vì đó là kiêu ngạo. Thiên Chúa không muốn ở gần kẻ kiêu ngạo.

Ngoài ra, Thánh Phaolô còn căn dặn: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.” (Pl 4:8-9) Hai mệnh lệnh cách “hãy để ý” và “hãy đem ra thực hành” rất quan trọng. Đó là điều chúng ta phải cố gắng ý thức và ghi nhớ. Ngắn gọn và đơn giản nhưng không dễ thực thi chút nào!

Trình thuật Mt 21:33-43 (≈ Mc 12:1-12 và Lc 20:9-19) là dụ ngôn “Những Tá Điền Sát Nhân.” Đó là câu chuyện rất thực tế. Trong đó cũng có vấn đề liên quan lòng đố kỵ và ghen tức. Con gà còn tức nhau tiếng gáy huống chi con người – sinh vật cao cấp có lý trí và tự do. Cái “ghen tức” của con người rất đáng sợ, bất chấp và dám làm mọi việc ác – kể cả sát hại – để cái tôi của mình lấn át người khác.

Chúa Giêsu kể một dụ ngôn liên quan sự ác độc của con người: Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền lần lượt bắt các đầy tớ của ông: Chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng chúng sẽ nể người con đó. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. Đúng là “trẻ không tha, già không thương, thấy ai cũng xốn con mắt.”

Khi đó, Chúa Giêsu thản nhiên hỏi họ: “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” Họ đồng thanh: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.” Có lẽ lúc đó Đức Giêsu vừa cười vừa gật đầu vì thấy họ nói đúng, rồi Ngài đặt vấn đề: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” Ngài biết họ là những kinh sư và thầy thông luật, thuộc Cựu Ước làu làu, dẫn chứng câu nào đoạn nấy rất rạch ròi, thế nên Ngài “nhắc khéo” họ về Thánh Vịnh: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường.” (Tv 118:22) Họ có tiếng là “có cả bụng chữ” nhưng họ chỉ thuộc mặt chữ chứ chẳng hiểu ý nghĩa thâm sâu.

Cuối cùng Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi, KHÔNG cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt 21:43) Đó cũng là lời Đức Giêsu Kitô đang “nhắc khéo” mỗi chúng ta về cách hành xử với Thiên Chúa và với tha nhân, đặc biệt là những người “yếu kém” hơn mình, về cả vật chất lẫn tinh thần. “Đá Tảng” đó là gì hoặc là ai? Không còn ai trồng khoai đất này, đó chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết để cứu độ chúng ta, mà chính tay chúng ta cũng nhúng chàm, mỗi chúng ta cũng là thủ phạm đã giết Con Thiên Chúa. Chúng ta không trực tiếp đóng đinh Ngài, nhưng chúng ta trực tiếp sát hại Ngài khi chúng ta “giết” tha nhân bằng nhiều loại đinh nhọn và sắc bén: Lời nói, ánh mắt, cử chỉ, thái độ, mưu mô,… thậm chí là hành động.

Ngày nay, chính Chúa Giêsu lại một lần nữa cảnh báo mỗi chúng ta: “Ai ngã xuống ĐÁ này, kẻ ấy sẽ tan xương; ĐÁ này rơi trúng ai sẽ làm người ấy nát thịt.” (Mt 21:44) Thật đáng sợ, không là lời ngăm đe hoặc hù dọa. Đúng là đáng sợ thật, bởi vì Chúa Giêsu đã có lần cảnh cáo: “Nếu không sám hối thì sẽ chết hết.” (Lc 13:3) Ai cũng là tội nhân, vấn đề hơn thua nhau chỉ là biết nhận lỗi và có sám hối hay không. Chỉ có cách là xì hơi “bong bóng cái tôi” để có thể không Ghen và không Tức.

Các hiền triết cũng có quan niệm giống nhau về khái niệm “ác giả, ác báo.” Đó là một dạng ý thức hệ. Khổng Tử nói: “Vi thiện giả, thiên báo chi dĩ phúc; vi bất thiện giả, thiên báo chi dĩ họa.” (Người làm điều tốt lành thì trời lấy phúc báo đáp lại người đó, kẻ làm điều không tốt lành thì trời lấy họa báo đáp lại kẻ đó.) Còn Trang Tử nhận định: “Nhất nhật bất niệm thiện, chư ác tự giai khởi.” (Nếu một ngày không nghĩ đến điều thiện, mọi điều ác sẽ tự dấy lên.) Và sách “Minh Tâm Bửu Giám” ghi: “Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác.” (Làm việc thiện sẽ được điều tốt, làm việc ác sẽ gặp điều xấu.) Các hiền triết cũng chỉ là phàm nhân mà họ vẫn có thể nhận biết như vậy, tư tưởng gần gũi với Đức Kitô, họ đúng là thánh nhân rồi, thật đáng khâm phục và đáng để chúng ta noi gương. Các tư tưởng lớn sẽ “gặp nhau” vào một lúc nào đó.

Sự ghen tức liên quan cơn nóng giận. Kinh Thánh nói: “Người chậm giận thì đầy sáng suốt, kẻ nóng tính để lộ cái dại khờ. Áp bức người yếu thế là sỉ nhục Đấng tạo thành nên họ, thương xót kẻ khó nghèo là tôn kính Đấng dựng nên người đó.” (Cn 14:30 và 31)

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con nhận ra con bất trác và bất túc để không ảo tưởng, Xin giúp con biết khiêm hạ và sẵn sàng hành động theo Ý Ngài. “Xin giúp con đơn giản hóa cuộc sống bằng cách nhân biết Ngài muốn con là gì và trở thành con người đó.” (Thánh Teresa Hài Đồng) Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …