Home / Chia Sẻ / ĐỪNG CẬY VÀO SỨC NGƯỜI SỨC TRÂU

ĐỪNG CẬY VÀO SỨC NGƯỜI SỨC TRÂU

TrauNăm nay, được gọi là năm con Trâu.  Một con vật gắn bó với con người, luôn đi chung với con người, luôn làm theo ý của chủ mình, như ca dao xưa thường nói:

Rủ nhau đi cấy đi cầy,
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu,
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa.”
 
Sự gắn bó, chia sẻ việc đồng áng của con trâu khiến người ta nhân cách hoá con vật như là loài hiểu biết để có thể nói với trâu như nói với bạn:

Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta,
Cầy cấy nối nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Khi nào cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn“.
 
Tuy nhiên, dầu sức người, sức trâu có khỏe mấy cũng chỉ là “dã tràng se cát biển đông” nếu Trời không cho mưa thuận gió hòa.  Thế nên, từ lâu cha ông ta vẫn luôn cầu Trời ban cho mưa thuận gió hòa để cuộc sống được ấm no hạnh phúc, để công việc đồng áng được thuận lợi quanh năm.

“Nhờ Trời mưa thuận gió hoà
Nào cày, nào cấy trẻ già đua nhau.
 
Vì thế, từ lâu người Việt Nam đã biết có ông Trời.  Tin ông Trời.  Cầu khẩn ông Trời.  Ông Trời trở thành một thần linh luôn đồng hành với con người qua mọi thăng trầm.  Tuy không rõ Ông Trời thế nào nhưng không ai lại không kính Trời.  Ai cũng sợ Trời và cố gắng làm vui lòng Trời.  Vì ông trời làm chủ vận mệnh muôn loài.  Ông Trời quyền phép vô cùng.  Thế nên,

Mưu sự tại nhân – Thành sự tại thiên
Trời cho ai nấy hưởng
Sống nhờ ơn Trời – Chết về chầu Trời.
 
Niềm tin Kitô giáo cho chúng ta biết ông Trời của người Việt Nam chính là Thiên Chúa, Ngài là Chúa Cả Trời đất, chính Ngài chúc phúc cho công việc của con người được “thuận buồm xuôi gió” như lời thánh Phaolo quả quyết: “Phaolô trồng, Apollô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1Cr 3,6).  Điều này cho ta thấy, Thiên Chúa chỉ chúc lành cho công việc của con người, đúng như câu ca dao xưa: “Có làm thì mới có ăn.  Không dưng ai dễ mang phần cho ta.”
 
Chính Ngôi Hai Thiên Chúa đến trong thế giới, Ngài đã sinh ra trong một gia đình lao động, qua đó Chúa nâng đời sống lao động và thánh hoá đời sống lao động, Chúa làm gương về đời sống phục vụ, mỗi giọt mồ hôi, mỗi sự mệt mỏi trong lao động của Chúa Giêsu đều mặc một giá trị cứu rỗi.  Con người luôn phải ý thức lời Kinh Thánh viết, hướng dẫn và chỉ bảo:

Bốn mùa Chúa đổ hồng ân,
Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi ( Tv 64, 2 ).
 
Vì thế, người tín hữu Việt Nam luôn có một thói quen tốt lành là dâng mọi công việc làm của mình cho Thiên Chúa trong ngày đầu năm mới.  Đây gọi là thánh hóa công ăn việc làm cho Thiên Chúa.  Thánh hoá công ăn việc làm là xin Chúa lau sạch những giọt mồ hôi vất vả đổ ra vì sự làm việc của chúng ta.  Thánh hoá công ăn việc làm là cầu xin Chúa chúc lành cho nghề nghiệp của chúng ta trở nên hữu ích, không chỉ là làm ra của cải mà còn phục vụ tha nhân trong tình bác ái; thánh hoá công ăn việc làm là cầu xin Chúa hướng dẫn chúng ta sử dụng tay nghề ngày càng tốt hơn để làm góp phần xây dựng quê hương ngày một giầu đẹp hơn.
 
Trong ngày lễ thánh hoá công việc làm ăn hôm nay, chúng ta cũng cầu xin cho những ai đang thất nghiệp có công việc làm ăn để nuôi sống bản thân.  Cầu chúc cho mọi gia đình trong năm mới luôn tìm được niềm vui của sự chia sẻ của các thành viên trong gia đình, nhờ đó mà chúng ta có thể vẽ lên bức tranh thanh thản, bình an nơi gia đình như câu ca dao xưa: “chồng cầy vợ cấy, con trâu đi cầy.”
 
Cầu chúc cho mọi người có sức khỏe để “cày như Trâu,” chúc cho mọi người một năm mưa thuận gió hòa, người người người tận tụy, chăm chỉ làm ăn và sống hiền hòa bên nhau.  Và cầu chúc cho anh em chị em một năm mới:

Phước lộc ơn trời tuôn đổ mãi
An bình hạnh phúc chẳng hề vơi.”  Amen!

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
 

Xem thêm

30-12-2024 9-47-45 PM

Lời Chúa – Thứ Ba Tuần Bát Nhật Giáng Sinh Năm C | 31/12/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN