Home / Chia Sẻ / ĐỪNG CHẠY TRỐN THẬP GIÁ

ĐỪNG CHẠY TRỐN THẬP GIÁ

DungchaytronthapgiaMột trong các diện mạo nổi bật của Cuộc Khổ Nạn là Chúa Giêsu đơn độc dữ dội trong những giờ phút cuối cuộc đời Ngài trên thế gian.  Đa số các môn đệ, những người theo Ngài và là bạn hữu của Ngài, đều trốn Ngài và bỏ rơi Ngài trong lúc cấp bách nhất.  Thánh Phêrô còn cả gan dám chối bỏ Ngài tới ba lần để tránh liên lụy tới Ngài – người mà ông đã mạnh mẽ tuyên xưng là Con Thiên Chúa (Mt 16:16).  Có vài người tận tình theo sát Ngài, đó là Đức Mẹ và Thánh Gioan, những người đứng bên chân Thập Giá và chứng kiến Chúa Giêsu Chúa Giêsu bị đóng đinh, rồi cùng đưa Ngài đi an táng.

Khi đi qua Mùa Chay Thánh này, chúng ta cần suy tư về những lần chúng ta đã chạy trốn thập giá và chạy trốn Chúa Giêsu.  Chúng ta đã từng làm điều đó, bằng cách này hay cách khác.  Đó là những lúc chúng ta trốn tránh đau khổ của chính mình, của người thân, của người lân cận, hoặc của những người mà chúng ta gặp trong cuộc sống hằng ngày.  Nhưng “chạy trời không khỏi nắng”, bởi vì chúng ta không thể trốn tránh đau khổ về thể lý – như bệnh tật, mất người thân, mất việc làm, bị tổn thương, hoặc các dạng đau khổ khác, kể cả những điều trái ý trong cuộc sống.  Khi đau khổ xảy ra, chúng ta thường tránh né bằng cách xem ti-vi, lướt internet, ăn uống thứ gì đó, uống rượu, sử dụng ma túy, xem phim ảnh đen, v.v…  Rất đa dạng.  Chúng ta tìm cách làm bất cứ thứ gì để tránh đối mặt với thực tế của cuộc sống: thập giá.  Thật vậy, chúng ta luôn tìm cách chạy trốn thập giá!

Chạy Trốn Đau Khổ Của Người Khác

Đây là điều rất thật, đó là khi chúng ta gặp đau khổ của người khác.  Người ta rất ưa chủ nghĩa cá nhân.  Đây là đặc điểm đối lập với cách hiểu của Công giáo về Nhiệm Thể Đức Kitô.  Chúng ta là một cộng đồng.  Chúng ta được liên kết với nhau qua Chúa Thánh Thần ở mức độ sâu xa nhất của chính con người chúng ta.  Chúng ta là các chi thể của Đức Giêsu Kitô trên thế gian này.  Chúa Giêsu là Đầu.  Khi một chi thể của Nhiệm Thể bị đau, tất cả chúng ta cũng bị đau.  Chúng ta không biết thực tế này nên chúng ta có thể làm ngơ, nhưng đó là sự thật minh nhiên.

Khi yêu thương nhau với tư cách là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi đi vào trong nỗi đau khổ của những người lân cận.  Điều này không dễ, nhưng không có gì về Thập Giá cho chúng ta biết đời sống tâm linh và con đường nên thánh sẽ dễ dàng.  Chúa Cứu Thế Giêsu đã chết trên Thập Giá và Ngài cho chúng ta biết rằng chúng ta PHẢI theo Ngài.  Có một Thập Giá cuối cùng dành cho mỗi chúng ta là chúng ta chắc chắn sẽ phải đối mặt trước khi chúng ta có thể bước vào đời sống vĩnh hằng: TỬ THẦN ĐANG ĐỢI TẤT CẢ CHÚNG TA.  Thập Giá đến trước khi ngôi mộ trống.  Cuộc sống này là những chuỗi thập giá dẫn chúng ta tới chung một số phận như Đức Chúa của chúng ta.  Dù vậy, chúng ta vẫn hy vọng nhờ những gì xảy ra phía sau Thập Giá.

Khi Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội trên thế gian, Ngài muốn kết hiệp toàn nhân loại qua dấu chỉ hữu hình đối với thế giới thực tế về bản thể học (ontological reality) trong tính liên kết của nhân loại và tặng phẩm Ơn Cứu Độ.  Đức Kitô đã mặc xác phàm, điều này liên kết Ngài với chúng ta trong tình đoàn kết và liên kết chúng ta với nhau.  Đó là nhờ mối liên kết sâu xa mà Ngài truyền lệnh cho chúng ta là phải yêu thương người lân cận.  Yêu thương đòi hỏi lòng ước muốn trong chúng ta về điều tốt lành đối với người lân cận.  Điều đó có nghĩa là chúng ta phải cầu xin Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta có sức chịu đựng, bởi vì tình yêu đòi hỏi sự hy sinh: vác thập giá.  Chúng ta cần can đảm chung phần đau khổ với tha nhân, nhưng tình yêu thương thúc giục chúng ta thể hiện sự công bình.  Chúng ta làm nhẹ gánh nặng của người khác và mở rộng khả năng yêu thương khi chúng ta chấp nhận đồng hành với những người đau khổ ở xung quanh chúng ta.  Đi vào nỗi đau khổ của người khác không chỉ là phong cách của Mẹ Thánh Teresa Calcutta, mà còn phải là của mỗi chúng ta.

Đi Vào Nỗi Đau Khổ Của Người Khác Bằng Cách Nào?

Đa số chúng ta không được mời gọi từ bỏ mọi thứ để sống trong những khu nhà ổ chuột và dành trọn thời gian để phục vụ người nghèo.  Chúng ta có trách nhiệm gia đình, đó là ơn gọi của chúng ta.  Thập giá của người khác có thể ở nhiều dạng, và chúng ta phải tập thói quen nhận ra nhu cầu của những người ở xung quanh chúng ta.  Chúng ta phải mang sức nặng thập giá của chính mình, đồng thời cũng tìm cách làm nhẹ gánh nặng của người khác.  Bắt đầu có thể là thăm viếng bệnh nhân hoặc người già nào đó, an ủi người sầu khổ, nâng đỡ người thất vọng, giúp đỡ người cô thân, chia sẻ lương thực với người nghèo khó, gọi điện thăm hỏi ai đó, chia sẻ với người vô gia cư…  Hãy nhìn họ là hình ảnh của Thiên Chúa.  Cứ thế và cứ thế…  Cái nghèo đáng sợ nhất là cái nghèo về tinh thần: sự cô đơn.  Khi nào chúng ta thôi chạy trốn thập giá?  Đó là lúc chúng ta không ngừng yêu thương người lân cận, bởi vì không có cách nào có thể chấm dứt đau khổ trên thế gian này!

Chúng Ta Có Tiếp Tục Chạy Trốn?

Bạn có chạy trốn thập giá?  Mỗi chúng ta có thể trả lời “có” với câu hỏi này.  Chắc chắn tất cả chúng ta đều đã từng làm ngơ trước nỗi đau khổ của người khác.  Vào một lúc nào đó, tất cả chúng ta đã tránh né thập giá của chính mình bằng cách nào đó.  Chúa Giêsu đã dùng chính các thập giá này để làm tăng khả năng yêu thương ở chúng ta, Ngài muốn làm chúng ta nên thánh.  Thật là không hề dễ chút nào.  Đau khổ rất mạnh mẽ khiến người ta có thể cảm thấy không thể sống sót, nhưng Thiên Chúa vẫn có thể mở rộng tâm hồn chúng ta qua những nỗi đau khổ đó.  Ngài cũng mở rộng tâm hồn yêu thương của chúng ta qua đau khổ chúng ta chịu hằng ngày.

Chúng Ta Nghĩ Về Thiên Đàng Như Thế Nào?

Thiên Đàng là sự liên kết những con người đã được định hình theo tình yêu của Chúa Ba Ngôi chí thánh.  Đó là mối liên kết được nhận biết trọn vẹn, là SỰ QUÊN MÌNH HOÀN TOÀN, là sự liên tục yêu thương qua hành động – như việc các thánh cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.  Đó là sự bước vào thập giá của người khác cho tới tận thế.  Yêu thương đòi hỏi thập giá.  Một trong các cách Thiên Chúa chuẩn bị Nước Trời cho chúng ta là dạy chúng ta đi vào nỗi đau khổ của tha nhân.  Thập giá có tính biến đổi, có thể làm chúng ta nên thánh.  Mùa Chay này, chúng ta hãy cầu xin cho có sức mạnh và biết cách đi vào Cuộc Khổ Nạn cùng với Chúa Giêsu và tha nhân để chúng ta có thể trưởng thành trong tình yêu thương và sự thánh thiện.

Constance T. Hull

 Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …