Home / Chia Sẻ / ĐỪNG SỢ

ĐỪNG SỢ

 

 

Dungso“Hãy can đảm lên. Thầy đây, đừng sợ” (Mt 14,27)

 

Chỉ đảo qua những bản dịch Kinh Thánh cổ xưa chuyển sang Anh Ngữ, ví dụ bản dịch của Douay-Rheims hay của King James, chúng ta sẽ thấy hạn từ ma (ghost) xuất hiện hơn cả một trăm lần ở mỗi bản dịch.  Các bản dịch này chuyển ngữ từ hạn từ Hy Lạp hagios pneuma thành thuật ngữ “Holy ghost” (ma thánh).  Trong các bản dịch hiện hành, các dịch giả thường sử dụng từ “Holy Spirit” (thần khí).  Từ ngữ “ghost” (ma) trong các văn bản hiện nay chỉ dùng để chuyển ngữ từ tiếng Hy Lạp Phantasma và hạn từ này chỉ xuất hiện trong trình thuật kể lại việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước, như được thuật lại trong Mt 14, 26.  Tuy nhiên, từ ngữ ghost trong bản dịch của Douay-Rheims và King James không ám chỉ ý niệm ma quái, mà  nói về một cuộc thần hiện (apparition) hoặc về sự xuất hiện của thần khí (spirit), thì có lẽ chính xác hơn.

 

Điều này lý giải lý do tại sao ý niệm của từ ngữ này dần dần được chuyển đổi.  Ngày nay, người ta đang dần dần loại bỏ những hình ảnh ma quái trong các phim hoạt hình, trong các câu chuyện cho trẻ em, hay trong các hóa trang ngày lễ Halloween (trước lễ các Thánh).  Vì thế, thuật ngữ holy ghost (ma thánh thiêng) không còn biểu thị cho 2 khía cạnh “thánh thiện và thiêng liêng” nữa.  Ám ảnh sợ hãi không nhất thiết phải gắn liền với hình ảnh ghost (ma).  Dẫu sao, khi người ta dùng từ ngữ phantasma  với ý niệm về ma quái, hoặc về thần hiện, hoặc nói về thần khí, rõ ràng từ ngữ này không nhắm đến một con người bằng xương bằng thịt bình thường xuất hiện trước mặt các môn đệ.  Cho nên, sự liên tưởng khi nhìn thấy một phantasma (có vẻ giống như ma quái) đang đi trên mặt nước khiến các ông khiếp sợ.  Họ la toáng lên “ma kìa” và rất kinh khiếp.

 

Khi có một người lạ hay một người chúng ta không hề quen biết xuất hiện, thường  chúng ta sợ.  Đây là phản ứng tự nhiên của chúng ta cũng như của các tông đồ.  Tuy nhiên, trong lần gặp gỡ này, Đức Giêsu muốn vén mở đôi điều về thần tính của Ngài cho các học trò mình.  Thoạt đầu, Chúa  đi trên mặt nước cách lạ thường không phải nhằm khải thị thần tính của Ngài, cho dù sự kiện đó rõ ràng biểu hiện năng quyền của Ngài có thể thống trị thiên nhiên.  Điều sâu xa Chúa Giêsu muốn truyền đạt cho các môn đệ, giữa lúc các ông đang khiếp hãi, là lời trấn an “Hãy can đảm lên, Thầy đây, đừng sợ.”  “Thầy đây” là thuật ngữ dịch từ tiếng Hy Lạp “egô eimi” có nghĩa “Ta là.”  Đây cũng là lời bày tỏ căn tính của Đức Chúa Giavê trong cựu ước, được sách xuất hành 3, 14 thuật lại.  Chúa nói với Môisen: “Ta là (Đấng) Ta Là” – Ego sum qui sum.  Đức Giêsu muốn phá tan nỗi khiếp sợ của các môn đệ bằng cách khẳng định sự hiện diện của Ngài giữa cơn giông bão, và sâu xa hơn, đó chính là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi hữu thể của Đức Giêsu.  Thiên Chúa đang hiển hiện nơi thân xác của chính Đức Giêsu.

 

Phêrô xuất hiện, và ông đã đáp trả lời trấn an của Thầy mình.  Ông tin rằng đây không phải là một bóng ma, một phantasma, nhưng là chính Đức Giêsu Đấng đang gọi mời ông và các môn đệ.  Phêrô bắt đầu bước xuống biển và đi trên mặt nước.  Nhưng một lần nữa, ông lại sợ khi sóng to gió lớn nổi lên.  Quyết tâm của ông bị chao đảo.  Ông từ từ lún chìm trong dòng nước.  Cho dù Đức Giêsu có nói hay không nói với Phêrô “ Sao kém tin thế,” thì Phêrô cũng đã gào lên với Chúa “Thưa Thầy, xin cứu con.”  Đây là một động thái tổng hợp cả hai mặt: vừa nghi ngờ khiến ông bị chìm, vừa bày tỏ lòng tin như một phương sách cuối cùng.  Lòng tin đó khởi dẫn ông tìm đến ơn cứu độ giữa lúc bị chìm dưới biển.  Không phải chỉ Phêrô, nhưng tất cả những ai lúc đó đang ở trên thuyền, chứng kiến những sự kiện nói lên sự trọng thị đối với Đức Giêsu – chính xác hơn là sự tôn phục Ngài, chúng ta cũng như các tông đồ sẽ phải thốt lên “ Đúng Ngài là con Thiên Chúa.”  Đức Giêsu đã mặc khải uy quyền của Ngài vượt trên sức mạnh thiên nhiên và khuất phục cả những mãnh lực làm chúng ta chảo đảo sợ hãi.  Nhưng quan trọng hơn hết, Ngài khải thị cho chúng ta chính thần tính của Ngài và biểu tỏ sức mạnh có thể cứu lấy những gì đã hư mất.

 

Đa phần chúng ta chưa từng có kinh nghiệm về sự hiện diện linh thánh của Thiên Chúa sâu xa như các môn đệ, và trải nghiệm đức tin giống như các ngài đã kinh qua khi thắng vượt được sự nghi ngờ và nỗi sợ hãi.  Các ngài e rằng, mình có thể  rơi vào những ảo giác bên ngoài nhằm đánh lừa , và cái họ thấy trước mắt chỉ là một bóng ma đầy kinh khiếp.  Vì thế, đây là mấu chốt khiến câu chuyện ma trong trình thuật Tin Mừng hôm nay trở nên khá thú vị.  Không phải lúc nào Thiên Chúa cũng đến với chúng ta trong hình hài thân xác, hoặc giữa cơn bão tố, hay trong lúc chúng ta chao đảo đức tin.  Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta trong muôn vàn cách thái khác nhau.  Ngôn sứ Elia đã đến một cái hang trên núi Horeb, ngọn núi của Chúa, để gặp Chúa.  Nhưng Chúa không hiện diện trong cơn giông bão.  Ngài không có mặt trong cơn động đất, trong núi lửa, nhưng Chúa đến trong “tiếng gió hiu hiu nhè nhẹ.”   Sau khi Elia nghe những âm thanh nhẹ nhàng này, ông tiến ra đứng trước cửa hang để đón gặp Chúa.  Trong sự thanh vắng sau cơn bão tố, Chúa đã xuất hiện, hoàn toàn tĩnh lặng giữa núi rừng.  Thần khí của Chúa đã đến với Elia dưới một  một dạng thức thiêng liêng.  Người ta có thể sánh ví, Ngài đến giống hệt như một bóng ma vậy.

 

John.W. Martens – Văn Hào, SDB chuyển ngữ

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …