Home / Chia Sẻ / DỤNG CỤ

DỤNG CỤ

Đức Phu Quân Lao Động Cần Mẫn

Người Công Chính Mến Tin Dạt Dào

DỤNG CỤNghề nào nghiệp nấy – dù làm việc bằng chân tay hoặc trí óc, với các dụng cụ phù hợp với công việc đó. Dụng cụ giúp làm được việc, tâm linh cũng có loại dụng cụ đặc trưng. Nghề mộc liên quan gỗ. Thợ mộc làm việc với gỗ – thường là sản xuất thủ công. Ngày xưa, người làm nghề mộc được gọi là “bác thợ mộc” hoặc “bác phó mộc.” Người làm mộc có các dụng cụ như bào, cưa, đục, thước thợ, búa, kìm, đinh, cưa tay, cưa dây, cưa đĩa, cưa vòng, đồ tách gỗ, phay bảng, thanh nẹp,… Nhiều dụng cụ chứ không ít như chúng ta tưởng.

Nghề mộc có vẻ bình thường nhưng không tầm thường. Đức Thánh Giuse đã làm công việc bình thường một cách phi thường. Các thợ mộc thật hãnh diện vì làm nghề mà chính Chúa Giêsu cũng đã làm cùng Dưỡng Phụ Giuse. Trong cuộc sống, chắc chắn không ai lại không sử dụng các sản phẩm của thợ mộc.

Bất cứ công việc gì cũng giống như xe cút kít, chẳng có gì xảy ra nếu chúng ta không bắt đầu đẩy đi. Cái “nghề” là công việc có tính ổn định, đem lại thu nhập để duy trì và phát triển cuộc sống; cái “nghiệp” là sự cống hiến hết mình vì nghề. Có chuyên môn thì sẽ có nghề tương xứng, nhưng có nghề chưa hẳn đã có nghiệp, có nghề rồi mà không có nghiệp thì nghề cũng khó bền vững lâu dài. Cái gì cũng có cái khó nhất định nào đó.

Khó khăn thì phải cố gắng. Dùng cái này không được thì dùng cái khác. Sử dụng đúng dụng cụ thì công việc có thể dễ dàng hơn. Cái “nghiệp” thường vướng cái “chướng” – người ta gọi là “nghiệp chướng.” Dù làm nghề gì cũng vẫn cần có niềm đam mê mới có thể làm được và làm lâu dài. Theo quan niệm Công giáo, đam mê đó là đức ái. Mẹ Thánh Teresa Calcutta đưa ra chuỗi hệ lụy độc đáo này: Kết quả của Im Lặng là Cầu Nguyện, kết quả của Cầu Nguyện là Đức Tin, kết quả của Đức Tin là Tình Yêu, kết quả của Tình Yêu là Phục Vụ, kết quả của Phục Vụ là Bình An. Vậy thì cái “nghiệp” của Kitô hữu không hề “chướng” chút nào.

Chính xác như thế, bởi vì Thánh Phaolô khuyên: “Trên hết mọi đức tính, anh em PHẢI có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.” (Cl 3:14-15) Làm việc bác ái là dạng lao động tâm linh, đó là “nghề chung” của mọi người – đặc biệt là tín nhân.

Tuy nhiên, cần phải biết cách làm: Vì mình hay vì người khác, để vinh danh mình hay vinh danh Chúa? Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói NHÂN DANH CHÚA GIÊSU và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3:17) Thế nhưng đôi khi vẫn có những người làm từ thiện để “quảng cáo” hoặc đề cao chính mình, vì sáng danh mình nhiều hơn là sáng danh Chúa. Thánh Vịnh gia nêu gương cầu nguyện: “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ.” (Tv 113B:1) Những người hành động như vậy thì chắc chắn Thiên Chúa vui lòng và ban ơn dồi dào.

Thiết tưởng đây là tâm tình cần “lồng vào” công việc chúng ta làm hằng ngày: “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời vì biết rằng anh em sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người. Đức Kitô là Chủ, anh em hãy phục vụ Người.” (Cl 3:23-24) Lao động có giá trị cao, càng cao hơn nữa nếu làm vì yêu mến Thiên Chúa, vì danh Đức Giêsu Kitô. Chị Thánh “hoa hồng nhỏ” Têrêsa nhận định: “Nhặt một cây đinh vì yêu mến Chúa thì cũng có thể cứu được một linh hồn.” Giá trị lao động không hệ tại công to việc lớn, mà cách làm: Công việc bình thường được làm một cách phi thường.

Thánh Phaolô khuyến cáo: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Tx 3:10) Rất rõ ràng. Người Việt có câu: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.” Không ai lại không cần lao động, phải làm việc – bằng chân tay hoặc trí óc. Chính Chúa Giêsu xác định: “Cha tôi vẫn làm việc, tôi cũng làm việc.” (Ga 5:17) Thiên Chúa vẫn không ngừng làm việc, khởi đầu là tạo thành vũ trụ từ thuở hồng hoang, và Ngài vẫn tiếp tục cho đến tận thế.

Của Thiên Chúa tất cả – hữu hình và vô hình, kể cả thời gian, nhưng Ngài cho chúng ta được quyền quản lý thời gian riêng của mình. Thánh Vịnh gia xác định: “Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên, địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành, Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời. Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: ‘Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!’ Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90:2-4) Ngài quan phòng và tiền định mọi sự, từ khởi nguyên đến đời đời.

Cuộc đời con người tưởng dài mà lại rất ngắn, mới sinh ra  mà chẳng bao lâu đã chuẩn bị giã biệt. Cứ 20 năm là một thế hệ, là một “khoảng” của cuộc đời, ba khoảng ấy trôi qua mau lắm. Thánh Vịnh gia đã cảm nghiệm rất sâu sắc nên đã thành tâm khấn cầu: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây. Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca.” (Tv 90:12-14) Sống ở đời thì ai cũng lo, nhưng lo để mà lo chứ chẳng ích gì, khôn ngoan thì tín thác vào Chúa, lo lắm thì mệt nhiều mà thôi.

Dù khoảng đời dài hay ngắn, chẳng ai có thể “đo” được, nhưng vẫn phải miệt mài làm việc, trước là sinh lợi cho mình, sau là sinh ích cho tha nhân. Lao động là bổn phận của mọi người, nhưng kết quả do Chúa quyết định: “Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa được thấy công trình Ngài thực hiện, và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài. Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm.” (Tv 90:16-17) Có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.” Người đời mà cũng cảm nhận được như vậy đấy.

Tuy nhiên, dù thành công hay thất bại, chúng ta vẫn phải tâm niệm theo tinh thần người tôi trung của Chúa: “Chúc tụng Chúa trong mọi ngày, Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ chúng ta, Người vác lấy gánh nặng của chúng ta.” (Tv 68:20) Chúa Giêsu hứa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, (Mt 28:20) chắc chắn Ngài không bỏ mặc chúng ta giữa vũng lầy trần gian nhiêu khê này.

Nghề nghiệp không liên quan thân phận con người, nhưng người ta lại nhìn nhau qua lăng kính thiển cận và thiên tư, do đó mà có tình trạng khinh miệt hoặc tâng bốc nhau. Trình thuật Mt 13:54-58 cho chúng ta biết về định kiến và óc hẹp hòi của những người cùng quê. Xưa nay vẫn thế ở bất cứ xã hội nào.

Theo Thánh sử Mátthêu, Chúa Giêsu đã về quê và giảng dạy trong hội đường, dân làng đã sửng sốt, nhưng họ lại không tin đó là sự thật, và họ thắc mắc: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Đúng là nếp nghĩ hạn hẹp, thiển cận. Chỉ có người giỏi mới chân nhận cái giỏi của người khác. Ở đâu cũng có nhân tài, người giỏi vẫn có thể xuất xứ từ một gia đình bình thường nhất. Thực tế xưa nay vẫn chứng tỏ sự thật minh nhiên đó.

Cũng chỉ vì nghĩ ngắn, lòng cạn, thế nên dân làng Nadarét đã vấp ngã vì Chúa Giêsu – người cùng quê với họ. Không thể làm ngơ, Chúa Giêsu phải nói thẳng: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Sự thật quá phũ phàng! Chính Chúa Giêsu cũng chịu “bó tay” nên không thể làm nhiều phép lạ tại đó. Có làm cũng vô ích, vì họ không tin. Thế thái nhân tình là thế! Chúa Giêsu bị chê vì người ta nghĩ Ngài chỉ là con Bác thợ mộc Giuse, không thể là nhân tài, không thể xuất chúng. Chính Chúa Giêsu mà còn bị từ chối thì chúng ta có là gì cũng chẳng đáng chi. Cứ là chính mình và cứ thản nhiên mà sống.

Hãy mau đến với Đức Thánh Giuse! Đến với ngài, vì ngài được mệnh danh là “Nỗi Kinh Hoàng của Ma Quỷ.” Dù hung dữ cỡ nào thì chúng vẫn rất sợ Uy Danh Giuse mà phải cao chạy xa bay, không dám quấy rối những người thành tâm chân chính. Thánh tiến sĩ Têrêsa Avila xác định: “Tôi xin gì với Thánh Giuse cũng được. Ai không tin, hãy thử mà xem!” Đức Thánh Giuse không nói nhưng làm thật.

Tạ ơn Thiên Chúa đã ban Đức Thánh Giuse cho nhân loại. “Bác thợ” này không chỉ sửa chữa các dụng cụ mà còn sửa chữa cả tâm hồn của chúng ta. Ngài là “siêu nhân” giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn của cuộc đời, đặc biệt trong cơn đại dịch cúm Tàu vẫn tiếp tục hoành hành khắp thế giới hơn một năm qua.

Như chúng ta đã biết, tên gọi Giuse rất bình thường, con người và nghề nghiệp của ngài cũng bình thường, nhưng ngài lại có cách sống phi thường: Giữa bộn bề lo toan luôn chứng tỏ là một Gia Trưởng mẫu mực, chu toàn trách nhiệm làm chồng và làm dưỡng phụ của Đấng Cứu Thế, nhưng vẫn miệt mài làm mộc để mưu sinh.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cảm tạ Ngài vẫn thương xót chúng con, mặc dù có những lúc chúng con bất trung. Chúng con thành tâm xin lỗi Ngài. Cúi xin Ngài uốn nắn chúng con theo ý Ngài, giúp noi gương Đức Thánh Giuse, biết quên mình, làm theo Ý Ngài và sống cho nhau, để nên lợi khí cho Ngài.

Lạy Đức Dưỡng Phụ Giuse, xin cầu thay nguyện giúp chúng con, bây giờ và khi trút hơi thở cuối cùng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG