Home / Chia Sẻ / ĐƯỜNG GIÊSU, ĐƯỜNG CON ĐI

ĐƯỜNG GIÊSU, ĐƯỜNG CON ĐI

Đường Giêsu 3Trong những ngày đầu tháng 02 năm 1990, có một con đường ở huyện ngoại thành đã được báo chí làm cho nổi tiếng.  Con đường ấy một đầu là giăng ngang biểu ngữ khai trương phòng vật lý trị liệu trá hình, còn đầu kia là sừng sững một khách sạn mini sang trọng làm nhà riêng của người biển thủ, chức danh là giám đốc.  Con đường ấy chợt nổi tiếng vì những vụ tai tiếng.

Từ hai mươi thế kỷ nay, trong Giáo Hội, người ta biết có một con đường thật danh tiếng và luôn luôn nổi tiếng.  Con đường ấy mở ra bằng một tình thương và kết thúc bằng một hạnh phúc.  Con đường ấy trải dài tin yêu để lâng lâng vươn lên sự sống.  Con đường ấy thấp sáng hy vọng để dẫn tới Nhà Cha trên trời.  Đường mở về miên viễn, Đường dẫn đến vĩnh hằng.  Đó là đường mang tên Chúa Giêsu.

  1. Đường hy vọng tin yêu.

Nếu có một câu hỏi được các Tông đồ đặt ra nhiều nhất thì đó phải là câu hỏi thuộc về nơi chốn.  “Thầy ở đâu?” là câu hỏi của Gioan đặt ra trong lần đầu gặp gỡ, để được gọi đến xem và bước vào ơn gọi; “Thầy muốn chúng con dọn lễ Vượt Qua ở đâu?” là câu hỏi của các Tông đồ đặt ra để có được địa chỉ chính xác cho Bữa Tiệc Ly; và hôm nay lại là Tôma nôn nóng bật ra câu hỏi “Thầy đi đâu?” trước một tương lai vẫn còn ẩn khuất.

Bận tâm về nơi chốn là bởi vì trong đời theo Chúa, các ông luôn được dẫn vào những cuộc hành trình, mà cuộc hành trình cuối cùng là tiến về Giêrusalem để chứng kiến Thầy mình chịu chết.  Có khối ông đã coi đây là con đường thất bại của Chúa để trở thành con đường thất vọng của mình.  Mấy năm dài miệt mài theo Chúa những mong có ngày tả hữu vinh quang, nào ngờ Người lại bị đóng đinh như tên tử tội.  Công dã tràng!  Khi mọi vốn liếng hy vọng đặt cả vào canh bạc cuộc đời, rồi bỗng dưng lật ngửa trắng tay, người ta như rớt từ trên cao quay cuồng chao đảo.  Thế mới hay ước vọng thì rộng lớn nhưng khung đời lại chật hẹp mà thực tế lại phũ phàng!

“Thầy đi đâu?” Ẩn sâu dưới câu hỏi ấy là một tâm trạng hoang mang trước một quá khứ vừa mới khép lại mà tương lai chưa kịp mở ra.  Tương lai ấy mới mẻ hay chỉ là quá khứ đươc lặp lại ở thì sẽ đến?  Đã một lần vỡ mộng, các Tông đồ băn khoăn là chuyện thường tình.  Giống như đứa trẻ lỡ một lần phải bỏng, hễ thấy lửa là tự nhiên rụt tay lại.  Vì thế, nghe trong câu hỏi “Thầy đi đâu?” có âm hưởng lo âu tự hỏi “mình đi đâu?”

Thất vọng về quá khứ và hoang mang trước tương lai, đó là những con đường các Tông đồ đã nếm trải.  Nhưng mở đầu Tin Mừng hôm nay lại là lời của Chúa Giêsu: “Các con đừng xao xuyến.”  Đó là lời an ủi vỗ về, đồng thời cũng là lời cắt băng khai mở một con đường mới trong hy vọng tin yêu.

  1. Đường mang tên Giêsu.

“Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.”  Trả lời cho Tôma, cùng lúc Chúa Giêsu để lộ cho biết từ nay chỉ có một con đường duy nhất được mở ra trong ơn cứu độ, và tên gọi con đường ấy lại chính là Người.

Người là Đường Sự Thật bởi Người là Chân Lý, một chân lý sống động khả tín làm nền tảng và hướng đi cho mọi cuộc đời, một thực tại năng động đầy Thần Khí làm sức mạnh giải thoát cho mọi kẻ tin.  Đường Sự Thật không phải là một hệ thống tín điều do Chúa Giêsu thiết định, nhưng là toàn thể cuộc sống lời nói việc làm của Người trong ý nghĩa cứu độ.  Nhưng đâu phải ai cũng nhận ra?  Giữa phiên tòa dịp lễ Vượt Qua, trước mặt Chúa Giêsu, Philatô đã hỏi một câu ngớ ngẩn: “Sự Thật là chi? – Quid est Veritas?”  Chúa Giêsu không trả lời, vì Sự Thật hiện thân chính là Người đứng đó.  Có biết đâu hỏi là đã trả lời, chỉ cần sắp xếp lại thứ tự các mẫu tự sẽ thành hàng chữ: “Est Vir qui adest” (x. Tihamet Toth, Chúa Cứu Thế Với Thanh Niên, p. 95).

Người là Đường Sự Sống bởi Người là Sự Sống thượng nguồn phát sinh các sự sống khác trong công trình sáng tạo, và là Sự Sống cội nguồn mà mọi sự sống khác phải tìm về trong công cuộc tái tạo của ơn cứu độ.  Người thông ban sự sống cho mọi sinh linh, và luôn đi bước trước để lôi kéo mọi người về với Sự Sống của Thiên Chúa.  Người chịu chết để nhân loại được sống, và Người sống lại để mãi mãi mở ra nẻo đường dẫn vào cõi sống.  Mọi sự sống trần gian có thể đổi thay tan biến, nhưng Sự Sống Người là vĩnh cữu trường tồn.  Người hằng sống hằng trị muôn đời.

Người là Đường dẫn tới Nhà Cha bởi Người và Cha không thể tách lìa: Chúa Con ẩn mình trong Chúa Cha, và Chúa Cha tỏ hiện trong Chúa Con.  Vẫn là Một từ ngàn xưa và mãi là Một tới ngàn sau.  Thế nên Đường mang tên Giêsu tất yếu cũng là địa chỉ Nhà Cha, và ngược lại tìm đến Nhà Cha cũng là hành trình vào Đường Sự Thật và Sự Sống.

  1. Đường con đi.

Dẹp bỏ con đường cũ của thất vọng hoang mang để khai mở con đường mới bằng toàn diện con người mình, Chúa Giêsu muốn truyền lại cho các Tông đồ cái kinh nghiệm hiện sinh phong phú liên kết với Cha qua Chân Lý và Sự Sống; đồng thời đó cũng chính là lời mời gọi Giáo Hội cất bước lên đường với những hành trang đi về hạnh phúc.

Đi trên Đường Giêsu là đi bằng cả niềm tin gắn bó hiệp thông của những con người biết mình có một lý tưởng để theo đuổi, và sẵn sàng hy sinh tất cả để đạt được lý tưởng ấy.  Trút bỏ những hành trang cồng kềnh của danh lợi thú, đoạn tuyệt với những ngõ cụt lối mòn sao gợn sỏi đá của cuộc sống khô khan, chấp nhận canh tân để có được bước đi vừa thanh thót vừa thanh thản của đời nhân đức chính là hát lên khúc ca mới trên con đường mới.  Vì lý tưởng ấy chính là lẽ sống, cũng chính là vinh dự một đời: “Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là chủng tộc thánh thiện, Dân riêng của Chúa…” (bài đọc thứ hai).

Đi trên Đường Giêsu cũng là đi bằng niềm hy vọng bền vững.  “Thầy đi dọn chổ cho các con.”  Vận mệnh tương lai đã mở ra.  Không còn xa xôi tít tắp, nhưng đã châm rễ từ cuộc đời này.  Sống hôm nay là chuẩn bị sống ngày mai, và ngày mai tại Nhà Cha đã được định hình ngay từ bây giờ trong bước đường lữ thứ của Hội Thánh ở giữa lòng đời.  Đi trong hy vọng là nhận ra rằng con người được tạo dựng để hướng về một cứu cánh, được tái sinh trong giới hạn nhưng không ngừng hướng về vô hạn.  Thiết tưởng lời kinh của Thánh Augustinô có thể là tóm kết của bước đi hy vọng đã biến thành khát vọng: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con để cho Chúa, nên con mãi khắc khoải cho tới khi được nghỉ ngơi trong Ngài.”

Đi trên Đường Giêsu còn là đi bằng cả tình yêu chan hòa phục vụ.  Bài đọc thứ nhất là hình ảnh đẹp về một Giáo Hội trẻ đang cựa mình vươn vai tiến tới.  Có những phân công khác biệt: kẻ phục vụ bàn thánh, người phục vụ bàn ăn; kẻ chuyên chăm rao giảng Lời Chúa, người chuyên lo hạnh phúc anh em.  Nhưng vẫn là nhịp bước đồng hành.  Có thể nói được rằng tình yêu và phục vụ là đôi chân của Giáo Hội lữ hành đặt bước chân mình trong dấu chân Chúa.  Và cũng có thể hiểu được rằng cách nhìn “con người là con đường của Giáo Hội” (Gioan Phaolô II) chính là tốc độ mới của tình yêu chan hòa phục vụ trên Đường Giêsu hôm nay.

Và lời cuối cùng sẽ là một lời kinh, dệt nên khúc hát hy vọng cho những ai đang băn khoăn tìm kiếm một con đường sống, và biến nên hành khúc tin yêu cho những ai đã một lần cất bước hành trình: “Chúa muốn nhận con đường con đi, nên Ngài đã sinh xuống dương gian.  Chúa đã nhận đôi bàn tay con, dìu từng bước, bước đi trên đường.  Chúa ôi, khi nhìn đời con, con không hiểu từng giọt lệ sầu.  Chúa ôi, khi nhìn đời Ngài, con đã gặp đường hướng con đi.”

ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống

(trích trong “Với Cả Tâm Tình”)

Xem thêm

Lc 3, 15-16. 21-22

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Trời mở ra, Cửa Thánh mở SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (Lc …