Home / Chia Sẻ / ĐỪNG NÉ TRÁNH TIẾNG CHÚA

ĐỪNG NÉ TRÁNH TIẾNG CHÚA

 

DungNeTranhTiengChuaChúa nói với ta là để dạy dỗ ta.  Tuy nhiên, ta dễ tìm ra nhiều chỗ núp để tránh né sự dạy dỗ ấy.  Ta có thể tránh né bằng cách mải lo việc của người khác, bằng cách hài lòng với quá khứ hoặc thêu dệt tương lai, bằng cách làm những việc bên ngoài.

  1. Con Chứ Không Phải Người Khác 

Cách dễ nhất và cũng đáng buồn nhất để tránh né điều Chúa dạy là quay sang lo việc người khác.  Một phụ nữ dễ “nói chuyện với Chúa” hằng giờ về những thiếu sót của chồng và không hề tự hỏi gì về bổn phận làm vợ, làm mẹ của mình.  Người cha gia đình có thể than thở với Chúa rất nhiều về những đứa con lớn của ông, nhưng lại không muốn hỏi Chúa xem trong việc giáo dục con cái, ông đã sai trái thế nào!  Một linh mục có thể rất bận tâm tới phần rỗi mọi người và quên mất rằng Chúa đang chờ đợi chính cha sửa đổi đời sống!  Con cái dễ trách móc cha mẹ, bề trên phàn nàn về bề dưới, giáo dân than phiền cha sở… để khỏi đối diện với những điều Thiên Chúa đang đòi hỏi bản thân họ.  

Ðôi khi ta còn nhanh nhẩu lo sửa dùm lầm lỗi của kẻ qua đường, của người hàng xóm.  Ta không có giờ suy nghĩ những vấn đề của ta vì ta đang bận phê bình các thế hệ người xưa và các tầng lớp xã hội ngày nay. 

Trước mắt Chúa, ta cần tự hỏi: “Chúa muốn dạy con điều gì?” chứ đừng hỏi: “Chúa muốn con dạy người kia điều gì?”

  1. Lúc Này Chứ Không Phải Lúc Khác 

Nếu không mắc cái tệ “việc mình thì lười, việc người thì siêng”, ta lại có thể tránh né tiếng Chúa bằng cách mải miết nghĩ đến những “thành quả” nào đó trong quá khứ.  Ta yên tâm vì mình không đến nỗi tệ…  Ta hãnh diện vì đã biết đáp lại tiếng Chúa.  Làm như là đã nắm vững ý Chúa, đã giải quyết xong đâu đó rồi, không còn vấn đề nữa.  

Như thế là quên rằng Chúa đang dìu ta từng bước một, mỗi lúc Ngài đều muốn ta tiến thêm.  Không ai khám phá tiếng Chúa một lần thay cho tất cả, và nếu không muốn lùi lại thì cũng không ai có thể cho rằng mình đã đáp lại tiếng Chúa xong rồi. 

Lắm lúc ta lại có rất nhiều lý do tốt đẹp để thêu dệt vẽ vời tương lai, mải lo giải quyết những chuyện chưa đến, mất thời giờ vì những chuyện nằm trong giả thuyết.  Không, nếu hiện tại ta không yêu thì lấy gì bảo đảm rằng tương lai ta sẽ yêu? 

Mỗi giây phút Chúa đều có điều muốn dạy ta, ta cần tỉnh táo luôn luôn để nghe được điều Chúa dạy dỗ.

  1. Chính Tâm Hồn Con Chứ Không Phải Chuyện Bên Ngoài 

Sự lẩn tránh đôi khi thật tinh vi.  Ta có thể cố gắng làm những việc thật lớn lao, nhưng chỉ là những việc bên ngoài, để dựa vào đó mà khỏi lo hoàn thiện chính mình.  Hãy nhớ lời Chúa nói: “Ta muốn tấm lòng chứ không muốn của lễ.”

Tĩnh tâm chính là dịp ta đến với Chúa, để Chúa hoán cải tâm hồn ta nên giống như Chúa, “có được những tâm tư như đã có nơi Ðức Kitô-Giêsu” (Phil 2:5), rung cảm, muốn và hành động như Ngài.

  1. Học Từ Bỏ  

Tập linh thao là tập xa bỏ những xu hướng lệch lạc để gắn bó với thánh ý Thiên Chúa.  Công cuộc này bắt đầu từ những chọn lựa nhỏ nhặt và kết quả hay không phần lớn đều do thái độ của ta trước những cám dỗ “chẳng ra gì” này.

Ví dụ:

–   không kìm hãm một câu hỏi, một cái nhìn, một điếu thuốc …

–   ươn lười trong cách ngồi nguyện ngắm

–   rút ngắn giờ nguyện ngắm

–   mải lo nghĩ về những điều sẽ làm hay có thể làm thay vì tập trung vào sự gặp gỡ Thiên Chúa. 

Ai trung tín trong việc nhỏ sẽ trong tín trong việc lớn.  Càng cương quyết trước những quyến luyến lặt vặt, ta càng có sức mạnh đáp lại những đòi hỏi lớn lao của Thiên Chúa.  Ngược lại, chỉ một nhượng bộ nhỏ cũng có thể mở đầu cho một chuỗi đầu hàng làm cho ta yếu hẳn đi, lùi lại rất xa và rồi coi thường cả những nguy cơ trầm trọng gây thiệt hại cho linh hồn mình và người khác. 

Cuộc linh thao có kết quả nhiều hay ít là tùy ta dám từ bỏ nhiều hay ít.  Việc từ bỏ nói đây trước hết là từ bỏ ý riêng, cả những cái có vẻ rất chính đáng.  Ngay từ những ngày chuẩn bị đi linh thao, hãy tập vui vẻ đón nhận mọi chuyện trái ý.  Nếu những ngày trước tĩnh tâm, ta đã cố gắng để tự thắng, vui vẻ từ bỏ ý riêng, thì trong thời gian tĩnh tâm sẽ dễ tỉnh táo trước những gợi ý có vẻ rất nhỏ mọn của Chúa. 

Ðừng quên rằng những cái nhỏ ấy đang chuẩn bị cho những cái lớn.  Nước trời bao giờ cũng bắt đầu như một hạt cải, nhỏ hơn mọi thứ hạt…  Có quảng đại với Chúa trong những việc dễ mới có thể nói không với mình trong những chuyện khó, khi phải buông bỏ những điều ta vẫn chủ quan cho là tốt nhất để chọn những điều có vẻ rất bấp bênh, ít hữu hiệu nhưng lại là điều Thiên Chúa đề nghị.  Lắm lúc Thiên Chúa chỉ đòi hỏi ta để yên cho Ngài làm.  Ðáng mừng biết bao nếu lúc ấy ta biết nhỏ lại để Ngài được lớn lên. 

Nguồn http://www.donghanh.org/

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …