Home / Tiêu Điểm / Đừng hà tiện Lòng Thương xót Chúa

Đừng hà tiện Lòng Thương xót Chúa

 

 

KONICA MINOLTA DIGITAL CAMERA

Ngày nay, vì nhiều nguyên do, chúng ta cần phải cố gắng để quãng đại và rộng lòng trao ban lòng thương xót của Thiên Chúa.

Khi con số những người tham dự phụng vụ nhà thờ tiếp tục sụt giảm, thì nhiều lãnh đạo và mục tử trong giáo hội có một cám dỗ là xem điều này như một sự cắt tỉa hơn là một bi kịch và họ hành động đáp trả tình trạng này bằng cách làm cho hình ảnh Thiên Chúa trở nên ít thương xót hơn là dễ gần. Ví dụ như, một giáo sư chủng viện mà tôi biết đã chia sẻ rằng, với 40 năm dạy một khóa học được thiết kế để chuẩn bị cho các chủng sinh thực hiện bí tích hòa giải, ngày nay, ông thấy đôi khi câu hỏi cửa miệng của các chủng sinh là: ‘Khi nào con có thể từ chối tha tội?’  Thật sự, con phải thận trọng đến mức nào khi ban lòng thương xót của Thiên Chúa?

Động cơ và lòng tin của họ gần như hoàn toàn thật tâm, nhưng lại lầm đường. Họ thật lòng e sợ việc chơi trò đánh bạc với ơn Chúa, họ sợ rằng đến cuối cùng những gì họ ban cho người khác chỉ là ơn sủng rẻ tiền.

Phần nào, đây cũng là một động cơ có căn cứ. Nỗi sợ là mình đùa giỡn với ơn Chúa, cùng với những bận tâm về sự thật, tính chính thống, những kiểu mẫu chung đúng đắn, cộng thêm nỗi sợ bị tai tiếng đã khiến họ làm việc theo khuôn phép dè dặt như vậy.  Lòng thương luôn luôn được thúc đẩy bởi sự thật. Nhưng đôi khi, các động cơ khiến chúng ta dè dặt lại không được cao cả đến thế, và nỗi lo lắng về việc trao ban một ân sủng rẻ tiền xuất phát nhiều từ tính nhỏ nhen, sợ sệt, chủ nghĩa lề luật, và cả khao khát (dù vô thức) ham muốn quyền lực.

Nhưng ngay cả kìm giữ lòng thương xót vì những nguyên do cao cả hơn đi chăng nữa, chúng ta vẫn là những mục tử xấu và lầm đường, không chung lòng với Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Chúa Giêsu đã mặc khải rằng, lòng thương của Thiên Chúa ôm lấy hết, không có phân biệt, người xấu hay người tốt, người bất xứng hay người xứng đáng, người có đạo hay không có đạo. Một trong những thấu suốt thực sự đáng giật mình mà Chúa Giêsu đã cho chúng ta, chính là việc lòng thương xót của Thiên Chúa, như ánh sáng và hơi ấm mặt trời, không thể không đổ tràn cho tất cả mọi người. Như thế, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn luôn tuôn đổ nhưng không, không cần đòi hỏi, không có điều kiện và chung cho hết thảy, lòng thương xót đó vươn ra khỏi tất cả mọi tôn giáo, phong tục, trường phái, luận điệu chính trị, chương trình luật định, mọi hệ tư tưởng, và thậm chí là cả tội lỗi.

Và như vậy, về phần chúng ta, đặc biệt là những bậc làm cha mẹ, mục tử, giáo viên, giáo lý viên, và những người cao niên, chúng ta phải liều mình công bố đặc tính rộng rãi trong lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta không được dùng lòng thương xót của Chúa như thể nó là của chúng ta, không được cấp phát ơn tha thứ của Chúa như thể một mặt hàng có giới hạn, không được đặt điều kiện cho tình thương Thiên Chúa như thể Ngài là một bạo chúa bủn xỉn hay một hệ tư tưởng chính trị, và cũng không được chặn bớt con đường đến với Chúa như thể chúng ta là những người giữ cổng Thiên Đàng. Chúng ta không phải là người có quyền đó. Nếu chúng ta kìm giữ lòng thương xót của Chúa trong sự thu mình và e ngại của chúng ta, thì chúng ta đang hạn chế lòng thương xót vô bờ của Ngài trong hạn mức tâm trí chúng ta.

Một điều đáng lưu ý trong các tin mừng là, các tông đồ, dù có ý tốt, thường cố gắng giữ một số người ra xa khỏi Chúa Giêsu như thể họ là những người không xứng đáng vậy, như thể họ là một sự xúc phạm đến sự thánh thiện của Chúa hay họ có thể làm vấy bẩn sự nguyên tuyền của Ngài vậy. Vậy nên, họ cứ luôn cố gắng ngăn trẻ con, gái điếm, người thu thuế, những người bị xem là tội lỗi, và đủ loại người khác chưa học biết đạo, đến gần với Chúa Giêsu.  Nhưng, Chúa Giêsu thì luôn luôn loại bỏ những cố gắng sai lầm của họ bằng những lời mạnh mẽ: ‘Hãy để họ đến! Ta muốn họ đến.’

Lúc mới bắt đầu đời mục vụ, tôi sống trong nhà xứ với một linh mục già thánh thiện. Cha đã trên 80 tuổi, mắt gần như đã mù, nhưng nổi danh và được kính trọng nhiều, nhất là trong vai trò cha giải tội  Một tối nọ, khi ngồi riêng với cha, tôi hỏi cha rằng: ‘Nếu được sống lại đời linh mục một lần nữa, cha có muốn làm điều gì khác đi hay không?’ Với một người đầy chính trực như cha, tôi hoàn toàn cho rằng chẳng có gì để cha phải hối tiếc. Nhưng rồi câu trả lời của cha khiến tôi bất ngờ. Cha có một nỗi hối tiếc, một hối hận lớn, là: ‘Nếu tôi được làm lại đời linh mục của mình, tôi sẽ nhẹ nhàng hơn với dân. Tôi sẽ không hà tiện lòng thương xót của Thiên Chúa, hay các bí tích, hay phép tha tội. Tôi sợ là tôi đã quá cứng rắn với đoàn chiên. Họ đã có quá đủ đau đớn rồi, chứ chẳng cần tôi hay giáo hội đặt thêm gánh nặng trên vai họ nữa đâu. Đáng ra tôi nên liều lĩnh hơn nữa với lòng thương xót của Chúa!’

Tôi được đánh động bởi lời này, bởi chưa đầy một năm về trước, khi làm các bài thi cuối ở chủng viện, một trong các linh mục thẩm xét tôi đã cho tôi một lời cảnh báo rằng: ‘Cẩn thận, đừng có mềm yếu. Chỉ có sự thật mới giải phóng con người. Hãy liều với sự thật hơn là với lòng thương.’

Khi đã cao tuổi như lúc này, tôi ngày càng đổi hướng theo lời khuyên của vị linh mục già. Chúng ta cần liều lĩnh hơn nữa với lòng thương xót của Chúa. Không bao giờ được loại trừ vai trò của công bằng và sự thật, nhưng chúng ta phải liều mình để cho lòng thương xót vô bờ, không điều kiện, không đòi hỏi của Thiên Chúa tuôn đổ một cách tự do.

Nhưng, như các tông đồ xưa, chúng ta, với ý hướng tốt, cứ luôn mãi cố gắng giữ một số người và một số nhóm người xa khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa được ban qua lời, bí tích và cộng đoàn. Nhưng Chúa không muốn sự bảo vệ của chúng ta. Điều Chúa muốn là, tất cả mọi người, bất kể phẩm hạnh, chính thống, thiếu chuẩn bị, tuổi tác, hay văn hóa, tất cả đều đến với dòng nước vô tận của lòng thương xót Thiên Chúa.

George Eliot từng viết rằng: ‘Khi thần chết đến, điều chúng ta hối hận không bao giờ là những gì chúng ta đã dịu dàng ân cần mà là những gì chúng ta đã gay gắt khắc nghiệt.’

Nguồn: Phanxicovn

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …