Home / Chia Sẻ / FÁTIMA – ĐỨC MẸ và HỒI GIÁO

FÁTIMA – ĐỨC MẸ và HỒI GIÁO

FATIMA - ĐỨC MẸ & HỒI GIÁOChúng ta nhìn vào tầm quan trọng siêu nhiên của năm 1917 là năm có hai cuộc cách mạng: một chống lại Thiên Chúa và một phục hồi mọi thứ trong Thiên Chúa qua Đức Mẹ – vì thời đại Maria chưa từng thấy từ năm 1830 đã được xác định. Chúng ta xem chủ nghĩa cộng sản vô thần ở tâm điểm của sự ác trên thế giới như thế nào khi nó loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi xã hội và giảm con người xuống theo giá trị thực tế (theo thuyết vị lợi – utilitarianism) được nhà nước xác định. Qua đó, chúng ta suy nghĩ về tầm quan trọng của Đức Maria trong thế giới hiện đại với bối cảnh riêng của “các dấu chỉ thời đại”, tầm quan trọng này đã được chính Đức Kitô đã chỉ ra.

Nếu có ai nghi ngờ rằng chúng ta đang sống tại thời điểm quan trọng của lịch sử, lúc mà các nguyên tắc đối với linh hồn của gia đình nhân loại không còn được đề cao như trước, hãy chú ý tiếng nói tiên tri của Thánh GH Gioan Phaolô II, ngay trước khi ngài trở thành giáo hoàng: “Chúng ta đang ở trước cược đối đầu lịch sử lớn nhất mà nhân loại đã trải qua. Tôi không nghĩ rằng các phạm vi rộng lớn của Mỹ hoặc của cộng đồng Kitô giáo nhận thức đầy đủ về điều này. Hiện nay chúng ta đang đối mặt với cuộc đối đầu cuối cùng giữa Giáo Hội và những người chống Giáo Hội, giữa Tin Mừng và những người phản Tin Mừng, giữa Đức Kitô và những người phản Kitô. Cuộc đối đầu này nằm trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Do đó, theo kế hoạch của Thiên Chúa, phải có một cuộc thử thách mà Giáo Hội phải chịu, và can đảm đối mặt…” (Hồng y Karol Wojtyla, Đại Hội Thánh Thể, Philadelphia, Hoa Kỳ, 1976).

Trong “cuộc đối đầu lịch sử” này, Đức Maria trở lại từ đầu vì sự thù địch này: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3:15). Chúng ta tiến nhanh tới sách Khải Huyền, tấm màn bao quanh sự thù địch này được bỏ đi, và con rắn quỷ quyệt lúc này hiện hình là con rồng, nó tấn công “người nữ” và con cháu của phụ nữ này.

Một điềm lạ vĩ đại: “Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao… Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người. Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày. Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Mi-ca-en và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến… Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó” [Kh 12:1, 3-7, 9].

Nói cách khác, tại tâm điểm của cuộc đối đầu lịch sử là “người nữ mặc áo mặt trời và chân đạp mặt trăng” chống lại “con rồng đỏ to lớn”. Vì thế, khi Đức Maria được gởi tới thế giới, đặc biệt là thường xuyên, có hai điều nên nghĩ đến ngay: Đức Mẹ cảnh báo chúng ta về một cuộc chiến dữ dội chống lại con rồng, và cơ hội tốt để có ân sủng bởi vì Đức Mẹ là Hiền Thê bất khả phân lý của Chúa Thánh Thần và Mùa Vọng Đức Kitô. Điều này tạo nên chiến thắng của Đức Mẹ và tiếp theo là “kỷ nguyên hòa bình” đã được Đức Mẹ hứa tại Fátima. Đối với các Kitô hữu chúng ta, thời đại đen tối mới sẽ trở thành cơ hội đem Ánh Sáng của Đức Kitô đến với thế giới.

Đây là lý do mà việc so sánh Đức Mẹ với mặt trăng rất quan trọng vì là dấu hiệu của niềm hy vọng, như Bậc đáng kính HY Fulton Sheen (1895-1979) đã nói: “Thiên Chúa là Đấng tạo nên cả mặt trời và mặt trăng. Mặt trăng không mất ánh sáng từ mặt trời. Mặt trăng chỉ là cục than đen xì trong khoảng bao la của không gian nếu nó không nhờ mặt trời. Ánh sáng của mặt trăng phản chiếu từ mặt trời. Đức Mẹ phản chiếu Thiên Tử Giêsu; không có Ngài, Đức Mẹ chỉ là không. Nhờ Ngài, Đức Mẹ là Mẹ của nhân loại. Trong đêm tối đen, chúng ta biết ơn mặt trăng; khi chúng ta thấy nó chiếu sáng, chúng ta biết chắc phải có mặt trời. Vì thế, trong đêm tối của thế giới, khi nhân loại quay lưng lại với Đấng là Ánh Sáng Thế Giới, chúng ta cầu xin Đức Mẹ hướng dẫn trong lúc chúng ta chờ đợi bình minh” (The World’s First Love – Mối Tình Đầu của Thế Giới, chương 5, đoạn cuối).

Khi chúng ta lê bước trong “thung lũng nước mắt” mà chờ đợi bình minh, chúng ta đối mặt với một mối đe dọa khác đối với hòa bình thế giới và niềm tin Kitô giáo mà sứ điệp Fátima đã ám chỉ – đó là Hồi giáo. Cộng sản là mối đe dọa minh nhiên về chính trị và triết học, nhưng mối đe dọa minh nhiên về tôn giáo được ám chỉ bằng tên của chính vị trí mà Đức Mẹ hiện ra: Fátima.

Khi kỷ niệm bách chu niên Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ chăn chiên tại Fátima, có một phương diện ít được chú ý là mối liên quan tinh tế giữa Fátima và Hồi giáo.

TP Fátima có một lịch sử thú vị, như ĐHY Fulton Sheen giải thích: “Hồi giáo chiếm giữ Bồ Đào Nha nhiều thế kỷ. Lúc họ bị đuổi đi, thủ lãnh Hồi giáo cuối cùng có cô con gái xinh xắn được đặt tên là Fátima. Một thanh niên Công giáo phải lòng cô này, và vì anh ta nên cô này không chỉ ở lại khi quân Hồi giáo rút đi mà còn theo đạo. Người chồng trẻ quá yêu vợ nên đổi tên thành phố nơi anh ta sống thành Fátima. Như vậy, chính nơi Đức Mẹ hiện ra năm 1917 có mối liên quan lịch sử với cô gái Fátima – con của Mohammed” (The World’s First Love, chương 17, đoạn 14).

Trong khi chủ nghĩa cộng sản là mối đe dọa cho Kitô giáo từ bên trong – bằng cách ăn cắp linh hồn, Hồi giáo là mối đe dọa từ bên ngoài, vì theo lịch sử, Hồi giáo phát triển qua sự sợ hãi và sự ép buộc. Nhờ Đức Mẹ hiện ra tại nơi có liên quan minh nhiên tới Hồi giáo, thậm chí có liên quan với người sáng lập Hồi giáo, Đức Mẹ cho thấy Con Ngựa Thành Troa về tâm linh để nhờ đó họ có thể trở lại. Điều thứ nhất trong chiếc áo giáp của Hồi giáo là các tín đồ Hồi giáo chia sẻ niềm tin về ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đồng Trinh. ĐHY Fulton Sheen cho biết: “Trong chương 19 của kinh Koran có 41 câu nói về Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Có sự bảo vệ mạnh mẽ sự đồng trinh của Đức Mẹ như thế vì kinh Koran, trong cuốn thứ tư, kết án người Do Thái đã vu khống Đức Trinh Nữ Maria” (The World’s First Love, chương 17, đoạn 10).

Một điều khác trong chiếc áo giáp của Hồi giáo là vì Đức Mẹ. Trong các bản văn của Hồi giáo, trong khi Chúa Giêsu được đánh giá không hơn một tiên tri của Thiên Chúa, Đức Mẹ vẫn được đánh giá cao hơn Fátima, con gái của Mohammed. Vì thế, cách Thiên Chúa gởi Thân Mẫu Ngài tới một thành phố mang tên của một phụ nữ được đánh giá nhất trong Hồi giáo, sau Đức Maria, không là điều ngẫu nhiên. ĐHY Fulton Sheen đã có cách liên kết tương tự: “…Đức Mẹ hiện ra ở ngôi làng bé nhỏ Fátima để mọi thế hệ tương lai nhận biết Người là Đức Mẹ Fátima. Vì không có gì xảy ra ngoài Thiên Đàng except with a finesse of all details, tôi tin rằng Đức Mẹ muốn người ta biết Tôn Danh của Người là ‘Đức Mẹ Fátima’ như một lời hứa và một dấu chỉ của niềm hy vọng đối với người Hồi giáo và bảo đảm rằng, với lòng tôn kính Đức Maria, họ cũng sẽ chấp nhận Con Yêu Dấu của Đức Mẹ vào một ngày nào đó” (The World’s First Love, chương 17, đoạn 12).

Do đó, làm sao chúng ta đưa Con Ngựa Thành Troa này của Đức Mẹ vào Hồi giáo? ĐHY Fulton Sheen đưa ra cách giải quyết có thể làm nhiều người ngạc nhiên:

“Trong tương lai, càng ngày càng có nhiều nhà truyền giáo sẽ biết rằng sứ vụ tông đồ của họ giữa những người Hồi giáo sẽ thành công tới mức mà họ rao giảng về Đức Mẹ Fátima. Đức Mẹ là Mùa Vọng trông chờ Đức Kitô và đem Đức Kitô đến với người ta trước khi Đức Kitô sinh ra. Trong mọi nỗ lực tông đồ, tốt nhất là bắt đầu bằng những gì người ta đã chấp nhận. Bởi vì người Hồi giáo sùng kính Đức Maria, các nhà truyền giáo nên mở rộng và phát triển lòng sùng kính này, và hãy biết rằng Đức Mẹ của chúng ta sẽ đem người Hồi giáo đến với Con Yêu Dấu của Mẹ. Đức Mẹ mãi mãi là ‘người phản bội’ theo nghĩa Đức Mẹ sẽ không chấp nhận sự sùng kính nào dành cho chính Đức Mẹ, nhưng sẽ đém bất cứ ai sùng kính Mẹ đến với Chúa Giêsu. Những người không sùng kính Đức Mẹ thì cũng không tin vào thần tính của Đức Kitô, thế nên những người gia tăng lòng sùng kính Đức Mẹ thì cũng phải có niềm tin đó.

…Ngày nay người ta vẫn dùng cách khác, nghĩa là dùng 41 chương của kinh Koran và cho họ thấy rằng kinh Koran được trích từ Tin Mừng theo Thánh Luca, và theo họ, Đức Maria không thể là phụ nữ diễm phúc nhất trong các phụ nữ trên trời nếu Đức Mẹ không sinh Đấng Cứu Thế. Nếu bà Giu-đít và Étte thời Cựu Ước là tiên ảnh (hình ảnh trước) của Đức Maria thì rất có thể Fátima là hậu ảnh (hình ảnh sau) của Đức Mẹ! Các tín đồ Hồi giáo cần được chuẩn bị để biết rằng, nếu Fátima phải nhường lòng tôn kính cho Đức Mẹ bởi vì Đức Mẹ khác hẳn với mọi người mẹ trên thế gian, và nếu không có Đức Kitô thì Đức Mẹ cũng chẳng là gì” (The World’s First Love, chương 17, đoạn 15).

Có lẽ ít có cơ hội để loại “đối thoại” này có thể có các bè phái bạo động dữ tợn của Hồi giáo như nhóm IS, v.v… Tuy nhiên, Đức Mẹ Fátima của chúng ta đã cho biết rằng có một loại vũ khí khác cho những người yêu thích IS mà không kẻ thù nào chịu nổi, đó chính là Chuỗi Mai Côi. Loại “vũ khí” này đã được yêu thích xuyên suốt lịch sử, với các cuộc xung đột giữa Giáo Hội với Hồi giáo và với những phe xấu chống lại Giáo Hội. Hãy vững tin!

Lạ thay, ngoài các Kitô hữu, rất nhiều tín đồ Hồi giáo cũng thích hành hương tới Đền Thánh Fátima. Họ đến để thấy nơi Đức Mẹ đã hiện ra, nơi mang tên một phụ nữ được họ tôn kính nhất.

Đã trải qua 100 năm rồi, Đức Mẹ hiện ra tại Fátima kêu gọi các Kitô hữu cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới. Ngày nay, bạo động xảy ra thường xuyên và nhân danh Hồi giáo, chúng ta càng phải kêu cầu Đức Mẹ Fátima hơn nữa. Chúng ta hãy tiếp tục hành động vì hòa bình thế giới và không ngừng hướng về Đức Mẹ, Đấng là nhịp cầu giữa các tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo, tha thiết cầu xin Đức Mẹ ngăn chặn mối hận thù đã gây ra nhiều bạo lực trên khắp thế giới ngày nay.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ SpiritualDirection.com và Aleteia.org)

Ngày 13-5-2017

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …